Thành phố vì hòa bình: Chuyện 20 năm trước
10:53 10/10/2019
Một năm lăn lộn làm hồ sơ
Dáng người cao lớn, phong độ, dù bước chân đã có phần chậm lại, TS Nguyễn Quang Thư - nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ đã bước vào tuổi 75. Thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ, nhưng những kỷ niệm đẹp thì vẫn đọng lại mãi. Ông Thư nói, ngày Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” của UNESCO vào tháng 7-1999 là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của ông.
Là một nhà lãnh đạo khiêm tốn, ông Thư không muốn nhắc về mình, nhưng để Thủ đô được đón nhận danh hiệu cao quý đó, ông và các cộng sự ở Sở Ngoại vụ Hà Nội đã ngày đêm vất vả, đôn đáo làm hồ sơ, rồi đi vận động và hồi hộp đón nhận kết quả.
Ông Nguyễn Quang Thư (thứ hai phải sang) bên cạnh bà Nguyễn Thị Hồi tại buổi gặp kỷ niệm 20 năm Hà Nội nhận giải thưởng Thành phố Vì hòa bình.
Trong phút trải lòng hiếm hoi, ông kể: “Khi UNESCO gửi thông tin về Bộ Ngoại giao và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thì Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Dy Niên và Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Thị Hồi khi đó đã gặp tôi thông báo, yêu cầu Hà Nội xem xét, nghiên cứu ứng cử. Tôi báo cáo Thường trực Thành ủy và UBND thành phố, sau đó nhận được chỉ đạo chuẩn bị hồ sơ để tham gia”.
Ngày ấy, Sở Ngoại vụ là đầu mối, lên kế hoạch thực hiện đề án, tham mưu cho lãnh đạo.
“Được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Bộ Ngoại giao, cũng phải mất hơn một năm, hồ sơ mới hoàn thành và gửi đi trong sự hồi hộp, thêm chút lo lắng. Có hơn 70 thành phố và thủ đô các nước trên thế giới ứng cử. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có 11 thành phố ứng cử” - ông Thư cho biết.
Thư và hồ sơ của Việt Nam gửi UNESCO năm 1999.
Trong hồ sơ ứng cử, phần giới thiệu sơ lược về Thủ đô Hà Nội có đoạn: “Trải qua những thăng trầm của lịch sử Việt Nam, Hà Nội đã nhiều lần bị ảnh hưởng nặng nề của những cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài. Vì vậy, Hà Nội là Thủ đô của một trong những nước nghèo đói và lạc hậu nhất trên thế giới vào năm 1975. Mặc dù vậy, từ năm 1986, khi Chính phủ Việt Nam bắt đầu áp dụng chính sách đổi mới, xúc tiến thương mại và mở cửa để hội nhập với thế giới, người Hà Nội, với sự nỗ lực và năng động của mình, đã đem đến sự đổi thay vượt bậc cho thành phố thân yêu. Hà Nội đã chủ trì và đóng góp lớn vào thành công của Hội các nước nói tiếng Pháp vào tháng 11-1997 và Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 12-1998. Nhân dịp này, các lãnh đạo cấp cao và bạn bè quốc tế từ nhiều nước đã có cơ hội được tận mắt chứng kiến một Hà Nội xanh, sạch, đẹp và yên bình, đặc biệt sự thân thiện, nồng ấm và nhiệt thành của người dân Hà Nội. Với lịch sử và những thành tựu cụ thể, Hà Nội chứng nhận đủ điều kiện để đăng ký “Giải thưởng Thành phố Vì hòa bình UNESCO”.
Sau khi gửi hồ sơ cho UNESCO, ông Thư cùng lãnh đạo thành phố đã có nhiều chuyến đi đến Paris, Moscow… để tranh thủ sự ủng hộ của các nước bạn cho giải thưởng này. Ông Thư cho biết, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Chiến Thắng và Đại sứ bên cạnh UNESCO Trịnh Đức Dụ đã tích cực vận động cho Hà Nội. Trước hôm bỏ phiếu lần cuối cùng, ông bà Đại sứ Trịnh Đức Dụ còn làm mâm cơm thắp hương xin tổ tiên của dân tộc phù hộ…
Niềm vui vỡ òa vào ngày 9-7-1999, khi tại Paris, UNESCO công bố: “Giải thưởng UNESCO - Thành phố Vì hòa bình 1998-1999” sẽ được Tổng Giám đốc UNESCO, Thị trưởng Federico Mayor trao tặng cho các thành phố: Delft (Hà Lan), Hà Nội (Việt Nam), Zuk Mikael (Lebanon), Quito (Ecuador) và Timbuktu (Mali) vào ngày 16-7-1999 tại La Paz (Bolivia).
Thông báo cũng chỉ rõ: “Vào năm 2000, hơn nửa số dân đang sống tại các thành phố. UNESCO nhận thức điều này trong chiến lược của mình và trong nhiệm vụ thường niên về đối thoại với các đối tác mới. Với việc tạo nên Giải thưởng Thành phố Vì hòa bình, UNESCO muốn thúc đẩy mối quan hệ thân thiết với các thành phố, thị trưởng và các cán bộ của họ, những người sẽ đảm bảo việc thực thi hằng ngày chế độ dân chủ, quyền công dân và tất cả các giá trị và quyền mà UNESCO ủng hộ”.
Giải thưởng đến vào lúc Thủ đô đang chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Và tự hào hơn, Hà Nội là thành phố đầu tiên và duy nhất của khu vực được bình chọn trong đợt này, nên niềm vui như được nhân lên gấp bội.
