Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước
21:40 29/12/2023
Đi sâu cải cách và hoàn thiện nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa
Thứ nhất, phát huy tính quyết định của thị trường trong phân phối nguồn lực và đẩy mạnh vai trò của Chính phủ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ rõ: “Phát huy tốt hơn nữa vai trò của Chính phủ, chứ không phải phát huy nhiều hơn vai trò của Chính phủ, mà cần bảo đảm với tiền đề phát huy tác dụng quyết định của thị trường, Chính phủ sẽ quản lý những việc mà thị trường không quản lý được hoặc không xử lý tốt” (1). Vì vậy, Trung Quốc kiên trì thực hiện nguyên tắc: Đẩy mạnh vai trò của Chính phủ trong việc hướng dẫn, điều tiết quá trình chuyển đổi các chức năng của Chính phủ; tập trung nâng cao trình độ quản lý khoa học và trình độ điều tiết vĩ mô, xác định trách nhiệm và nhiệm vụ của Chính phủ là duy trì sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô; cam kết giảm bớt sự can thiệp của Chính phủ trong hoạt động kinh tế, xây dựng Chính phủ phục vụ, tăng cường và tối ưu hóa dịch vụ công, bảo đảm cạnh tranh công bằng, bù đắp những khiếm khuyết của thị trường, tăng cường quản lý, giám sát thị trường, duy trì trật tự của thị trường, thúc đẩy phát triển bền vững.
Để thúc đẩy cải cách có tính kết cấu theo hướng trọng cung, xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại, phát triển chất lượng cao, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX (năm 2017) khẳng định, cần làm cho thị trường phát huy tác dụng mang tính quyết định trong phân phối nguồn lực, đồng thời cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của Chính phủ. Quan điểm đúng đắn về mối quan hệ giữa Chính phủ với thị trường góp phần quan trọng vào chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế và chuyển đổi chức năng của Chính phủ. Trong những năm qua, Trung Quốc đã cố gắng cải cách phân quyền trong quản lý kinh tế. Chính phủ Trung Quốc phân quyền nhiều hơn cho các địa phương, kết hợp giữa “buông và quản”, cắt giảm nhiều hạng mục xét duyệt hành chính, “cởi trói” cho doanh nghiệp và cá nhân…; thúc đẩy việc phân phối nguồn lực dựa trên quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh, thực hiện tối đa hóa lợi ích và tối ưu hóa hiệu suất; coi việc hoàn thiện chế độ sở hữu tài sản và phân phối thị trường là yếu tố quan trọng để thúc đẩy cải cách chế độ kinh tế. Từ năm 2016, Quốc vụ viện Trung Quốc tiếp tục cắt giảm hơn 150 hạng mục hành chính, xóa bỏ quyền định giá của Chính phủ, thúc đẩy cải cách giá cả, trao quyền quản lý giá cho thị trường và trao quyền định giá cho các ban, ngành chủ quản cấp tỉnh, hình thành môi trường định giá có tính công bằng, hợp lý và có sức cạnh tranh hơn. Ngoài ra, Trung Quốc triển khai thí điểm và chủ trương trao cho hội đồng quản trị của doanh nghiệp nhà nước có quyền hạn, chức trách trong quy hoạch chiến lược phát triển trung hạn, dài hạn của doanh nghiệp, tuyển dụng người quản lý cấp cao và thành viên ban giám đốc theo cơ chế thị trường (2).
Thứ hai, kiên trì khuyến khích, ủng hộ phát triển kinh tế phi công hữu, tăng cường sức sống và sức sáng tạo của nền kinh tế phi công hữu.
