Khu vực duyên hải miền Trung thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và thích ứng với biến đổi khí hậu

17:05 25/12/2023

Vùng duyên hải miền Trung là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; đặc biệt có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển. Phát triển bền vững kinh tế biển hay kinh tế biển xanh là chủ trương lớn của Đảng và là xu thế phát triển của thế giới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, phát triển bền vững kinh tế biển vùng duyên hải miền Trung có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp phát triển bền vững vùng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Trong thế kỷ XXI, biển và đại dương đã trở thành tâm điểm của sự quan tâm toàn cầu. Nhiều quốc gia và các cường quốc trên thế giới đều đã và đang tập trung vào biển và phát triển kinh tế biển để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia(1). Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trở nên đặc biệt quan trọng, góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam nói chung và vùng duyên hải miền Trung (DHMT) nói riêng.

Phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung có ý nghĩa và vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế biển của cả nước, bởi đây là khu vực có 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, với bờ biển dài gần 2.000km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước (3.260 km)(2). Với 14 tỉnh và thành phố giáp biển, DHMT có nhiều bãi biển, vùng biển và đảo đẹp, cùng với nhiều tài nguyên thiên nhiên quý và hệ sinh thái đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải và có tiềm năng trong việc phát triển các cảng biển lớn, điện gió. DHMT cũng là khu vực tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng, như Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội; có nhiều cảng biển nước sâu, như Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn. Vị trí địa lý của DHMT cũng mang lại lợi thế cho việc kết nối các vùng biển của Việt Nam và trung tâm kinh tế quốc gia và quốc tế(3). Ngoài ra, DHMT cũng là trung tâm quan trọng cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản lớn của Việt Nam...

Có thể thấy, DHMT có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế biển mà không có bất kỳ khu vực nào của Việt Nam có được. Thực tế phát triển thời gian qua cho thấy, các tỉnh, thành phố trong vùng DHMT đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế biển; nhờ đó, diện mạo của vùng DHMT đã có nhiều thay đổi tích cực và đang trở thành một khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế, khoảng cách phát triển của vùng so với mức trung bình của cả nước đang dần được thu hẹp. Văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, DHMT hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để trở thành một nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp...

Phát triển bền vững kinh tế biển có nội hàm là phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, sử dụng bền vững tài nguyên đại dương, cải thiện sinh kế và việc làm, sức khỏe các hệ sinh thái đại dương, trong đó phát triển kinh tế biển xanh là yếu tố cơ bản để phát triển bền vững kinh tế biển.

Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thực trạng phát triển bền vững các ngành kinh tế biển tại vùng duyên hải miền Trung

Phát triển nuôi trồng thủy hải sản: Thủy sản trong vùng phát triển khá mạnh, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 5,5%/năm với nghề nuôi biển phát triển; đến năm 2020, tổng sản lượng thủy sản toàn vùng đạt 1.913,47 nghìn tấn, tăng 2,3 lần so với năm 2004 (814,07 ngàn tấn). Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận là những địa phương có sản lượng thủy sản lớn nhất (từ 233-268 nghìn tấn/năm). Giai đoạn 2004 - 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn vùng tăng không nhiều, từ 72,5 nghìn héc-ta (năm 2004) lên 95,5 nghìn héc-ta (năm 2020), nhưng sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tốt; đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản đã tăng gần 3 lần so với năm 2004 (từ 93,57 nghìn tấn lên 272,99 nghìn tấn); tăng bình quân giai đoạn đạt 6,9%/năm. Trong đó, Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận là những địa phương có sản lượng khai thác thủy sản lớn nhất trong vùng (từ 221-261 nghìn tấn/năm). Nghề khai thác cá ngừ đại dương đem lại hiệu quả cao, tập trung chủ yếu ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, với sản lượng khoảng 20.000 - 35.000 tấn/năm. Cơ cấu đội tàu đã có sự chuyển dịch, giảm tàu khai thác gần bờ, tăng tàu khai thác xa bờ; đến năm 2020, số tàu cá trên 90 CV tăng lên 20.119 tàu so với 10.916 tàu năm 2004; tổng công suất tăng 9,78 lần, từ 829,1 nghìn CV năm 2004 tăng lên 8.039,7 nghìn CV, với một số địa phương có số lượng tàu và công suất tàu cá lớn nhất là Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận(4).

Phát triển diêm nghiệp: Diêm nghiệp trong vùng khá phát triển, đến năm 2020, tổng sản lượng muối tăng lên 817,9 tấn (tăng 40,95% so với năm 2004), trong đó, lượng muối thủ công đạt 328,1 nghìn tấn (tăng 62,%), lượng muối công nghiệp đạt 489,8 nghìn tấn (tăng 29,6%). Diện tích cánh đồng muối có sự hoán đổi mạnh giữa sản xuất thủ công và sản xuất công nghiệp dẫn tới sản lượng muối có tốc độ tăng sản lượng cao hơn nhiều; đến năm 2020, tổng diện tích muối đã tăng lên 5.174,2ha; trong đó, diện tích sản xuất muối thủ công giảm còn 1.670,2ha và diện tích sản xuất muối công nghiệp tăng lên 3.504ha. Sản xuất muối tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Ninh Thuận (Cà Ná, Phương Cựu, Ninh Phước), Quảng Ngãi (Sa Huỳnh), Bình Thuận (Vĩnh Hảo), Khánh Hòa (Hòn Khói). Tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng khu công nghiệp muối xuất khẩu Quán Thẻ với cánh đồng muối có diện tích lớn nhất cả nước (trên 2.500ha)(5).

Phát triển khai thác, chế biến dầu khí: Một số dự án về dầu khí theo định hướng của Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW được đầu tư và đưa vào khai thác, có tác động tích cực và lan tỏa, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương, như Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng mức đầu tư 1,297 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm đi vào sản xuất từ năm 2009; dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, tổng mức đầu tư khoảng 9 tỷ USD, có công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước với Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn đang khai thác 2 tuyến vận tải container quốc tế(6).

Về hoạt động khai thác, dự án khai thác phát triển khí từ mỏ Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100km về phía đông do Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ là nhà điều hành. Theo tính toán, sau khi đầu tư hoàn thành các hạng mục, tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9 - 10 tỷ m3, trong đó 1 tỷ m3 kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu; nộp ngân sách nhà nước 3.900 tỷ đồng/năm đang được đầu tư xây dựng(7).

Phát triển du lịch biển, hải đảo: Du lịch vùng có bước phát triển mạnh mẽ, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng các địa phương trong vùng. Tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch giai đoạn 2005-2020 đạt 8% (bằng 101% so với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước). Tổng thu từ du lịch năm 2020 là 105.118 tỷ đồng, tương ứng bằng 53% so với năm 2019; năm 2021, tổng thu từ du lịch chỉ đạt 52.065 tỷ đồng, tương ứng bằng 50% so với năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID. Thị trường khách du lịch quốc tế đến Bắc Trung Bộ chủ yếu là khách đến từ khu vực Đông Nam Á (Lào, Thái Lan, Myanmar), Tây Âu (Pháp, Anh và một số nước khác như Đức, Hà Lan), các thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản), Bắc Mỹ (Mỹ) chiếm tỷ trọng nhỏ. Thị trường khách du lịch nội địa chủ yếu là khách đi theo các lễ hội - tín ngưỡng, khách tham quan - nghỉ dưỡng… tăng nhanh cả về số lượng, thành phần và loại hình du lịch.

Nhiều sản phẩm du lịch từng bước được hình thành, đặc biệt là các sản phẩm du lịch gắn với biển, đảo và dần khẳng định vị thế đối với du lịch cả nước như du lịch nghỉ dưỡng biển tập trung ở các tỉnh phía bắc của Bắc Trung Bộ như Sầm Sơn, Hải Tiến (Thanh Hóa), Cửa Lò, Hòn Ngư (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Lăng Cô - Cảnh Dương (Thừa Thiên Huế) và du lịch biển, đảo trên các bãi biển đẹp, như: Sơn Trà, Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng); bãi biển Cửa Đại, Hà My (Quảng Nam); bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa), các đảo ven bờ như đảo Hòn Mun, Hòn Tre (Nha Trang); biển Mũi Né, Phan Thiết, đảo Phú Quý (Bình Thuận)…(8).

Phát triển các khu kinh tế, công nghiệp ven biển: Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tập trung nhiều khu kinh tế ven biển, với 11/18 khu kinh tế ven biển của cả nước, trong đó có 4/8 khu kinh tế trọng điểm. Trong thời gian qua, phát triển các khu kinh tế ven biển đã đạt được những kết quả nhất định; tỷ lệ lấp đầy đạt trên 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất. Một số dự án lớn quan trọng tại các khu kinh tế của vùng đã hoàn thành và đi vào hoạt động, như Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Khu kinh tế Nghi Sơn), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Nhà máy TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Khu kinh tế Dung Quất); Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải (Khu kinh tế mở Chu Lai); các nhà máy xi măng, nhiệt điện tại Khu kinh tế Nghi Sơn… góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng các địa phương trong vùng(9). Năm 2020, tổng số dự án được thu hút vào là 1.347dự án, số vốn đăng ký là 1.507 nghìn tỷ đồng, giá trị sản xuất của các khu kinh tế ven biển đạt 675.525 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần sau 5 năm. Giá trị xuất khẩu cũng tăng mạnh, đạt 196.101 tỷ đồng(10).

Hoạt động giao thông: Hệ thống đường thuỷ nội địa trong vùng gồm 11 tuyến vận tải chính với tổng chiều dài 670km được các địa phương quan tâm đầu tư kết nối hiệu quả với hành lang vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; bảo đảm hoạt động vận tải từ bờ ra các đảo góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo. Hệ thống cảng biển trong vùng được đầu tư bằng nhiều nguồn lực đáp ứng các tiêu chí cảng biển số 2 và số 3 gồm 9 cảng biển loại I (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa), 4 cảng biển loại II (Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận) và 1 cảng biển loại III (Phú Yên)(11).

Phát triển năng lượng tái tạo: Vùng DHMT có tiềm năng về điện mặt trời, điện gió với mật độ năng lượng khoảng 400 - 600W/m2 và điện sóng với năng lượng sóng 20 - 30 kw/m(12). Tính đến cuối tháng 6-2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đạt 4.543,8 MW, trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời với tổng công suất đặt 2.027 MW(13).

Phát triển các huyện đảoTình hình phát triển các huyện đảo trong khu vực có những tiến bộ đáng kể. Huyện đảo Lý Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển bền vững về kinh tế và đời sống nhân dân. Kinh tế - xã hội của huyện này đã phát triển, thu ngân sách tăng, giảm tỷ lệ nghèo và quản lý môi trường được cải thiện. Kết cấu hạ tầng cơ bản cũng đã được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn trong việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách và xây dựng các kết cấu hạ tầng thiết yếu cho đánh bắt và chế biến hải sản. Huyện đảo Phú Quý cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế và quốc phòng - an ninh. Kinh tế của huyện phát triển ổn định và có sự chuyển đổi tích cực trong cơ cấu kinh tế. Ngành kinh tế biển đang được tập trung đầu tư và phát triển, với năng lực tàu thuyền tăng lên đáng kể và sản lượng hải sản tăng cao. Hệ thống đô thị ven biển cũng đã được phát triển, hỗ trợ cho ngành du lịch và kinh tế biển. Tuy nhiên, cần tiếp tục quan tâm đến việc thu hút đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị để bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai (14).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển kinh tế biển vùng DHMT vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Cụ thể:

Các khu kinh tế ven biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa có sự gắn kết với nhau và với khu kinh tế cửa khẩu; chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế của các hạ tầng kinh tế khác như sân bay, cảng biển; chưa phát huy được vai trò chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thiếu sự gắn kết với định hướng phát triển của tỉnh, của vùng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, ví dụ: Chưa có trung tâm logistic, cảng cạn ICD, hệ thống các trường đạt chuẩn quốc tế, nhà ở xã hội, các khu thiết chế công đoàn, xử lý nước thải tập trung, luồng vào cảng. Đa số các dự án đầu tư có quy mô vừa và nhỏ(15). Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực chậm so với tiến độ đề ra. Một số khu kinh tế ven biển còn phụ thuộc nhiều vào một số dự án nhất định.

