Quản lý xã hội, quản trị xã hội từ góc độ lý thuyết hệ thống

17:42 24/03/2020

Nhiều người đã quá quen thuộc với quản trị, quản lý trong lĩnh vực kinh tế và hành chính đến mức phủ nhận lĩnh vực nghiên cứu - đào tạo đang có yêu cầu thực tiễn phát triển mạnh là quản trị xã hội, quản lý xã hội.

Mối quan hệ của quản trị và quản lý 

Theo nghĩa chung nhất, quản trị có nghĩa là hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm soát một nhóm người, một tổ chức hay một quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của họ. Quản trị thường được định nghĩa là việc thực thi quyền lực hay quyền hành bởi người lãnh đạo nhằm bảo đảm phúc lợi của các thành viên trong tổ chức hay cộng đồng. Nội hàm thuật ngữ quản lý có nhiều nội dung tương tự quản trị, nhưng có những khác biệt cần được làm rõ để có thể sử dụng một cách phù hợp. 

Quản trị trong công ty cổ phần. Có thể nghiên cứu trường hợp quản trị, cụ thể là hội đồng quản trị trong công ty cổ phần để hiểu rõ hơn về mối quan hệ của quản trị với quản lý trong phạm vi tổ chức doanh nghiệp. Trong công ty cổ phần người quản lý bao gồm cả chủ tịch hội đồng quản trị và các thành viên hội đồng quản trị, người chủ sở hữu và những người có chức danh quản lý trong công ty. Điều này có nghĩa là “quản lý” bao hàm cả “quản trị”. Trong mô hình tổ chức quản lý của công ty cổ phần có “hội đồng quản trị” và chủ tịch hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Đại hội đồng cổ đông có quyền và nghĩa vụ bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị; xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị. Trong công ty cổ phần, hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ có thể tóm tắt như sau: (i) quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty; (ii) quyết định mua bán các loại cổ phần, trái phiếu; (iii) quyết định đầu tư, giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; (iv) bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng theo điều lệ; (v) giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày; (vi) quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quyết định thành lập công ty con, lập chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác; (vii) kiến nghị việc tổ chức lại, giải thể, yêu cầu phá sản công ty. Với các quyền và nghĩa vụ như vậy, có thể thấy rõ quản trị bao quát, quy định, chỉ đạo, giám sát quản lý.

Việc xuất hiện “hội đồng quản trị” trong một tổ chức như công ty cổ phần chứng tỏ “quản trị” liên quan đến vấn đề quyền sở hữu và lợi ích của các bên tham gia tổ chức; cụ thể ở đây là các cổ đông gồm ít nhất ba cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần. Trọng tâm của quản lý là thực hiện các mục tiêu trong khuôn khổ đã được quản trị xác định. Trọng tâm của quản trị là bảo đảm cân bằng tăng lợi ích của các bên tham gia. 

Quản trị trong năng lực lãnh đạo, quản lý. Một nghiên cứu về đo lường, đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công xác định 6 nhóm năng lực thành phần gồm(1): (i) năng lực đạo đức công vụ, (ii) năng lực am hiểu địa phương, (iii) năng lực chuyên môn, (iv) năng lực quản lý, điều hành, (v) năng lực quản trị nhân sự và (vi) năng lực quản trị bản thân. Cấu trúc sáu thành phần này của năng lực lãnh đạo, quản lý cho thấy rõ quản lý bao gồm cả quản trị cụ thể là quản trị nhân sự và quản trị bản thân. Xem xét kỹ thấy “năng lực quản lý, điều hành” có 9 năng lực trong đó có “quản trị sự thay đổi”, “quản trị thông tin nội bộ” và “quản trị nguồn lực của tổ chức”. “Năng lực quản trị bản thân” bao gồm 16 năng lực trong đó có năng lực “quản trị áp lực trong công việc” và “quản lý thời gian”. Như vậy, quản trị bao gồm cả quản trị và quản lý. 

