“Liên Xô sụp đổ vì cán bộ biến chất, tham nhũng, Việt Nam phải tránh”
13:33 31/01/2020
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử các nước Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Liên bang Nga) là một nhà Việt Nam học có uy tín, một người bạn chân thành, rất yêu quý, gắn bó với Việt Nam và tích cực tham gia các hoạt động hữu nghị với Việt Nam, vì Việt Nam.
Ông thường xuyên theo dõi tình hình thời sự chính trị - xã hội của Việt Nam. Trao đổi với phóng viên VOV về cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, GS.TSKH Kolotov cho rằng Liên Xô đã sụp đổ vì cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,…Đây là con đường Việt Nam cần phải tránh.
PV: Thưa ông, là người nghiên cứu về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cảm phục và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở điều gì?
GS.TSKH Kolotov: Tôi rất quý tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vì khi không có gì trong tay, hoàn toàn không có một nguồn lực nào ngoài ý chí và lòng quyết tâm của mình để giành độc lập dân tộc. Một mình hoạt động cách mạng ở nước ngoài nhưng ông vẫn đưa ra chiến lược và thực hiện được chiến lược này trong vòng mấy chục năm để sau này giải phóng và thống nhất đất nước.
Năm 1923, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô để 7 năm sau thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hong Kong, rồi 15 năm sau đó làm Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng thủ đô Hà Nội và 21 năm sau giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Hồ Chí Minh phải có tầm nhìn và quyết tâm như thế nào để tìm đồng minh, tìm nguồn lực, nguồn năng lực thuyết phục người khác để thực hiện được kế hoạch đó. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, những thế hệ lãnh đạo kế tiếp vẫn tiếp tục sự nghiệp đó để Việt Nam phát triển như bây giờ, tạo được uy tín với thế giới vì đã bảo vệ Tổ quốc đến cùng và đánh lại bất cứ kẻ thù nào.
Mới đây, lãnh đạo của Iran tuyên bố “Chúng tôi sẽ là Việt Nam thứ hai”, điều đó có thể thấy từ thế kỷ trước Việt Nam nổi tiếng như thế nào để tới tận bây giờ, một nước ở Trung Đông vẫn “dọa” Mỹ rằng sẽ trở thành Việt Nam thứ hai. Tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những điều mà tôi đã nghiên cứu và học tập.
PV: Như ông vừa nói sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, những thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Việt Nam vẫn tiếp tục giành được nhiều thắng lợi. Thực tế Việt Nam hiện nay cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam hành động. Có lẽ ông cũng đã biết đến cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông đánh giá chiến lược này như thế nào?
GS.TSKH Kolotov: Tôi nghĩ rằng đó là chiến lược hoàn toàn đúng, bởi vì nếu thực hiện chính xác mà không có đạo đức thì không thể nào thắng lợi được. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phần đạo đức về nhiều mặt hơi giống Khổng giáo. Bởi vì theo học thuyết Khổng Tử, người có hai loại là quân tử và tiểu nhân, quân tử sống vì đạo đức còn tiểu nhân sống vì lợi ích cá nhân. Tư tưởng Hồ Chí Minh đề cao đạo đức và có thể nói trong Chủ nghĩa Mác- Lênin lợi ích chung được đặt cao hơn quyền lợi cá nhân.
Tôi nghĩ rằng đây là điểm mạnh của tư tưởng Hồ Chí Minh và những người trẻ nhất định phải trưởng thành bằng đạo đức, phải đặt đạo đức cao hơn quyền lợi cá nhân và sở thích hàng ngày của mình.
GS.TSKH Kolotov: Tôi rất ủng hộ, chính vì thế, tôi nhớ câu nói của đồng chí Nguyễn Phú Trọng “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Chúng ta phải bắt đầu từ lý do sụp đổ của Liên Xô, trước hết đây là vấn đề cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và số lượng tiểu nhân nhiều hơn số lượng quân tử.PV: Thời gian gần đây, Việt Nam đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và làm trong sạch Đảng. Ông quan sát và bình luận gì cuộc chiến đó?
