Phản bác các quan điểm sai trái của một số nước phương Tây về quyền con người ở Việt Nam

09:34 20/03/2023

Thời gian qua, một số nước phương Tây đã đưa ra các đánh giá, nhận định không đúng về quyền con người ở Việt Nam. Nhận diện và đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái này cần được đặc biệt coi trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, không chỉ vì hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn vì chân lý, lẽ phải luôn thuộc về chúng ta.

Quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế(1). Nội hàm của quyền con người rất rộng, không ngừng được bổ sung và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Trên thế giới không có quyền con người trừu tượng, chỉ có quyền con người cụ thể. Tuy nhiên, mỗi giai cấp và xã hội khác nhau có sự lý giải khác nhau đối với quyền con người. Nhìn đại thể, luận điệu sai trái của nhiều nước phương Tây về quyền con người ở Việt Nam thường biểu hiện ở các nội dung sau đây cần được nhận diện và đấu tranh phản bác:

Sai lầm của luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền”

Lâu nay, các nước phương Tây thường rêu rao cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “quyền lực nhà nước ở một quốc gia không được đàn áp nhân quyền”. Về thực chất, quan điểm này đã đối lập quyền con người với chủ quyền. Họ lập luận một cách phi lý rằng, vấn đề quyền con người không thuộc công việc nội bộ của một nước. Thậm chí, một số nước phương Tây còn quy chụp rằng “việc Việt Nam nhấn mạnh chủ quyền quốc gia cao hơn tất cả, trên thực tế là lấy danh nghĩa duy trì chủ quyền quốc gia để duy trì quyền lực thống trị của Đảng Cộng sản Việt Nam” (!?). Họ còn rêu rao rằng, tuyệt đối hóa tầm quan trọng của chủ quyền quốc gia là sai lầm (!?) và ngụy biện bằng viện dẫn báo cáo về an ninh con người của một số tổ chức quốc tế, như Báo cáo phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cũng nhấn mạnh bảo đảm an ninh cá nhân, mà coi nhẹ, không đề cập đến an ninh quốc gia(2).

Có thể nói, quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là hoàn toàn sai trái. Như chúng ta đã biết, quyền con người không bao giờ tách khỏi điều kiện, trình độ phát triển và chủ quyền của từng quốc gia - dân tộc. Quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” thực chất chỉ là “bình phong” che đậy cho các âm mưu mà các nước phương Tây lợi dụng để can thiệp vào công việc nội bộ, chủ quyền của nước khác. Để nhận diện và bóc trần âm mưu, thủ đoạn này, cần nhận thức đúng đắn mấy vấn đề sau đây:

Thứ nhất, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia là một tiêu chuẩn đã được cộng đồng quốc tế công nhận, cũng là cơ sở và tiền đề để thực hiện quyền con người. Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 24-10-1970, đã đưa ra Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật Quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó khẳng định các nguyên tắc, như nguyên tắc chủ quyền quốc gia, nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia, nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề thuộc thẩm quyền của các quốc gia khác...(3). Vì vậy, nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực quan hệ quốc tế, bao gồm lĩnh vực quyền con người. Không có chủ quyền quốc gia, cũng như không có luật pháp quốc tế, thì không thể nói đến bảo đảm quyền con người. Quan điểm cho rằng “nhân quyền cao hơn chủ quyền” trực tiếp vi phạm tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

Thứ hai, việc thực hiện quyền con người cần phải dựa vào chủ quyền, do các nước thông qua pháp luật, biện pháp và cơ chế của nhà nước ở từng quốc gia - dân tộc để thực hiện. Các điều ước quốc tế về quyền con người đã quy định quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Để thực hiện tốt các quyền này, cần phải thông qua pháp luật quốc gia cũng như cơ chế bảo đảm của pháp luật quốc gia.

Thứ ba, quyền con người không thể tách rời chủ quyền quốc gia. Quyền con người của cá nhân và chủ quyền quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không có chủ quyền thì không thể nói đến quyền con người, mất đi chủ quyền cũng có nghĩa là mất đi sự bảo đảm đối với quyền con người.

Thứ tư, quyền con người mang tính quốc tế, nhưng về bản chất là vấn đề thuộc công việc nội bộ của một quốc gia. Vì vậy, các nước có quyền căn cứ vào tình hình cụ thể của nước mình để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Thứ năm, so với chủ quyền quốc gia, quyền con người nằm ở vị trí phụ thuộc. Như chúng ta đã thấy, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, chủ quyền quốc gia nằm ở vị trí ưu tiên. Bởi vì, quyền con người của cá nhân chịu sự quy định, chi phối và chế ước của pháp luật quốc gia. Đối với các điều ước quốc tế không phù hợp với chế độ chính trị, cũng như không phù hợp với trình độ phát triển về kinh tế - xã hội, chính phủ các nước có quyền từ chối tham gia hoặc bảo lưu nhằm tránh việc đảm nhận nghĩa vụ điều ước có thể gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia. Hiện nay, có khoảng hơn 28 điều ước quốc tế về quyền con người, nhưng Mỹ mới chỉ phê chuẩn 4 điều ước. Đặc biệt, nước này vẫn chưa phê chuẩn một số điều ước cốt lõi về quyền con người, trong đó có Công ước lao động cưỡng bức năm 1930. Lý do được Mỹ đưa ra là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị xung đột với pháp luật của nước này, và bởi “chủ quyền quốc gia của nước Mỹ cao hơn tất cả”. Điều này cho thấy, so với chủ quyền quốc gia, quyền con người chỉ ở vị trí phụ thuộc.

Thứ sáu, các quốc gia bất kể lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo đều có quyền tự chủ trong việc lựa chọn chế độ chính trị và con đường phát triển của mình, các quốc gia khác không có quyền can thiệp. Hơn nữa, các quốc gia do sự khác nhau về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và sự khác biệt về điều kiện lịch sử nên phương thức bảo đảm quyền con người có thể khác nhau.

Thứ bảy, việc các nước phương Tây rêu rao rằng “nhân quyền cao hơn chủ quyền” thực chất xuất phát từ nhu cầu can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác cũng như thúc đẩy chính trị cường quyền mà thôi. Trên thực tế, nhân danh “dân chủ nhân quyền”, trong những thập niên qua, Mỹ và một số quốc gia đã sử dụng vũ lực can thiệp vào công việc nội bộ, thay đổi chế độ chính trị ở một số nước. Tuy nhiên, thực tế ở các nước sau khi Mỹ “can dự” cho thấy, cái mang lại cho những quốc gia này không hề là “dân chủ nhân quyền”, mà là sự xung đột và hỗn loạn. Chính vì thế, quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” không hề có giá trị đối với việc thúc đẩy quyền con người, mà trái lại, khiến khả năng xâm hại quyền con người một cách nghiêm trọng hơn.

Cái gọi là “quyền con người không có biên giới quốc gia” - một cách che giấu mưu đồ quốc tế hóa các vấn đề nhân quyền, mở đường can thiệp vào công việc nội bộ, chủ quyền quốc gia

Một số nước phương Tây tuyệt đối hóa tính phổ biến, phổ quát của quyền con người, phủ định hoặc cố tình “lờ đi” tính đặc thù của quyền con người, ra sức cổ vũ cho cái gọi là “quyền con người không có biên giới quốc gia”, “nhân quyền phổ biến chỉ có một, bất kỳ quốc gia nào cũng đều cần phải tuân thủ tiêu chuẩn thống nhất về quyền con người”. Không chỉ dừng lại ở việc nêu lên quan điểm, một số nước phương Tây còn dựa trên “tiêu chuẩn” chủ quan của mình để kêu gọi việc thiết lập cơ chế cần thiết nhằm đánh giá việc thực hiện quyền con người của nước khác. Chẳng hạn, Quốc hội Mỹ đã ra nghị quyết yêu cầu Chính phủ Mỹ hằng năm phải đệ trình báo cáo tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới. Trước tiên, cần khẳng định rằng, quyền con người là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, dù vấn đề quyền con người có tính phổ biến, có điểm chung ở mức độ nhất định, nhưng không thể coi nhẹ hoặc phủ nhận tính đặc thù của nó. Mặt khác, cơ chế hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người cũng không được vượt qua chủ quyền quốc gia. Quan điểm “quyền con người không có biên giới quốc gia” là phi lý, cần phải đấu tranh, bác bỏ, sở dĩ như vậy là vì:

Một là, các nước phương Tây đưa ra tiêu chuẩn phổ biến về quyền con người là không hiện thực, thậm chí là lừa bịp. Sự phát triển và cải thiện về quyền con người luôn tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể ở từng quốc gia - dân tộc. Do sự khác nhau về điều kiện của từng quốc gia nên không thể có tiêu chuẩn thống nhất về quyền con người mà các quốc gia cần phải tuân thủ. Cho đến nay vẫn chưa có tiêu chuẩn về quyền con người được quốc tế công nhận. Ngay kể cả đối với khái niệm hoặc định nghĩa về quyền con người, giới nghiên cứu pháp luật nói chung, pháp luật quốc tế nói riêng cũng chưa đưa ra được một định nghĩa thống nhất.

Hai là, nguyên tắc tính phổ biến của quyền con người cần được quy chiếu với điều kiện cụ thể và thực tiễn của từng nước nhằm bảo đảm kết hợp hài hòa giữa tính phổ biến và tính đặc thù. Những quan điểm và nội dung cốt lõi về quyền con người mà cộng đồng quốc tế thừa nhận và có sự đồng thuận là điều chúng ta cần tôn trọng, nhất là khi điều này có ý nghĩa tích cực đối với việc phát triển con người. Chúng ta không phủ nhận giá trị phổ biến về quyền con người, nhưng điều kiện, tình hình của từng nước rất khác nhau, việc thực hiện quyền con người không thể tránh khỏi sự chế ước của điều kiện kinh tế - xã hội. Việc nhìn nhận thực trạng quyền con người của một quốc gia cần phải theo quan điểm lịch sử - cụ thể và quan điểm phát triển, không được coi nhẹ đặc điểm khác nhau giữa các quốc gia, không lấy tiêu chuẩn và giá trị của nước mình áp đặt cho nước khác. Trên thực tế, Việt Nam đã kết hợp tốt nguyên tắc tính phổ biến và tính đặc thù về vấn đề quyền con người. Điều này thể hiện rõ nét ở việc Việt Nam tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác trẻ em để bảo đảm thực hiện tốt nhất các quyền của trẻ em được phát triển toàn diện _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Ba là, quyền con người bị giới hạn bởi chủ quyền quốc gia và pháp luật quốc gia. Một số hành vi ảnh hưởng đến hòa bình của thế giới và không có lợi cho việc bảo đảm quyền con người, như khủng bố quốc tế, xâm lược vũ trang, đe dọa môi trường sinh thái,... cần phải bị lên án và đấu tranh, cộng đồng quốc tế cần sử dụng biện pháp tích cực để ngăn chặn. Tuy nhiên về bản chất, quyền con người là một vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia, cần phải được bảo đảm bởi pháp luật quốc gia. Do vậy, chỉ khi thông qua pháp luật và nghĩa vụ quốc gia thì các điều ước quốc tế về quyền con người mới có thể thực hiện hiệu quả.

Bốn là, cơ chế bảo vệ của quốc tế về quyền con người được thực hiện với điều kiện và phạm vi nhất định. Một số nước phương Tây nỗ lực đưa vấn đề quyền con người vào các cơ chế của quan hệ quốc tế, hơn nữa đưa ra luận điệu “không can thiệp vào nội bộ là không thích hợp với vấn đề quyền con người”,... chính là biểu hiện điển hình của chính trị cường quyền. Hiến chương Liên hợp quốc chỉ đưa ra những nguyên tắc thông thường nhằm thúc đẩy chính phủ các nước không ngừng cải thiện quyền con người, mà không đưa ra nghĩa vụ mang tính chế ước đối với các nước thành viên; đồng thời, quy định rõ nếu chưa được sự trao quyền của Liên hợp quốc thì bất cứ quốc gia thành viên nào cũng không được nhân danh quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Điều đó cho thấy, việc một số nước phương Tây tự ý đưa ra tiêu chuẩn nhân quyền, rồi mưu toan sử dụng sức ép quốc tế để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác là không thể chấp nhận được.

Năm là, hợp tác quốc tế về quyền con người chỉ được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ cũng như thông qua cơ chế đối thoại. Phát triển và thúc đẩy quyền con người một cách đầy đủ là mong muốn của cộng đồng quốc tế hiện nay. Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người.

Sáu là, chỉ khi kết hợp đồng thời giữa thúc đẩy quyền con người với duy trì hòa bình trên thế giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội mới có thể đạt được tiến bộ thực chất trên lĩnh vực quyền con người. Không có môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, không có một trật tự kinh tế quốc tế hợp lý, công bằng thì không thể thực hiện được quyền con người phổ biến.

Bảy là, sự khác nhau giữa lời nói và việc làm trên lĩnh vực quyền con người của Mỹ. Mỹ tự cho mình cái quyền đánh giá, chỉ trích mức độ bảo đảm quyền con người của các nước khác, song chính nội bộ nước Mỹ lại tồn tại những vấn đề nghiêm trọng về quyền con người. Đơn cử như, năm 2021, ở Mỹ đã xảy ra 693 vụ xả súng (tăng 10,1% so với năm 2020), khiến hơn 44.000 người thiệt mạng. Cũng trong năm 2021, 9 tiểu bang của Mỹ đã đề xuất hơn 420 dự luật nhằm hạn chế việc bỏ phiếu của cử tri; chỉ 7% thanh niên Mỹ tin rằng hệ thống dân chủ Mỹ vẫn “lành mạnh”. Tại biên giới phía Nam, Mỹ đã giam giữ hơn 1,7 triệu người nhập cư, trong đó có 45.000 trẻ em(4)Một mặt, Mỹ nhấn mạnh tính phổ biến của quyền con người; mặt khác, Mỹ lại từ chối ký kết và tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền con người, như Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật...

Tám là, việc các nước phương Tây nhấn mạnh cái gọi là “quyền con người không có biên giới quốc gia” thực chất là nhằm phục vụ lợi ích kinh tế, chính trị của các nước phương Tây. Quan điểm này không có giá trị gì cho việc thúc đẩy quyền con người ở trên thế giới, cần kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.

Tính phi lý của quan điểm “quyền chính trị là quyền con người quan trọng nhất, duy nhất”, nhưng lại coi nhẹ quyền sống và quyền phát triển của con người

Người dân trên thế giới hiện nay, nhất là người dân ở các nước đang phát triển đều có khát vọng, mong muốn về kinh tế phồn vinh, xã hội tiến bộ cũng như chất lượng sống không ngừng được nâng lên. Vì thế, có thể cho rằng, ở nhiều quốc gia, quyền sống và quyền phát triển trở nên bức thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Trong thời kỳ đấu tranh nhằm lật đổ chế độ phong kiến, quyền sống và quyền phát triển là một vũ khí được giai cấp tư sản nhấn mạnh. Tuy nhiên, khi giai cấp tư sản giành được quyền lực nhà nước thì họ lại “vứt bỏ” những quyền này, đặt quyền sống và phát triển của nhân dân lao động sang một bên, thay vào đó nhấn mạnh một cách phiến diện các quyền chính trị. Thật là phi lý khi lập luận rằng, chỉ khi ưu tiên cho dân chủ và nhân quyền, kinh tế và xã hội mới có thể phát triển; sự phát triển về kinh tế và xã hội phải trên cơ sở thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của dân chủ và nhân quyền. Với nhận thức này, một số nước phương Tây nhấn mạnh việc thực hiện dân chủ, nhân quyền ở các nước trên thế giới, cũng như dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của một số nước. Trên thực tế, việc nhấn mạnh quyền chính trị mà coi nhẹ các quyền khác của con người, nhất là quyền sống và quyền phát triển là không có cơ sở. Về vấn đề này, cần nhận thức đúng đắn và khẳng định các vấn đề sau:

Cần phải kiên trì tính không thể tách rời và tính lệ thuộc lẫn nhau của quyền con người. Các quyền dân sự, chính trị; quyền kinh tế, văn hóa và xã hội lệ thuộc lẫn nhau, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau. Theo quan điểm của Liên hợp quốc, tất cả quyền con người và tự do cơ bản đều không thể tách rời, mà có sự lệ thuộc lẫn nhau. Việc thực thi, bảo vệ, tăng cường đối với quyền công dân và các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cần được coi là bức thiết như nhau và cần được chú ý như nhau. Vì vậy, việc các nước phương Tây tuyệt đối hóa quyền chính trị, nhưng lại coi nhẹ các quyền khác của con người là thiếu khách quan, không đúng bản chất quyền con người.

