Trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ ở Việt Nam

14:33 16/05/2019

Trách nhiệm giải trình là một chủ đề được thảo luận khá rộng rãi ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Về cơ bản, trách nhiệm giải trình được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước cung cấp các thông tin liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm đối với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ đó trước người dân, xã hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trách nhiệm giải trình là một trong các giá trị cơ bản của nền công vụ ở hầu hết các quốc gia phát triển bên cạnh các giá trị khác như hiệu lực, hiệu quả, liêm chính…
Anh tham khảo tại http://msdvietnam.org

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cũng đang trong quá trình hoàn thiện các điều kiện cần thiết để thiết lập giá trị này cho nền công vụ. Tuy nhiên, quá trình này chịu tác động bởi nhiều yếu tố khách quan mà bản thân nền công vụ buộc phải thích ứng. Bốn yếu tố cơ bản được xác định đó là: Sự phát triển của nền kinh tế, sự phát triển của nền dân chủ, văn hóa cá nhân và trình độ dân trí. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ đi phân tích làm rõ các yếu tố này, những sức ép, cản trở hay thuận lợi mà nó mang đến cho quá trình thiết lập trách nhiệm giải trình ở Việt Nam cũng như một vài biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của các nhân tố này.

Thứ nhất, nói về sự phát triển của nền kinh tế
Kinh tế là yếu tố của cơ sở hạ tầng, sự phát triển của nó quyết định, ảnh hưởng đến các yếu tố của kiến trúc thượng tầng trong đó có Nhà nước, khuôn khổ thể chế cũng như hoạt động của nó. Sự phát triển của nền kinh tế làm gia tăng các đòi hỏi lên quản lý, quản lý của nhà nước phải liên tục đổi mới, cải cách, cập nhật các xu hướng mới để phù hợp với đòi hỏi đó thì mới có thể thúc đẩy kinh tế phát triển. Đòi hỏi thực hiện trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ của Nhà nước chịu ảnh hưởng quyết định bởi sự phát triển kinh tế của đất nước. 
Nước ta đang trên con đường phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nền kinh tế liên tục phát triển và hội nhập với quốc tế. Sự phát triển của nền kinh tế được biểu hiện thông qua nhiều chỉ số trong đó chỉ số quan trọng nhất là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người. Bộ mặt kinh tế của đất nước so với cách đây 50 năm đã hoàn toàn thay đổi, từ một nền kinh tế bao cấp, nghèo đói, chậm phát triển chúng ta đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, thu nhập bình quân từ mức nghèo vươn lên mức trung bình của thế giới. Đó là một bước tiến bộ vượt bậc nhờ có công cuộc đổi mới toàn diện về kinh tế và chính trị. Chúng ta đã xóa bỏ cách thức quản lý quan liêu, mệnh lệnh tập trung sang quản lý vĩ mô, điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển. Công cuộc đổi mới này được tiến hành trước thực tế nền kinh tế lâm vào khủng hoảng trầm trọng do chính sách quản lý tập trung, quan liêu bao cấp gây nên. 

Sự phát triển kinh tế đặt ra nhiều thử thách mới đối với quản lý của Nhà nước. Yêu cầu công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận lợi trong quản lý, trong các cơ chế, chính sách, trong thực hiện các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho thị trường, cho doanh nghiệp, cho người dân kinh doanh, làm kinh tế càng cao, khi ấy trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ càng đặt ra bức thiết. 
