Kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay
10:46 07/07/2024
Ở phần I – Những vấn đề chung về kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương
Trong phần này, đã tập hợp nhiều bài viết đề cập về các nội dung, như: (1) Mô hình kiểm soát chính quyền địa phương trên thế giới; (2) Các điều kiện bảo đảm kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay; (3) Kiểm soát nội bộ trong thực hiện quyền hành pháp ở chính quyền địa phương; (4) Quản trị địa phương của một số quốc gia ở châu Âu và giá trị tham khảo cho Việt Nam; (5) Khắc phục sự tha hóa quyền lực nhà nước của các cấp chính quyền địa phương; (6) Phương thức thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền địa phương; (7) Kiểm soát quyền lực của Chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước; (8) Thiết chế tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay; (9) Các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền địa phương; (10) Chính quyền địa phương và việc kiểm soát chính quyền địa phương ở Việt Nam.
Nội dung được nhấn mạnh trong phần này là chỉ ra việc kiểm soát với chính quyền địa phương giống như kiểm soát quyền lực ở trung ương phụ thuộc vào mô hình chính quyền. Trong đó, nêu rõ “Hành vi chính quyền cần có của chính quyền địa phương cũng gần giống như ở trung ương, chỉ khác nhau ở phạm vi lãnh thổ. Nếu như ở trung ương chính quyền thường được cơ cấu thành 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì ở địa phương cũng như vậy có thể chia thành 3 quyền: Lập pháp địa phương; hành pháp và tư pháp”. Đồng thời, cho thấy sự “Phân quyền giữa trung ương và địa phương và mô hình cơ cấu chính quyền địa phương là cơ sở đầu tiên của việc kiểm soát quyền lực đối với chính quyền địa phương”.
Cuốn sách cũng chỉ ra sự phân rõ trách nhiệm nhà nước, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương, phương thức kiểm soát, đồng thời khẳng định rằng: các mô hình chính quyền địa phương cũng là mô hình kiểm soát chính quyền địa phương, theo đó, việc tổ chức và hoạt động kiểm soát chính quyền địa phương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như điều kiện lịch sử, văn hóaxã hội, tự nhiên cũng như những quan điểm nhận thức của chính quyền nhà nước cấp trên.
Phần II: Những vấn đề cụ thể về kiểm soát quyền lực nhà nước của địa phương
Nội dung phần này tập trung vào các vấn đề cụ thể, đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho Việt Nam về: (1) Giải pháp tăng cường khả năng của các chủ thể trong kiểm soát thực hiện quyền lực của chính quyền địa phương ở Việt Nam; (2) Kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước của Ủy ban nhân dân thông qua hoạt động xét xử vụ án hành chính; (3) Kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương: qua góc nhìn kiểm soát trách nhiệm kỷ luật đối với công chức ở địa phương; (4) Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước trong lĩnh vực thu hồi đất; (5) Nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương hiện nay; (6) Một số điểm mới trong luật thực hiện dân chủ ở cơ sở về kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Ủy ban nhân dân cấp xã; (7) Hoạt động kiểm soát của các cơ quan nhà nước đối với việc ban hành quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân; (8) Vai trò của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh trong kiểm soát quyền lực nhà nước tại địa phương; (9) Tăng cường kiểm soát đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh trong quản trị địa phương; (10) Kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương từ góc độ Hội đồng nhân dân – cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; (11) Kiểm soát quyền lực từ góc nhìn quản trị các trường đại học ở địa phương; (12) Trách nhiệm giải trình trong kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương; (13) Bàn về “kiểm soát” quyền lực nhà nước ở cấp xã; (14) Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng nhằm kiểm soát quyền lực địa phương trong công tác cán bộ; (15) Kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương; (16) Kiểm soát thực hiện quyền lực thông qua quy định pháp luật công khai; (17) Pháp luật về phân cấp, phân quyền giữa trung ương, địa phương – cơ chế kiểm soát chính quyền địa phương; (18) Giám sát xã hội của báo chí góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương; (19) Vai trò của Nhân dân trong việc tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước; (20) Vai trò của trách nhiệm giải trình trong kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương.
Chủ thể kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay là các thiết chế có thẩm quyền nhà nước, đảng ủy các cấp, tổ chức chính trị – xã hội và các thiết chế xã hội dân sự, công dân. Các chủ thể này quyết định chủ yếu đến hiệu quả kiểm soát thực hiện quyền lực của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cuốn sách cũng làm rõ trên thực tế, bên cạnh những ưu điểm, khả năng của các chủ thể trong kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Chính vì vậy, “việc tăng cường chủ thể kiểm soát quyền lực địa phương là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực từ chính quyền địa phương”. Bằng các giải pháp như tăng cường năng lực, thúc đẩy sự tham gia công dân; xây dựng hệ thống phản hồi và khiếu nại cũng như xây dựng hệ thống giám sát và kiểm soát; từ đó, đẩy mạnh kiểm soát quyền lực nhà nước trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang diễn ra quyết liệt và để hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Với mong muốn lan tỏa các giá trị khoa học đa dạng của các bài viết trong cuốn sách về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và kiểm soát quyền lực chính quyền địa phương nói riêng, không chỉ làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác này mà còn là tài liệu hữu ích nhằm phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các học viện, các trường đại học muốn tìm hiểu rõ về nội dung này, đồng thời khuyến khích các giảng viên nghiên cứu sâu và tham gia giới thiệu sách độc lập.
Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/