Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay

09:05 06/10/2024

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm, trong đó, Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới là văn bản có vai trò quan trọng. Tại TP. Hồ Chí Minh, việc bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm và chỉ đạo từ cấp lãnh đạo Trung ương đến địa phương đã tạo ra những thay đổi tích cực.

1. Đặt vấn đề

TP. Hồ Chí Minh thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm từ năm 2017 theo Quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, ngày 02/02/2017 Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND về việc về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý an toàn thực phẩm (nay là Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh), đây là Sở đầu tiên trên cả nước tổ chức thực hiện theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 19/9/2023, Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết số 77/NQ-HĐND về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm. Tiếp đến, ngày 08/12/2023, Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết số 24/2023/NQ-HĐND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, theo đó Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, được thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công thương cho Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp thực hiện của toàn thể hệ thống chính trị và Nhân dân thành phố.

2. Kết quả kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thời gian qua

Báo cáo công tác kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm thành phố cho thấy, các đơn vị sở, ngành Thành phố, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã ban hành và triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm theo phạm vi và địa bàn quản lý, kết quả kiểm tra, hậu kiểm tại cơ sở thực phẩm như sau:

Cục Quản lý thị trường Thành phố đã kiểm tra 529 cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm, trong đó có 118 vụ không vi phạm, 411 vụ vi phạm về thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm1. Các hành vi vi phạm chủ yếu: hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng, không có hóa đơn chứng từ, sử dụng người lao động không có giấy khám sức khỏe hoặc có giấy khám sức khỏe nhưng đã hết hạn, không có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, không sử dụng trang phục bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm; hàng hóa không nhãn mác, thông tin của nhà sản xuất, phân phối, thực phẩm hết hạn sử dụng…

Tang vật vi phạm bị tạm giữ trên 234.287 hàng hóa thực phẩm cá loại, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 6,2 tỷ đồng. Kết quả xử lý, phạt tiền với số tiền phạt 7,74 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 188.488 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại. Đối với thực phẩm đường cát, đoàn tiến hành kiểm tra phát hiện 35 trường hợp vi phạm, tạm giữ khoảng 112,5 tấn đường cát không có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ2.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (nay là Sở An toàn thực phẩm) đã tiến hành thành lập 11 đoàn kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống về việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Kết quả, đã kiểm tra 13.460 cơ sở, lập biên bản vi phạm hành chính 6 cơ sở vi phạm, chuyển hồ sơ đến UBND Thành phố Thủ Đức, Quận Gò Vấp, Quận Tân Phú, Quận 7, Quận 8, Huyện Hóc Môn để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở với số tiền là 173.675.000 đồng, thu hồi 1 bản tự công bố sản phẩm; tiêu hủy 50 kg thịt heo, 20 kg nem, sản phẩm chả lụa,… Nội dung vi phạm chủ yếu không đủ điều kiện an toàn thực phẩm (2 cơ sở), không bảo đảm vệ sinh (1 cơ sở), sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm không bảo đảm an toàn (2 cơ sở), không bảo đảm chất lượng sản phẩm (1 cơ sở), không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm từ động vật (1 trường hợp). Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã lấy 1.805 mẫu để xét nghiệm. Kết quả, có 2 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý, 1 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh3.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố đã xử phạt 34 cơ sở vi phạm hành chính với số tiền 684,362 triệu đồng4. Trong năm 2023, không phát hiện trường hợp bơm nước, tiêm thuốc vào gia súc, gia cầm, lấy mẫu giám sát tình hình sử dụng acepromazine cho heo trước khi đưa vào cơ sở giết mổ.

Cảnh sát kinh tế, môi trường Công an thành phố cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm khoảng 255 cơ sở vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 8 tỷ đồng, tiêu hủy 20 tấn thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó chuyển hồ sơ cho cơ quan hình sự điều tra thụ lý theo thẩm quyền 7 vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, quá trình điều tra khởi tố 2 vụ theo đúng quy định của pháp luật của Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 20175.

Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm – Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện kiểm nghiệm, giám sát 24.144 mẫu phục vụ lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong đó có 11.578 mẫu kiểm định chỉ tiêu vi sinh, 12.566 mẫu kiểm định chỉ tiêu hóa6.