Kinh tế công hữu và kinh tế phi công hữu đều là những bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, trong quá trình củng cố và phát triển kinh tế công hữu, Trung Quốc kiên trì vai trò chủ thể của chế độ sở hữu công, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đi sâu cải cách, phát triển chế độ sở hữu hỗn hợp, thúc đẩy vốn nhà nước phát huy được ưu thế một cách hiệu quả trên phạm vi rộng lớn. Văn kiện Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ: “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu và lợi ích hợp pháp của nền kinh tế, bảo đảm mọi chế độ sở hữu bình đẳng thông qua việc sử dụng các yếu tố sản xuất, tham gia cạnh tranh thị trường công khai, công bằng, công chính, cùng hưởng sự bảo hộ của pháp luật, giám sát và quản lý mọi thành phần kinh tế theo pháp luật… Khuyến khích doanh nghiệp phi công hữu tham gia cải cách doanh nghiệp quốc hữu, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp sở hữu hỗn hợp có nắm giữ nguồn vốn phi công hữu”(3). Nội dung này trở thành cơ sở để các chủ thể của thị trường phát triển một cách lành mạnh nhất, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho tất cả doanh nghiệp.
Thứ ba, vận dụng “bàn tay vô hình” và “bàn tay hữu hình” để xử lý tốt mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường.
Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, muốn xử lý tốt mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường cần vận dụng cả “bàn tay vô hình” và “bàn tay hữu hình”. Kiên trì quan điểm thị trường phát huy vai trò quyết định trong phân phối nguồn lực, hoàn thiện cơ chế thị trường, loại bỏ các rào cản, xóa bỏ bảo hộ địa phương; tăng cường khả năng phản ứng và điều chỉnh của doanh nghiệp đối với những thay đổi về nhu cầu của thị trường. Trung Quốc đẩy mạnh tiến hành hoàn thiện chế độ phân phối, duy trì nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối lao động làm chủ thể theo hướng “làm nhiều hưởng nhiều”; phân phối công bằng các cơ hội, chú trọng gia tăng thu nhập cho người có thu nhập thấp, mở rộng nhóm thu nhập trung bình, chuẩn hóa trật tự phân phối thu nhập, chuẩn hóa cơ chế tích lũy của cải. “Phát huy tốt hơn nữa vai trò của Chính phủ” không chỉ là việc đưa ra mệnh lệnh hành chính, mà còn cần dựa trên cơ sở tôn trọng các quy luật của thị trường, như dùng cải cách để kích thích sức sống của thị trường, dùng chính sách để định hướng tương lai của thị trường, dùng quy hoạch để làm phương hướng đầu tư trong thị trường, dùng pháp trị để quy phạm các hành vi của thị trường (4).
Kiện toàn chế độ đối với người lao động, thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và thu hút nhân tài
Nguồn nhân lực là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội. Xuất phát từ quan điểm phát triển khoa học và xây dựng một xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động ở nhiều cấp độ, góc độ. Công tác bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong các doanh nghiệp của Trung Quốc từng bước được chú trọng và cải thiện dưới sự thúc đẩy tích cực của chính phủ, sự nỗ lực của tổ chức công đoàn và sự chủ động tham gia của người lao động.
Thứ nhất, Trung Quốc ban hành các luật và quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Chỉ trong năm 2007, ba bộ luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động đã được ban hành, gồm Luật Hợp đồng lao động của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Luật Xúc tiến việc làm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Luật Trọng tài và hòa giải trong tranh chấp lao động của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời tích cực kiểm tra việc chấp hành Luật Lao động, kịp thời chỉnh đốn những hành vi xâm phạm quyền và lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc không ngừng tăng cường xây dựng hệ thống an sinh xã hội, hoàn thiện chế độ an sinh xã hội, như các ưu đãi về dịch vụ y tế và sức khỏe, nhà ở, giáo dục - đào tạo cho người lao động phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Chính quyền các địa phương liên tục áp dụng các chính sách, biện pháp như nâng mức lương tối thiểu để cải thiện việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.
Thứ hai, vai trò, quyền và lợi ích của người lao động trong các tổ chức công đoàn của các doanh nghiệp ngày càng được chú trọng. Quy trình thành lập tổ chức công đoàn của doanh nghiệp đã thay đổi “từ trên xuống dưới” sang “từ dưới lên trên”, xác định chức năng của tổ chức công đoàn doanh nghiệp từ “bảo vệ lợi ích doanh nghiệp” sang “bảo vệ lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp”, từ “hình thức hoạt động văn hóa và thể dục thể thao” sang “hình thức đàm phán tập thể và bảo vệ quyền lợi người lao động”.
