Nhận diện chủ nghĩa tư bản số và những vấn đề đặt ra hiện nay

08:44 20/03/2023

Trong những thập niên gần đây, với ưu thế về vốn, công nghệ, làm chủ nền tảng số, hạ tầng mạng phát triển, kinh tế số, tài chính số ưu việt,... các tập đoàn công nghệ tư bản không ngừng mở rộng ảnh hưởng, gia tăng lợi nhuận, tích lũy tư bản và chi phối nền kinh tế thế giới. Những điều này đã và đang đóng góp vào việc hình thành chủ nghĩa tư bản số với những tác động đa chiều đối với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... trên toàn cầu nói chung và các quốc gia nói riêng, trong đó có Việt Nam.
Nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg tham dự phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc lộ dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng toàn cầu _Ảnh: The New York Times

Về chủ nghĩa tư bản số

Khái niệm “chủ nghĩa tư bản số” (digital capitalism)(1) được cho là bắt nguồn từ giai đoạn hệ thống tài chính số của chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh. Thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản số” được đề cập đến vào năm 1993 trong bài viết “Kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản số”, đăng trên tạp chí Forbes, với một số thông tin liên quan tới các công cụ tài chính phái sinh, như ký kết, lựa chọn hợp đồng, chuyển tiền, hoán đổi lãi suất,... được tin học hóa(2). Thực tế cho thấy, công nghệ số, internet được sử dụng làm phương tiện kết nối hệ thống thị trường toàn cầu nhằm thúc đẩy toàn cầu hóa chủ nghĩa tư bản. Từ đó đến nay, xuất hiện không ít nghiên cứu, công trình, cuốn sách với nhiều cách tiếp cận đa dạng, khác nhau về chủ nghĩa tư bản số, nhưng tựu trung, nội hàm của chủ nghĩa tư bản số bao gồm các nội dung chính sau(3):

Về khái niệm: 1- Chủ nghĩa tư bản số là tập hợp các quy trình, địa điểm và thời điểm, trong đó công nghệ số làm trung gian cho các xu hướng cấu trúc của chủ nghĩa tư bản; không phải là một tổng thể cấu trúc cũng không phải một giai đoạn lịch sử; mà là sự hiện thực hóa phức hợp của chủ nghĩa tư bản trong các quy trình số(4); 2- Chủ nghĩa tư bản số nằm trong chiều hướng phát triển tiếp theo của xã hội tư bản, nơi các quá trình tích lũy tư bản, quyền quyết định, sự danh tiếng, uy tín cá nhân đóng vai trò làm trung gian và tổ chức thông qua sự trợ giúp của công nghệ số; nơi các quá trình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,... tạo ra hàng hóa số và cấu trúc số; 3 - Chủ nghĩa tư bản số là “một loại hình tự động mới, sản xuất phi vật thể”; là mô hình tích lũy mới; là một “hệ thống kinh tế” và “phương thức sản xuất” kinh tế bao gồm các dạng tài sản số cụ thể làm trung gian, thị trường, phong cách sản xuất, cách tích lũy và quản lý; là các mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu, mạng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI)(5); 4 - Chủ nghĩa tư bản số là một giai đoạn của chủ nghĩa tư bản có đặc trưng là chủ nghĩa phân phối tư bản với việc quảng cáo, tiếp thị, vận chuyển, lưu trữ, lập kế hoạch và dự báo đóng vai trò lực lượng phân phối. Do vậy, chủ nghĩa tư bản số hết sức quan trọng đối với các nhà sản xuất và người tiêu dùng(6).

Về đặc điểm: Lao động kỹ thuật số, vốn số, giao tiếp trực tuyến chính trị, các khía cạnh số của những cuộc biểu tình, tuần hành và đấu tranh xã hội, hệ tư tưởng trực tuyến và văn hóa kỹ thuật số do con người tác động, chi phối được xem là một số đặc điểm chính của chủ nghĩa tư bản số. Trong chủ nghĩa tư bản số, công nghệ số đóng vai trò trung gian cho sự tích lũy tư bản và quyền lực. Đặc trưng cho chủ nghĩa tư bản số là chủ nghĩa độc quyền dựa trên số hóa trong quan hệ kinh tế - một hành động kinh tế thực hành cụ thể(7). Các nhà tư bản ngày nay đã và đang thiết lập một hệ thống và cơ chế độc quyền nhằm tận dụng, khai thác nguồn tài nguyên mới (dữ liệu, vốn) được biết đến là có giá trị chia sẻ, đóng vai trò không quan trọng, không thực tế và không bị độc quyền(8).