Tại các tuyến quận, huyện và phường, xã, thị trấn đã tiến hành kiểm tra, hậu kiểm, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý. Kết quả kiểm tra, hậu kiểm, giám sát 9.485 cơ sở, ghi nhận 1.000 cơ sở có vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 335 cơ sở với số tiền 4.223.650.000 đồng; tiêu hủy 12.002 đơn vị sản phẩm thực phẩm, 15,4 kg thực phẩm các loại. Kết quả kiểm nghiệm nhanh 1.547 mẫu, 193 mẫu kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm, có 21 mẫu không đạt (18 mẫu kiểm nghiệm nhanh, 6 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý, vi sinh)7.

Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của Sở An toàn thực phẩm thành phố từ năm 2017 đến năm 2023, các đoàn kiểm tra đã tiến hành thanh kiểm tra 37.557 cơ sở, phát hiện vi phạm 2.356 cơ sở (tỷ lệ 6,27%), xử phạt vi phạm hành chính 2.334 cơ sở với số tiền phạt 33.167.733.011 đồng, trong đó phạt cảnh cáo 6 cơ sở, chuyển UBND Quận 7 và quận Phú Nhuận xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở với số tiền 50.000.000 đồng; chuyển cơ quan khác tiếp tục xử lý 3 cơ sở, không xử phạt 17 cơ sở do không còn hoạt động8.

Với các kết quả trên cho thấy, công tác quản lý an toàn thực phẩm được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp các đơn vị có liên quan trên địa bàn Thành phố. Mục tiêu “Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên địa bàn thành phố” đã đượctriển khai quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động tuyên truyền – giáo dục, hướng dẫn các thông tin về thực phẩm an toàn; triển khai công tác giám sát lấy mẫu trên địa bàn.

Việc tăng cường kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm và được triển khai đồng loại trên phạm vi địa bàn thành phố; các đoàn kiểm tra không chỉ tập trung vào các đợt cao điểm của tháng hành động mà còn xuyên suốt các loại hình có nguy cơ cao bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; qua công tác kiểm tra bước đầu đã kịp thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, làm cơ sở để răn đe, giáo dục các cơ sở khác không xem thường pháp luật, áp dụng các biện pháp ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Mô hình quản lý an toàn thực phẩm từ thành phố cho đến các quận huyện, phường xã được bảo đảm thực hiện. Các Đội Quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc Thanh tra – Sở An toàn thực phẩm Thành phố, có trụ sở đóng trực tiếp trên địa bàn quận, huyện thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, đồng thời phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm quận, huyện, thành phố đã tạo ra mạng lưới phối hợp, quản lý gắn kết, toàn diện và trực tiếp tại địa phương.

Phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục được thực hiện thường xuyên qua báo đài, trang thông tin điện tử, mạng xã hội…

Việc xây dựng các mô hình điểm, như: chuỗi thực phẩm an toàn, đề án quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, xây dựng các chợ điểm về kinh doanh thực phẩm an toàn, phường quản lý kinh doanh thức ăn đường phố, khu kinh doanh thức ăn đường phố có thời gian, tuyến đường kinh doanh thức ăn đường phố tập trung, điểm bán hàng bình ổn… góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; phát triển phương thức kinh doanh văn minh, lịch sự; hình thành ý thức lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn cho người dân.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm vẫn đang gặp một số bất cập, hạn chế, đó là: cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành một số nơi chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Bộ máy quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm chưa thật sự chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở.

Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm sai sự thật gây hoang mang dư luận, tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc thú y, các chất phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép, các chất hóa học ngày càng diễn biến phức tạp; các hoạt động sơ chế, chế biến thực phẩm trong các khu công nghiệp, các cơ sở bệnh viện và trường học đối với loại hình suất ăn sẵn cung cấp cho công nhân, học sinh, sinh viên hay bệnh nhân… còn ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm.

Trong công tác thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó có hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm, quá trình lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm còn vướng do các nghị định liên quan đến xử phạt trong lĩnh vực này còn có điểm bất cập, làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm.

Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn cố tình trốn tránh, kéo dài hoạt động kiểm tra, có dấu hiệu không chấp hành quyết định kiểm tra, cung cấp hồ sơ tài liệu nhỏ giọt, trì hoãn kéo dài hoặc giải thể công ty, hộ kinh doanh sau khi đoàn kiểm tra lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố chịu nhiều yếu tố tác động, đặc biệt là tình hình kinh tế hiện nay nên phải giải thể công ty, doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, thay đổi địa chỉ, hình thành mô hình kinh doanh thực phẩm trên không gian mạng, nền tảng công nghệ, thông tin online… nên gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc cập nhật danh sách thanh tra, kiểm tra khi không có địa điểm cố định.

Thức ăn đường phố còn tồn tại với quy mô nhỏ, lẻ với mặt bằng chật hẹp, máy móc lạc hậu, trang thiết bị không đầy đủ, nguồn nước không bảo đảm an toàn, nguồn lao động phục vụ ăn uống thường xuyên biến động, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm chưa cao. Công tác kiểm tra xử lý vi phạm an toàn thực phẩm đối với loại hình kinh doanh trên còn nhiều hạn chế, xử lý chưa nghiêm, chủ yếu là nhắc nhở.

Thiếu lực lượng làm công tác kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm ở các tuyến xã, phường, thị trấn, hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu, kiến thức chuyên ngành còn hạn chế, chưa qua đào tạo nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành…

Sự phối hợp kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm còn bất cập, chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho đối tượng kiểm tra và đoàn kiểm tra. Giữa Ủy ban nhân dân các cấp, Thanh tra Sở, Quản lý thị trường, Cảnh sát môi trường – Công an kinh tế… Một số cơ sở trong thời gian liên tục phải làm việc với nhiều đoàn kiểm tra, trong khi đó một số cơ sở từ khi thành lập chưa được kiểm tra, hướng dẫn.

Công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm chủ yếu mới dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính, mức độ răn đe chưa cao, do đó một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không tôn trọng pháp luật, tình hình an toàn thực phẩm bẩn vẫn còn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn nêu trên là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành, cán bộ, lãnh đạo chỉ đạo, công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm chưa đầy đủ; văn bản quy phạm pháp luật chưa được cập nhật, đồng bộ; đội ngũ làm công tác kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm còn mỏng. Sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, lãnh đạo quản lý an toàn thực phẩm chưa đúng mức.

Ý thức trách nhiệm của nhà sản xuất, sơ chế, chế biến, sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và kể cả người quản lý về bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế, trong đó trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm của các cơ quan chưa thật sự thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Hiện nay chưa có chế tài xử lý đối với cơ quan, cán bộ không hoàn thành trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm; phân công công việc chưa phù hợp với vị trí đề án việc làm, chưa đi liền với tổ chức bộ máy và đầu tư kinh phí.

Công tác phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn bỏ sót một số loại hình, đối tượng nên việc kiểm tra theo dõi, xử lý vi phạm chưa kịp thời, chưa có sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn quản lý. Một số cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ còn chưa nghiêm.

Nguồn nhân lực ở tuyến quận, huyện, xã phường còn hạn chế, chưa có thanh tra chuyên ngành, còn tuyến xã, phường chỉ có cán bộ kiêm nghiệm làm công tác an toàn thực phẩm. Đối với ngành Nông nghiệp và ngành Công thương có cán bộ kiêm nghiệm ở tuyến quận, huyện còn tuyến xã, phường chưa có cán bộ quản lý về an toàn thực phẩm.

Trong hoạt động kiểm tra, số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, có nhiều vụ việc phức tạp xong xử lý không tương xứng với mức độ vi phạm, bỏ sót hành vi vi phạm, công tác xử lý sau kiểm tra chưa quyết liệt, hồ sơ chuyển qua cơ quan điều tra, xử lý hình sự quá ít so với mức độ nghiêm trọng xảy ra, không tạo ra sức răn đe đối với các cơ sở vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm.

Công tác xã hội hóa dịch vụ công chưa được triển khai tốt từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… nên chưa phát huy lợi thế trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc xã hội hóa công tác thử nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng không giám sát, kiểm tra nên các cơ sở sử dụng giấy tờ giả vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Công tác kiểm tra chuyên ngành chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ở các bộ ngành, cơ quan mới được tái cơ cấu, thành lập năm 2023 nên hoạt động phối hợp chưa thống nhất hiệu quả.

