Không ngừng tìm tòi, hoàn thiện
09:20 30/11/2018
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, việc đổi mới phong cách lãnh đạo của Hà Nội ngày càng rõ nét, mang lại những hiệu quả tích cực. Có thể thấy, từ thành phố tới cơ sở, các cấp ủy thường xuyên nghiên cứu, xem xét, nắm bắt tình hình thực tế, chọn ra những việc gì quan trọng nhất, cấp thiết nhất để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhằm giải quyết một cách rốt ráo, quyết liệt, đạt hiệu quả ở mức cao nhất có thể. Điều đó được thể hiện thông qua những công việc mang tính thường xuyên là các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, hay những "việc nóng", việc đột xuất phát sinh, trực tiếp tác động đến sản xuất và đời sống người dân.
Bám sát tình hình thực tế và yêu cầu của nhiệm vụ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành và thực hiện. Một trong những điểm nhấn đó là Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội” hay như mới đây nhất là Quyết định số 3814-QĐ/TU về “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”... đã và đang từng bước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Ngoài ra, soi qua lăng kính “5 rõ”, cán bộ và nhân dân Hà Nội nhìn ra những hạn chế cũng như những nhân tố tích cực để khắc phục và phát huy...
Thực tiễn luôn vận động phát triển và với Thủ đô cũng vậy. Để xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại hơn, từ nay đến hết nhiệm kỳ, Hà Nội vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trước hết phải rèn luyện phong cách tư duy; có tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo. Cán bộ, đảng viên phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tác phong quần chúng, dân chủ và khoa học trong công việc.
Bên cạnh đó, muốn tạo sự liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân, cán bộ phải chịu khó đi cơ sở để nắm vững tâm tư, tình cảm của nhân dân; phải lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân; biết giải thích những vấn đề dân chưa hiểu; nếu có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình, coi đó là bài học cần thiết để tự hoàn thiện mình, trưởng thành hơn lên.
Với quá trình lãnh đạo, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng không chỉ khơi dậy ý chí quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà cần sáng tạo đề ra nhiều giải pháp huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân. Đồng thời, đội ngũ bí thư cấp ủy, nhất thiết phải xóa tư duy “đút chân gầm bàn”, "tư duy nhiệm kỳ" soạn thảo nghị quyết lãnh đạo; phải khắc phục triệt để lối nghĩ cũ cho rằng nghị quyết là do cá nhân “tự nghĩ ra” mà không cần phát huy trí tuệ tập thể chi ủy, chi bộ...
Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, bộ máy hành chính của Hà Nội hiện vẫn cồng kềnh, trùng lắp, chồng chéo hạn chế về hiệu lực và lãng phí. Nhưng với cái nhìn và cách làm không ngừng tìm tòi, sáng tạo và hoàn thiện, Đảng bộ TP Hà Nội đã và chắc chắn sẽ có những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt hơn để cải cách, xây dựng bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, hoàn thành trọng trách của mình trước Đảng, trước nhân dân.
Theo http://hanoimoi.com.vn