Về kinh tế: Việc tích lũy vốn số trong chủ nghĩa tư bản số dựa trên cơ sở hàng hóa số, nhất là dữ liệu cá nhân - một loại hàng hóa mới. Số liệu thống kê của tạp chí Forbes năm 2018 về tỷ trọng của các ngành cụ thể trong lợi nhuận, doanh thu và tài sản của 2.000 tập đoàn giao dịch lớn nhất thế giới cho thấy, ngành công nghiệp văn hóa số chiếm 17,7% lợi nhuận; vốn tài chính kiểm soát chiếm 33,7%; vốn sản xuất và xây dựng: 13,1%; vốn lưu động và vận tải: 9,4%. Năm 2018, Apple, Google, Microsoft, Amazon và Facebook (FAGMA) - 5 tập đoàn công nghệ có giá trị lớn nhất về vốn hóa thị trường - được đánh giá là tầng lớp thống trị của thế giới số, không tuân theo một mô hình kinh doanh duy nhất, mà tập hợp sức mạnh kinh tế và chuyển đổi điều này theo nhiều cách, song luôn dựa trên nền tảng dữ liệu cơ sở mà họ thu thập và xây dựng(9).

Các nhà quản lý, tập đoàn công nghệ sử dụng, khai thác dữ liệu không những không phải trả tiền, mà ngược lại, thường tự do phân tích và thu lợi nhuận dựa trên sự định giá dữ liệu thông qua thuật toán cấu trúc lại dữ liệu nhằm khai thác “sức lao động số” của người sử dụng, người tiêu dùng và người lao động. Số hóa đã thực sự ảnh hưởng đến lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất cũng như tính biện chứng của các lực lượng và các quan hệ sản xuất. Có thể thấy, nếu các nhà tư bản công nghiệp trước đây thu thập của cải bằng cách sở hữu tư liệu sản xuất thì ngày nay các nhà tư bản công nghệ đang xây dựng những “con hào kinh tế”(10) rộng lớn xung quanh các nguồn dữ liệu(11).

Bên cạnh đó, với thế mạnh về vốn, hạ tầng công nghệ số và dữ liệu, các nhà tư bản, tập đoàn công nghệ lớn, như Big Tech, đang đầu tư mạnh vào AI, máy tính lượng tử, internet vạn vật (IoT) để gia tăng lợi nhuận, tích lũy vốn thông qua các mô hình kinh tế số, thậm chí phục vụ việc kiểm soát, tiến tới độc quyền trong tương lai(12). Thực tế cho thấy, các nhà tư bản chỉ cần nắm cổ phần chi phối ở “công ty mẹ”, cũng như nắm các công nghệ cốt lõi, thương hiệu, hệ thống phân phối sản phẩm, cuối cùng sẽ chi phối được toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm. Nền kinh tế thị trường hiện đại với vai trò chi phối của các tổ chức tư bản độc quyền là cơ sở kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Tác động của nền kinh tế số đã mở ra động lực và cơ hội cho các doanh nghiệp độc quyền _Nguồn: shutterstock.com

Về chính trị: Công nghệ số và truyền thông đã thực sự gắn kết với những điểm mấu chốt của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, giúp mở rộng và tái tạo chủ nghĩa tư bản số thành một giai đoạn của chủ nghĩa đế quốc thay vì tạo ra một “hiệu ứng giải phóng” nhằm thách thức chủ nghĩa tư bản toàn cầu(13). Theo đó, lao động số, với tư cách là biên giới mới nhất của đổi mới và bóc lột tư bản, là trung tâm của các cấu trúc của chủ nghĩa đế quốc đương đại và công nghệ thông tin đã trở thành một phương tiện chiến tranh(14).