Thêm nữa, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta đã tạo một áp lực to lớn lên nền hành chính quốc gia. Hiệu quả của nền hành chính giờ đây đã trở thành một yếu tố sống còn của năng lực cạnh tranh quốc gia, quyết định đến sự phát triển hay tụt hậu kinh tế của đất nước. Một nền hành chính minh bạch, hiệu quả gắn với trách nhiệm giải trình sẽ góp phần vào việc thu hút đầu tư nước ngoài, gia tăng viện trợ, tài trợ cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Để tăng cường ảnh hưởng tích cực của sự phát triển kinh tế đến việc thực hiện trách nhiệm giải trình, chúng ta cần thực hiện tốt một số vấn đề sau trong quá trình phát triển kinh tế: Thiết lập cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh giữa các chủ thể của nền kinh tế; Hoàn thiện cơ chế quản lý vĩ mô, điều tiết nền kinh tế, cải cách, minh bạch hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cho người dân nắm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân; Tăng cường hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tiếp thu những phương thức quản lý mới của khu vực tư nhân cũng như nhà nước phù hợp với điều kiện Việt Nam, vừa góp phần vào phát triển kinh tế, vừa cải cách được phương thức quản lý hiện tại.
Thứ hai, về sự phát triển của nền dân chủ
Đây là một yếu tố quyết định đến việc thực hiện trách nhiệm giải trình bởi vì ở một Nhà nước không có dân chủ thì chắc chắn sẽ không có việc công dân được phát biểu, được yêu cầu Nhà nước giải thích về những việc mình làm và cũng không có việc Nhà nước sẽ chấp nhận yêu cầu đó. Nền dân chủ càng phát triển, quyền của công dân càng được mở rộng và đến một mức độ phát triển nhất định thì một số Nhà nước dân chủ thừa nhận cho công dân quyền được yêu cầu Nhà nước giải trình, và giao cho Nhà nước trách nhiệm giải trình về những việc mình làm cho công dân. Chính vì vậy, việc thực hiện trách nhiệm giải trình ở một quốc gia cũng thể hiện sự phát triển của nền dân chủ ở quốc gia đó. Một đất nước thực sự dân chủ thì đó là nơi mà người dân dám nêu lên tiếng nói của mình không sợ bị trù dập, bị trả thù, là nơi mà người dân thấy mình được tôn trọng và bảo vệ. Và cũng ở một đất nước dân chủ thực sự thì cán bộ, công chức mới thấy được mình là người hưởng lương từ ngân sách, có trách nhiệm phục vụ công dân chứ không phải là quan trên, là người có quyền, có địa vị, thống trị người dân.
Nền dân chủ của chúng ta chính thức được thiết lập từ năm 1945 sau khi chúng ta giành được độc lập, thành lập lên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (hiện nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Khẳng định việc phát triển theo mô hình một nhà nước dân chủ, nhưng để dân chủ thực sự được thực thi trong cuộc sống và được cộng đồng quốc tế thừa nhận thì một quốc gia còn cần phải trải qua quá trình nhất định, có thể nhanh hoặc chậm tùy vào khả năng của quốc gia đó. Chúng ta mới chỉ trải qua quá trình thiết lập và phát triển nền dân chủ trong 80 năm, với nhiều cố gắng và nỗ lực, dân chủ đang dần dần được thực thi và phát huy tác dụng trong cuộc sống. Việc Nhà nước ta chính thức thừa nhận công dân có quyền yêu cầu giải trình và Nhà nước có nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm giải trình chính là một trong những kết quả phát triển của nền dân chủ ở nước ta. 
Tuy nhiên, quá trình phát triển 80 năm đối với một nền dân chủ như chúng ta thì chưa đủ lâu để việc thực hiện trách nhiệm giải trình thực sự có hiệu lực, hiệu quả trong thực tế. Vẫn còn phổ biến tư tưởng của một nền quân chủ phong kiến trong người dân và cán bộ, công chức nước ta. Người dân vẫn còn tư tưởng cam chịu sự quản lý như một điều đương nhiên; một số công chức vẫn còn tư tưởng cho rằng mình nắm trong tay quyền lực, mình là người lãnh đạo quần chúng, có “quyền sinh, quyền sát”, chưa ý thức được rõ mình là người phải phục vụ nhân dân. Nghị định 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao đã được ban hành vào tháng 8 năm 2013 nhưng để quy định này được thực thi tốt thì có lẽ chúng ta còn cần thêm thời gian để các yếu tố cần và đủ cho nó được hoàn thiện trong đó có sự phát triển hơn nữa của nền dân chủ ở nước ta.