Việc phát triển ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển phục vụ phát triển kinh tế biển ở vùng vẫn chủ yếu mang tính chất gia công, lắp đặt, hầu hết nguyên liệu, thiết bị đầu vào đều được nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ còn thiếu tính đồng bộ(16). Một số dự án liên quan đến kinh tế biển lớn, dở dang chậm được xử lý với những tác động tiêu cực tới sự phát triển của địa phương và vùng. Một số dự án, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đã rút giấy phép hoặc chấm dứt đầu tư. Du lịch, đặc biệt là du lịch biển, phát triển chưa thực sự bền vững. Sản phẩm du lịch còn trùng lặp, thiếu những sản phẩm đặc sắc mang bản sắc riêng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế để thu hút khách từ những thị trường trọng điểm, có khả năng chi trả cao; thiếu thương hiệu du lịch nổi bật(17). Tốc độ phát triển tuy nhanh nhưng các giá trị tuyệt đối về chỉ tiêu thực tế còn thấp. Thị trường khách tuy đã được mở rộng nhưng vẫn thiếu tính ổn định, bền vững.

Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ; chưa thích ứng tốt với các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tính đồng bộ giữa các loại hình vận tải chưa cao, kết nối đa phương thức giữa đường bộ - hàng hải, đường sắt - cảng biển kém phát triển. Kết cấu hạ tầng hàng hải, cảng biển, dịch vụ logistics có tầm quốc tế phát triển còn chậm, mức độ hiện đại hóa đồng bộ chưa cao(18). Vai trò các cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hoá... với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, khu vực ASEAN và thế giới chưa được phát huy. Tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên biển trong vùng, chưa được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển, còn bị động và thiếu tính chiến lược trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ô nhiễm môi trường khu vực ven biển, các lưu vực sông trong vùng vẫn chưa được phòng ngừa thực sự có hiệu quả do thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn thiếu đồng bộ, công nghệ xử lý còn lạc hậu. Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại vùng còn thấp, chỉ đạt 69,6%, thấp hơn bình quân chung cả nước và một số vùng kinh tế - xã hội khác(19).

Tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế biển vùng duyên hải miền Trung

DHMT cũng là một trong những vùng bị đánh giá là ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu, nằm trong vùng thiên tai cấp III và IV, đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nhiều loại thiên tai, như bão, nắng nóng, hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất, rét hại, mưa lớn, lốc, sét mưa đá và nước biển dâng cao(20). Biến đổi khí hậu đã và đang làm trầm trọng thêm những tác động này, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nói chung và phát triển kinh tế biển của vùng. Các tác động chính của BĐKH đến phát triển kinh tế biển vùng DHMT bao gồm:

Đối với ngành du lịch và dịch vụ biển: Tác động của biến đổi khí hậu đến du lịch và dịch vụ biển vùng DMHT có thể được chia thành ba nhóm chính:

(i) Tác động tới tài nguyên du lịch: Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên và tài nguyên du lịch, gồm cả bãi biển, công trình kiến trúc, di tích lịch sử và các địa danh du lịch khác. Sự suy giảm hoặc mất mát tài nguyên du lịch do biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và gây khó khăn trong việc phát triển các sản phẩm du lịch mới.

(ii) Tác động tới công trình cơ sở vật chất du lịch: Biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng bão lũ, sạt lở ven biển, lũ quét và sạt lở tại vùng núi, gây hủy hoại và tác động tiêu cực tới các công trình du lịch và hạ tầng du lịch. Điều này có thể làm giảm khả năng hoạt động và hạn chế sự phát triển của ngành du lịch.

(iii) Tác động tới hoạt động du lịch và lữ hành: Hoạt động du lịch phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Các biến đổi khí hậu, như hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan đã diễn ra ngày càng tăng với tần suất cao hơn và cường độ mạnh hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến việc di chuyển và nhu cầu du lịch của du khách; ngoài ra, các điều kiện thời tiết không ổn định có thể làm giảm sự hấp dẫn của các tour du lịch.

- Đối với kinh tế hàng hải, vận tải biển: Nước biển dâng cao và biến đổi mô hình mưa và gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu có thể gây ra sự tăng cường của hiện tượng bão và sóng biển, gây khó khăn cho hoạt động hàng hải và giao thông biển. Do tác động của biến đổi khí hậu, việc vận chuyển hàng hóa có thể bị chậm trễ hoặc bị gián đoạn do hạn chế về an toàn và khả năng hoạt động của các cảng biển trong điều kiện thời tiết bất thường. Các cơn bão dữ dội xảy ra với tần suất thường xuyên hơn gây ra tình trạng bị phong tỏa và tắc nghẽn tại các cảng, dẫn đến tàu phải ở ngoài biển lâu hơn, gây tổn thất chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, mực nước biển dâng cao và bão có thể gây xói lở bờ biển dẫn đến làm gia tăng rủi ro tàu bị mắc cạn.