Bên cạnh đó, trong chủ nghĩa tư bản số, sự tích lũy quyền quyết định liên quan đến việc kiểm soát kiến thức số và hệ thống mạng, qua đó dần hình thành các mối quan hệ, như các nhà độc tài số và công dân số, chủ nghĩa phát-xít số với dân chủ số. Nhìn rộng hơn ở tầm quốc gia, có thể thấy các doanh nghiệp, tập đoàn tư bản, được sự hỗ trợ của nhà nước tư bản, nắm mọi lợi thế, yếu tố quyết định để chi phối các nước kém phát triển, khiến các nước kém phát triển ở vào thế yếu, ít có khả năng lựa chọn. Nhờ khả năng kết nối, quyền ngăn chặn, thậm chí là khóa các tài khoản, dịch vụ, các tập đoàn công nghệ lớn, như Microsoft, Google và Facebook, nhanh chóng đạt được vị trí độc quyền trong không gian số. Họ có quyền thay đổi “luật chơi” bất cứ khi nào họ muốn, ví dụ như đối với việc thử nghiệm với các mô hình thanh toán, thay đổi cài đặt quyền riêng tư là khá phổ biến. Ở khía cạnh khác, những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hiện nay đều đang phải phụ thuộc vào các tập đoàn tư bản công nghệ này do đang sử dụng các nền tảng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số và thuê dịch vụ từ họ. Các nền tảng, hạ tầng, công nghệ số hiện nay không đơn giản chỉ là các nhân tố tham gia thị trường, mà thay vào đó, đóng vai trò quyết định cách thức hoạt động của thị trường. Điều này có nghĩa là các nền tảng này có chức năng làm chủ, trở thành cơ quan, tổ chức giám sát, thậm chí có thể xây dựng lại quy định, “luật chơi” đối với người sử dụng, người lao động và người tiêu dùng khi tham gia không gian mạng trên mọi lĩnh vực. Đơn cử như, bên cạnh những tác động tích cực mang lại, công nghệ AI đã và đang được địa phương hóa cho phù hợp với từng khu vực, lãnh thổ trên thế giới nhằm tăng cường sự đối nghịch về ý thức hệ, tiêu chuẩn về dân chủ, tự do ngôn luận hay kích động bạo lực,... phục vụ việc can thiệp vào các vấn đề chính trị trong nước của quốc gia khác, như can thiệp sâu hơn vào các cuộc bầu cử, gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị của các quốc gia có chủ quyền(15).

Về văn hóa - xã hội: Chủ nghĩa tư bản số bao gồm việc tích lũy danh tiếng, nổi tiếng và sự tôn trọng thông qua việc truyền bá các hệ tư tưởng từ những người có ảnh hưởng trực tuyến trên không gian mạng, trong đó bao gồm hệ tư tưởng số và con người số, sự đối nghịch trên không gian mạng hay sự chia rẽ ý thức hệ và tình hữu nghị không gian số. Có thể thấy, ngày nay các quốc gia, xã hội đang hết sức quan ngại vấn đề xung đột hệ giá trị xã hội và quốc gia trên thế giới do xu hướng đầu tư phát triển công nghệ AI và sự cạnh tranh, đối phó lẫn nhau giữa các tập đoàn lớn của Mỹ và Trung Quốc thông qua các mô hình, thuật toán nhằm gây ảnh hưởng, tác động đến tư tưởng, văn hóa hay nền dân chủ của nhau, cũng như các quốc gia khác trên thế giới theo hướng phục vụ lợi ích, mưu đồ của mình.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các nền tảng và không gian mạng do các tập đoàn tư bản làm chủ sẽ làm thay đổi, chuyển hóa cấu trúc xã hội, trật tự xã hội và thiết chế xã hội, trong đó có quan hệ gia đình, vốn có truyền thống sum họp, chia sẻ cùng nhau, nhưng với các công nghệ thông minh, các cá nhân đang có xu hướng tách dần gia đình và tham gia các diễn đàn không gian mạng do các công nghệ thông minh dẫn dắt, tác động. Công đoàn người lao động trong các hãng vận chuyển taxi truyền thống tan rã khi người lao động được điều khiển riêng lẻ trên các nền tảng xe công nghệ mới... Rất nhiều ví dụ như vậy cho thấy sự chuyển hóa xã hội đang diễn ra mạnh mẽ. Nếu không nắm bắt, không hiểu và quản lý được sự thay đổi này thì có thể dẫn đến tương lai tổ chức xã hội không thực sự nằm trong tay người dân, do người dân quyết định.

Những vấn đề đặt ra hiện nay

Một là, về bản chất, chủ nghĩa tư bản số là sự phát triển, tiến hóa đa dạng của chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới nhờ vào thành tựu và sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, mới nổi. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các trung tâm quyền lực chính trị và việc đưa ra những quyết định quan trọng đang dần thuộc về những bên nắm quyền lực kinh tế số là các tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia, theo đó, các chức năng kiểm soát chính trị cốt lõi đã được giao cho khu vực kinh tế này. Đó là một trong những yếu tố làm mất lòng tin của người dân vào các thể chế nhà nước cũng như đảng phái chính trị ở các quốc gia khi mà sự tích lũy quyền lực kinh tế và ảnh hưởng chính trị song hành với nhau.

Theo số liệu thống kê mới đây ở Mỹ, 70% trong tổng số doanh thu 300 tỷ USD của các doanh nghiệp trực tuyến tại Mỹ thuộc về FAGMA. Tăng trưởng thị trường chứng khoán của năm tập đoàn công nghệ “khổng lồ” này lên tới khoảng 1.000 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2017. Chỉ riêng mức tăng giá trị này đã vượt quá GDP chung của Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch. Thêm vào đó, một số tập đoàn đầu tư khổng lồ, như BlackRock, Vanguard và State Street, cùng với các quỹ tài sản nhà nước, cũng đang nắm giữ số lượng cổ phần lớn trong những tập đoàn FAGMA này. Apple hiện nay cũng là tập đoàn đa quốc gia của Mỹ có quỹ tài chính giao dịch riêng và tích lũy được số trái phiếu doanh nghiệp lên tới 180 tỷ USD.

Thực tế cho thấy, tác động của nền kinh tế số đã mở ra động lực và cơ hội cho các doanh nghiệp độc quyền. Một số doanh nghiệp tham gia nền kinh tế số có doanh thu lớn hơn nhiều so với GDP của nhiều quốc gia trên thế giới; tiền tệ số/mã hóa đang trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ mặc dù chưa thể lường trước được những tác động lâu dài đối với thị trường tiền tệ và tài chính; thị trường lao động đang bị phân cực, trong khi bất bình đẳng giàu, nghèo lâu nay ngày càng trở nên sâu sắc, đồng thời nảy sinh những bất bình đẳng mới. Chủ nghĩa tư bản số cũng hướng tới sự tăng trưởng vượt quá giới hạn sinh thái. Chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc chủ nghĩa tư bản số theo đuổi lợi ích chung, ngay cả khi họ nhấn mạnh đang hành động vì lợi ích của nhân loại...

 

Bên cạnh đó, sự thay đổi công nghệ số sử dụng quy trình sản xuất mới và kỹ thuật sản xuất không làm thay đổi quan hệ sản xuất. Các cơ chế tư bản cơ bản vẫn chiếm ưu thế trong chủ nghĩa tư bản số; các phạm trù, như lao động, tiền lương, lợi nhuận, sở hữu tư nhân và thị trường về cơ bản vẫn có ý nghĩa như nhau. Do vậy, có thể thấy, thế giới vẫn phải đối mặt với hệ thống chủ nghĩa tư bản vốn tồn tại nhiều năm qua, nhưng hiện nay đang biến đổi và phát triển dưới các hình thức mới đa dạng.

Hai là, thách thức đối với vai trò của các chủ thể chính trị - xã hội trong việc tham gia, xây dựng, thậm chí là đấu tranh để định hình tương lai của thế giới số trong bối cảnh các quốc gia tư bản và tập đoàn tư bản đang ngày càng thao túng, kiểm soát các nội dung quan trọng về đạo đức AI, bảo mật dữ liệu và các ngôn từ kích động bạo lực, thù địch. Nếu muốn phát triển các mô hình hành động số hiệu quả thì điều quan trọng là cần nhận thức rõ về chủ nghĩa tư bản số. Bên cạnh đó là nguy cơ từ chiều hướng thay đổi hệ thống quyền lực nhà nước khi thông tin về hành vi công dân của họ dưới sự kiểm soát của nhóm nhỏ các tập đoàn công nghệ tư bản, như Google, Facebook, Apple và Amazon; nguy cơ đối với các lĩnh vực khác, như quản lý nhà nước, dịch vụ công hay quốc phòng, an ninh khi các tập đoàn công nghệ mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài hoạt động kinh doanh mua bán.

Ba là, tiến bộ khoa học - công nghệ, đặc biệt là tự động hóa và sự “trỗi dậy” của người máy (rô-bốt) đã và đang dẫn đến nguy cơ mất đi các loại việc làm trên nhiều lĩnh vực, từ văn phòng(16), sản xuất, dịch vụ đến khoa học - kỹ thuật; qua đó, góp phần vào việc hình thành quá trình tự động hóa của con người (người lao động là rô-bốt). Thực tế cho thấy, nhiều ngành, nghề có nguy cơ mất đi, bên cạnh việc những ngành, nghề mới xuất hiện. Khoảng cách gần về địa lý giữa các quốc gia đang có xu hướng trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều tập đoàn công nghệ tư bản khi đặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Điều này dẫn đến các nguy cơ đối với việc làm vốn dựa vào lao động giá rẻ nhiều năm qua tại các quốc gia đang phát triển đi kèm với sự thay đổi cấu trúc thị trường lao động quốc gia, thay đổi địa lý kinh tế về thương mại. Các nền kinh tế mới nổi và thế giới đang phát triển có thể nhận thấy tác động của quá trình số hóa mạnh hơn các nước công nghiệp phát triển. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), số hóa có thể đe dọa khoảng 70% việc làm ở các quốc gia, như Ấn Độ và Trung Quốc(17).

