Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 200 năm ngày sinh Các Mác: “Tư tưởng của Các Mác về mối quan hệ giữa công bằng xã hội với dân chủ và ý nghĩa hiện thời của nó”
14:23 05/12/2018
Hội thảo do Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg tổ chức tại Vĩnh Phúc sẽ diễn ra trong hai ngày 29 và 30/10/2018. Hội thảo lần này là sự nối tiếp và phát triển Hội thảo “Tư tưởng của C.Mác về công bằng phân phối và ý nghĩa hiện thời của nó” đã được tổ chức tại Thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vào tháng 5/2017.
Năm nay, Hội thảo tiếp tục nhận được sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết của gần 100 học giả, gồm các học giả quốc tế đến từ Cộng hoà Liên bang Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, và đông đảo các học giả đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, học viện trong nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định: C.Mác là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng sâu sắc, mạnh mẽ đến tiến trình phát triển lịch sử của nhân loại và cho đến nay vẫn có giá trị và sức sống mãnh liệt. Là nhà tư tưởng vĩ đại, người chiến sĩ tiên phong đấu tranh cho dân chủ - một giá trị phổ biến, vĩnh hằng mà nhân loại luôn hướng tới, C.Mác đã đưa ra những tư tưởng sâu sắc về dân chủ.
Với ông, giá trị cao nhất, nội dung cơ bản và quan trọng nhất của dân chủ là mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Sự khác nhau căn bản giữa dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa là ở chỗ, trong chủ nghĩa xã hội nhân dân có quyền tham gia một cách rộng rãi và bình đẳng vào các công việc của nhà nước. Và cùng với dân chủ, C.Mác cũng đồng thời đưa ra những tư tưởng rất có giá trị về công bằng xã hội với tính cách một quyền cơ bản của con người.
Kỷ niệm 200 năm ngày sinh C.Mác là dịp để các nhà khoa học thế giới và Việt Nam cùng nhìn lại tư tưởng của C.Mác, để tiếp tục khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng trong di sản tư tưởng của ông, đặc biệt là tư tưởng về mối quan hệ giữa dân chủ và công bằng xã hội. Đây cũng chính là chủ đề mà hội thảo hướng đến.
Trong hai ngày diễn ra Hội thảo, các học giả trong nước và quốc tế sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung chính, bao gồm:
Một là, làm rõ tư tưởng của C.Mác về công bằng xã hội, về dân chủ và mối quan hệ giữa công bằng xã hội với dân chủ. Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận của các học giả, với nhiều góc tiếp cận khác nhau về những vấn đề cơ bản trong tư tưởng của C.Mác về công bằng xã hội và dân chủ. Các phiên thảo luận tại hội thảo hứa hẹn sẽ tạo nên một diễn đàn để các học giả cùng nhau trao đổi, chia sẻ những thành quả nghiên cứu lý luận mới của mình về di sản tư tưởng của C.Mác.
Hai là, từ bối cảnh mới, phân tích giá trị đương thời của tư tưởng C.Mác về công bằng xã hội, về dân chủ và mối quan hệ giữa công bằng xã hội với dân chủ. Việc nhìn nhận, đánh giá về vị trí, về sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay luôn luôn là một chủ đề lớn đối với giới nghiên cứu về chủ nghĩa Mác ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Tại hội thảo lần này, từ điểm nhìn của 200 năm sau ngày sinh C.Mác, các nhà khoa học sẽ cùng nhau, một lần nữa, quay trở lại với chủ đề này với nhiều góc nhìn độc đáo. