Tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động tại các khu công nghiệp

16:30 18/09/2021

Dịch vụ y tế là một trong những dịch vụ xã hội cơ bản nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của con người. Cải thiện dịch vụ và nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế cho người lao động giúp đảm bảo người lao động được chăm sóc sức khỏe, có điều kiện cống hiến sức lao động, sức sáng tạo cho sản xuất. Vấn đề tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động tại các khu công nghiệp hiện nay đang gặp phải những vướng mắc gì? Giải pháp nào để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế? Bài viết sau đây sẽ làm rõ các vấn đề trên.
Ảnh minh họa: Nguồn internet

1. Dịch vụ y tế với đời sống người lao động

Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi con người, đồng thời cũng là tài sản chung của quốc gia. Có sức khỏe, con người mới có sức lao động, tạo ra của cải nuôi sống bản thân, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Với người lao động, có sức khỏe để tìm kiếm việc làm, đảm bảo thu nhập, đáp ứng nhu cầu sống hàng ngày cũng như chăm lo cho sự phát triển của bản thân và gia đình. Sức khỏe không chỉ là tài sản riêng của mỗi người lao động mà còn là tài sản chung của doanh nghiệp, tổ chức. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt[1]. Từ quan điểm này, Đảng và Nhà nước ta đã cụ thể hóa bằng hệ thống các văn bản, chính sách pháp luật; các chương trình, hoạt động cụ thể nhằm chăm lo sức khỏe cho người lao động; tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với dịch vụ y tế; bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Dịch vụ y tế là một trong những trụ cột quan trọng của dịch vụ xã hội cơ bản. Phát triển, mở rộng dịch vụ y tế có có ý nghĩa quan trọng sau đây:

Thứ nhất, với người lao động, việc tiếp cận được với các dịch vụ y tế giúp người lao động được đảm bảo quyền chăm sóc sức khỏe của mình theo các quy định của pháp luật cũng như theo nhu cầu của bản thân.

Thứ hai, dịch vụ y tế sẽ giúp mỗi cá nhân được chăm sóc sức khỏe, đối phó với các bệnh lý, từ đó tạo điều kiện cho con người có cơ hội lao động, cống hiến, hưởng thụ các giá trị lao động, giúp duy trì và tái tạo sức lao động, sức sản xuất của xã hội, nâng cao chất lượng sức khỏe, tuổi thọ của con người.

Thứ ba, việc phát triển dịch vụ y tế, huy động sự tham gia của các chủ thể khác ngoài Nhà nước vào phát triển ngành y tế giúp giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước; tăng các tiềm lực về vốn, công nghệ, nhân lực cho sự phát triển của ngành y tế; tạo tính năng động, cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ y tế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cũng như hạ giá thành dịch vụ, đem lại lợi ích cho người dân.

Thứ tư, dịch vụ y tế phát triển tạo động lực cho sự phát triển của khoa học kỹ thuật đặc biệt là y tế công nghệ cao; tạo cơ hội cho các nghiên cứu khoa học, phát minh ra các sản phẩm, dịch vụ mới, hiệu quả chăm sóc toàn diện hơn cho sức khỏe con người.

Dịch vụ y tế là một loại dịch vụ đặc biệt bởi “hàng hóa” mà dịch vụ này kinh doanh có liên đới trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người sử dụng dịch vụ đó. Nếu ở các ngành dịch vụ thông thường, nhu cầu của thị trường sẽ quyết định tới nguồn cung. Tuy nhiên, dịch vụ y tế là loại hàng hoá mà người sử dụng (người bệnh) thường không tự mình lựa chọn được mà chủ yếu do bên cung ứng (cơ sở y tế) quyết định. Nói một cách dễ hiểu hơn, người bệnh, người có nhu cầu khám bệnh chỉ có thể quyết định 1 phần trong quá trình lựa chọn dịch vụ như lựa chọn nơi điều trị, khám bệnh, loại hình dịch vụ chứ không thể tự ý quyết định lựa chọn về biện pháp, thời gian, cách thức điều trị một cách tuyệt đối[2]. Do các yếu tố trên nên phát triển dịch vụ y tế không thể chỉ tuân theo cơ chế của nền kinh tế thị trường mà cần có sự quản lý, điều hướng của Nhà nước. Nhà nước quản lý dịch vụ y tế đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận các dịch vụ tế và được hưởng một mức chăm sóc sức khỏe tối thiểu như nhau; Nhà nước là chủ thể cung cấp duy nhất đối với một số loại dịch vụ y tế mang tính công cộng thuần túy, đặc biệt; ngăn chặn việc phát triển tự phát các dịch vụ y tế chỉ vì mục đích lợi nhuận, kinh doanh mà không vì các giá trị nhân văn, xã hội; xây dựng những tiêu chuẩn, quy trình thống nhất, chặt chẽ của các dịch vụ y tế.

2. Tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động tại các khu công nghiệp

-Những kết quả đạt được

Hiện nay, hệ thống pháp luật về y tế của nước ta tương đối đầy đủ; nhiều văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp và gián tiếp điều chỉnh các hoạt động y tế như: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Dược năm 2005, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2008, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014… cùng hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật khác hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh trên. Tuy nhiên, đối với khu công nghiệp thì các quy định về quản lý y tế nằm rải rác trong một số văn bản luật như: Nghị định số 75/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế; Thông tư số 19/2016/TT-BYT đề cập đến trách nhiệm của cơ quan liên quan trong thực hiện quan trắc môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động tại các khu công nghiệp theo sự phân công của Bộ Y tế. Hệ thống các văn bản pháp luật trên là cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về y tế, dịch vụ y tế; là căn cứ cho các hoạt động liên quan đến y tế của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận được với dịch vụ y tế…

Theo số liệu điều tra của Viện Khoa học môi trường và xã hội trong khuôn khổ đề tài “Quản lý các vấn đề xã hội tại các Khu công nghiệp ở Việt Nam” số doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ (SKĐK) cho người lao động tương đối cao.

Theo số liệu trên có tới 93.4 % người lao động trả lời doanh nghiệp có tổ chức khám SKĐK cho người lao động và 91,1% trong số đó trả lời doanh nghiệp chi trả cho các hoạt động khám SKĐK. Kết quả tiếp theo trong nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế đó là số người lao động được đóng BHYT chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người lao động. Theo số liệu điều tra của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội, có 1823/1880 lao động trả lời được doanh nghiệp đóng bảo hiểm bắt buộc, trong đó có BHYT, chiếm tỷ lệ 97%. Việc người lao động được đóng BHYT không chỉ giúp người lao động được hưởng lợi ích từ BHYT, phòng ngừa các rủi ro khi có bệnh nặng mà còn đóng góp vào quỹ BHYT, giúp phát triển chất lượng dịch vụ y tế quốc gia.

Hiện nay, các chính sách về BHYT đã thực sự tiếp cận được với đời sống thực tiễn, điều này được thể hiện ở số lao động biết đến các chính sách cũng như khả năng tiếp cận với các chính sách trên. Nhận thức chung của người lao động về các quy định, chính sách liên quan đến BHYT đã tăng theo từng năm.

Với khoảng 90% số lao động biết đến cũng như tiếp cận được với các chính sách về BHYT, có thể thấy BHYT đang dần được phổ cập trong xã hội, đem lại những giá trị to lớn về mặt an sinh xã hội. So với nhiều chính sách khác, chính sách BHYT đem lại nhiều lợi ích trong thực tiễn nhất, được người dân chú ý tới nhiều nhất. Trong đó có tới 87.1% người lao động cho rằng họ đã được thụ hưởng các lợi ích từ BHYT[3]. Đây là những kết quả to lớn mà ngành y tế đã đạt được trong thời gian qua và trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa để đảm bảo 100% người lao động tại các Khu công nghiệp được tiếp cận với các chính sách về BHYT.

Ngoài các kết quả trên, công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại các khu công nghiệp còn đạt được một số kết quả khác như: Công đoàn các cấp phối hợp với các doanh nghiệp, các trung tâm y tế tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, thăm khám, cấp phát thuốc… về nhiều chủ đề sức khỏe như sức khỏe sinh sản, sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; các hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về sức khỏe cũng như các chính sách về y tế đã thường xuyên được tổ chức; nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được các trung tâm chăm sóc sức khỏe, tủ sách - tủ thuốc y tế, các quỹ chăm sóc sức khỏe cho người lao động của doanh nghiệp mình.

