Phát triển khoa học, công nghệ để nhân dân được hưởng thành tựu tương đương các nước
17:40 15/09/2021
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Hà Nội và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự Hội nghị tại Hà Nội còn có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Hội nghị có sự tham gia của trên 1.500 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) và các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đại diện cán bộ khoa học trong cả nước.
Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị cho biết, ngay sau khi Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp, Đảng đoàn Liên hiệp Hội các cấp đã tổ chức quán triệt, triển khai phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các cán bộ khoa học, các hội viên, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo đó, Liên hiệp Hội đặt mục tiêu tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi, phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia; đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổ chức của những người làm khoa học và công nghệ Việt Nam đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, có cơ chế, tạo điều kiện để các nhà khoa học tham gia sâu hơn vào các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước như: thí điểm thực hiện một số dịch vụ công; tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về chuyên gia, nhà khoa học; tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và kinh tế - xã hội khác. Trước mắt, có cơ chế đột phá để hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam kể cả công lập và ngoài công lập tập trung nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm phòng, chống COVID-19 như: sản xuất vaccine, kỹ thuật chẩn đoán mới, thuốc điều trị... để góp phần cùng cả nước ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19.
Tại hội nghị, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã phát biểu tham luận chia sẻ kết quả hoạt động nổi bật của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đồng thời đề xuất những định hướng, giải pháp cốt lõi nhằm phát triển khoa học và công nghệ, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới; giới thiệu nhiều mô hình phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, xuyên suốt chiều dài lịch sử, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài". Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ta xác định quan điểm phát triển đất nước phải bằng và dựa vào khoa học và công nghệ”, “phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Thủ tướng khẳng định, đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và trí thức khoa học và công nghệ nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thường xuyên tham mưu, tư vấn về việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, tích cực thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống; tạo dựng hệ sinh thái khoa học và công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài; tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí...
Bên cạnh đánh giá cao những thành tựu đạt được, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của khoa học và công nghệ nước nhà như: Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, chưa đáp ứng được những mong muốn và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Số cán bộ khoa học và công nghệ tuy gia tăng về số lượng nhưng thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực tiên phong. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ, kết nối với các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp còn ở mức độ khiêm tốn. Các sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng khoa học và công nghệ phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân chưa nhiều. Chưa tạo được phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, khoa học và công nghệ chưa thực sự gắn chặt với thị trường. Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít...
Thủ tướng cho rằng, hệ thống tổ chức, bộ máy của Liên hiệp Hội còn một số bất cập; nội dung, phương thức hoạt động chưa có nhiều đổi mới, chưa tạo được môi trường thuận lợi để khuyến khích, truyền cảm hứng cho đội ngũ trí thức tích cực đổi mới, sáng tạo và có nhiều đóng góp vào những vấn đề lớn của đất nước. Liên hiệp Hội chưa thật sự chủ động trong việc đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy khoa học và công nghệ nước nhà phát triển, đặc biệt phát triển bám sát vào thực tiễn của đất nước trong giai đoạn hiện nay về kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng đặc biệt băn khoăn về tình trạng “chảy máu chất xám” hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước. Do đó, Thủ tướng đề nghị, Liên hiệp nghiên cứu cụ thể nguyên nhân, tồn tại, gợi ý giải pháp thiết thực cho Chính phủ để giải quyết từng bước tình trạng này.
Thủ tướng cho biết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu, đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là khát vọng phát triển của toàn dân tộc.
Theo Thủ tướng, Đại hội XIII của Đảng xác định 6 trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ chủ yếu, đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, tư duy khoa học mới gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống, để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội xác định, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn kết hài hòa, hiệu quả với phát triển khoa học và công nghệ và đội ngũ trí thức tâm huyết, đam mê, yêu khoa học, yêu đất nước và con người Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi, với vai trò là tổ chức đại diện cho trí thức khoa học và công nghệ, Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt chính trị, động viên các hội viên triển khai hiệu quả 7 nội dung hoạt động được xác định trong Điều lệ theo Quyết định 1795/QĐ-TTg ngày 21/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động phát triển về khoa học công nghệ, trong đó gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, gắn với chuyển đổi số, nền kinh tế số, xã hội số để mang lại giá trị, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Chính phủ đang và tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý để tạo điều kiện phát triển khoa học, công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực tác động trực tiếp đến cuộc sống nhân dân như lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, viễn thông, công nghệ tài chính, dịch vụ... để nhân dân được hưởng thành tựu khoa học, công nghệ tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới. Có các cơ chế, chính sách phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, nhất là chính sách tài chính để xử lý những bất cập, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, đặt niềm tin và chấp nhận rủi ro, độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học và công nghệ để tạo không gian rộng hơn, cởi mở hơn cho hoạt động đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp khoa học của nước nhà. Nghiên cứu, xây dựng chính sách, huy động nguồn lực, môi trường làm việc để thu hút nhân tài trong và ngoài nước, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để góp phần xây dựng đất nước, đạt được mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng yêu cầu Liên hiệp hội quán triệt tất cả các chủ trương, định hướng phát triển khoa học, công nghệ đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII đến từng hội viên để thống nhất tư tưởng và hành động, chung sức, đồng lòng cùng nhau hiện thực hóa có hiệu quả. Liên hiệp Hội cần coi trọng và tăng cường vai trò của đội ngũ trí thức trong khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - tri thức; tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, có thể còn kéo dài với biển chủng mới, đội ngũ trí thức cần tích cực nghiên cứu, phát triển các biện pháp, các sản phẩm khoa học và công nghệ phòng, chống dịch, phát huy hơn nữa vai trò, uy tín của mình trong hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông để phổ biến rộng rãi, giải thích rõ ràng với nhân dân về khía cạnh, góc nhìn khoa học của những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu một số vấn đề mang tính chiến lược của đất nước như: tổ chức tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận về “xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”, “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”; vấn đề khai thác nguồn lực từ sức mạnh đoàn kết dân tộc, lịch sử văn hóa; vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống; các vấn đề về già hóa dân số, phát triển nền kinh tế tri thức, phát triển bền vững, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; vấn đề chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số... Đặc biệt là những vấn đề bấp bách, bất ngờ trước mắt như phòng, chống COVID-19, phát triển vaccine, công nghiệp dược...
Thủ tướng yêu cầu Liên hiệp Hội cần có giải pháp để thúc đẩy, nâng cao chất lượng các công bố khoa học quốc tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp cho phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác công - tư, đồng tài trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới, sáng tạo; đảm bảo công khai, minh bạch, độc lập phản biện trong tuyển chọn và xét chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đồng thời, đẩy mạnh việc đánh giá độc lập và giám sát kết quả; tăng cường dân chủ, cầu thị, khiêm tốn, chú ý lắng nghe ý kiến của nhau, nhất là những ý kiến phát biểu phản biện, trái chiều để có sự lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn, khả thi và có hiệu quả nhất.
Thủ tướng khẳng định, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể để xem xét, quyết định, nhất là những vấn đề mới, có tính đột phá. Mở rộng hợp tác quốc tế và kết nối, thu hút hiệu quả lực lượng khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, có chế độ trọng dụng, đại ngộ phù hợp.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm quan một số mô hình, một số sản phẩm của các nhà khoa học và đội ngũ trí thức Việt Nam. Đây là những đề tài mang tính thời sự và khoa học, đang là nhu cầu bức thiết về bảo vệ môi trường và nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân lao động trong cả nước về sản xuất cấu kiện tiền chế trong lĩnh vực xây dựng...
Nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-de-nhan-dan-duoc-huong-thanh-tuu-tuong-duong-cac-nuoc-20210915192104311.htm