Xu thế phát triển truyền thông trên thế giới và kinh nghiệm cho các cơ quan báo chí địa phương ở Việt Nam

15:29 19/01/2024

Tác động của xu thế phát triển đa phương tiện trên thế giới tạo nên mô hình các cơ quan báo chí địa phương hội tụ truyền thông đa phương tiện. Bài viết chỉ ra xu thế tích hợp của các cơ quan báo chí địa phương theo xu thế hội tụ, đó là công nghệ mạng và công nghệ máy tính. Các công nghệ này đã tạo nên xu thế phát triển truyền thông đa phương tiện ở các cơ quan báo chí địa phương hiện nay.

Xu hướng truyền thông đa phương tiện của một số cơ quan báo chí hiện đại trên thế giới

Ở các nước có nền báo chí phát triển mạnh (đặc biệt là Mỹ, Anh, Đức, Thụy Điển…) đang hoạt động theo mô hình tòa soạn đa phương tiện và mô hình này được coi là một xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại hội tụ công nghệ.

Một trong những biểu hiện của xu hướng truyền thông đa phương tiện trên thế giới là quá trình các hãng truyền thông liên kết, sáp nhập hoặc mua cổ phần của nhau. Năm 2007, giữa Google và Double Click, Yahoo và Right Media; Thomson Corp (Ca-na-đa) và Reuter Group PLC (Anh); năm 2008, giữa Timer Warner và American Online. Một số các trường hợp tòa soạn đa phương tiện được phát triển từ một số tờ báo như The Daily Telegrap (Anh) hay Osterreich vào năm 2006… Sự liên kết này là sự kết hợp giữa các phát triển truyền thông cũ và mới (cụ thể báo mạng và báo giấy)1.

(1) Mỹ là một quốc gia có nền báo chí rất phát triển, cùng với đó là hoạt động kinh tế báo chí phát triển và năng động nhất trên thế giới. Theo xếp hạng của Forbes, trong số 10 tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới năm 2014 thì có 9 tập đoàn truyền thông đến từ nước Mỹ. Quá trình phát triển của các tập đoàn truyền thông đều cơ bản theo hướng sáp nhập, hợp nhất, mua lại. Hoạt động của các tập đoàn truyền thông đều kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: xuất bản báo và tạp chí, truyền hình, dịch vụ truyền hình vệ tinh, phát thanh, mạng cáp quang, di động, xuất bản và quảng cáo, sản xuất phim, chương trình truyền hình, video game.

Các cơ quan báo chí địa phương của Mỹ, như: Trung tâm Tin tức truyền thông Tampa ở Florida, báo New York Times, Washington Post và Los Angeles Times đã thực hiện truyền thông đa phương tiện từ năm 2000. Điển hình là Trung tâm Thông tin ở Tampa, bang Florida (Mỹ) đại diện cho mô hình hội tụ này. Tất cả nhân viên của Đài truyền hình Tampa Tribune WFLA-TV và trang điện tử tbo.com đã chuyển đến làm việc tại một văn phòng (tòa soạn hội tụ) mới trị giá 40 triệu USD2. Với không gian làm việc đó đã tạo ra sự gần gũi và khuyến khích các phóng viên có thể hợp tác với nhau trong công việc.

Theo thiết kế, giữa tòa soạn là khu vực lãnh đạo có một bàn siêu biên tập được coi là “sở chỉ huy” của tòa soạn, giúp lãnh đạo đưa ra chỉ thị một cách nhanh nhất khi tác nghiệp. Bên cạnh đó, cócác ban (phòng) chuyên môn cũng có sự kết nối dễ dàng trao đổi ý tưởng và có phản hồi lại ngay sau khi nhận được chỉ thị của lãnh đạo. Lãnh đạo các phòng (ban) có thể trao đổi trực tiếp với nhau và lên kế hoạch sản xuất tin tức, từ đó chỉ đạo phóng viên đưa tin một cách tốt nhất cho các loại hình báo chí.

(2) Ở Anh, tờ The Daily Telegraph – nhật báo ở London, có lượng phát hành rộng rãi trên khắp đất nước thế giới. Bắt đầu từ năm 2007, văn phòng tòa soạn hội tụ của The Daily Telegraph với diện tích khoảng 6.500m². Tất cả phóng viên và biên tập viên của tòa soạn đều làm việc tập trung trong một văn phòng và hợp tác làm việc với nhau để cùng sản xuất các ấn phẩm của The Daily Telegraph bao gồm tờ báo in, trang web và các sản phẩm kỹ thuật số khác như các loại băng đĩa thu âm hay băng đĩa phỏng vấn đều được sản xuất 24/24h3. Văn phòng Tòa soạn The Daily Telegraph được thiết kế theo mô hình bánh xe. Trong đó, bộ phận sản xuất nội dung đóng vai chủ đạo trong việc truyền tải thông tin đến với người đọc. Bộ phận truyền thông kỹ thuật số ở bên trái phía trên phụ trách các lĩnh vực kỹ thuật của các kênh trực tuyến. Phần nội dung chủ yếu do các ban chuyên môn và đội ngũ nhà báo thực hiện.

Theo thiết kế của The Daily Telegraph, các ban chuyên môn được sắp xếp gần trung tâm tin tức. Các biên tập viên ngồi ở hàng ghế đầu, tiếp theo là hàng ghế dành cho các phóng viên. Mặc dù với cách thiết kế khá giống nhau nhưng các bộ phận trong tòa soạn hội tụ vẫn làm việc theo phương thức hoàn toàn riêng biệt. Tòa soạn đa dạng hóa hình thức làm việc, phóng viên có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các loại hình báo chí, gồm: báo in, trang web và kênh truyền hình kỹ thuật số. Các phóng viên của tòa soạn này đều có kỹ năng đa phương tiện tốt, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.

(3) Tòa soạn Osterreic của nước Áo đã xây dựng một phòng tin tức theo mô hình bánh xe. Bàn siêu biên tập được đặt ở trung tâm. Với cách sắp xếp đó, phóng viên viết cho báo in và báo điện tử cùng làm việc trong một môi trường, có thể hỗ trợ nhau trong công việc, thay vì mỗi bên chỉ quan tâm sản xuất nội dung cho kênh của mình như trước kia. Khi (phòng) ban báo in họp bàn về nội dung, những phóng viên của báo điện tử cũng biết chính xác vấn đề gì đang được thảo luận để chủ động tổ chức tin bài, mặc dù hai ban này được tổ chức riêng rẽ.

(4) Tòa soạn Nordjyske Stiftstidende của Đan Mạch được coi là mô hình tòa soạn hội tụ điển hình. Năm 2003, Nhật báo Nordjyske Stiftstidende có lượng phát hành tới 75.000 bản đã thiết kế lại bộ phận biên tập, chuyển đổi từ mô hình tòa soạn trung tâm là báo giấy sang mô hình tòa soạn hội tụ hiện đại. Mỗi ngày trung tâm sản xuất tin tức của tòa soạn này có nhiệm vụ sản xuất và phát hành 1 tờ báo miễn phí, 1 kênh truyền hình online và truyền hình cáp cùng với hai chương trình phát thanh khác4. Mỗi kênh (loại hình báo chí) đều có một biên tập phụ trách ngồi ở bàn siêu biên tập. Nội dung được sản xuất ra bởi các ban giống như các ban của tờ báo. Theo thiết kế này, tổng chỉ huy ngồi ở bàn siêu biên tập. Thông thường, tổng chỉ huy được chọn từ 1 trong 5 người ở bàn siêu biên tập, những người còn lại phụ trách nội dung của từng ban, là đội ngũ quan trọng trong bàn siêu biên tập. Tổng chỉ huy có trách nhiệm điều phối các sản phẩm đầu ra từ các ban cho từng loại hình báo in, điện tử, radio và tivi, trực tiếp thảo luận với những người biên tập ở các kênh khác nhau, sau đó quyết định khi nào được đăng và đăng ở đâu, cũng là người điều tiết các mối quan hệ và xung đột trong tòa soạn cũng như cân bằng trong việc xuất bản nội dung của từng ban chuyên môn.

Nordjyske Stiftstidende rất thành công trong việc sắp xếp, tổ chức lại tòa soạn hội tụ. Đặc biệt, sau khi thiết kế trung tâm sản xuất tin tức của tòa soạn đặt ở bàn siêu biên tập, Nordjyske Stiftstidende đã mở rộng được các nhóm công chúng khác nhau, tăng doanh thu cho tòa soạn.

(5) Ở châu Á, các tập đoàn báo chí cũng bắt kịp xu hướng đa phương tiện từ giữa năm 2004. Một số tập đoàn tiên phong như Star Publications (Ma-lai-xi-a), The nation Group (Thái Lan), Press Holding (Xinh-ga-po)… đều là những tập đoàn phát triển mạnh theo hướng truyền thông đa phương tiện.

Mô hình tòa soạn hội tụ giữa báo in và báo điện tử của Straits Times (Xinh-ga-po) chuyên sản xuất các tin tức hội tụ qua trang mạng www.stomp.com.sg. Tờ báo mạng điện tử này kết hợp âm thanh và video của truyền hình, có khả năng tương tác và lưu trữ rất cao. Theo đánh giá của một số chuyên gia, phần lớn các tin tức ở trang này do công chúng cung cấp. Đây là một cách thức thể hiện mới, đồng thời cũng là loại hình mới trong việc đưa tin của tòa soạn hội tụ. Chẳng hạn, STOMP nhận tin phản ánh từ độc giả, sau khi kiểm chứng thông tin, tòa soạn này sẵn sàng đăng những tấm hình do độc giả cung cấp lên trang nhất. Với cách làm này, STOMP đã tận dụng tối đa nguồn cung thông tin từ độc giả, độc giả không chỉ là người tiếp nhận mà còn là người sản xuất, cung cấp thông tin cho tòa soạn5.

Trung Quốc là quốc gia có thể chế chính trị tương đồng với Việt Nam. Năm 1996, Tập đoàn báo chí Nhật báo Quảng Châu ra đời, đánh dấu bước phát triển mới của báo chí Trung Quốc. Ðến năm 2006, Trung Quốc có tất cả 40 tập đoàn báo chí, năm 2013, có 47 tập đoàn báo chí. Quy mô của một tập đoàn đa truyền thông không chỉ có báo in, báo mạng (báo điện tử), nhà in mà còn phát triển cả truyền hình. Những tập đoàn lớn, như: Nhật báo Quảng Châu, Nhật báo Giải phóng có hơn mười đầu báo, tập đoàn nhỏ cũng có khoảng 5 – 6 đầu báo. Năm 2002, có 39 tập đoàn báo chí lãi 21,237 tỷ NDT, trung bình mỗi tập đoàn lãi 545 triệu NDT, số tiền thu được từ quảng cáo 13,307 tỷ NDT, chiếm 62,66%. Trong số 40 tập đoàn báo chí, báo mạng của các tập đoàn báo chí rất phát triển6. Tin tức cập nhật thường xuyên, hình ảnh sống động, thời gian lưu trữ lâu… Khi chưa đủ điều kiện thành các kênh truyền hình độc lập, các tập đoàn vẫn tận dụng tính năng ưu việt của báo mạng. Các tờ báo mạng đưa thông tin cho độc giả qua chữ viết, hình ảnh và đoạn phim (video clip) sống động. Ðó là bước đệm để phát triển chuyên nghiệp – tập đoàn đa truyền thông.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Việc hội tụ công nghệ – truyền thông – viễn thông là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Đó là kết quả của sự phát triển công nghệ thông tin – truyền thông. Hệ quả dẫn đến truyền hình qua dịch vụ Internet bùng nổ khiến hoạt động sản xuất truyền hình phi tuyến tính trở nên nhanh, tiện và rẻ hơn trước. Chỉ cần trang bị máy quay Dvcam, internet, máy tính cài phần mềm dựng băng hình phi tuyến tính, kết hợp với một dải băng thông rộng của nhà cung cấp internet, một cá nhân cũng có thể tự sản xuất và phát sóng chương trình truyền hình.