Để thúc đẩy dân chủ ở nước ta hiện nay, cần phải làm tốt một số công việc sau: Về kinh tế, thúc đẩy quyền sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân, quyền bình đẳng của tất cả các chủ thể trong hoạt động kinh tế... Về văn hóa, xã hội, tăng cường các hình thức trưng cầu dân ý, phản biện xã hội, tự do báo chí, ngôn luận... Về bộ máy nhà nước, cải cách tư pháp, xây dựng Tòa án độc lập và xét xử chỉ theo pháp luật, đảm bảo pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong mọi hoạt động…
Thứ ba, về văn hóa cá nhân
Văn hóa cá nhân là một yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc thực hiện trách nhiệm giải trình. Văn hóa cá nhân không chỉ định hình trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà cả trong tác phong quản lý của cán bộ, công chức nhà nước. Văn hóa cá nhân càng phát triển thì người dân càng dễ dàng trong việc nói lên quan điểm, phát biểu ý kiến trước tập thể, dám lên tiếng và yêu cầu trước hành vi sai trái ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân và xã hội. Khi văn hóa cá nhân được đề cao, các nhiệm vụ sẽ được phân giao cho từng người một cách rõ ràng, mỗi cán bộ, công chức biết được nhiệm vụ của mình, biết hành động theo năng lực bản thân và chịu trách nhiệm về những hành động đó, không dựa dẫm vào tập thể và đổ lỗi cho tập thể.
Theo đánh giá của thế giới, văn hóa cá nhân ở Việt Nam xếp loại ở mức thấp: “Việt Nam với 20 điểm, là một xã hội tập thể chủ nghĩa. Đây là biểu hiện trong một cam kết lâu dài gần với "thành viên" của nhóm, là một gia đình, gia đình mở rộng hoặc các mối quan hệ mở rộng. Lòng trung thành trong một nền văn hóa tập thể là tối quan trọng và vượt qua hầu hết các quy tắc xã hội và quy định khác. Như một xã hội thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ, nơi mà tất cả mọi người chịu trách nhiệm cho các thành viên trong nhóm của họ. Trong các xã hội tập thể chủ nghĩa, phạm lỗi dẫn đến sự xấu hổ và mất mặt. Mối quan hệ chủ nhân/nhân viên được nhận thức về đạo đức (như một liên kết gia đình)... Quản lý là quản lý của nhóm”. 
Văn hóa cá nhân thấp là một rào cản đối với việc thực hiện trách nhiệm giải trình ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, khả năng cải thiện điều kiện này trong tương lai ở Việt Nam là tương đối lớn bởi vì hiện nay, quá trình du nhập văn hóa phương Tây vào Việt Nam khá mạnh mẽ, nhiều luồng tư tưởng mới được đưa vào, trong đó có chủ nghĩa cá nhân, đề cao tiếng nói cá nhân trong tập thể, tôn trọng cá tính của mỗi con người, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành. Giáo dục trẻ em ngày nay cũng đang định hình theo phương pháp mới để tránh thụ động, phát huy tính tự chủ, sở trường riêng của từng học sinh với mục tiêu hình thành thế hệ mới có chính kiến, có đam mê, có sở trường riêng, dám làm, dám chịu. Tất cả những điều này sẽ là những thuận lợi để văn hóa cá nhân ngày càng được định hình rõ nét hơn ở Việt Nam. Trong những văn bản pháp luật hay tuyên bố gần đây của các nhà chính trị cũng đã bước đầu nhấn mạnh đến trách nhiệm của người thủ trưởng trong quản lý từ cấp cao như Thủ tướng, Bộ trưởng cho đến cấp thấp hơn. Các nhà quản lý đã ý thức được rằng có đề cao trách nhiệm cá nhân thì mới có thể tăng cường trách nhiệm trong công việc, quy kết trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả. Đây là những tín hiệu đáng mừng để chúng ta hy vọng trách nhiệm giải trình trong tương lai ở Việt Nam sẽ có môi trường thuận lợi hơn để thực hiện.