- Đối với lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí: Hiện nay, trên địa bàn vùng DHMT có 2 dự án lọc dầu quy mô lớn đang hoạt động là Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, ngoài ra còn có nhà máy sản xuất polypropylene Dung Quất, công suất 150.000 tấn/năm. Ngành dầu khí vừa là tác nhân gây ra biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là đối tượng bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Sự tăng nhiệt độ, trái đất ấm lên gây ảnh hưởng đến hiệu suất và kỹ thuật khai thác dầu khí. Nếu nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, có thể làm giảm hiệu suất của các thiết bị và hệ thống trong quá trình khai thác. Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt và bão nhiệt đới gây ra thiệt hại không lường trước được đối với các công trình ngoài khơi, hạn chế khả năng tiếp cận các địa điểm sau khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, cản trở, gây khó khăn làm tăng thêm các chi phí việc bảo dưỡng và sửa chữa các công trình ngoài khơi cũng như hư hỏng các đường ống dẫn dầu.

- Đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản: Khu vực DHMT tại Việt Nam có sự đa dạng và phong phú trong tài nguyên khoáng sản. Trong đó có các tài nguyên khoáng sản ven biển như titan và cát thủy tinh. Biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng hạn hán với cường độ mạnh hơn và kéo dài hơn trong mùa khô, làm gia tăng xâm nhiễm mặn tại một số khu vực. Điều này gây khó khăn cho việc cung cấp nước cho quá trình khai thác và tuyển chọn quặng titan, đặc biệt là ở các khu vực ven biển như huyện Bắc Bình (Bình Thuận) và Ninh Phước (Ninh Thuận), nơi đã có sự khan hiếm nước. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng mưa lũ vào mùa mưa; khi có mưa lớn sẽ gây giảm khoảng 20 - 30% sản lượng khai thác. Mưa lớn không chỉ gây ngập úng các đường nội bộ và kết cấu hạ tầng khu vực khai thác, mà còn gây hư hại cho kết cấu hạ tầng như nhà xưởng, thiết bị và máy móc(21). Ngoài ra, mưa lớn cũng gây xói mòn và mất mát nguồn tài nguyên khoáng sản ven biển. Sự gia tăng của bão và lũ lụt do biến đổi khí hậu đã đặt hệ thống đê bao ngăn mặn ven biển trong tình trạng nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Điều này tạo ra nguy cơ xâm nhập mặn sâu vào vùng đất liền, gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng quặng và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

- Đối với lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản: Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phân bố và số lượng các loài hải sản. Sự tăng nhiệt đới và biến đổi mô hình mưa có thể làm tăng sự suy giảm nguồn lợi hải sản và gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ biển. Nhiệt độ ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố khác trong nước, đặc biệt là chất lượng nước, đồng thời, cũng ảnh hưởng đến khả năng thích nghi sinh trưởng và phát triển, làm suy giảm sức đề kháng của vật nuôi, từ đó làm tăng nguy cơ dịch bệnh. Nhiệt độ nước tăng là một trong những yếu tố thuận lợi gây hiện tượng “thủy triều đỏ”, sản sinh ra độc tố, làm giảm nồng độ oxy trong nước, khiến ảnh hưởng đến sinh trưởng của các loài sinh vật biển, các loài cá... Bên cạnh đó, nhiệt độ nước biển ngày càng tăng, đặc biệt là hiện tượng “sóng nhiệt” vào mùa hè sẽ làm giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO), là nguyên nhân trực tiếp làm thủy sản chết hoặc làm sức đề kháng suy giảm, tạo cơ hội để các mầm bệnh gây hại cho vật nuôi.