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm lạc quan tin rằng, các công nghệ mới sẽ thúc đẩy quá trình biến đổi tích cực nhằm tạo ra nhiều việc làm mới, thậm chí là “thời kỳ hoàng kim” trong quá trình tạo việc làm; hy vọng về các mô hình và lĩnh vực kinh doanh mới sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, cho năng suất cao hơn vì lợi ích của tất cả mọi người, cho những nơi làm việc tốt hơn, lành mạnh hơn và các phương thức làm việc linh hoạt hơn, mang lại lợi ích cho những người đang làm việc, có thể chủ động hơn, kiểm soát thời gian của chính mình, để có cơ hội thành lập doanh nghiệp tốt hơn.

Năm là, các tổ chức công đoàn đang phải đối mặt với một vấn đề là khó khẳng định các quyền hiện có, ví dụ như liên quan đến an toàn công nghiệp và bảo vệ sức khỏe trong môi trường làm việc đông người. Bên cạnh đó là nguy cơ về sự xuất hiện trở lại môi trường và điều kiện làm việc của con người, xã hội diễn ra ở thế kỷ XIX (theo quy tắc Taylor(18)) trong thế kỷ XXI. Tại các trung tâm sản xuất do Tập đoàn Amazon (Mỹ) điều hành, người lao động thực hiện công việc chính xác theo đúng hướng dẫn, yêu cầu của phần mềm được Tập đoàn Amazon đưa vào áp dụng và phần mềm này có nhiệm vụ ghi lại năng suất làm việc của người lao động trong thời gian thực(19). Như vậy có thể thấy, người lao động thực hiện vai trò như một người máy và xu hướng quá trình tự động hóa của con người đã thực sự bắt đầu. Hay nói cách khác, điều kiện làm việc trong môi trường số đã biến người lao động trở thành những “người máy”, bên cạnh những hạn chế về chất lượng an sinh xã hội, ít được tổ chức công đoàn bảo vệ.

Bảy là, nguy cơ đối với việc số hóa có thể là nhân tố cản trở việc khắc phục tình trạng bất bình đẳng, thậm chí còn làm gia tăng vấn đề này không chỉ ở các nước đang phát triển. Trong 30 năm qua, thế giới đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, song cũng gia tăng sự bất bình đẳng. Thực tế cho thấy, bên cạnh các khía cạnh tích cực, công nghệ số đã và đang gây ra những tác động tiêu cực, chẳng hạn như làm cho nhiều người mất đi công việc do người máy thay thế, gia tăng phân hóa giữa nhân viên có trình độ cao và thấp hoặc do xu hướng phát triển nền kinh tế số, mà tại đó chỉ có một số cá nhân nắm được công nghệ số, kiểm soát toàn bộ nền kinh tế. Có thể thấy, vấn đề công nghệ số và bình đẳng đan xen chặt chẽ với nhau. Công nghệ số không phải là tốt hay xấu, mà chỉ đơn giản là mang lại cơ hội và tùy thuộc vào việc con người sử dụng chúng theo cách thức nào và với mục đích gì. Do vậy, khả năng tiếp cận với công nghệ số, công nghệ truyền thông hiện đại với giá cả phải chăng là điều kiện tiên quyết chính để phát triển trong thế kỷ XXI.

Tám là, thách thức trong việc làm thế nào để duy trì cũng như tạo ra sinh kế bền vững và có lợi hơn cho nhân loại thông qua việc thụ hưởng, sử dụng, áp dụng và quản lý kiến thức cũng như dịch vụ trong môi trường số. Điều này phụ thuộc vào việc quốc gia và các đối tác xã hội trong quản lý, tạo cơ hội, nền tảng cho việc hình thành các điều kiện khuôn khổ xã hội, kinh tế và công nghệ để tạo ra những việc làm mới và ổn định, cũng như bảo đảm quá trình chuyển đổi số công bằng và chính đáng.

