Sự phát triển của mạng xã hội và khả năng ứng dụng các lợi thế, tiện ích của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền ở Việt Nam
08:54 04/10/2022
Xu hướng phát triển của mạng xã hội
Xu hướng con người sử dụng không gian mạng ngày càng gia tăng, tác động lớn tới không gian sống thực của con người. Không chỉ mang đến nguồn thông tin vô tận, không gian mạng còn là nơi kết nối xã hội loài người, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và gia tăng giá trị cuộc sống. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính “ảo”, dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, thông tin xấu, độc.
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ cả mặt tích cực và tiêu cực của không gian mạng một cách rõ nét. Dịch COVID-19 vừa là chất xúc tác giúp Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số khi liên tiếp các ứng dụng hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh như Bluezone, PC-Covid,... và các nền tảng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến, giao hàng tận nơi... được ra đời, vừa trở thành cơ hội cho tin giả, thông tin xấu, độc trên mạng gia tăng đột biến.
Thực tế, tin giả, thông tin xấu, độc thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin chính thống từ các phương tiện truyền thông. Đây là một thách thức không chỉ riêng với Việt Nam, mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội cao trên thế giới và xu hướng đọc tin trên mạng xã hội ngày càng tăng. Các nền tảng mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn như Facebook, Youtube, TikTok, Zalo... đang là môi trường phát tán tin giả, thông tin xấu, độc phổ biến nhất. Năm 2020, Google thống kê Việt Nam đứng tốp 10 các nước có số lượng thông tin vi phạm chính sách bị yêu cầu xử lý. Đặc biệt, việc các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, chống đối chính trị đã và đang triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, đặt công tác quản lý thông tin trên mạng, định hướng dư luận ở nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, việc quản lý hiệu quả không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng nhằm hạn chế tối đa những mặt trái, đồng thời phát huy mặt tích cực, khả năng ứng dụng các lợi thế, tiện ích của mạng xã hội đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta.
Trước tình hình đó, hoạt động tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật khi sử dụng mạng xã hội luôn được Bộ Thông tin và Truyền thông gắn chặt với việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22-10-2010, của Bộ Chính trị khóa X, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 12-5-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông”, trong đó yêu cầu “đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới”; thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, và “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet”, nhờ đó trang bị kiến thức cần thiết để người tham gia hoạt động trên mạng, sử dụng mạng xã hội nhận diện, cảnh giác trước tính chất nguy hại của những thông tin xấu, độc, qua đó, mỗi người có thể tự lựa chọn, tiếp nhận thông tin hữu ích, đồng thời biết sàng lọc, tạo “miễn dịch” trước những thông tin xấu, độc đang tràn lan trên mạng.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.
Quán triệt sâu sắc tinh thần này, với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với thông tin trên không gian mạng, mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để nhanh chóng “làm chủ” các tính năng, công cụ mới của internet và mạng xã hội phục vụ cho công tác quản lý, tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội, thúc đẩy truyền thông chủ động. Qua thực tiễn triển khai, có thể thấy vấn đề thông tin tuyên truyền nói chung và tuyên truyền chính trị nói riêng trên mạng xã hội cần đáp ứng các tiêu chí về tính lan tỏa, tính thu hút, tính kịp thời và tính chính xác.
Trước đây, thông tin tuyên truyền chủ yếu là một chiều, vì thế nội dung thông tin thường theo lối mòn, chưa có sự tương tác với công chúng cũng như thời gian truyền tải tới công chúng chậm. Mạng xã hội xuất hiện đã làm cho việc tiếp cận thông tin không còn đơn điệu như trước. Thay vào đó, tất cả mọi người sử dụng mạng xã hội đều có thể tham gia tương tác, cung cấp, chia sẻ thông tin, tạo ra môi trường thông tin đa chiều với nhiều nội dung khác nhau. Chính vì thế, cần tăng cường lan tỏa thông tin tích cực lên không gian mạng, chuyển hướng sự tập trung chú ý của dư luận tại cùng thời điểm vào những thông tin tích cực, phân hóa và cô lập những nhóm thông tin tiêu cực, đây chính là “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tạo môi trường phát triển nội dung thông tin tốt nhằm bao trùm và lấn át nội dung thông tin tiêu cực trên không gian mạng.
