Hội thảo Công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước ở Việt Nam : những vấn đề lý luận và thực tiễn”
10:48 07/10/2019
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan báo chí truyền thông…Hội thảo chia làm 2 phiên làm việc: Phiên buổi sáng trao đổi, tranh luận về “ Các tiêu chuẩn và kinh nghiệm quốc tế về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng”. Phiên buổi chiều xoay quanh nội dung “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Phan Trung Lý (nguyên chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội) khẳng định vai trò to lớn của công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công cuộc phòng chúng tham nhũng cũng như tính cấp thiết của việc phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quy định trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình của các cơ quan Nhà nước.
Để hiểu sâu sắc về vấn đề công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính Nhà nước thì trước hết cần phải hiểu thế nào là công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Tại hội thảo, thông qua các bài tham luận các khái niệm, cơ sở lý luận về vấn đề trên đã được làm rõ không chỉ theo tiêu chí của Việt Nam mà các khái niệm quốc tế cũng được nêu ra.
Mr Dr Roxana Bratu – Giảng viên Đại học Sussex đã nêu ra khái quát các lý thuyết, cách tiếp cận về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng của Anh;
Ms. Catherine Phuong – Trợ lý Trưởng đại diện UNDP Hà Nội đã giới thiệu bộ tiêu chí đánh giá của UNDP về công khai, minh bạch.
Bên cạnh việc làm rõ cơ sở lý luận về vấn đề công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước thì việc khẳng định tầm quan trọng của chúng trong công cuộc phòng chống tham nhũng cũng là một trong những vấn đề được tranh luận sôi nổi tại hội thảo. PGS. TS Đặng Minh Tuấn ( Khoa luật, ĐHQG Hà Nội) khẳng định công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình góp phần xây dựng quản trị dân chủ, tạo niềm tin cho người dân với hoạt động của bộ máy công quyền. Còn theo Ths. Nguyễn Trung Thành ( Viện phó Viện Khoa học môi trường và xã hội) thì công khai, minh bạch giúp hạn chế tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hành để hạch sách, nhũng nhiễu, cơ hội cá nhân của những cán bộ, công chức được giao thực hiện quyền lực công.
Lồng ghép trong việc làm rõ nội dung, khái niệm, vai trò của vấn đề công khai, minh bạch, nhiều kiến nghị, giải pháp đã được nêu ra nhằm tăng cường hoạt động công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước; tăng cường hiệu quả của hoạt động trên.
Ms Maíra Martini (Tổ chức Minh bạch quốc tế) trình bày tham luận
Đến từ Tổ chức Minh bạch quốc tế, Ms Maíra Martini (cố vấn cao cấp) đã nêu ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chống tham nhũng dựa trên các hoạt động công khai, minh bạch, giải trình như: Cần nâng cao tư duy nhận thức về trách nhiệm công khai, minh bạch và giải trình của cán bộ Nhà nước cũng như nhận thức của người dân, của các tổ chức xã hội..về trách nhiệm giám sát, phản biện các hoạt động của các tổ chức công quyền; Cần xây dựng 1 thiết chế pháp luật đủ sức răn đe với các hành động tham nhũng; Cần xây dựng chiến lược hành động dài hơi, kiên trì thực hiện các kế hoạch đó... TS Nguyễn Thị Kim Chung, Học viện Hành chính thì chia sẻ các kinh nghiệm của Singapore trong việc quản lý tham nhũng và quản trị Nhà nước trong đó trọng tâm là vai trò quan trọng của người đứng đầu Nhà nước và cơ quan.
Mr.Chris Levon (cố vấn của Tổ chức hướng tới Minh bạch)
Có thể thấy, hiện trạng tham nhũng đang trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, chính trị, xã hội. Hiện nay, tham nhũng không chỉ xuất hiện ở lĩnh vực công mà ở lĩnh vực tư thì hoạt động này vẫn có cơ hội để hoành hành. Nói như Mr.Chris Levon (cố vấn của Tổ chức hướng tới Minh bạch) “ con sâu tham nhũng thì ở môi trường nào cũng có thể sống được, muốn diệt được chúng thì cần có 1 cái gậy đủ mạnh ( Cái gậy ở đây được hiểu là thể chế pháp luật đủ sức răn đe).
PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh - HVHCQG chia sẻ về công khai, minh bạch trong hoạt động chính quyền địa phương ở Việt Nam
Sau phiên làm việc buổi sáng, bàn về lý thuyết, cơ sở lý luận và một số vấn đề chung của công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, phiên làm việc buổi chiều, hội thảo đã đi sâu vào thực trạng thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính Nhà nước Việt Nam trên một số lĩnh vực cụ thể như tư pháp, ngân sách, khoáng sản, chính quyền địa phương...
Ms Ngô Thu Hà – Giám đốc Trung tâm CEPEW chia sẻ về Luật tiếp cận thông tin 2016
Thông qua các báo cáo, số liệu được công bố, hội thảo đã đánh giá sơ bộ hoạt động công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước về tần suất thực hiện, nội dung thực hiện, hiệu quả thực hiện...từ đó đưa ra nhiều kiến nghị đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách trên như: Hoàn thiện các chính sách pháp luật; nâng cao chế tài xử phạt với cơ quan, cá nhân vi phạm; nâng cao cơ chế giám sát; quy định trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu...trong việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Kết luận hội thảo, GS.TS Phan Trung Lý đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, hiệu quả của các bài tham luận, các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý. Những thông tin được nêu ra trong hội thảo có chất lượng chuyên môn, khoa học cao, có giá trị tham khảo sâu sắc, cung cấp cơ sở lý luận và thực trạng thực tiễn của vấn đề công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng, giúp ban chủ nhiệm đề tài hoàn thiện nội dung và đưa ra được những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.