Một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Có thể thấy, chủ nghĩa tư bản số là một khía cạnh còn tương đối mới của chủ nghĩa tư bản và quá trình tích lũy tư bản; là một chủ đề nghiên cứu quan trọng cần có quá trình nghiên cứu khách quan, tổng kết thực tiễn để có thể làm rõ thêm nội hàm, vai trò, tác động của chủ nghĩa tư bản số đối với chủ nghĩa tư bản hiện đại nói riêng và toàn bộ đời sống của xã hội loài người nói chung. Trên cơ sở những phân tích nêu trên, để đóng góp vào việc xây dựng lý luận về chủ nghĩa xã hội, cũng như công cuộc phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam trong thời kỳ mới, cần lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng cường nghiên cứu làm rõ những nội hàm của chủ nghĩa tư bản số trên cơ sở công nghệ số và những tri thức quý báu nhiều năm qua của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chủ nghĩa tư bản, qua đó phát triển những nội hàm, điểm mới về lý luận của Việt Nam trong phản biện, chọn lọc những điểm tốt, mức độ chống chịu từ các cú sốc, khủng khoảng từ chủ nghĩa tư bản phục vụ việc xây dựng, củng cố nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Thứ hai, cân nhắc xây dựng một nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội số của Việt Nam đến năm 2045, trong đó bao gồm một số nội dung chính, như: 1- Tập trung xây dựng phát triển kinh tế số liên không gian (mạng, vũ trụ và hỗn hợp) và xã hội số đến năm 2030; 2- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới, đặc biệt là không ngừng đổi mới, sáng tạo và quyết liệt trong việc đấu tranh, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, triết lý nhân văn, những giá trị tiến bộ nhân loại trong các loại hình không gian(20); 3- Tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế xử lý các cơ hội, thách thức, nguy cơ từ môi trường, không gian số, nhất là từ chủ nghĩa tư bản hiện đại nói chung và chủ nghĩa tư bản số nói riêng, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại... của đất nước đến năm 2045, qua đó đóng góp chung vào việc xây dựng, củng cố và đổi mới chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới phù hợp với sự vận động, phát triển của thời đại (21).

Thứ ba, chủ động tham gia nghiên cứu, hợp tác với các đảng cộng sản và công nhân, cánh tả, các đảng và phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới về nội dung chủ nghĩa tư bản hiện đại nói chung và chủ nghĩa tư bản số nói riêng, trên cơ sở chú trọng phát triển lý luận về chủ nghĩa tư bản số, đặc biệt là về bản chất và những khía cạnh tích cực cũng như hạn chế của chủ nghĩa tư bản số; hỗ trợ cuộc đấu tranh của các đảng cộng sản và công nhân, cánh tả, các đảng và phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới vì sự minh bạch, công bằng và phát triển kinh tế số ở toàn cầu; đóng góp vào thảo luận toàn cầu về sự cần thiết phải xây dựng quy định để kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ và việc tạo cơ hội cho các giải pháp cạnh tranh bình đẳng cũng như việc tập hợp các thành phần kinh tế xã hội khác nhau, nhằm tạo ra hệ sinh thái tiến bộ thay thế hệ sinh thái do các tập đoàn tư bản đã và đang tạo ra trong nhiều năm qua.

Thứ tư, chủ động tham gia, đóng góp vào việc xây dựng các biện pháp phòng ngừa số do Liên hợp quốc dẫn dắt, trong đó bao gồm Bản khế ước xã hội toàn cầu do Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề xuất vào năm 2021 và những nghiên cứu, đóng góp các cách tiếp cận mới toàn cầu và khu vực về chống sự độc quyền của các tập đoàn tư bản lớn, như Facebook, Apple trong môi trường số liên quan về chuỗi giá trị gia tăng xuyên quốc gia(22). Thực tế những năm qua cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ internet đã rất linh hoạt trong việc tận dụng sự khác biệt giữa các hệ thống quản lý của các quốc gia (ví dụ như, chính sách về thuế) và đang dần trở thành một lực lượng chính trị toàn cầu với các quy định do các doanh nghiệp này tự đặt ra.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu làm rõ về chủ nghĩa tư bản số nói riêng và chủ nghĩa tư bản hiện đại nói chung, việc tiếp tục tiến hành tổng kết thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới sẽ là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục bổ sung, phát triển đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng, nhân dân Việt Nam, cho việc bảo vệ, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở một nước kinh tế phát triển thấp, chưa qua chế độ phát triển tư bản chủ nghĩa như Việt Nam./.