Ứng dụng các lợi thế, tiện ích của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền
Để công tác thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội hiệu quả, cần căn cứ vào đặc điểm tâm lý của cư dân mạng. Thị hiếu của cư dân mạng hiện nay là thích tin ngắn, bằng hình ảnh, ngại đọc những vấn đề lý luận cao siêu, trừu tượng. Vì vậy, muốn thu hút người dân quan tâm tới thông tin, tuyên truyền, thì không chỉ bằng luận chứng, luận cứ khoa học mà còn phải bằng lý lẽ đời thường, lập luận thuyết phục. Thông tin phải có sự chọn lọc, mang tính thiết thực, có lợi ích rõ ràng, thúc đẩy cái đẹp, cái tích cực, phê phán và đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực vì sự phát triển của cộng đồng và xã hội. Ngoài ra, nội dung, thông điệp truyền tải ngắn gọn, phù hợp với ngôn ngữ của cộng đồng mạng, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thể hiện và dễ lan tỏa bằng truyền thông đa phương tiện trên nền tảng của văn bản, hình ảnh, video,...
Một trong những điểm ưu việt của mạng xã hội so với báo chí truyền thống là đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin nhanh chóng của công chúng. Tuy nhiên, điều này cũng trở thành “con dao hai lưỡi” khi tạo điều kiện cho tin giả, thông tin xấu, độc lan truyền rộng rãi trong thời gian ngắn, nghiêm trọng hơn là khi các thế lực thù địch, phản động lợi dụng mạng xã hội xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ, lôi kéo, kích động bạo loạn, biểu tình, gây rối trật tự công cộng,... Do đó, yêu cầu đặt ra đối với việc ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền là thông tin phải được cung cấp nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn phải bảo đảm tính chính xác, chất lượng với cách viết hấp dẫn, thu hút. Khi xuất hiện tin giả, thông tin xấu, độc, phải kịp thời “giải độc” thông tin nhanh chóng bằng nguồn tin xác thực, tin cậy giúp người dân nắm rõ bản chất vấn đề, không để những tin này ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đấu tranh, phản bác, đồng thời tuyên truyền và huy động người dân tham gia chia sẻ, lan tỏa nguồn thông tin chính thống thành dòng chủ lưu, chi phối trên mạng. Đối với các vấn đề, lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm và phức tạp được dư luận quan tâm, phải dự báo được tình hình, xu hướng để chủ động chiếm lĩnh truyền thông trên mạng.
Những hình thức đang phổ biến trên mạng xã hội hiện nay có thể ứng dụng trong tuyên truyền chính trị, như: Kể chuyện (story telling) - người làm công tác tuyên truyền gửi gắm thông điệp thông qua những câu chuyện có ý nghĩa, chạm đến cảm xúc của độc giả nhằm thể hiện sự thấu hiểu và gắn kết; Video ngắn (short video/reel) - hình thức truyền thông qua các video ngắn 10s - 30s, đây là hình thức phổ biến nhất hiện nay với sự tham gia của hầu hết các mạng xã hội lớn, như Facebook, Tiktok, Youtube, Instagram...; nội dung do người dùng tạo ra (UGC content), có thể ứng dụng trong các cuộc thi trực tuyến (online) với sự tham gia của công chúng mục tiêu; sử dụng người có sức ảnh hưởng (KOLs) để định hướng dư luận...
Với các kinh nghiệm đã đúc rút được, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn để các bộ, ngành, địa phương xây dựng và vận hành hiệu quả một hệ thống truyền thông đa phương tiện, trong đó các cơ quan báo chí chính thống đóng vai trò nòng cốt; các trang thông tin điện tử, các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, các kênh video trên các mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, TikTok, Zalo (kết hợp cả chính danh và ẩn danh) làm công cụ lan tỏa thông tin chính thống, tích cực, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá theo hướng “bám sát thực tiễn, lập luận thuyết phục, ví dụ cụ thể”, để giành thế chủ động, làm chủ thế trận tiến công về thông tin tư tưởng, lý luận trên internet và đã đạt được một số kết quả khả quan, Fanpage chính thức của Chính phủ trên Facebook ra đời năm 2015 với tên gọi “Thông tin Chính phủ” giúp người dân dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận với các thông cáo báo chí, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số hoạt động của Chính phủ. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của Fanpage này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng hành, đề xuất một số giải pháp, ý tưởng và được nhóm điều hành trang đón nhận, tiếp thu. Trong hai năm gần đây, lượng người truy cập và theo dõi đã tăng gấp hơn 10 lần(1), trang “Thông tin Chính phủ” trở thành một trong những địa chỉ cung cấp thông tin uy tín nhất, hoạt động hiệu quả nhất trong số những fanpage chính thống của các cơ quan nhà nước. Fanpage còn là kênh thông tin hữu hiệu của người dân, doanh nghiệp và người Việt Nam ở nước ngoài.