Để xóa bỏ rào cản văn hóa tập thể đến việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ ở Việt Nam, trong thời gian tới, thiết nghĩ trước hết là thay đổi phương pháp giáo dục, tiếp tục cải cách giáo dục theo phương pháp mới để định hình cá tính, sở trường của mỗi học sinh, học sinh được phát triển các tố chất riêng, hình thành nên thế hệ trẻ của Việt Nam trong tương lai là những công dân có năng lực, tôn trọng tập thể nhưng có chính kiến, dám nêu ra quan điểm riêng của bản thân; là người trung thực, tự chủ, sáng tạo, biết trọng danh dự, phẩm giá của mình và của người khác, có trách nhiệm với quyết định của mình. Mẫu người này khác hẳn mẫu người chỉ trông cậy vào tư duy và quyết định của người khác, không hề muốn chịu trách nhiệm về những quyết định đó tuy rằng họ đã hành động theo những quyết định đó. Điều này vô cùng quan trọng để giúp tăng cường văn hóa cá nhân ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nên xem xét cải cách bộ máy nhà nước theo hướng phân chia rõ nhiệm vụ giữa các cán bộ, công chức, đề cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong tập thể, cho cán bộ, công chức thấy rõ được đâu là việc mình phải làm và phải giải trình, chịu trách nhiệm về nó nếu để xảy ra hậu quả, không thể quy kết cho cả tập thể.
Thứ tư, về trình độ dân trí
Trình độ dân trí được xem xét là một điều kiện cho việc thiết lập trách nhiệm giải trình bởi trước hết, trình độ dân trí quyết định đến việc người dân có thể đọc và hiểu được các văn bản do Nhà nước ban hành để từ đó nắm bắt quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Hơn nữa, phải đạt đến một trình độ văn hóa nhất định thì công dân mới có thể hiểu rõ các quy định đó, mới có thể xác định được cán bộ, công chức có những hành vi đó là đúng đắn, hợp lý hay không, quyền lợi của mình có bị xâm phạm không… Để từ đó có cơ sở yêu cầu cán bộ, công chức giải trình. Bên cạnh đó, trình độ dân trí quyết định tới cách thức, chất lượng yêu cầu giải trình của công dân. Ở một quốc gia có trình độ dân trí cao, người dân sẽ dễ dàng hiểu và áp dụng được các quy định về yêu cầu giải trình, thực hiện việc yêu cầu giải trình bài bản, đúng quy định, có chất lượng.
Trình độ dân trí được đánh giá đầu tiên thông qua chỉ số tỷ lệ người biết chữ (theo UNESCO thì tỉ lệ người biết chữ được đánh giá là những người trên 15 tuổi, có thể đọc và viết những câu đơn giản). Chỉ số này của Việt Nam là 97,09%. So sánh với một số quốc gia trên thế giới, tỉ lệ người biết chữ của Việt Nam ở mức cao. Tuy vậy, tỷ lệ dân số có trình độ văn hóa cao ở nước ta chưa cao, chỉ số phát triển con người HDI (tuổi thọ, giáo dục và tăng trưởng kinh tế) của Việt Nam các năm qua cải thiện không đáng kể, thuộc diện trung bình kém. Điều này khẳng định trình độ dân trí của chúng ta chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của công cuộc phát triển. Đây cũng là một trở ngại đối với việc thực hiện trách nhiệm giải trình ở nước ta hiện nay. Bởi vì, tỷ lệ người biết chữ cao chỉ đảm bảo cho việc họ có thể đọc được các văn bản của Nhà nước nhưng nếu không có trình độ văn hóa cao ở mức độ nhất định thì không thể hiểu rõ và bảo vệ quyền lợi cho mình bằng cách yêu cầu nhà nước giải trình, việc thực hiện các quy định về yêu cầu giải trình cũng sẽ không đơn giản đối với họ. Tuy nhiên, khả năng cải thiện của điều kiện này lại tương đối khả quan trong tương lai. Nền giáo dục đang không ngừng được đổi mới, nhiều phương pháp mới được áp dụng, các nhà quản lý đã ý thức được sự mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực, ý thức được chất lượng của những người qua đào tạo chưa được đảm bảo, hàng loạt các biên pháp đang được Nhà nước tiến hành để cải thiện lại tình hình.