Việc tìm hiểu sơ bộ hai trường hợp quản trị trong công ty cổ phần và quản trị trong khung năng lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công cho thấy mối quan hệ tương tác, bổ sung lẫn nhau của quản trị với quản lý. Từ đó đặt ra vấn đề, một mặt sử dụng từ ngữ này để định nghĩa từ ngữ kia và mặt khác cần phân biệt quản trị, quản lý công ty với quản trị, quản lý xã hội. Có thể cần sử dụng từ ngữ quản lý xã hội theo nghĩa rộng để nhấn mạnh tính toàn thể, tính hệ thống ở đối tượng, phạm vi của quản trị xã hội. Đồng thời có thể vận dụng cách tiếp cận lý thuyết phân hóa của Luhmann để định nghĩa quản trị xã hội là quản lý toàn thể xã hội với tính cách là hệ thống xã hội phân hóa, khác biệt hóa với môi trường. Với định nghĩa này ở đây không đặt ra mục đích phân biệt quản trị xã hội với quản lý xã hội nữa, mà tập trung làm rõ đặc trưng của quản lý xã hội, quản trị xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Quản lý 

Henri Fayol (1841 - 1925) là một trong những tác giả tiên phong nghiên cứu về quản lý và đã đưa ra những quan điểm mới đối với không ít nhà nghiên cứu hiện đại. Ông cho rằng quản lý tức là lập kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, phối hợp và kiểm tra, quản lý chỉ là biện pháp và công cụ của tổ chức xã hội, chức năng quản lý chỉ tác động đến con người. Vấn đề là trong các chức năng của quản lý có chức năng “chỉ huy” mà không ít người hiểu nhầm là “lãnh đạo” và do vậy mới cho rằng lãnh đạo là một bộ phận của quản lý. Nhưng theo Fayol, quản lý chỉ là một trong sáu chức năng hay sáu công việc của cả một tổ chức, một doanh nghiệp do lãnh đạo bảo đảm thực hiện. Năm công việc kia là sản xuất, trao đổi, tài chính, bảo vệ và kế toán. 

Một vấn đề khác là tên gọi “người lãnh đạo”, “người quản lý” có lẽ đã làm cho mọi người nhầm tưởng rằng trong một tổ chức có những người chuyên làm lãnh đạo, quản lý đến mức những người còn lại không phải làm, không được làm công việc này. Cách hiểu giản đơn về quản lý kiểu này dẫn đến một thực tiễn giáo dục - đào tạo lệch về thực tiễn được hiểu thô sơ với biểu hiện là toàn bộ nội dung chương trình đào tạo đều là những kinh nghiệm, kỹ năng, biện pháp nhằm biến “người lãnh đạo”, “người quản lý” thành tác nhân, diễn viên người phải làm thế này, phải ứng xử thế kia đối với “người bị lãnh đạo”, “người bị quản lý”. Điều này không sai, nhưng đang biến khoa học về quản lý thành tập hợp các kinh nghiệm kiểu “cầm tay chỉ việc”, về bộ môn quản lý, lãnh đạo chỉ dành cho "cán bộ lãnh đạo, quản lý" mà quên mất một mặt kia của vấn đề là cần phải đào tạo một cách khoa học về lãnh đạo, quản lý cho cả đội ngũ nhân viên. Có thể cần nhấn mạnh ý tưởng mới này bởi vì cho đến nay lãnh đạo, quản lý chủ yếu được coi là công việc của một số ít người: khoảng 1% những người đang làm công việc này được gọi là người lãnh đạo, quản lý. 

Quản trị và quản trị xã hội

Các loại quản trị: Trước kia quản trị (governance) thường gắn với chính phủ (government, chính quyền) đến mức được sử dụng thay thế cho nhau và đều chủ yếu nói về quyền lực nhà nước, quản trị nhà nước. Nhưng từ những năm 1980 đến nay nội hàm khái niệm quản trị được mở rộng bao gồm cả (i) quản trị nhà nước với các chủ thể là các tổ chức và thể chế của nhà nước, (ii) quản trị xã hội dân sự với các tổ chức phi chính phủ và hộ gia đình, (iii) quản trị thị trường, khu vực tư nhân với các tổ chức doanh nghiệp. Xem kỹ thấy rằng sự phân biệt ba loại quản trị này chỉ mang tính chất tương đối bởi vì quản trị nhà nước bao quát tất cả các khu vực công và khu vực tư, các lĩnh vực của đời sống con người, tổ chức, cộng đồng, gia đình và các cá nhân. Căn cứ cấp độ, phạm vi hoạt động có thể phân biệt quản trị địa phương, quản trị quốc gia, quản trị khu vực và quản trị toàn cầu. Căn cứ lĩnh vực đời sống xã hội có thể phân biệt quản trị kinh tế, quản trị giáo dục, quản trị khoa học, quản trị xã hội và các loại quản trị khác.