-Những hạn chế, bất cập 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập về tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động tại các khu công nghiệp như: những hạn chế về chính sách; ý thức tuân thủ luật pháp của các doanh nghiệp; ý thức của người lao động về y tế.

Trước hết, hệ thống chính sách về y tế của nước ta khi áp dụng vào quản lý y tế tại các khu công nghiệp đã bộc lộ một số hạn chế như:

- Các quy định về hưởng BHYT trái tuyến đang gây trở ngại cho người lao động tiếp cận với các lợi ích mà BHYT mang lại.

- Các quy định về khám sức khỏe định kỳ còn thiếu tính chặt chẽ về một số điểm như quy định cơ sở y tế được phép tổ chức SKĐK, các hạng mục sức khỏe bắt buộc thăm khám. Đặc biệt, cơ chế xử lý, xử phạt với các doanh nghiệp, chủ lao động không thực hiện khám SKĐK cho người lao động với các cơ sở y tế vi phạm chức năng, quy trình cấp giấy khám SKĐK …còn nhẹ. Ban Quản lý các Khu công nghiệp có chức năng kiểm tra, phát hiện các sai phạm về y tế trong khu công nghiệp, nhưng lại chưa được quy định chức năng xử lý, xử phạt do đó hiệu lực quản lý chưa cao.

- Các quy định về bệnh nghề nghiệp: Hiện chưa có các văn bản quy định về phối kết hợp giữa hệ thống khám bệnh nghề nghiệp và giám định bệnh nghề nghiệp nhằm thực hiện kịp thời và đầy đủ chế độ và chính sách đối với người lao động. Việc làm thủ tục và hoàn tất hồ sơ gửi giám định phụ thuộc vào việc tuân thủ quy định của người sử dụng lao động. Đối với trường hợp người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc, bị thôi việc chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện các hồ sơ để khám, giám định bệnh nghề nghiệp; chưa có văn bản quy định thanh toán một phần tiền khám và chữa bệnh cho người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp trong quỹ BHYT vào danh mục các bệnh điều trị dài ngày.

Chính một số điểm bất cập của hệ thống chính sách về y tế, đặc biệt những hạn chế về chế tài xử lý đã dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp thực hiện đóng BHYT cho người lao động mang tính hình thức, đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp chỉ tổ chức khám cho một bộ phận người lao động; chỉ đăng ký khám một số hạng mục nhất định; mua giấy khám SKĐK…

Mặc dù được đóng BHYT, nhưng người lao động chưa tận dụng được hết các giá trị lợi ích to lớn mà thẻ BHYT đem lại. Nguyên nhân khách quan là do các quy định về hưởng BHYT còn nhiều vướng mắc; các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu theo đăng ký của thẻ BHYT hầu hết chưa đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, trình độ y bác sỹ; thời gian khám chữa bệnh chưa phù hợp với thời gian làm việc của người lao động… do đó người lao động thường khám chữa bệnh vượt tuyến hoặc lựa chọn khám tư nhân. Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ nhận thức về BHYT của người lao động còn rất hạn chế. Theo kết quả điều tra của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với tổ chức ILO được thực hiện tại hai tỉnh có số khu công nghiệp lớn là Bắc Ninh và Bình Dương vào tháng 11/2019 thì có tới 40% người lao động không nắm rõ về cơ chế chi trả, mức đóng góp của bảo hiểm y tế[4]. Cũng theo báo cáo này, hơn một nửa số người có thẻ BHYT tham gia nghiên cứu đã trả lời họ sử dụng các cơ sở y tế không phải cơ sở đăng ký ban đầu, nguyên nhân là do cơ sở y tế đó xa nhà, giờ phục vụ bất tiện, thời gian chờ đợi lâu và không hài lòng với các dịch vụ y tế tại đây.

Hiện nay, một trong những vấn đề về y tế nổi cộm tại các khu công nghiệp là các cơ sở y tế tại doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu của số đông người lao động.