3. Một số giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

(1) Giải pháp tăng cường kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh tăng cường sự lãnh đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng và chính quyền trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, đề cao vai trò Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương, trong đó ngành Y tế là đầu mối trong hoạt động quản lý, kiểm tra.

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động an toàn thực phẩm. Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, nhân rộng phát triển các mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiệu quả cao, nâng cao năng lực phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Xây dựng hệ thống phân tích, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Phát huy nguồn lực trong nước và quốc tế, tăng cường đào tạo, tập huấn về an toàn thực phẩm. Tăng cường nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các viện nghiên cứu tập trung nghiên cứu, nhận xét, đánh giá và đưa ra các giải pháp tiên tiến cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm. Xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài việc xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực tài chính, cần tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có hoạt động kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm.

(2) Giải pháp đối với TP. Hồ Chí Minh.

Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Thường xuyên rà soát, thẩm định, kiểm tra, đánh giá các văn bản hướng dẫn chuyên ngành về an toàn thực phẩm để phát hiện các nội dung chưa phù hợp, đang còn chồng chéo, mâu thuẫn để đề xuất cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.

Tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Tổ chức bộ máy và biên chế đội ngũ lực lượng cán bộ, công chức kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm từ tuyến thành phố đến tuyến xã, phường, thị trấn. Ban hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; đẩy mạnh xã hội hóa công tác cấp giấy bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy vai trò thế mạnh các tổ chức, doanh nghiệp trong việc tham gia xã hội hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tăng cường kiểm tra đột xuất nhằm chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở quảng cáo sai sự thật, đặc biệt lợi dụng không gian mạng để bán thực phẩm chức năng chưa đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, tẩy chay các sản phẩm không bảo đảm an toàn. Đồng thời, qua công tác kiểm tra kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân tố giác, phản ánh hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, có cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ các tổ chức, cá nhân tố giác, phản ánh, cung cấp cho đoàn kiểm tra.

Tiếp tục phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh với nhiều cơ chế đặc thù đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Xây dựng bộ máy quản lý an toàn thực phẩm đồng bộ, tăng cường tính trách nhiệm, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong vấn đề quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban ngành cần được triển khai chặt chẽ. Thiết lập cơ cấu tổ chức bộ máy gọn nhẹ hơn, hoạt động có hiệu quả hơn, phát huy cao vai trò kiểm tra tiền kiểm và hậu kiểm sau khi cấp giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn, các giấy chứng nhận tương đương do các tổ chức bên ngoài trực thuộc nhà nước có năng lực cấp HACCP, ISO…

Thống nhất cơ chế phối hợp bộ máy làm việc của các sở ban ngành, chính quyền địa phương từ tuyến thành phố, quận, huyện, xã phường hoạt động tốt, hiệu quả sẽ giúp tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm giữa các sở ngành, quận, huyện, xã phường trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật. Đặc biệt kịp thời khích lệ, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích suất sắc trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Đẩy mạnh, triển khai nhiều hình thức tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được thông tin, như: phát tờ rơi, pha nô, áp phích, in băng đĩa… Phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị phụ trách có trách nhiệm thực hiện trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật. Phân ra các loại hình, các đối tượng cụ thể để bảo đảm bám sát nội dung kế hoạch, mục tiêu đề ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, quản lý, điều hành phục vụ kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Đẩy nhanh việc triển khai dịch vụ công điện tử, thay thế văn bản giấy bằng “văn bản điện tử”. Triển khai đề án đô thị thông minh về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại Sở An toàn thực phẩm thành phố. Tiếp tục triển khai Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” theo kế hoạch đã được duyệt; phối hợp các tỉnh, thành phố cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu về sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm được tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Bảo đảm đủ số lượng cán bộ, công chức làm nhiệm vụ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm dựa trên tình hình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đặc điểm dân số, diện tích và quy mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu, chức danh quản lý về kiểm tra an toàn thực phẩm.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Nhân dân, báo chí, các tổ chức chính trị – xã hội trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Thiết lập các đường dây nóng, ứng dụng di động, cổng thông tin trực tuyến để người dân có thể dễ dàng phản ánh các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Tăng cường đưa tin, bài viết các vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Tăng cường giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội, như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, hiệp hội nghề nghiệp khác… trong việc kiểm tra an toàn thực phẩm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị – xã hội phối hợp thực hiện giám sát độc lập hoặc tham gia, các đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. Việc phối hợp này không chỉ giúp tăng cường tính hiệu quả mà còn bảo đảm khách quan trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm.