- Đối với ngành công nghiệp ven biển: Biến đổi khí hậu có thể tạo ra hiện tượng tăng nhiệt độ, mực nước biển dâng, tần suất bão và sóng biển tăng lên, cũng như sụt lún và xói lở bờ biển. Sự tăng nhiệt độ có thể làm tăng nhu cầu năng lượng trong các ngành công nghiệp, làm tăng chi phí thông gió, làm mát và làm giảm hiệu suất, sản lượng của các nhà máy điện(22). Ngoài ra, biến đổi khí hậu và cụ thể là mực nước biển dâng có thể làm tăng nguy cơ ngập lụt các khu công nghiệp ven biển của vùng. Mặt khác, biến đổi khí hậu có thể gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ven biển. Thời tiết cực đoan, như bão và sóng biển mạnh, có thể làm trễ hoặc ngừng giao hàng và xuất nhập khẩu hàng hóa, cũng như giảm sản lượng của các vùng nguyên liệu đặc biệt là thuỷ sản và nông nghiệp của vùng, tạo ra thách thức trong việc quản lý nguồn cung cấp và giá cả và mức độ cạnh tranh trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo ở vùng.

- Đối với việc phát triển năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu khiến gia tăng tượng bão và sóng biển có thể làm tăng rủi ro cho các công trình năng lượng gió biển và làm tăng chi phí xây dựng và vận hành nhất là các khu vực điện gió ngoài khơi.

Bốc, xếp hàng hóa tại cảng Đà Nẵng_Nguồn: danangport.com

Giải pháp phát triển kinh tế bền vững vùng duyên hải miền Trung

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển vừa qua, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vùng DHMT cần triển khai một số giải pháp chính sách đồng bộ để phát triển kinh tế biển bền vững:

Thứ nhất, đổi mới tư duy về liên kết phát triển phát triển vùng: Coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, ban hành cơ chế, chính sách, điều chỉnh, bổ sung nguồn lực. Liên kết phát triển vùng giúp mở ra không gian phát triển mới, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, lợi thế nhờ quy mô của cả vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển; giúp giải quyết những vấn đề phát triển chung của vùng, nhất là trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển; phòng, chống thiên tai, bão, lũ và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Thứ hai, quy hoạch quốc gia, vùng và quy hoạch các địa phương phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn: Bảo đảm gắn kết giữa phát triển các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp với các khu du lịch và dịch vụ; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển, cảng hàng không, khu kinh tế cửa khẩu... Mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển.

Thứ ba, phát triển các khu kinh tế ven biển của vùng theo hướng hình thành chức năng nòng cốt, chủ đạo của từng khu kinh tế ven biển phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời bảo đảm gắn kết chặt chẽ với phát triển vùng; khuyến khích các ngành kinh tế biển có giá trị gia tăng cao, như du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo; nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ biển; bảo đảm phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ven biển, như lọc hóa dầu, thép, vật liệu xây dựng, dịch vụ hậu cần biển, hướng tới hình thành các cụm ngành sản phẩm liên quan. Tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh như nông, lâm nghiệp và thủy sản; trồng và chế biến dược liệu; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử; du lịch. Cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của vùng, như công nghiệp đóng, sửa các loại tàu biển, thiết bị máy móc phục vụ kinh tế biển, công nghiệp chế biến thủy sản, năng lượng, chế biến chế tạo, phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven, tập trung phát triển các ngành công nghiệp: chế biến hải sản, hóa dầu, cơ khí siêu trường, siêu trọng, đóng và sửa chữa tàu biển, khai thác khoáng sản, kết hợp với phát triển kinh tế hải đảo để có mức tăng trưởng kinh tế cao. Hình thành và phát triển khu công nghiệp tổng hợp Dung Quất, công nghiệp cảng, khai thác và chế biến hải sản theo dải Chân Mây - Đà Nẵng - Dung Quất.

Thứ tư, nâng cao năng lực của ngành dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược. Tập trung nguồn lực triển khai các dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp công nghệ khai thác chế biến khoáng sản; thăm dò, tìm kiếm, khai thác khoáng sản ngoài biển, chế biến sâu các khoáng sản titan; coi trọng kiểm soát và khai thác hiệu quả tài nguyên biển. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển. Hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn có hiệu quả: Thành lập Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại khu kinh tế Dung Quất; hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn có hiệu quả cao, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi, năng lượng hydrogen để phát triển công nghiệp năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Triển khai công tác thẩm lượng, thẩm định để phê duyệt trữ lượng đối với mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu; tích cực triển khai chuỗi dự án Cá Voi Xanh.