Quyền sống và quyền phát triển là quyền con người cơ bản nhất. Quyền độc lập của một quốc gia, quyền sống, quyền phát triển của công dân là các quyền con người cơ bản nhất. Không có quyền sống, các quyền khác của con người đều trở nên vô nghĩa; quốc gia không độc lập, quyền sống của người dân khó được bảo đảm; kinh tế, văn hóa, xã hội không phát triển, đời sống của người dân khó có thể được nâng cao. Vì thế, quyền độc lập, quyền sống và quyền phát triển là những quyền con người cần được ưu tiên.

Đối với các nước đang phát triển, quyền sống và quyền phát triển có ý nghĩa rất quan trọng, cần phải được ưu tiên hơn so với một số quyền khác. Nhiệm vụ bức thiết mà các nước đang phát triển cần quan tâm, giải quyết đó chính là những vấn đề cơ bản, thiết yếu, như ăn, ở, mặc, đi lại, việc làm, giáo dục, sức khỏe, cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân. Quyền chính trị dù rất quan trọng, nhưng các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội được bảo đảm thì mới có điều kiện thực hiện quyền chính trị. Nếu quyền kinh tế, văn hóa, xã hội không được bảo đảm thì việc thực hiện quyền chính trị trở nên khó khăn.

Nhấn mạnh quyền sống và quyền phát triển không có nghĩa là coi nhẹ hay phủ nhận các quyền chính trị. Các nước phương Tây luôn rêu rao rằng, “quyền chính trị là quyền con người quan trọng nhất, thậm chí là quyền con người duy nhất”. Đây là quan điểm phiến diện, không phù hợp với thực tế. Cho dù quyền tự do, dân chủ về chính trị là một trong những quyền con người quan trọng, có vai trò không thể thiếu đối với việc thực hiện quyền sống và quyền phát triển, nhưng không phải là quyền con người duy nhất.

Việc thực hiện quyền con người là một quá trình tiệm tiến, chịu sự chế ước bởi những điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, vừa không thể yêu cầu quá cao, nằm ngoài các điều kiện hiện thực, vừa không được bằng lòng với hiện thực, lạc hậu so với nhu cầu hiện thực của sự phát triển xã hội. Các phương diện có thể làm được, Đảng và Nhà nước ta đã đáp ứng tốt nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân. Không chỉ bảo đảm các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội, mà các quyền dân sự, chính trị rất được coi trọng thúc đẩy với tính đồng bộ, toàn diện, nhất là không ngừng bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của người dân.

Nhận thức sai lầm khi tuyệt đối hóa quyền con người của cá nhân, đặt quyền con người của cá nhân lên trên quyền con người của tập thể

Lấy “chủ nghĩa cá nhân” làm ý thức hệ cơ bản, giai cấp tư sản cho rằng, quyền con người là quyền tự nhiên, tuyệt đối, vốn có của cá nhân; quyền của cá nhân là cái tự nhiên, bất khả nhượng. Họ chủ trương đặt lên hàng đầu việc bảo vệ quyền con người của cá nhân khi cho rằng “trong xã hội tự do của toàn thế giới, tất cả nhân dân đều có quyền thể hiện quan điểm chính trị cá nhân”. Cả lý luận và thực tiễn đều bác bỏ việc tuyệt đối hóa quyền con người của cá nhân, chỉ ra việc đặt quyền cá nhân lên trên quyền của tập thể, của cộng đồng, của quốc gia - dân tộc là sai lầm, bởi vì:

Thứ nhất, nhấn mạnh quyền con người của cá nhân theo quan điểm của giai cấp tư sản là quyền con người của số ít người. Quyền con người “lấy cá nhân làm trung tâm” là sản phẩm của chế độ sở hữu tư bản tư nhân về tư liệu sản xuất, liên quan mật thiết với chế độ kinh tế, chính trị của chủ nghĩa tư bản. Nó nhấn mạnh giá trị cá nhân, quyền cá nhân và đặt lên hàng đầu lợi ích cá nhân. Quyền con người của giai cấp tư sản chính là đặc quyền của thiểu số. Trên thực tế, ở trong nước, quyền con người của giai cấp tư sản chính là sự tước đoạt đối với quyền con người của đại đa số; còn trong quan hệ quốc tế, đó là sự can thiệp một cách vô căn cứ vào chủ quyền, công việc nội bộ của nước khác.