Sự biến đổi: Điều quan trọng là xã hội biến đổi nên không những chức năng mà quản trị với tính cách là một tiểu hệ thống xã hội cũng biến đổi. Trước kia, quản trị chủ yếu là quá trình tập trung và thực thi quyền lực, quyền hành và quyền uy để chỉ huy, thống trị và kiểm soát. Nhưng ngày nay quản trị bao gồm cả quá trình phi tập trung, quản lý quan hệ và tạo sự đồng thuận bởi vì bất kỳ một hoạt động chỉ huy và kiểm soát nào cũng bao gồm nhiều tổ chức, nhóm và cá nhân có mối quan hệ phân công, hiệp tác với tính cách vừa là chủ thể và khách thể, đối tượng và đối tác, đối thủ và đồng minh. Đặc biệt cần chú ý một sự biến đổi mới ở ngay trong quản trị nhà nước, đó là biến đổi quản trị từ “cai trị, thống trị, chỉ huy, ra lệnh, kiểm soát” sang “điều tiết, phục vụ, hỗ trợ và kiến tạo, phát triển”. Sự biến đổi quản trị xã hội đang tuân theo xu hướng biến đổi từ quản trị chiếm đoạt sang quản trị dung hợp, bao trùm thu hút tất cả mọi người tham gia vào quá trình kiến tạo, phát triển. Có thể thấy ở Việt Nam quản trị ở tất cả các cấp độ từ Trung ương đến địa phương đều hướng đến phát triển bền vững, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Quản trị xã hội từ góc độ lý thuyết hệ thống bốn chức năng 

Talcott Parsons có đóng góp lớn trong nghiên cứu và phát triển lý thuyết hệ thống tổng quát trong xã hội học theo hướng lấy chức năng để giải thích cấu trúc của hệ thống xã hội. Theo Parsons, bất kỳ một hệ thống xã hội nào cũng phải thực hiện ít nhất bốn yêu cầu chức năng để có thể sinh tồn, vận động và phát triển trong môi trường luôn biến đổi. Đó là chức năng thích ứng, hướng đích, đoàn kết và duy trì khuôn mẫu. Do vậy, hệ thống xã hội bị phân hóa thành bốn tiểu hệ thống mà mỗi hệ thống chuyên môn hóa vào thực hiện một chức năng. Các tiểu hệ thống này tương đối độc lập nhưng luôn tương tác với nhau tạo thành một cấu trúc tương đối ổn định, bền vững. Đến lượt nó, mỗi tiểu hệ thống có thể tiếp tục phân hóa thành bốn bộ phận tương ứng với bốn chức năng. Nguyên lý phân hóa hệ thống này có thể tiếp tục diễn ra tùy theo sự yêu cầu chức năng mà môi trường đòi hỏi. 

Chức năng của quản trị xã hội. Vận dụng cách tiếp cận lý thuyết hệ thống bốn chức năng có thể thấy quản trị xã hội có chức năng hướng đích cho cả hệ thống. Chức năng hướng đích này có thể được thao tác hóa, phân hóa thành những chức năng cụ thể là: (i) thiết kế và tổ chức các hoạt động đầu vào, hoạt động sản xuất và hoạt động đầu ra của cả hệ thống, (ii) xác định mục tiêu chung của cả hệ thống bảo đảm cân bằng lợi ích các bên tham gia, (iii) xác định hệ giá trị, chuẩn mực để bảo đảm sự đồng bộ, an toàn, trật tự, (iv) xây dựng và phát triển văn hóa của hệ thống xã hội. Nói ngắn gọn, với tính cách là một tiểu hệ thống hướng đích của hệ thống xã hội, quản trị xã hội thực hiện cả bốn chức năng là thích ứng, hướng đích, đoàn kết và duy trì khuôn mẫu cho cả hệ thống nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong mối quan hệ với môi trường xung quanh.