Thứ năm, tổ chức lại khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ, chuyển đổi cơ cấu nghề từ khai thác hải sản sang phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, dịch vụ du lịch sinh thái biển. Sắp xếp, quản lý để phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven bờ, gần bờ phù hợp với sức tải môi trường; khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng biển ven các hải đảo xa bờ, như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên. Tăng cường đầu tư khoa học - công nghệ cho các cơ sở bảo quản, chế biến thủy sản: nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm cá ngừ đại dương, tôm hùm, nhuyễn thể...; thương hiệu các sản phẩm truyền thống như nước mắm, khô mực, tôm chua...; phát triển thương hiệu cá ngừ đại dương Việt Nam. Đầu tư nâng cấp các trung tâm sản xuất giống thủy sản tập trung: Đẩy mạnh các biện pháp để phòng, chống khai thác IUU, sớm gỡ thẻ vàng EU. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn trong các đầm phá, vùng ven biển có điều kiện thuận lợi. Tăng cường nuôi trồng hải sản gần bờ và xa bờ theo hướng công nghệ cao kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng ven biển. Phát triển nghề muối trên cơ sở tập trung phát triển nghề muối sạch, công nghệ cao cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thứ sáu, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi nội vùng và liên vùng. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế ven biển. Hoàn thành tuyến đường bộ ven biển tại các địa phương trong vùng. Nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với các cảng biển… Tập trung nguồn lực phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, nhất là các cảng biển ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại: Nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế. Phân bổ hợp lý quy mô, chức năng hệ thống cảng biển trong vùng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, hạn chế đầu tư dàn trải; bảo đảm đáp ứng lượng hàng thông qua năm 2030 đạt 310 đến 436 triệu tấn/năm. Chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch trên cơ sở khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của vùng. Nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ.

Thứ bảy, mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển: Trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển: Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế về môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao khu vực ven biển, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm. Đầu tư xây dựng, củng cố lực lượng, trang thiết bị giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó với sự cố môi trường, hoá chất độc hại trên biển; quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai: Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, động đất, sóng thần, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là áp dụng các mô hình thông minh có khả năng thích ứng, chống chịu với thiên tai và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống biển xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân./.

NGUYỄN THANH THẢO
Cục Địa chất Việt Nam
---------------------------
(1), (3) Thủ tướng: Quyết tâm biến Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thành vùng đất giàu có, giàu bản sắc văn hóa, Báo điện tử Tổ quốc 2023, ngày 25-8-2023, https://toquoc.vn/thu-tuong-quyet-tam-bien-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-thanh-vung-dat-giau-co-giau-ban-sac-van-hoa-2023020515350948.htm.
(2), (4), (5), (6), (11), (15), (18) Tổng hợp thông tin trong quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW
(7) Báo Đấu thầu (2023), Thúc tiến độ đưa khí vào bờ từ mỏ Cá Voi Xanh, truy cập ngày 22-8-2023, https://baodauthau.vn/thuc-tien-do-dua-khi-vao-bo-tu-mo-ca-voi-xanh-post141751.html
(8), (9) Tạp chí của Ban Tuyên giao Trung ương: Phát triển kinh tế biển xanh, ngày15-9-2023, https://tuyengiao.vn/khoa-giao/moi-truong/phat-trien-kinh-te-bien-xanh-141509
(10), (17) Đóng góp phát triển kinh tế biển miền trung, Báo Nhân dân điện tử, ngày19-8-2023, https://nhandan.vn/dong-gop-phat-trien-kinh-te-bien-mien-trung-post754339.html
(12) Tạp chí Tài nguyên và Môi trường: Giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, ngày11-9-2023, https://tainguyenvamoitruong.vn/giai-phap-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-vung-duyen-hai-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-cid110196.html
(13), (14) Báo cáo Bộ Tài Chính năm 2019, Phát triển các mũi nhọn kinh tế biển miền Trung, ngày 12-8-2023, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM160207
(16), (19) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
(20) Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai năm 2020, Sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai.
(21) Kỹ sư Võ Thị Cẩm Bình "Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động khai thác – chế biến titan ven biển miền Trung", Tạp chí Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim online, ngày 27-5-2016, https://vimluki.vn/vi/chi-tiet-anh-huong-cua-bien-doi-khi-hau-den-hoat-dong-khai-thac-%E2%80%93-che-bien-titan-ven-bien-mien-trung.html
(22) Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực năm 2020
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/