Thứ hai, bảo vệ quyền con người của đại đa số người là ưu tiên số một của quyền con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Quyền con người ở Việt Nam bao gồm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Bảo đảm để nhân dân Việt Nam thụ hưởng rộng rãi, đầy đủ và toàn diện các quyền này là mục tiêu cơ bản về vấn đề quyền con người ở Việt Nam. Ở Việt Nam, chủ thể thụ hưởng quyền con người không phải là thiểu số, cũng không phải là một bộ phận người thuộc giai cấp hay tầng lớp nào đó, mà là toàn thể nhân dân Việt Nam. Điều này thể hiện tính công bằng của quyền con người ở Việt Nam, cũng là điểm cơ bản thể hiện sự khác biệt quyền con người ở Việt Nam với quyền con người ở các nền dân chủ đa nguyên phương Tây.

Cán bộ y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thứ ba, chúng ta nhấn mạnh phát triển quyền con người của tập thể, quyền cá nhân không được “đứng lên trên” quyền và lợi ích của tập thể, của cộng đồng xã hội. Quyền cá nhân và quyền tập thể có mối quan hệ với nhau, không thể tách rời, không có quyền con người của cá nhân thì không có quyền con người của tập thể, quyền tập thể hay quyền con người của tập thể lại là cơ sở của tất cả quyền con người của cá nhân, là điều kiện tiên quyết để cá nhân thụ hưởng tất cả các quyền và tự do. Đúng như quan niệm cho rằng “nước mất thì nhà tan”. Chúng ta vừa cần phải bảo vệ, tôn trọng quyền và tự do cá nhân, vừa phải tôn trọng quyền của người khác, cũng như tôn trọng, bảo vệ lợi ích của quốc gia, xã hội và tập thể. Không thể lấy danh nghĩa bảo vệ quyền con người của thiểu số mà xâm hại đến quyền con người của đại đa số người, thậm chí gây tổn hại đến lợi ích quốc gia; nhấn mạnh quyền con người của tập thể chính là để bảo vệ nhiều hơn quyền con người của cá nhân.

Thứ tư, nhấn mạnh sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ là một nguyên tắc cơ bản của quyền con người ở Việt Nam. Quyền và nghĩa vụ không thể tách rời. Điều 15, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 chỉ rõ: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”(5). Bất kỳ quyền và tự do nào cũng là tương đối, trên thế giới không có quyền và tự do tuyệt đối mà không chịu sự hạn chế hay chỉ có quyền mà không có nghĩa vụ.

Thứ năm, việc Nhà nước Việt Nam truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật không phải là “vi phạm nhân quyền” như một số nước phương Tây quy chụp. Đây là sự thực thi quyền năng của Nhà nước nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời bảo đảm hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người dân.

Che giấu bản chất, đánh tráo khái niệm khi cho rằng “Quyền con người là phi giai cấp”, “quyền con người không gắn liền với pháp luật và pháp quyền”

Quyền con người là sản phẩm của giai cấp xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với chế độ nhà nước và pháp luật. Thế nhưng, nhiều nước phương Tây công khai can thiệp vào hoạt động tư pháp của một số nước, lập luận hàm hồ rằng “quyền con người là phi giai cấp, quyền con người không gắn liền với pháp luật và pháp chế”. Cũng từ cách lập luận hàm hồ này, một số nước phương Tây chỉ trích vô căn cứ việc Việt Nam xử lý một số đối tượng vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến lợi ích của nhà nước và tập thể. Họ lập luận rằng, hành vi của họ không phải là can thiệp vào hoạt động tư pháp, mà là để duy trì quyền con người. Thế nhưng cần thấy rằng, trong chế độ xã hội và giai cấp khác nhau, việc thụ hưởng quyền con người cũng khác nhau. Bất luận nhà nước nào cũng đều có quy định pháp luật để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Xét từ bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật Việt Nam xử lý các hành vi vi phạm pháp luật là nhằm bảo vệ quyền tự do dân chủ và lợi ích của đa số, vì quyền con người chính đáng, hợp pháp, bảo đảm môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước (an ninh, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị - xã hội...). Vì thế, quan điểm phủ nhận tính giai cấp của quyền con người cũng như việc “cổ xúy” cho nhân quyền nằm trên pháp luật là thiếu căn cứ vì những lý do sau:

Quyền con người có tính giai cấp. Trong xã hội có giai cấp, con người có tính giai cấp, nội dung của quyền con người, pháp luật về quyền con người, đạo đức về quyền con người, quyền và tự do cơ bản của con người đều có tính giai cấp. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, về vấn đề quyền con người, thành viên thuộc các giai cấp khác nhau dù có điểm chung nhất định, nhưng do địa vị chính trị, kinh tế và xã hội khác nhau nên mức độ thụ hưởng quyền và yêu cầu đối với quyền con người cũng khác nhau. Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, quyền con người cũng có tính giai cấp, nhưng tính giai cấp và tính nhân dân là thống nhất, bởi vì lợi ích cơ bản là thống nhất, đều vì làm cho toàn thể nhân dân có được quyền dân chủ và tự do được thực hiện đầy đủ.

Quyền con người do pháp luật quy định và bảo đảm. Không một tổ chức hay cá nhân nào được tùy tiện đưa ra quy định về việc thực hiện quyền con người mà phải thông qua cơ chế pháp luật của một nhà nước có chủ quyền. Tách rời nhà nước và pháp luật quốc gia thì quyền con người chỉ nằm trên các tuyên bố chính trị mà không có tính khả thi, thậm chí là không tưởng. Nếu không có thể chế pháp luật, mỗi cá nhân thực hiện hành vi tùy tiện theo ý muốn của mình thì xã hội sẽ trở nên hỗn loạn. Vì thế, việc thụ hưởng quyền và tự do của cá nhân phải trên cơ sở pháp luật.

Quyền con người chịu sự chế ước và hạn chế bởi pháp luật. Quyền con người do pháp luật quy định, đồng thời thông qua pháp luật để bảo đảm quyền con người. Vì thế, quyền con người cần phải chịu sự chế ước bởi pháp luật. Khoản 2, Điều 19 trong Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người chỉ rõ, khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ. Điều này cho thấy, quyền con người không phải là tuyệt đối, quyền con người không thể thoát ly khỏi quy định pháp luật và nguyên tắc pháp quyền. Trên thế giới, không có quốc gia nào cho phép công dân của nước mình có quyền tự do vô hạn mà không chịu sự hạn chế và điều chỉnh của pháp luật.

Tóm lại, hiện nay một số nước phương Tây vẫn đưa ra những quan điểm về quyền con người thiếu căn cứ cả về phương diện lý luận và thực tiễn, không phù hợp với các quy định của pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền con người, trong đó có Hiến chương của Liên hợp quốc. Việc đấu tranh với các quan điểm sai trái này phải được thực hiện một cách đồng bộ trên nhiều mặt trận thông qua các phương thức đa dạng, như chính trị, tư tưởng, pháp lý,... gắn chặt giữa bảo đảm quyền con người với bảo vệ quyền người./.

TS. NGUYỄN TRỌNG BÌNH - NGUYỄN THỊ NGỌC ANH
Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
--------------------------
(1) Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (Chủ biên): Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011, tr. 37
(2) UNDP: “Human Development Report 1994” (Tạm dịch: Báo cáo Phát triển con người 1994), Oxford University Press, New York, 1994
(3) Thư viện pháp luật: “Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc”, ngày 24-10-1970, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Tuyen-bo-nguyen-tac-cua-Luat-Quoc-te-dieu-chinh-quan-he-huu-nghi-hop-tac-giua-cac-quoc-gia-phu-hop-voi-Hien-chuong-lien-hop-quoc-1970-65775.aspx
(4) China Daily website: “The Report on Human Rights Violations in the United States in 2021” (Tạm dịch: Báo cáo về vi phạm nhân quyền ở Mỹ năm 2021), ngày 3-1-2022, https://global.chinadaily.com.cn/a/202203/01/WS621d8922a310cdd39bc8984b.html
(5) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 15
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/
 

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/