4. Một số đề xuất, kiến nghị nâng cao năng lực, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Một là, hoàn thiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn không còn phù hợp với thực tiễn và các quy định chính sách, pháp luật mới ban hành.

Hai là, tiếp tục tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở đã gây ngộ độc thực phẩm trước đây để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tái diễn.

Ba là, tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác quản lý an toàn thực phẩm ở mọi cấp độ. Hướng dẫn đánh giá việc “tuân thủ kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật”, làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm hành chính.

Bốn là, tăng cường hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm hành chính là giải pháp hiệu quả để bảo đảm an toàn thực phẩm. Chú trọng đổi mới trong việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật dùng giám sát hành vi những người tham gia vào hoạt động an toàn thực phẩm.

Năm là, thực hiện chính sách miễn, giảm tần suất kiểm tra đối với các cơ sở duy trì tốt các điều kiện an toàn thực phẩm, đồng thời áp dụng chế độ giám sát, kiểm tra chặt chẽ hơn với các cơ sở vi phạm. Kịp thời đình chỉ hoạt động sản xuất, thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa của các cơ sở vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong vấn đề an toàn thực phẩm.

Sáu là, nghiên cứu, thực hiện các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, bảo đảm tuân thủ các quy định quốc tế, đồng thời giải quyết kịp thời rào cản kỹ thuật, an toàn thực phẩm để duy trì, thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát từ các đoàn đại biểu Quốc hội, cũng như Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Hội đồng nhân dân các cấp cần ban hành các nghị quyết liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giải trình, báo cáo thông qua các kỳ họp chất vấn thường niên.

Bảy là, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cần có sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng xử phạt nhưng vẫn cho phép vi phạm tiếp tục tồn tại, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn thực phẩm ở mỗi địa phương, đi đôi với các chính sách đầu tư, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.

Tám là, lập kế hoạch huy động thêm lực lượng tham gia kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, các khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng, các cơ quan có thẩm quyền để kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm, phát hiện và xử lý kịp thời. Có chính sách khen thưởng các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân tuân thủ tốt quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời, áp dụng biện pháp xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Chín là, thực hiện các cuộc kiểm tra chuyên sâu việc tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tránh tình trạng kiểm tra chỉ diễn ra định kỳ rồi bỏ dở, không đạt được kết quả cao.

5. Kết luận

Việc tăng cường kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh chóng. Những hành động quyết liệt này nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của cộng đồng, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn do các hành vi vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các biện pháp kiểm tra cần được triển khai toàn diện, bao gồm: kiểm tra đột xuất, định kỳ và giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên toàn địa bàn. Đồng thời, cần phát huy tất cả các nguồn lực, từ nhân lực, tài chính, kỹ thuật đến hợp tác giữa các cơ quan chức năng, cộng đồng để bảo đảm tính hiệu quả, bền vững trong hoạt động kiểm tra.

Việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả của công tác an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các chính sách, quy định về an toàn thực phẩm cần được cập nhật liên tục để đáp ứng nhu cầu thực tế, đồng thời tăng cường giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm.

Tóm lại, sự quyết liệt, đồng bộ trong việc tăng cường kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm góp phần tạo ra một môi trường thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân, củng cố lòng tin của cộng đồng vào hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (2023). Báo cáo kết quả công tác kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2021 – 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2010). Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
2. Quốc hội (2012). Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
3. Quốc hội (2020). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.
4. Quốc hội (2006). Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006.
5. Quốc hội (2015). Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
6. Quốc hội (2007). Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007.
7. Quốc hội (2010). Luật Bảo về quyền lợi Người tiêu dùng năm 2010.
8. Quốc hội (2023). Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
9. Chính phủ (2018). Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
10. Chính phủ (2018). Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
11. Thủ tướng Chính phủ (2020). Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
12. Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2023). Nghị quyết số 77/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.
13. Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2023). Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh.
14. Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Quyết định số 527/QĐ-SATTP về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.
15. Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023.
Phan Hữu Mỹ
Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/