Quản trị xã hội từ góc độ các nguyên lý hệ thống thế hệ thứ ba

Jamshid Gharajedaghi có đóng góp lớn trong nghiên cứu và phát triển lý thuyết hệ thống tổng quát trong quản lý phức hợp và hỗn độn(2). Theo Gharajedaghi, lý thuyết hệ thống đã phát triển qua giai đoạn hệ thống cơ học, hệ thống sinh học và đạt tới đỉnh cao là hệ thống xã hội. Theo cách tiếp cận lý thuyết hệ thống thế hệ thứ ba, xã hội cần được hiểu như là một hệ thống xã hội - đa trí tuệ. Hệ thống này vừa kế thừa tất cả các đặc trưng của hệ thống thế hệ thứ hai là hệ thống sinh học - đơn trí tuệ và hệ thống thế hệ thứ nhất là hệ thống cơ học - không trí tuệ, vừa phát triển các đặc trưng mới. Hệ thống xã hội đặc trưng bởi sự tương tác, phụ thuộc lẫn nhau, thích ứng, tự tổ chức, lựa chọn, chủ đích và nhiều đặc trưng khác của một hệ thống mở, cân bằng động và phân hóa với môi trường. Từ các đặc trưng này Gharajedaghi lựa chọn và khái quát được năm nguyên lý hệ thống thế hệ thứ ba để vận dụng trong “quản lý hỗn độn và phức hợp”. Có thể coi quản trị xã hội là bội số, là tổng hòa các quản lý hỗn độn và phức hợp, khi đó cần tìm hiểu và vận dụng năm nguyên lý hệ thống thế hệ thứ ba mà Gharajedaghi đã nhấn mạnh. Đó là nguyên lý về tính mở, tính chủ đích, tính hợp trội, tính đa chiều cạnh và tính phản trực cảm của hệ thống. Cần nhắc lại rằng đây là những nguyên lý hệ thống tổng quát, do vậy hoàn toàn có thể vận dụng vào thiết kế quản trị kinh doanh như Gharajedaghi đã làm và vận dụng trong nghiên cứu và phát triển quản trị xã hội trong trường hợp ở đây. 

Nguyên lý mở cho biết xã hội với tính cách là hệ thống không khép kín mà luôn mở với môi trường xung quanh thông qua các đầu vào, đầu ra và các ứng xử của hệ thống với môi trường. Bertallanfy là tác giả đầu tiên của lý thuyết hệ thống tổng quát cho biết khác với hệ thống vô cơ là hệ thống đóng, hệ thống sinh học và hệ thống xã hội là hệ thống mở. Nhờ nguyên lý mở mà hệ thống trao đổi chất với môi trường và vận động, biến đổi, phát triển. Nguyên lý mở đòi hỏi quản trị xã hội với tính cách là một tiểu hệ thống luôn mở với các tiểu hệ thống thuộc môi trường bên trong, và đòi hỏi cả hệ thống phải mở với môi trường xung quanh để tìm kiếm các đầu vào và sản xuất các đầu ra. Vận dụng nguyên lý này có thể thấy quản trị xã hội ở Việt Nam không thể không tính đến cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư trên thế giới. Ví dụ, quản trị xã hội trong lĩnh vực thông tin truyền thông ở Việt Nam cần tính đến môi trường bên trong và bên ngoài như sau: Trong dân số gồm 92 triệu người Việt Nam có 18 nghìn người được cấp thẻ nhà báo chuyên nghiệp và 48 triệu người sử dụng Facebook, mạng xã hội đa số là những người làm báo không chuyên. Trong bối cảnh truyền thông số và báo chí công dân toàn cầu, người có tài khoản Facebook nói riêng và người dùng Internet nói chung được tự do bày tỏ ý kiến và truyền thông tin về mọi thứ mà pháp luật không cấm. Vấn đề là làm thế nào để báo chí công không tụt hậu so với báo chí tư, mạng xã hội? Vấn đề của quản trị xã hội ở đây là làm thế nào huy động và sử dụng quyền lực mạng xã hội vào đổi mới và phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong một xã hội mở cửa với thế giới như ngày nay việc cấm Internet hoặc nhẹ hơn là kiểm soát việc sử dụng Internet bằng các biện pháp hành chính như phải xuất trình giấy chứng minh thư đã trở nên lỗi thời và phản tác dụng. Do vậy, nhiều cơ quan, tổ chức, trường học và một số thành phố đã cung cấp wifi miễn phí cho người dân được tự do truy cập Internet.