Một số tính năng, công cụ mới của mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông khai thác, sử dụng hiệu quả như: livestream (phát trực tuyến trên mạng xã hội); quảng cáo hướng đối tượng (chạy quảng cáo để phát các thông điệp cần tuyên truyền đến các nhóm đối tượng mong muốn); sáng tạo nội dung tuyên truyền phù hợp với thị hiếu và cách thức tiếp nhận thông tin của cộng đồng mạng (xây dựng và phát các video clip, hình ảnh hoặc nội dung tuyên truyền trên Facebook, Youtube, TikTok); thăm dò dư luận... Tiêu biểu là chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” do Bộ Thông tin và Truyền thông và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong tháng 8-2021 và tháng 9-2021 theo hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội(2). Khi Thành phố Hồ Chí Minh trải qua những đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, tin giả gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch của Thành phố. Thay vì ngăn chặn tin giả một cách thụ động, một phương thức mới đã được đề xuất, đó là “truyền thông chủ động trên chính nơi mà tin giả phát tán”. Hiệu quả của Chương trình được đánh giá dựa trên các tiêu chí như tính thời sự, tính thực tiễn và tính trực diện, sự tương tác. Chương trình đã cho thấy hướng đi đúng, hiệu quả khi nắm bắt được chính xác tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, hoạt động đúng thời điểm và đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, nhiễu loạn thông tin về phòng, chống dịch, việc có kênh thông tin chính thống để người dân đối thoại trực tiếp với những người đứng đầu Thành phố đã giúp an dân. Chương trình đã mở ra một kênh mới để chính quyền tương tác với người dân. Việc sử dụng tính năng livestream trên mạng xã hội - vốn rất quen thuộc với người dân, góp phần thu nhỏ khoảng cách giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, làm tiền đề nhân rộng tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Lần đầu tiên, người dân nhận thấy ý kiến của họ không chỉ được lắng nghe mà còn được tiếp thu, thực hiện; lan tỏa thông điệp truyền thông tích cực để người dân vững tâm vượt qua đại dịch.
Cùng với việc đẩy mạnh lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực, để công tác thông tin, tuyên truyền đạt hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quán triệt quan điểm gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Trong đó, “xây” là giải pháp tập trung vào bên trong, nội tại, “chống” là giải pháp hướng vào việc ngăn chặn những tác động tiêu cực từ bên ngoài, phải được thực hiện quyết liệt, kiên trì. Để đạt được mục tiêu này, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên rà quét, phát hiện thông tin xấu, độc và tổ chức nhiều đợt đấu tranh cứng rắn, quyết liệt với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, yêu cầu các nền tảng này kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời tin giả, thông tin xấu, độc xuyên tạc chủ trương, đường lối, tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam; thông tin lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nội dung phản cảm, độc hại đối với trẻ em và các quảng cáo chính trị từ các fanpage, tài khoản của các thế lực thù địch, tổ chức phản động.
Song song với đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân về nhận diện tin giả, thông tin xấu, độc trên không gian mạng cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng thực hiện. Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) để xác minh, công bố tin giả trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhiệm vụ chính của Trung tâm là tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật trên trang tingia.gov.vn. Đồng thời, chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ, tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả nếu có, cảnh báo người dân không chia sẻ và hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 4.000 lượt báo cáo tin giả. Sau quá trình xác minh, Trung tâm đã công bố dán nhãn 49 tin giả, tin sai sự thật. Trong đó, nhiều nội dung liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn đặt công tác đào tạo cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bộ thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương, nhằm bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về cách thức nhận biết, phát hiện tin giả, thông tin xấu, độc trên không gian mạng, kỹ năng tương tác và thực hành trên không gian mạng cho cán bộ, như kỹ năng thiết kế các ấn phẩm tuyên truyền, kỹ năng viết tin, bài; kỹ năng truyền thông, sử dụng mạng an toàn... Mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong cung cấp thông tin chính thống, định hướng kịp thời những vấn đề quan trọng, nhạy cảm và ngăn chặn, phản bác thông tin xấu, độc.
Trong thời gian tới, để quản lý hiệu quả thông tin trên không gian mạng, mạng xã hội, tiếp tục phát huy mặt tích cực của mạng xã hội, khả năng ứng dụng các lợi thế, tiện ích của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông duy trì thực hiện các biện pháp đã nêu, đồng thời chủ động nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quản lý của các nước trên thế giới để ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu đề ra./.
(2) Chương trình được thực hiện phát sóng trên các nền tảng Fanpage, YouTube và TikTok của Trung tâm Báo chí Thành phố; đồng thời, được tiếp sóng qua 15 kênh truyền thông mạng xã hội Facebook và 5 kênh truyền thông qua Youtube của Cổng thông tin Chính phủ, các cơ quan trung ương và thông tấn báo chí