Thứ ba, với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, người lao động trong các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng có những nhận thức rõ ràng hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình(5).
Từ sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII, Trung Quốc triển khai một số biện pháp để duy trì sự cân bằng cung cầu và ổn định thị trường lao động, xóa bỏ những rào cản đối với sự phát triển của thị trường lao động thông qua một số biện pháp, như cải cách chế độ hộ khẩu, hoàn thiện chế độ lao động, việc làm, phá vỡ sự phân cách giữa các vùng, miền, ngành, nghề. Bên cạnh đó, Trung Quốc chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng và tuyển chọn, thu hút nhân tài, dần hình thành một hệ thống và cơ chế hoàn chỉnh để bồi dưỡng và tuyển chọn nhiều nhân tài phục vụ đất nước, với mục tiêu đưa Trung Quốc từ cường quốc về nguồn nhân lực thành một quốc gia có nguồn nhân lực mạnh.
Kể từ Đại hội XVIII (năm 2012), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiên trì thực hiện chiến lược về khoa học - giáo dục và chiến lược cường quốc nhân tài, đồng thời nỗ lực thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa chiến lược cường quốc nhân tài cùng các chiến lược phát triển khác, nhằm tạo sự kết nối thông suốt giữa chính sách nhân tài với các chính sách khoa học - kỹ thuật, chính sách ngành, nghề và chính sách xã hội, góp phần phát huy vai trò chủ đạo của nhân tài với tư cách là nguồn lực chính. Để thúc đẩy sự phát triển theo chiều sâu, nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và để tập hợp nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, Trung Quốc ban hành hàng loạt văn bản, như Ý kiến về việc đi sâu cải cách thể chế và cơ chế phát triển nhân tài; Ý kiến về việc tăng cường cải cách đánh giá dự án, đánh giá nhân tài và đánh giá cơ cấu; Ý kiến chỉ đạo về hoàn thiện cơ chế đánh giá thành tựu khoa học - công nghệ... Địa phương và các cơ quan nhà nước có liên quan cũng ban hành một số văn bản hỗ trợ cải cách đồng bộ, thúc đẩy hoàn thiện các chính sách nhằm nỗ lực thu hút nhân tài. Bên cạnh đó, Trung Quốc sửa đổi, bổ sung một số văn bản, như “Điều lệ công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo Đảng và chính quyền” (ban hành năm 2014 và sửa đổi năm 2019), trong đó quy định cán bộ đặc biệt xuất sắc hoặc do nhu cầu công việc đặc thù có thể được đề bạt thăng tiến vượt cấp lên các vị trí lãnh đạo; biện pháp kiểm tra, giám sát và truy cứu trách nhiệm trong công tác lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ (ban hành năm 2019) để đội ngũ nhân tài thực sự được trọng dụng, tránh xảy ra sai lầm trong công tác tuyển chọn cán bộ.