Biểu đồ 1 : Tỷ lệ khu công nghiệp có phòng khám bệnh

Theo số liệu trên cho thấy, mặc dù số lượng lao động tại các khu công nghiệp rất lớn nhưng mới chỉ 64,6% số khu công nghiệp là có phòng khám bệnh, trong đó các cơ sở đảm bảo về quy mô và chất lượng khám bệnh lại càng ít. Số lượng các cơ sở chăm sóc sức khỏe mới chỉ đáp ứng được 34.9% nhu cầu của người lao động. Tình trạng chung của các cơ sở khám bệnh tại các khu công nghiệp là nghèo nàn về trang thiết bị, máy móc; nhân sự không đáp ứng về cả số lượng cũng như chuyên môn; chỉ giải quyết một số trường hợp bệnh đơn giản. Do đó, khi xảy ra các tình huống bất thường như dịch bệnh, ngộ độc tập thể, tai nạn lao động tập thể… các cơ sở này khó có thể ứng phó, xử lý tình huống. Tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế do chưa có cơ chế chính sách rõ ràng về việc buộc phải xây dựng các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong quy hoạch của các khu công nghiệp; do hạn chế về nhận thức cũng như kinh phí, quỹ đất của các doanh nghiệp; chưa xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn nhà nước, doanh nghiệp, các khu công nghiệp…

Về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân nữ, lao động nữ hiện chiếm tỷ lệ khoảng 58,6% tổng số lao động tại các Khu công nghiệp[5]. Hầu hết lao động nữ nằm trong độ tuổi dưới 35, là độ lập gia đình, sinh con; do đó, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân nữ là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này hiện chưa được quan tâm đúng mức. Công nhân nữ dễ mắc các bệnh lý về đường sinh sản, dễ chịu tác động từ các môi trường làm việc độc hại; dễ chịu các tổn thương về sức khỏe do nạo phá thai, các bệnh tình dục lây nhiễm…

Về phụ cấp độc hại, phụ cấp độc hại được hiểu là khoản tiền được trả thêm cho người lao động khi người lao động làm việc trong điều kiện có các yếu tố nguy hiểm, độc hại hoặc đặc biệt nguy hiểm, độc hại. Khoản phụ cấp này được trả bù đắp cho người lao động một phần sức khỏe, tổn hại về tinh thần, thể chất, hoặc thậm chí là khả năng lao động. Thông thường, quy định về phụ cấp độc hại được thể hiện trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ phụ cấp độc hại cho người lao động hiện còn nhiều bất cập; nguyên nhân từ việc người lao động khó nắm được căn cứ đánh giá thế nào là làm việc trong môi trường nguy hiểm; độc hại; các cấp độ đánh giá cũng như mức phụ cấp tương ứng; người lao động chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về phụ cấp này; các doanh nghiệp cố tình không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các chiêu trò để lách luật như việc luân chuyển lao động giữa các bộ phận thường xuyên; luân chuyển, thay đổi vị trí làm việc không theo hợp đồng ký kết ban đầu với người lao động; tính gộp phụ cấp độc hại với các khoản trợ cấp, thưởng khác…

3. Kiến nghị giải pháp nâng cao mức độ tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động tại các khu công nghiệp

Để đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe, Nhà nước thông qua chức năng quản lý tạo cơ chế, hành lang pháp lý, điều kiện, cơ sở để người lao động tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Để  bảo đảm nâng cao mức độ tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động tại các khu công nghiệp, cần thống nhất một số quan điểm quản lý về dịch vụ y tế sau đây:

- Trước hết, cần xác định dịch vụ y tế ở đây không chỉ là các hoạt động chăm sóc sức khỏe công do Nhà nước cung cấp mà bao gồm cả các dịch vụ y tế do tư nhân đầu tư, dưới sự quản lý của Nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động là trách nhiệm, nghĩa vụ không phải chỉ của Nhà nước mà còn của người sử dụng lao động và của cả xã hội.

- Việc tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động tại các khu công nghiệp không chỉ đảm bảo người lao động được chăm sóc sức khỏe ở mức cơ bản mà còn được bảo vệ trước các bệnh lý nghề nghiệp; đảm bảo tiếp cận chăm sóc sức khỏe của tất cả các nhóm lao động từ lao động chính thức, lao động hợp đồng…

 - Quản lý tiếp cận dịch vụ y tế không chỉ nhằm để người lao động được đảm bảo chăm sóc sức khỏe của bản thân mà còn quản lý để người sử dụng lao động thực hiện đúng trách nhiệm của mình với người lao động.