Trên thế giới, nhiều hãng truyền thông đã đầu tư IPTV (truyền hình dịch vụ internet), một điển hình của sự hội tụ viễn thông và truyền hình, hữu tuyến và vô tuyến, mang đến cho công chúng nội dung kỹ thuật số chất lượng cao (dịch vụ truyền hình tương tác, trò chơi gameshow, tin nhắn qua tivi, videocast, podcast…). Như vậy, hội tụ các loại hình báo chí làm đa dạng phương thức truyền tải nội dung tác phẩm báo chí. Các cơ quan báo chí địa phương ở Việt Nam sẽ phải hội nhập với xu hướng phát triển mới của báo chí hiện đại (một nội dung thể hiện qua nhiều hình thức thể hiện của báo chí). Đồng thời, rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ quan báo chí địa phương nhằm kiện toàn, sắp xếp, tái cấu trúc bảo đảm phù hợp năng lực để sản xuất đa dạng các loại hình báo chí theo xu hướng hiện đại trên thế giới hiện nay.

Xu hướng truyền thông đa phương tiện là xu hướng mang tính toàn cầu. Vì vậy, từ kinh nghiệm của một số quốc gia có nền báo chí hiện đại, như: Mỹ, Đan Mạch, Áo, Anh và một số nước châu Á…, nhiều cơ quan báo chí địa phương ở Việt Nam đã và đang xây dựng theo mô hình cơ quan báo chí hội tụ, như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh – Truyền hìnhHà Nội, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, ngày 04/4/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 531/QĐ-TTTT về kế hoạch hành động năm 2023, triển khai 9 chiến lược phát triển lĩnh vực báo chí giai đoạn 2021 – 2025, trong đó xác định rõ tỷ lệ cơ quan báo chí hoàn thành việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ mục tiêu đến năm 2025 đạt 80%.

Mô hình tòa soạn hội tụ giữa báo in và báo điện tử của Straits Times (Xinh-ga-po) hay từ kinh nghiệm của Trung Quốc về quy mô của một tập đoàn đa truyền thông không chỉ có báo in, báo mạng (báo điện tử), nhà in mà còn phát triển cả truyền hình. Hay từ tòa soạn đa dạng hóa hình thức làm việc của báo chí nước Anh, Áo, Đan Mạch, biên tập viên, phóng viên có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cả báo in, trang web và kênh truyền hình kỹ thuật số, đặc biệt, đội ngũ này đều có kỹ năng đa phương tiện tốt, làm việc hiệu quả và cùng hoạt động trong mô hình báo chí hội tụ.

Để thích ứng với phương tiện truyền thông mới này, các tòa soạn đang dần thay đổi không gian lảm việc, tăng hiệu quả xử lý thông tin, quản lý chất lượng nội dung nhất quán trên mọi loại hình kênh thông tin của phương tiện truyền thông; áp dụng kế hoạch sản xuất tin tức thống nhất bảo đảm nguồn cung cấp thông tin độc quyền về những vấn đề đang được công chúng quan tâm nhất. Đây là hướng đi của báo chí hiện đại trên thế giới và cả cho báo chí Việt Nam.

Mạng internet phát triển đã làm thay đổi phương thức truyền thông ở các cơ quan báo chí địa phương. Các cơ quan báo chí địa phương hiện nay đều không chỉ phát triển một loại hình báo chí độc nhất. Cùng với báo in hay các chương trình phát thanh – truyền hình, các cơ quan báo chí địa phương có các trang thông tin điện tử, báo mạng điện tử, đài phát thanh – truyền hình có website riêng ở tất cả các cơ quan báo chí địa phương. Đó là sự kết hợp giữa phương tiện truyền thông cũ và mới (báo in, phát thanh – truyền hình) và báo mạng điện tử.

Với quyết tâm xu thế hội tụ đạt hiệu quả cao, ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Hiện nay, qua khảo sát thực tế ở Việt Nam, mới chỉ có Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh áp dụng mô hình cơ quan báo chí hội tụ (theo Quyết định số 1267/QĐ-TU ngày 18/12/2008 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc thành lập Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở hợp nhất 4 đầu mối cơ quan báo chí hiện có. Hiện nay, một số cơ quan báo chí địa phương  cũng đang xây dựng đề án thí điểm mô hình tòa soạn hội tụ.

Tuy nhiên, xác định thế nào là cơ quan báo chí hội tụ; mô hình cơ quan báo chí địa phương hội tụ được quy định về tổ chức và hoạt động ra sao, tương lai cơ quan báo chí địa phương Việt Nam có bắt nhịp được với xu thế hội tụ hay không vẫn còn đang đặt ra rất nhiều thách thức với các cơ quan báo chí địa phương, trong đó có vấn đề về thể chế, hành lang pháp lý quy định cụ thể về mô hình này ở các địa phương trên cả nước.

Sự phát triển có tính chất nhảy vọt của công nghệ truyền thông, của internet và các ứng dụng của công nghệ mới trong mọi lĩnh vực của đời sống đang ngày càng phổ biến, đã tạo động lực mới cho sự phát triển và cải  cách các mô hình tổ chức hoạt động của cơ quan báo chí địa phương theo xu hướng hội tụ truyền thông đa phương tiện (như Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh), đồng thời, tạo nên những thách thức đối với các cơ quan này khi chưa xây dựng được một cơ quan báo chí đa phương tiện theo mô hình mới, do cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu, chưa được trang bị thích ứng với xu thế hiện đại. Qua kinh nghiệm của các nước, việc xây dựng mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện hiện nay tùy thuộc vào tư duy của lãnh đạo từng cơ quan, ngân sách địa phương và nhiều yếu tố thuộc điều kiện thực tiễn của địa phương.

Kết luận

Như vậy, có thể thấy, do sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ máy tính, internet, số hóa và do sự cạnh tranh của các loại hình báo chí với các loại hình truyền thông đại chúng khác đã dẫn đến xu thế phát triển tất yếu của các mô hình tổ chức và hoạt động các cơ quan báo chí nói chung và cơ quan báo chí địa phương nói riêng. Các cơ quan báo chí chịu sự tác động to lớn của xu hướng hội tụ công nghệ – truyền thông – viễn thông, hội tụ mô hình tổ chức cơ quan báo chí. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí cần thay đổi phương thức truyền thông theo hướng hội tụ, tích hợp và chính những người làm báo, phóng viên, biên tập viên cũng phải trở nên đa năng hơn để thích ứng với tình hình mới.

Chú thích:
1. La Thị Hoàn. Báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên hội tụ: Thách thức và triển vọng phát triển. Kỷ yếu Hội thảo Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa, cơ hội và thách thức, 2013, tr. 230.
2. Quản lý Báo chí trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 18/6/2007.
3. Carmilla Floyd. Tổ chức tòa soạn đa phương tiện. H. NXB Hà Nội, 2009, tr. 34.
4. Kỷ yếu hội thảo. Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại – những vấn đề lý luận và thực tiễn. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2011, tr. 230.
5. Nguyễn Thành Lợi. Những kinh nghiệm và bài học trong quá trình phát triển tập đoàn báo chí ở Trung Quốc. Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 2 (tháng 3+4/2005), tr. 57.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Quyết định số 531/QĐ-BTTTT ngày 04/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch hành động năm 2023 triển khai Chiến lược phát triển lĩnh vực báo chí giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 2119/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2021.
3. Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/