TS. NGUYỄN VIỆT LÂM

Bộ Ngoại giao

--------------------------

(1) Thuật ngữ “digital capitalism” còn được sử dụng trong tiếng Việt với tên gọi “chủ nghĩa tư bản số”, “chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số”. Trong bài viết, tác giả lựa chọn sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản số”.
(2) Robert Lenzner - William Heuslein: “The age of capitalism” (Tạm dịch: Thời đại của chủ nghĩa tư bản), Vol. 151, Issue 7, Tạp chí Forbes, ngày 29-3-1993, tr. 63
(3) Christian Fuchs: “Digital Capitalism: Media, Communication and Society” (Tạm dịch: Chủ nghĩa tư bản số: Truyền thông, Truyền thông và Xã hội), Vol. 3, Routledge, Taylor & Francis Group, 2022, tr. 28
(4) Jonathan Pace: The Concept of Digital Capitalism (Tạm dịch: Khái niệm về chủ nghĩa tư bản số), Communication Theory, Vol 28, Issue 3, tháng 8-2018, tr. 254 – 269
(5) Dữ liệu là hàng hóa quan trọng nhất và www - mạng lưới toàn cầu, là cơ cấu phát triển của nền kinh tế số. WWW là viết tắt của cụm từ World Wide Web (Mạng lưới toàn cầu), là một không gian thông tin nơi chứa các tài liệu và nguồn tài nguyên khác của trang web. Nó được xác định bởi URL, liên kết với nhau bởi các siêu liên kết và truy cập thông qua internet.
(6) Internet là xương sống của tất cả dịch vụ trong nền kinh tế số. Dù chúng ta đang đọc hay nghe tin tức, nghe nhạc, xem phim hay chỉ đơn giản là giao tiếp, internet là rất cần thiết, không chỉ nếu toàn bộ nền kinh tế, mà cả cuộc sống của mỗi chúng ta, hoạt động bình thường, bởi vì truy cập internet ngày càng tăng trở nên đánh đồng với việc tham gia vào đời sống xã hội nói chung. Xem: Dirk Bleicken: “The Digital Capitalism Debate” (Tạm dịch: Cuộc tranh luận về chủ nghĩa tư bản số), Progressive Alliance, ngày 24-3-2019, https://progressive-alliance.info/2019/03/24/digital-capitalism-debate/
(7) Philipp Staab: Digitaler Kapitalismus: Markt und Herrschaft in der #konomie derUnknappheit (Tạm dịch: Chủ nghĩa tư bản số: Thị trường và sự thống trị trong nền kinh tế khan hiếm), Frankfurt am Main: Suhrkamp, eBook version (phiên bản sách điện tử), 2019
(8) Zongrui Li: “Generative Logic of Digital Capitalism Based on ArtificialIntelligence Technology” (Tạm dịch: Logic sáng tạo của chủ nghĩa tư bản số dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo), HindawiMobile Information Systems, Volume 2022, Article ID 9068591, 7 pages, ngày 23-5-2022, https://www.hindawi.com/journals/misy/2022/9068591/
(9) Google điều hành một máy tìm kiếm việc làm toàn cầu và cùng với Facebook, kiểm soát khoảng 60% thị trường quảng cáo trực tuyến toàn cầu. Amazon là nhà sản xuất pin lớn nhất của Mỹ và nhà sản xuất tã giấy lớn thứ ba (xét về mua hàng trực tuyến). Với kính thông minh thực tế tích hợp Hololens, Microsoft đặt mục tiêu kết hợp các yếu tố kỹ thuật số và tương tự tại nơi làm việc và đã trở thành nền tảng tiêu chuẩn hàng đầu của thị trường trong lĩnh vực này. Apple hiện đang nỗ lực biến iPhone thành một trung tâm y tế cá nhân và mong muốn có thể phát hành thẻ tín dụng ảo cho tất cả khách hàng dùng iPhone của mình. Các doanh nghiệp này không né tránh những thách thức toàn cầu, như số hóa mọi cuốn sách đã từng được in, quay phim mọi đường phố trên thế giới, đưa kết nối internet đến các vùng nông thôn và gửi xe ô-tô tự lái trên đường.
(10) Thuật ngữ “hào kinh tế” đề cập đến lợi thế cạnh tranh lâu dài mà một doanh nghiệp nắm giữ để bảo vệ vị thế của mình trên thị trường. Thuật ngữ này được lấy cảm hứng từ con hào bao quanh các lâu đài thời trung cổ để bảo vệ những vật có giá trị bên trong khỏi những kẻ xâm lược. Một doanh nghiệp có hào khí vững chắc sẽ sở hữu một lợi thế cạnh tranh vừa mạnh, vừa bền vững. Con hào kinh tế rộng là một lợi thế cạnh tranh đáng kể mà rất khó sao chép hoặc bắt chước, do đó tạo ra rào cản gia nhập đối với các doanh nghiệp cạnh tranh. Nếu một doanh nghiệp có các sản phẩm đột phá mới, bằng sáng chế an toàn, công nghệ hiện đại và nhận diện thương hiệu tốt thì doanh nghiệp đó sẽ có một tiềm lực kinh tế rộng lớn sẽ khiến các đối thủ phải theo đuổi, quan tâm đặc biệt trong một thời gian dài