Chú trọng tăng cường đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ
Đổi mới sáng tạo là động lực dẫn dắt sự phát triển. Nhìn từ góc độ toàn cầu, mặc dù năng lực đổi mới sáng tạo của Trung Quốc không phải là mạnh nhất, kỹ thuật “Made in China” không phải là công nghệ tiên tiến nhất, chi phí gia công và sản xuất không phải là thấp nhất, nhưng năng lực đổi mới của Trung Quốc lại không ngừng tiến bộ. Lĩnh vực công nghệ thông tin của Trung Quốc ngày càng khẳng định được “chỗ đứng” khi các doanh nghiệp như Alibaba, Tencent và Huawei không chỉ có lợi thế rất lớn trong ngành thương mại điện tử, mà còn có năng lực mạnh về các công nghệ mới nổi, như big data, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, tạo nền móng cho sự hội nhập trong lĩnh vực công nghệ thông tin và sự phát triển theo hướng số hóa, trí tuệ hóa. Hơn nữa, do sự suy thoái của kinh tế hiện nay khiến đà tăng trưởng của nhiều công ty công nghệ cao đang chậm lại. Vì vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở nước ngoài thông qua việc mua lại các doanh nghiệp công nghệ cao và công ty mới thành lập của nước ngoài, thúc đẩy phát triển chế tạo trí tuệ thông minh của Trung Quốc bằng cách tận dụng tối đa các nguồn lực đổi mới sáng tạo trên thế giới và tiếp thu công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua Kiến nghị về việc ban hành Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và các mục tiêu dài hạn đến năm 2035, trong đó xác định: kiên định vai trò cốt lõi của đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chung của sự nghiệp hiện đại hóa đất nước, lấy tự lực, tự cường về khoa học - công nghệ làm điểm tựa chiến lược để phát triển đất nước, thực hiện chuyển đổi từ “dựa vào lợi thế so sánh về tài nguyên thiên nhiên, vốn tự có” sang “lợi thế về quyền sở hữu trí tuệ độc lập”, hướng tới mục tiêu kinh tế trọng điểm, thực hiện chiến lược chấn hưng dân tộc thông qua khoa học - kỹ thuật, trọng dụng nhân tài để đổi mới đất nước.
Phát huy và sử dụng hiệu quả một số nguồn lực khác
Một là, nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc thực hiện đi sâu cải cách thể chế văn minh sinh thái, đưa việc xây dựng văn minh sinh thái vào quỹ đạo chế độ hóa, pháp trị hóa. Với mục tiêu thúc đẩy phát triển xanh, Trung Quốc đặt ra các nhiệm vụ như kiện toàn hệ thống kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, phát triển tuần hoàn; phát triển các ngành tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp sạch, sản xuất sạch, năng lượng sạch; thúc đẩy tiết kiệm toàn diện và tận dụng tuần hoàn tài nguyên... Trong “Phương án tổng thể về cải cách thể chế văn minh sinh thái”, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình xác định: cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống chế độ văn minh sinh thái, quy định quyền sở hữu rõ ràng, khuyến khích nhiều tầng lớp tham gia, với 8 giải pháp trọng điểm là: 1- Kiện toàn chế độ sở hữu tài sản tài nguyên thiên nhiên; 2- Xây dựng chế độ khai thác và bảo vệ không gian đất, lấy quy hoạch không gian làm cơ sở; 3- Xây dựng hệ thống quy hoạch không gian, tối ưu hóa việc quản lý không gian và kết cấu không gian thống nhất trong cả nước; 4- Hoàn thiện chế độ quản lý toàn bộ và tiết kiệm toàn diện tài nguyên; 5- Kiện toàn chế độ sử dụng tài nguyên có trả phí và đền bù sinh thái; 6- Xây dựng hệ thống quản lý môi trường với định hướng cải thiện chất lượng môi trường, kiểm soát thống nhất, chấp hành nghiêm minh theo quy định của luật pháp; 7- Hoàn thiện hệ thống thị trường về quản lý môi trường và bảo vệ sinh thái, sử dụng đòn bẩy kinh tế để tiến hành quản lý môi trường và bảo vệ sinh thái; 8- Cải thiện hệ thống đánh giá hiệu suất và trách nhiệm giải trình (6).