Nguyên lý chủ định cho biết hệ thống xã hội luôn có mục đích và tìm mọi cách để đạt mục đích đặt ra. Hệ thống xã hội có chủ đích bởi vì con người có ý thức và hành động có chủ đích. Do vậy, quản trị xã hội có chức năng xác định mục đích của cả hệ thống xã hội và vạch ra chiến lược, hệ giá trị chuẩn mực, kế hoạch, chương trình hành động để đạt mục đích đó. Vấn đề đặt ra là quản trị xã hội phải lựa chọn và xác định mục đích ưu tiên và cam kết thực hiện mục đích trong điều kiện có hạn về các nguồn lực. Vấn đề này không chỉ liên quan đến việc phân biệt mục đích dài hạn, trung hạn và ngắn hạn mà còn liên quan đến việc làm rõ mục đích trên các chiều cạnh của ý nghĩa, tác động, kết quả và đầu ra của cả hệ thống xã hội và của từng bộ phận cấu thành trong mối tương tác phức tạp giữa hệ thống và môi trường. Lấy ví dụ, quản trị kinh tế chủ yếu nhằm mục đích tăng sản lượng, giảm chi phí, tăng thu nhập, tăng lợi nhuận, do vậy có thể sẵn sàng làm ô nhiễm, hủy hoại môi trường và làm tăng lợi ích của nhóm người này và làm giảm lợi ích của nhóm người khác. Khác với quản trị kinh tế, quản trị xã hội đòi hỏi quản trị kinh tế phải gắn với mục đích phát triển bao trùm, bền vững và phát triển con người, cụ thể ở ví dụ này là đồng thời khuyến khích làm giàu gắn với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm trật tự xã hội, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Nguyên lý đa chiều cạnh cho biết hệ thống là sự phụ thuộc lẫn nhau của vô số các yếu tố với các chiều cạnh khác nhau thậm chí trái ngược nhau; là sự thống nhất của các mặt đối lập, là toàn thể các khả thi và các bất khả thi, là sự kết hợp của trật tự và hỗn loạn. Biểu hiện rõ nhất của tính đa chiều cạnh là tính đa chức năng, đa cấu trúc và đa quá trình của hệ thống xã hội, mà Ludwig von Bertalanffy gọi là nguyên lý “đẳng kết” (equifinality), đó là các quá trình khác nhau có thể đều dẫn đến những kết quả tương tự nhau. Vận dụng nguyên lý đa chiều cạnh trong quản trị xã hội đòi hỏi phải tính đến các mục đích khác nhau, các nguồn lực, các phương pháp, các biện pháp khác nhau đều có thể đạt được những mục đích nhất định. Khi đó quản trị xã hội cần hướng đến việc khuyến khích mọi người phát huy các thế mạnh khác nhau, các nguồn lực khác nhau để đạt các mục đích của họ mà không phương hại đến mục đích chung của cả cộng đồng xã hội. Ví dụ, quản trị xã hội giỏi có thể giúp mọi người nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và liên tục đổi mới, sáng tạo. Theo nguyên lý này, quản trị xã hội giỏi không có nghĩa là làm mọi người đều giỏi làm một việc giống nhau, mà làm cho mỗi người giỏi một việc khác nhau, tạo nên các loại sản phẩm, các loại hàng hóa, các loại dịch vụ phong phú, đa dạng. 

Nguyên lý hợp trội cho biết hệ thống xã hội luôn có các đặc tính hợp trội với tính cách là những đặc tính của hệ thống được hình thành từ sự tương tác, kết hợp, phối hợp của các bộ phận cấu thành nên hệ thống. Sức mạnh của cả một hệ thống xã hội phụ thuộc vào sức mạnh của từng tiểu hệ thống và sức mạnh của sự hợp trội do các tiểu hệ thống tương tác, kết hợp, phối hợp với nhau tạo nên. Nguyên tắc này gợi ý cho quản trị một tổ chức, là không chỉ tập trung nâng cao trình độ học vấn hay chuyên môn kỹ thuật của từng thành viên mà còn phải nâng cao trình độ tương tác, hợp tác giữa các thành viên của tổ chức. Không ít cơ quan chuyên môn, ví dụ cơ quan khoa học không thiếu người tài giỏi, nhưng cơ quan đó hoạt động kém hiệu quả, thậm chí yếu kém vì thiếu cơ chế hợp tác, tương tác tích cực giữa các thành viên, nhưng lại thừa sự ghen ghét, đố kỵ, thừa sự thiếu tôn trọng lẫn nhau, “cá mè một lứa”, “dân chủ quá trớn”. Nguyên lý hợp trội cho biết các đặc điểm và tính chất của một hệ thống luôn là sự hợp trội các đặc điểm, tính chất của các yếu tố tương tác với nhau tạo nên hệ thống đó. 