Một quyết tâm lớn
Là người đứng đầu chính quyền thành phố năm 1999, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên năm nay đã bước sang tuổi 78. Thời gian tuy có làm phong thái ông chậm hơn đôi chút, nhưng không mài mòn được những gì cần nhớ trong bộ não của ông.
“Không phải đến khi Hà Nội được UNESCO trao giải “Thành phố Vì hòa bình” thì nơi đây mới là mảnh đất của hòa bình. Người Hà Nội từ xưa đã khẳng định khát vọng hòa bình bằng câu: “Thăng Long phi chiến địa”. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh xâm lược trong lịch sử, nhưng Thăng Long – Hà Nội luôn bày tỏ thiện chí hòa bình. Sự tích hồ Hoàn Kiếm với hình tượng “Trả gươm thần” sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ XV đã nói lên điều đó. Khi đất nước có giặc thì rùa vàng cũng hiện lên dâng kiếm cho người anh hùng. Khi đất nước hết giặc thì kiếm lại được trả cho rùa vàng” - nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên trầm ngâm.
Và còn gì tuyệt hơn một sự ghi nhận, một đánh giá chính thức của một tổ chức quốc tế có uy tín đối với truyền thống yêu nước, khát vọng tự do, độc lập, hòa bình của toàn thể nhân dân Việt Nam! Bởi vậy, ông thôi thúc và khao khát với giải thưởng của UNESCO cho Hà Nội và đã cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ thành phố cố gắng hết mình để thỏa mãn mong ước ấy.
“Đoàn đại biểu TP Hà Nội lên đường đi La Paz ngày 14-7-1999 chỉ có 3 người: Tôi, anh Thư và một cán bộ của Ủy ban UNESCO quốc gia. Chuyến đi rất vất vả. Phải qua Paris (Pháp), Miami (Mỹ) rồi mới đến được La Paz, thủ đô Bolivia. Lần đầu tiên đến một thành phố cao nguyên nằm ở độ cao gần 4.000m so với mực nước biển, không khí loãng, nên khi máy bay hạ cánh, đầu óc mọi người trong đoàn đều quay cuồng. Tuy có mệt, nhưng cả đoàn ai nấy đều rất vui” - nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên nhớ lại.
Giấy chứng nhận và biểu tượng Thành phố Vì hòa bình do UNESCO trao tặng Thủ đô Hà Nội.
Lễ trao tặng giải thưởng đã được tổ chức long trọng tại một thánh đường ở Thủ đô La Paz, ngày 16-7-1999 với sự tham dự của nhiều quan chức quốc tế. Phần thưởng, ngoài giấy chứng nhận, còn có một biểu tượng Thành phố Vì hòa bình và 25.000 USD.
Phát biểu tại lễ trao giải, Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor đã đánh giá: “Thành phố Hà Nội có một quá trình lịch sử đầy ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực tôn tạo các di tích, hỗ trợ giao lưu văn hóa – nghệ thuật, khuyến khích ngành nghề truyền thống, cải thiện dịch vụ y tế đối với người cao tuổi, bảo vệ môi trường và xây dựng các khu công viên cây xanh. Thành phố Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, coi đó là ưu tiên trong chính sách phát triển của mình. Thành phố Hà Nội thể hiện sự quan tâm mang tính nhân văn đối với những vấn đề khác nhau mà tất cả các thành phố hiện nay phải đối phó và thành phố cũng đang tiếp tục cố gắng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, cũng như hạ tầng xã hội, đặc biệt là cải thiện chất lượng cuộc sống của hơn 2,5 triệu người dân Thủ đô”.
Với nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên, thời khắc thay mặt nhân dân Hà Nội lên nhận giải thưởng từ chính tay Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor là một trong những giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời. Cảm xúc của ông có thể gói gọn trong hai từ: Toại nguyện!
Trên đường trở về nước, ngày 20-7-1999, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên đã tổ chức cuộc gặp với các quan chức cấp cao của UNESCO tại trụ sở UNESCO ở thủ đô Paris để bày tỏ lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng đối với việc thành phố Hà Nội được trao tặng giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình”.
Trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa của giải thưởng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên khẳng định: “Giải thưởng Thành phố Vì hòa bình mang ý nghĩa lớn lao, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập và hòa nhập quốc tế, tạo điều kiện giới thiệu Thủ đô với bạn bè quốc tế bốn phương, nối rộng dài các mối giao lưu, hợp tác kinh tế - văn hóa với các nước. Giải thưởng cũng nâng cao niềm tự hào và ý thức trách nhiệm công dân, động viên, cổ vũ mọi người đóng góp tài lực, phấn đấu xây dựng một Thủ đô gương mẫu, giàu đẹp, văn minh, lịch sự, giàu tính nhân văn và công bằng xã hội”.
Ngay sau khi trao tặng giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình” cho Hà Nội, UNESCO đã cử đại diện sang Hà Nội để tham gia các hoạt động phối hợp với thành phố, đặc biệt là các chương trình kỷ niệm 990 năm và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào các năm 2000 và 2010. Cũng sau giải thưởng này, UNESCO đã quyết định đặt văn phòng đại diện tại Thủ đô Hà Nội trên phố Cao Bá Quát.
Phấn khởi, tự hào trước danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” được UNESCO phong tặng, suốt 20 năm qua, nhân dân Hà Nội đã luôn phát huy truyền thống mẫu mực của người Thủ đô thanh lịch, hào hoa, cần cù, thông minh, năng động. Mỗi một ngày trôi qua, từng người dân đang không ngừng góp thêm những nỗ lực, phấn đấu để đưa Hà Nội trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, con người Thủ đô trí tuệ, thanh lịch, đáp ứng niềm mong đợi của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Nguồn: hà nội mới