Hai là, đối với nguồn vốn của nhà nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã định vị lại vai trò của vốn nhà nước trong nền kinh tế quốc dân, nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế quản lý tài sản nhà nước, chuyển trọng tâm từ “quản lý tài sản” sang “quản lý vốn”, lấy việc quản lý nguồn vốn làm chủ đạo. Đây được coi là cải cách quan trọng của thể chế quản lý tài sản nhà nước, là biện pháp hiệu quả để thực hiện tách chính quyền và vốn, tách chính quyền và doanh nghiệp. Nghị quyết nêu rõ, vốn nhà nước sẽ được đầu tư nhiều hơn vào các ngành trọng điểm thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia - huyết mạch của nền kinh tế quốc dân, các lĩnh vực dịch vụ công và các ngành có tầm chiến lược lâu dài. Nghị quyết cũng định vị lại chức năng và tính chất của nguồn vốn nhà nước, chuyển một bộ phận vốn nhà nước vào quỹ an sinh xã hội, chú trọng sử dụng vào các công tác bảo đảm và cải thiện đời sống nhân dân (7). Đối với nguồn vốn dư thừa, Trung Quốc thực hiện tăng cường đầu tư ra bên ngoài. Trong giai đoạn 2006 - 2016, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tập trung chủ yếu ở các khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc chú trọng đầu tư vào các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước ven tuyến "Vành đai, Con đường", trên các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, du lịch, văn hóa, truyền thông…
Ba là, thúc đẩy việc huy động và sử dụng các nguồn lực từ bên ngoài. Trung Quốc xác định mở cửa là con đường duy nhất để một quốc gia thịnh vượng và phát triển. Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ rõ: “Sự phát triển của Trung Quốc không thể tách rời thế giới, sự thịnh vượng của thế giới cũng cần Trung Quốc”(8). Cho đến nay, chiến lược mở cửa của Trung Quốc đã được thực hiện ngày càng chủ động hơn, liên tục đưa ra các biện pháp mới nhằm tiếp cận nguồn đầu tư nước ngoài, mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy chiến lược khu thương mại tự do và sáng kiến cùng xây dựng “Vành đai, Con đường”, hình thành một mô hình mở cửa rộng hơn với thế giới bên ngoài, rộng hơn về lĩnh vực và sâu hơn về độ hợp tác.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 42,07 nghìn tỷ nhân dân tệ (tăng 51,3% so với năm 2017)(9), với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 8,6% (gấp đôi tốc độ tăng trưởng bình quân toàn cầu). Việc liên tục mở cửa ra thế giới bên ngoài đã tạo động lực mạnh mẽ, góp phần tăng cường sức sống của thị trường, duy trì ổn định kinh tế - xã hội và đóng góp vào sự phát triển của Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc sẽ không thay đổi trong một thời gian dài và Trung Quốc sẽ không bao giờ tự đóng cửa. Trung Quốc sẵn sàng gặp gỡ tất cả các quốc gia, sẵn sàng hợp tác đôi bên cùng có lợi, thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển chung của nền kinh tế thế giới”(10). Trong thời gian qua, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài, thúc đẩy có trật tự quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, tham gia sâu vào quá trình phân công lao động và hợp tác công nghiệp toàn cầu, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi an ninh của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Trung Quốc tích cực thúc đẩy việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế số (DEPA); đồng thời đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do và đầu tư với nhiều đối tác hơn; thúc đẩy phát triển chất lượng cao thông qua việc cùng xây dựng Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI); tăng cường chức năng vận chuyển của các tuyến đường vận tải quốc tế chính, như đường sắt cao tốc Trung Quốc - châu Âu và Hành lang mới trên biển phía Tây; củng cố và nâng cao hiệu quả của hợp tác kinh tế khu vực, tiếp tục tối ưu hóa bố cục mở cửa khu vực; đẩy nhanh việc hình thành môi trường đối ngoại cởi mở; thúc đẩy hoạt động hải quan khép kín trên toàn đảo của Cảng thương mại tự do Hải Nam chất lượng cao, triển khai mạnh mẽ chiến lược nâng cấp khu thí điểm thương mại tự do, từng bước tích lũy, nhân rộng thành quả đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy hệ thống kinh tế mở cấp độ cao hơn.