(11) Sebastien Canderle:“Modern Variants of Capitalism, Part 3: Digital Capitalism” (Tạm dịch: Biến thể hiện đại của chủ nghĩa tư bản, Phần 3: Chủ nghĩa tư bản số), Enterprising Investor, ngày 9-12-2021, https://blogs.cfainstitute.org/investor/2021/12/09/modern-variants-of-capitalism-part-3-digital-capitalism/
(12) Big Tech tìm cách mô hình hóa các tài sản xã hội của con người bằng cách theo dõi và truy tìm thị hiếu người tiêu dùng, hành vi mua hàng, tổ tiên, tiền sử bệnh tật, các mối quan hệ thân thiết, đảng phái chính trị, niềm tin tôn giáo, thành kiến nhận thức, sở thích cá nhân, nghề nghiệp và nhiều thứ khác. Các doanh nghiệp thu thập, lưu trữ, phân tích, chia sẻ và tiếp thị dữ liệu này thông qua một vài dòng mã số.
(13) Christian Fuchs: “Some reflections on Manuel Castells” book “communication power’” (Tạm dịch: Một số suy ngẫm về cuốn sách “Sức mạnh giao tiếp” của Manuel Castells), TripleC: Communication, capitalism & critiqueJournal for a Global SustainableInformation Society, 7(1), 2019, tr. 94-108, https://www.triple-c.at/index.php/tripleC/article/view/136
(14) Christian Fuchs: “Digital labor and Imperialism” (Tạm dịch: Lao động kỹ thuật số và chủ nghĩa đế quốc), Monthly Review, 67(8), 2016, tr. 14, https://monthlyreview.org/author/christianfuchs/
(15) Nguyễn Việt Lâm: “Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, số 986, tháng 3-2022, tr. 99 - 105
(16) Với sự linh hoạt của các nền tảng làm việc, họp trực tuyến di động, người lao động, doanh nhân giờ đây chỉ đơn thuần là những người làm việc trong một cuộc gọi ngắn, với các hợp đồng không thường xuyên, ngắn hạn.
(17) Xem: Jim Kim: “Automation threatens 69% jobs in India: World Bank” (Tạm dịch: Tự động hóa đe dọa 69% việc làm ở Ấn Độ: Ngân hàng Thế giới), The Hindu, ngày 5-10-2016, https://www.thehindu.com/business/Industry/Automation-threatens-69-jobs-in-India-World-Bank/article15427005.ece
(18) Quy tắc Taylor là mô hình chính sách tiền tệ được Giáo sư Taylor đưa ra vào năm 1993, mô tả lãi suất chính sách ngắn hạn (Federal Funds Rate - FFR) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được đo lường bằng hai thành tố chủ yếu là độ lệch lạm phát giữa mức lạm phát thực tế so với tỷ lệ lạm phát mục tiêu và độ lệch sản lượng giữa mức sản lượng thực tế so với sản lượng tiềm năng. Mô hình giảng giải mức độ ảnh hưởng của tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực và tỷ lệ lạm phát có tính chất cơ bản quyết định đến sự thay đổi chính sách của Fed và như vậy lãi suất được điều chỉnh khi hai biến số kinh tế này tách khỏi xu hướng (biến số GDP) và mức độ mục tiêu của chúng (biến số lạm phát). Một cách khái quát, quy tắc Taylor là hàm phản ứng của ngân hàng trung ương trước cục diện kinh tế thay đổi (tỷ lệ lạm phát và độ lệch sản lượng).
(19) Dirk Bleicken: “The Digital Capitalism Debate” (Tạm dịch: Cuộc tranh luận về chủ nghĩa tư bản số), Tlđd
(20) Không gian mạng, không gian vũ trụ, không gian lượng tử...
(21) Nghị quyết có thể đưa ra các định hướng lớn trong việc xử lý các nguy cơ sống còn đối với chế độ xã hội chủ nghĩa vì các rủi ro từ xung đột hệ giá trị giữa các quốc gia, người người dân với chính quyền và người dân với người dân trong các loại hình không gian, các nguy cơ làm xói mòn nền tảng lý luận của Đảng hay việc áp dụng, sử dụng, thậm chí là lạm dụng tiến bộ công nghệ trong quản lý dễ phát sinh tâm lý độc quyền quản lý người dân, vi phạm các giá trị cơ bản của quyền con người... Đó là những nguy cơ có thể rơi vào vòng xoáy, quỹ đạo mà chủ nghĩa tư bản số đã và đang vẽ ra cho các nước đang phát triển, kém phát triển rơi vào... Nghị quyết cũng sẽ là văn bản lý luận, tổng hợp các nghị quyết quan trọng của Đảng trong những năm qua, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25-7-2018, của Bộ Chính trị (khóa XII), “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” và “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”; chiến lược chuyển đổi số; chiến lược về công nhân, trí thức, công đoàn...
(22) Các nước tư bản phương Tây thời gian qua cũng ban hành và áp dụng nhiều quy tắc về chống độc quyền.

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/