Liên Xô bị sụp đổ vì tham nhũng. Có thể nói đơn giản giữa phe quân tử và phe tiểu nhân thì phe tiểu nhân đã chiến thắng và gây thiệt hại to lớn. Liên Xô tan rã, tổn thất về con người, tổn thất khủng khiếp về kinh tế, tổn thất rất lớn về địa chính trị. Tận mấy chục năm sau Tổng thống Putin mới khôi phục được một phần của vị thế chính trị ngày xưa của Liên Xô.
Đây là con đường Việt Nam phải tránh, nhất là phải tránh nạn tham nhũng. Bởi tham nhũng là tác động của chủ nghĩa cá nhân. Khi đọc các tài liệu, tôi nhớ những điều Bác Hồ viết năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng Thủ đô Hà Nội. Người nói đại ý rằng “sự nguy hiểm nhất bây giờ đối với các đồng chí không phải cái chết, không phải bom đạn của Pháp mà là phở ngon, là các cô gái mặc áo dài đẹp, là cái xe đạp, là cái mũ đẹp, là chủ nghĩa vật chất…”.
Khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam hồi đó cũng đã rút kinh nghiệm và bây giờ vẫn phải rút kinh nghiệm một lần nữa. Tôi mong đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ chiến thắng. Đây là cuộc chiến một sống một còn, không thể hòa được, cho nên “lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.
PV: Theo ông, để trở thành một nước XHCN hiện đại, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì những khó khăn nội tại mà Việt Nam phải đối mặt hiện nay là gì?
GS.TSKH Kolotov: Những vấn đề bên trọng thực chất gắn liền với các yếu tố bên ngoài. Ví dụ một trong những vấn đề lớn của Việt Nam là các thế lực thù địch có quan hệ với bên ngoài rất rõ ràng, thậm chí là điều khiển từ bên ngoài. Quan chức tham nhũng cũng tuồn tiền ra nước ngoài, trốn ra nước ngoài. Có nghĩa là vấn đề nội bộ có mối quan hệ chặt chẽ với bên ngoài và vấn đề bên ngoài liên quan đến vấn đề nội bộ.
Ở Nga tình hình cũng tương tự vì phần lớn các vụ án tham nhũng lớn đều gửi tiền ra nước ngoài, đưa gia đình ra nước ngoài rồi chạy nếu như kịp. Vấn đề lấy lại tiền khi đã chuyển ra nước ngoài rất khó khăn, vì có rất nhiều nguyên do, như Tổng thống Putin từng nói tại Hội nghị Munich về an ninh, là không ai bảo vệ được mình bằng luật pháp quốc tế.
Từ năm 1923 khi lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Liên Xô và tìm đường cứu nước, sau gần 100 năm, uy tín của Việt Nam trên thế giới chưa bao giờ cao như bây giờ. Các bạn đang xây dựng Việt Nam trở thành một đất nước hùng mạnh, và một trong những mục tiêu là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đây là điều đúng đắn nhưng Việt Nam phải tiêu diệt các nạn mà trước hết là vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - có thể nói là một chiến trường trong lòng của mỗi người. Tôi nhắc lại một lần nữa, Liên Xô sụp đổ vì thua trong cuộc chiến tham nhũng, vì cán bộ thoái hóa, biến chất...
Việt Nam phải tiếp tục kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh đồng thời tìm cách phân tích môi trường thế giới xung quanh, giữ lập trường để bảo vệ chủ quyền đất nước. Lịch sử là một trong những điều quan trọng nhất để biết mình là ai, bố mẹ, ông bà là ai, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Theo chiến lược này, các bạn sẽ bảo vệ được Tổ quốc và Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn nữa!
PV: Xin cảm ơn ông./.
Viện Hồ Chí Minh (thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, LB Nga) do GS.TSKH Kolotov làm Viện trưởng, được thành lập năm 2010 với mục đích chính là nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về tình hình chính trị, địa chính trị, an ninh của Việt Nam và quan hệ Nga - Việt, tạo điều kiện thuận lợi phát triển quan hệ giữa Nga và Việt Nam về kinh tế và văn hóa...