Việc hình thành cơ bản thể chế kinh tế mở mới đã góp phần làm tối ưu hóa không gian, phạm vi và lĩnh vực mở cửa của Trung Quốc; cung cấp cho thị trường thế giới nhiều sản phẩm "Made in China" hơn, mang đến nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của Trung Quốc, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế toàn cầu theo hướng cởi mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng hơn và các bên cùng có lợi. Có thể thấy, thành công của Trung Quốc trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước chính là nhờ: 1- Nguyên tắc giữ vững, hoàn thiện thể chế và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, kiên trì phương hướng không ngừng đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình thực tiễn, đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ pháp quyền, củng cố và phát triển kinh tế công hữu, khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn thành phần kinh tế phi công hữu phát triển, thúc đẩy chế độ sở hữu hỗn hợp, phát huy triệt để vai trò của thị trường trong phân bổ nguồn lực, phát huy tốt vai trò của Chính phủ trong việc tạo nên nhiều không gian phát triển hơn cho các chủ thể thị trường; 2- Kiện toàn chế độ bảo đảm quyền và lợi ích, đãi ngộ đối với người lao động, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và thu hút nhân tài trong và ngoài nước; 3- Kiên trì mở cửa đối ngoại mức độ cao, đẩy nhanh xây dựng cục diện phát triển mới “tuần hoàn kép” trong nước và quốc tế, đẩy mạnh việc thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nước ngoài; 4- Xác định vị trí hạt nhân của đổi mới sáng tạo, tăng cường phát triển khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả tổng thể của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; 5- Chú trọng xây dựng khung cơ bản thể chế văn minh sinh thái, đưa việc xây dựng văn minh sinh thái vào quỹ đạo chế độ hóa, thể chể hóa.
Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo, bởi chúng ta hiện nay có lợi thế đáng kể về thể chế, hiệu quả quản trị đã được nâng cao, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn, nguồn nhân lực dồi dào, không gian thị trường rộng lớn, xã hội ổn định... Việc tận dụng triệt để những lợi thế và không ngừng có những biện pháp cụ thể để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẽ giúp Việt Nam có những bước phát triển đột phá hơn trong thời gian tới./.
(2) 宁迪: “国企十项改革试点推出”(Tạm dịch: 10 đề án thí điểm cải cách doanh nghiệp nhà nước), ngày 29-2-2016, https://zqb1.cyol.com/html/2016-02/29/nw.D110000zgqnb_20160229_2-07.htm
(3) 中共中央关于全面深化改革若干重大问题的决定(Tạm dịch: Quyết định một số vấn đề trọng đại đi sâu cải cách toàn diện của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 15-11-2013, http://cpc.people.com.cn/n/2013/1115/c64094-23559163.html
(5) Trình Ân Phú, Những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác và nghiên cứu ứng dụng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 1094
(6) 生态文明体制改革的顶层设计(Tạm dịch: Thiết kế thượng tầng trong cải cách thể chế văn minh sinh thái), ngày 22-9-2015, https://www.gov.cn/zhengce/2015-09/22/content_2936430.htm
(7) Dương Vệ Đông: “Bàn về vòng tròn mới trong cải cách doanh nghiệp nhà nước”, Báo Đại học Sư phạm Hoa Trung, kỳ 3-2014, quyển 53, tr. 34
(8) 习近平:中国的发展离不开世界,世界的繁荣也需要中国(Tạm dịch: Tập Cận Bình: Sự phát triển của Trung Quốc không thể tách rời thế giới, thế giới muốn thịnh vượng cũng cần có Trung Quốc), ngày 10-11-2020, https://www.gov.cn/xinwen/2020-11/10/content_5560310.htm
(9) 赵晋平:促进更高水平开放型经济新体制基本形成 (Tạm dịch: Thúc đẩy sự hình thành cơ bản của hệ thống kinh tế mở mới cấp độ cao hơn), ngày 14-5-2023, https://baijiahao.baidu.com/s?id=1765361068460260204&wfr=spider&for=pc
(10) 旷思思: “中国改革开放政策将长久不变,永远不会自己关上开放的大门” (Tạm dịch: Chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc sẽ không thay đổi trong thời gian dài và sẽ không bao giờ tự mình đóng lại cánh cửa mở cửa), ngày 18-4-2023, http://www.qstheory.cn/wp/2023-04/18/c_1129535687.htm