Để trình độ dân trí trở thành một điều kiện thúc đẩy và tạo thuận lợi mạnh mẽ cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình ở Việt Nam hiện  nay, thời gian tới cần phải thực hiện tốt một số biện pháp sau đây: Quan tâm đầu tư cho giáo dục ở các tỉnh miền núi, trung du, các tỉnh nghèo để rút ngắn khoảng cách về dân trí giữa các vùng miền; Đổi mới phương pháp quản lý giáo dục, để các cơ sở GD được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội trên ba phương diện: Bảo đảm chất lượng; minh bạch tài chính và thực hiện công bằng xã hội; Đổi mới giáo dục đào tạo từ tư duy giáo dục cho đến phương pháp giáo dục, coi giáo dục là quá trình ưu tiên hình thành năng lực vận dụng và sáng tạo của cá nhân, không phải là sự tiếp thu thụ động. Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, thi cử, đánh giá giáo viên, quản lý… Để từ đó thúc đẩy khả năng sáng tạo, thực hành của học sinh, sinh viên.
Thứ năm, về sự tham gia của người dân
Xét ở góc độ là điều kiện ảnh hưởng đến việc thiết lập và thực hiện trách nhiệm giải trình thì sự tham gia của người dân ở đây là sự tham gia trực tiếp vào chính sách và quản lý, nhất là ở cấp địa phương, thông qua các cuộc họp và các hình thức khác để nêu ý kiến với các cấp có thẩm quyền của Nhà nước. Sự tham gia của người dân càng nhiều, càng tích cực thì mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập và thực hiện trách nhiệm giải trình. Vậy mức độ tham gia của người dân ở Việt Nam hiện nay ra sao? 
Trước đây, nước ta chủ yếu chú trọng đến hình thức tham gia của người dân thông qua việc bầu cử, cử đại diện. Tuy nhiên, hiện nay sự tham gia trực tiếp của người dân bắt đầu được chú trọng hơn. Sự tham gia của người dân trên nhiều lĩnh vực quản lý như tham gia xây dựng chính sách, là việc đưa ra những ý kiến đề xuất, góp ý, phản biện cho các chính sách kinh tế và xã hội để những nhà hoạch định chính sách đưa ra những chính sách phù hợp, minh bạch và hiệu quả hơn. Ở địa phương, người dân bắt đầu tích cực hơn trong việc nắm bắt thông tin (dân biết), tham gia thảo luận (dân bàn), triển khai (dân làm), kiểm tra, giám sát (dân kiểm tra) các chủ trương, biện pháp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, những mức độ tham gia khác nhau của người dân địa phương vào hoạt động của chính quyền và các quyết định quản lý là:
- “Dân biết”: Là những loại thông tin bắt buộc phải phổ biến cho người dân, nhất là về đất đai và ngân sách nhà nước. 
- “Dân bàn” mà không cần có sự tham gia của các cấp chính quyền cao hơn: Về mức đóng góp tài chính ở địa phương và việc xây dựng, thực hiện hương ước. 
