Quyền tiếp cận Thông tin - Lý luận và thực tiễn

13:38 18/12/2018

Thông tin có vai trò vô cùng quan trọng. Đối với mỗi cá nhân, thông tin là cơ sở hình thành tri thức, ý thức, tác động đến sự phát triển không chỉ về trí tuệ mà cả về đạo đức, tinh thần và thể chất của con người. Đối với mỗi quốc gia, thông tin là cơ sở để vận hành nhà nước pháp quyền và phát triển bền vững, luật tiếp cận thông tin được coi là “vũ khí quan trọng nhất, không thể thiếu để phòng, chống tham nhũng”.

Ở Việt Nam, quyền được thông tin đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 (Điều 69) và được sửa đổi thành quyền tiếp cận thông tin trong Hiến pháp 2013 (Điều 25). Quy định mới của Hiến pháp năm 2013 đã tạo nền tảng hiến định để các cơ quan nhà nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế thúc đẩy, bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của người dân, qua đó góp phần tăng cường hiệu quả cuộc chiến chống tham nhũng, thúc đẩy cải cách nền quản trị quốc gia đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của công cuộc hiện đại hoá, hội nhập quốc tế của nước ta.

Trong thời gian qua đã có nhiều công trình nghiên cứu về quyền tiếp cận thông tin ở nước ta, nhưng chủ yếu dưới dạng các bài viết riêng lẻ, chưa có công trình nào khảo sát và phân tích vấn đề một cách toàn diện, hệ thống và chuyên sâu. Trong bối cảnh đó, được sự hỗ trợ của Chương trình Khoa học & Công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KX.03/11-15 “Nghiên cứu khoa học phát triển văn hóa, con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, Viện Khoa học Môi trường & Xã hội (ESSI) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức nghiên cứu và bảo vệ thành công Đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền tiếp cận thông tin ở nước ta hiện nay” (mã số KX.03.17/11-15). Để phổ biến rộng rãi những kiến thức, thông tin thu được từ đề tài đã nêu, ESSI đã biên tập các báo cáo tổng quan của các đề tài nhánh để xuất bản cuốn sách này.

Cuốn sách chứa đựng một lượng kiến thức, thông tin phong phú về các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn của quyền tiếp cận thông tin trên thế giới và ở Việt Nam. Với nội dung như vậy, tin rằng cuốn sách là một nguồn tư liệu hữu ích cho các cơ quan nhà nước hữu quan trong việc thực thi quyền tiếp cận thông tin, mà trực tiếp là cho việc xây dựng và thực hiện Luật Tiếp cận thông tin của nước ta, đồng thời bổ sung một nguồn học liệu cho việc giảng dạy, nghiên cứu về vấn đề này ở các cơ sở học thuật. Mặc dù vậy, do những giới hạn về nguồn lực, thời gian thực hiện đề tài cũng như dung lượng của ấn phẩm, cuốn sách này chắc chắn vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được những góp ý chân tình của quý bạn đọc để có thể biên soạn và xuất bản những ấn phẩm tốt hơn về sau.

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/