Nguyên lý phản trực cảm (Counter-intuitiveness) cho biết hệ thống luôn chứa đựng các yếu tố bất ngờ, khó lường, “hỗn độn”, “bất định”, “tai biến”, quan hệ nhân - quả có thể bị gián đoạn trong không gian và thời gian, thậm chí có thể đổi chỗ cho nhau. Nguyên tắc hệ thống này gợi ý cho lãnh đạo, quản lý, ví dụ, khi phải hoạt động trong môi trường liên tục thay đổi thì không nên thích ứng thụ động, mà phải thích ứng tích cực, sáng tạo, thậm chí là cần phải thay đổi nhanh chóng, bất ngờ. Đặc biệt, cần phải nắm lấy quy luật, cái ổn định, cái cơ bản để ứng phó với vô số các hiện tượng riêng lẻ, luôn thay đổi; cần phải biết “dĩ bất biến ứng vạn biến”. 

Quản trị xã hội từ góc độ lý thuyết phân hóa hệ thống

Khác với các cách tiếp cận lý thuyết hệ thống nặng về các nguyên lý tập trung vào hệ thống với các thành phần, cấu trúc của nó, Niklas Luhmman đưa ra lý thuyết phân hóa hệ thống nhấn mạnh mối quan hệ giữa hệ thống và môi trường. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào tạo ra sự khác biệt của hệ thống xã hội và môi trường? Đương nhiên là con người thông qua hành động làm thay đổi thế giới và thay đổi bản thân mình. Tuy nhiên, nếu chỉ có hành động như vậy thì khó có thể tạo nên xã hội loài người với tính cách là sự khác biệt của hệ thống xã hội với môi trường. Theo lý thuyết phân hóa hệ thống của Luhmann, hành động có đối tượng và khách thể là giới tự nhiên chưa trực tiếp tạo ra hệ thống xã hội. Ngay cả hành động xã hội với nghĩa là hướng đến người khác, bị ảnh hưởng bởi người khác cũng chưa trực tiếp tạo ra hệ thống xã hội. Theo Luhmann, giao tiếp mới là loại thao tác duy nhất, hành động duy nhất có khả năng tạo ra hệ thống xã hội với tính cách là sự khác biệt của hệ thống với môi trường. 

Cách tiếp cận lý thuyết phân hóa hệ thống của Luhmann đòi hỏi quản trị xã hội phải thiết lập được hệ thống truyền thông “công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình” giữa các thành tố bên trong hệ thống và của cả hệ thống với các hệ thống khác trong môi trường xung quanh. Ví dụ, quản trị xã hội phải dựa vào hệ thống truyền thông có hiệu quả trong nội bộ cơ quan, đơn vị; đồng thời phải dựa vào hệ thống giao tiếp có hiệu quả với các bên liên quan ở bên ngoài hệ thống bao gồm các tầng lớp nhân dân, các cá nhân, các tổ chức với các vị thế và vai trò xã hội khác nhau. Nói một cách dễ hiểu, quản trị xã hội đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục giao tiếp với nhân dân, gần dân, lắng nghe dân, tham vấn dân, truyền thông đến mọi người dân để cùng “biết, bàn, làm, kiểm tra” để tạo ra sự khác biệt của hệ thống xã hội với môi trường. 

Quản lý xã hội và quản trị xã hội có mối quan hệ đặc biệt đến mức trong một số trường hợp này có thể quy thành một và trong một số trường hợp khác có thể tách biệt thành hai tiểu hệ thống của xã hội. Có thể áp dụng cách tiếp cận lý thuyết hệ thống với các khái niệm và nguyên lý hệ thống để làm rõ chức năng của quản trị xã hội, quản lý xã hội trong môi trường luôn biến đổi hiện nay./.

------------------------------------------------------

(1)Lê Quân (Chủ biên): Khung năng lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2016

(2)Jamshid Gharajedaghi: Tư duy hệ thống: Quản lý hỗn độn và phức hợp, một cơ sở cho thiết kế kiến trúc kinh doanh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, Tr.40, 42

GS,TS Lê Ngọc Hùng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Cộng Sản

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/