Trên cơ sở những quan điểm nêu trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nâng cao mức độ tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động tại các khu công nghiệp sau đây:

 Thứ nhất, hoàn thiện Luật BHYT theo hướng đơn giản hóa các thủ tục khám chữa bệnh, hưởng quyền lợi từ BHYT; các quy định về cơ sở khám chữa bệnh ban đầu cũng như khám chữa trái tuyến bảo hiểm.

Thứ hai, cần xây dựng các quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHYT chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn.

Thứ ba, bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ về khám SKĐK đối với người lao động tại các khu công nghiệp (hạng mục khám, tiêu chuẩn của cơ sở cấp giấy khám, chế tài xử lý với các sai phạm..); về bệnh lý nghề nghiệp (trợ cấp độc hại, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, mức bồi thường…)

Thứ tư, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về việc thành lập bộ phận chăm sóc y tế tại các khu công nghiệp; các công trình y tế tại các khu công nghiệp dựa vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp; quy mô lao động của các doanh nghiệp.

Cùng với việc hoàn thiện pháp luật, chúng tôi cho rằng, cần vận dụng các giải pháp sau để triển khai thực hiện các quy định về tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động tại các khu công nghiệp:

Thứ nhất, với các cơ sở y tế công tại các khu công nghiệp: Bố trí bộ khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính để đáp ứng nhu cầu của người lao động tại các khu công nghiệp; có cơ chế phối hợp với các cơ sở y tế của doanh nghiệp, của các khu công nghiệp trong hỗ trợ đào tạo; trong phối hợp thăm khám, điều trị; tuyên truyền kiến thức về pháp luật, về cách chăm sóc sức khỏe…

Thứ hai, với các doanh nghiệp: Thành lập bộ phận phụ trách quản lý y tế, các thủ tục về bảo hiểm y tế, khám SKĐK, bệnh lý nghề nghiệp được đào tạo, nắm vững các quy định của pháp luật; xây dựng, đầu tư cơ sở chăm sóc sức khỏe tại doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của người lao động;

Thứ ba, trong quy hoạch các khu công nghiệp, cần chú ý tới đồng bộ hạ tầng sản xuất với hạ tầng các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, văn hóa…

Thứ tư, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính công bằng và hiệu quả. Huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư xây dựng các cơ sở chăm sóc y tế cho người dân địa phương cũng như người lao động tại các khu công nghiệp bằng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi cụ thể.

Thứ năm, đẩy mạnh đầu tư nâng cao chuyên môn kỹ thuật y tế và tin học hóa; trong đó, đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho hệ thống kiểm chuẩn-tham chiếu đảm bảo chất lượng quan trắc môi trường lao động, giám sát sức khỏe, sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh nghề nghiệp;

Thứ sáu, xây dựng cơ chế, biện pháp thanh tra hiệu quả hơn với các sai phạm về y tế như tổ chức thanh tra đột xuất, phối hợp với các cơ quan có liên quan cùng tổ chức thanh kiểm tra.

Thứ bảy, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về y tế trước hết là với các doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động thực hiện trách nhiệm của mình trước pháp luật, trước người lao động; với người lao động, nâng cao hiểu biết để tự bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của bản thân.

Hiệu quả của chính sách y tế cần phải tính đến khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân, của người lao động. Nhà nước, các doanh nghiệp, xã hội cần đẩy mạnh đầu tư vốn, nhân lực, khoa học kỹ thuật để phát triển dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo giá thành hợp lý. Một chiến lược y tế hiệu quả sẽ góp phần vào xây dựng hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, tạo động lực cho sự ổn định và phát triển của xã hội./. 

THS. NGUYỄN ĐÌNH PHÚC
Viện Khoa học Môi trường và Xã hội

  • Bài viết là sản phẩm của đề tài“Quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam”, Mã số KX.01.45/16-20, thuộc Chương trình KX.01/16-20: Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

[1] Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. 

[2] Wiliam C.Hsiao. Abnormal economics in the Healthy sector, 1995.

[3] Số liệu điều tra của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội.

[4] Số liệu báo cáo của Dự án Hỗ trợ mở rộng Bảo vệ sức khỏe xã hội ở Đông Nam Á (ILO-Lux).

[5] Số liệu điều tra của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội.

(Nguồn: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (420), tháng 10/2020)

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/