- “Dân bàn” nhưng chính quyền địa phương quyết định: Về các chính sách của Chính phủ, để các cấp chính quyền cao hơn sẽ đưa ra quyết định. Những lĩnh vực này bao gồm việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đền bù quyền sử dụng đất,...
- “Dân kiểm tra”: Là giám sát các công việc của Hội đồng nhân dân, gửi đơn, thư khiếu nại, giám sát chi tiêu ngân sách và xây dựng kết cấu hạ tầng địa phương.
 Hiện nay tại cơ sở, người dân tập trung vào việc tham gia giám sát và khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh,... Tuy nhiên, sự tham gia của người dân ở nước ta vẫn còn nhiều mặt hạn chế và cản trở. Quy định pháp luật vẫn còn nhiều bất cập trong việc tăng cường sự tham gia của người dân, chưa có các quy trình tham vấn người dân mang tính hệ thống hay lấy tham vấn một cách máy móc. Bản thân người dân cũng chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của họ trong việc tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng hay giám sát việc thực thi chính sách pháp luật. Sự tham gia của người dân vào công tác quản lý ở địa phương nhiều khi còn mang tính hình thức, nhiều người thụ động và không mong muốn tham gia tích cực vào công tác quản lý ở địa phương. 
Việc yếu tố này được thúc đẩy sẽ tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong thời gian tới. Một số biện pháp có thể tiến hành đó là:
Tạo động cơ khuyến khích cho việc tham gia của người dân vào các công việc cộng đồng, vào quản lý nhà nước bằng cách cán bộ, công chức phải cho người dân thấy được tiếng nói của họ được tôn trọng, các ý kiến của họ nêu ra được lắng nghe, được tiếp thu bằng những hành động trên thực tế của cán bộ, công chức.
UBND cấp tỉnh ban hành văn bản, cơ chế đảm bảo cho người dân tham gia nhiều hơn vào quản lý nhà nước như xây dựng cơ chế lấy ý kiến phản hồi của người sử dụng dịch vụ công; cơ chế người dân tham gia vào quá trình ban hành các quyết định quản lý của chính quyền địa phương.
Gắn việc thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường với các chỉ tiêu thi đua. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các cấp chính quyền, động viên khen thưởng kịp thời những tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân thực hiện tốt; phê bình, xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm Quy chế dân chủ cơ sở. Khuyến khích người dân bày tỏ ý kiến với chính quyền theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
Tăng cường hiệu quả phản hồi, đối thoại của người dân đối với chính quyền địa phương: Mở rộng đối thoại giữa chính quyền địa phương với người dân thông qua gặp gỡ trực tiếp hoặc trực tuyến (online), tổ chức các buổi họp báo, buổi chất vấn ở các cấp chính quyền địa phương… 
Tóm lại, trách nhiệm giải trình là một giá trị mà bất kỳ nền công vụ dân chủ nào cũng hướng tới và mong muốn thiết lập, thực hiện một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để thiết lập được nó thì không chỉ cần đến các điều kiện của riêng nền công vụ được thiết lập mà còn phải xem xét đến tác động của nhiều nhân tố kinh tế - xã hội để quá trình thiết lập nó diễn ra một cách phù hợp, khả thi. Để thúc đẩy nhanh quá trình thiết lập trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ ở Việt Nam thời gian tới, chúng ta không chỉ quan tâm tới các biện pháp trong bản thân nền công vụ mà còn cần triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển của các nhân tố kinh tế - xã hội nói trên./.

Nguyễn Thị Thu Nga
Nghiên cứu viên, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra

Tài liệu tham khảo:
1. Giáo dục ở Việt Nam: Phân tích các chỉ số chủ yếu, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Tổng Cục thống kê.
2. http://data.uis.unesco.org/#.
3. http://ihs.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/ChiSoPhatTrienConNguoi/View_Detail.aspx?ItemID=24.
4. http://geert-hofstede.com/vietnam.html (dịch lại từ Bản Tiếng Anh).

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/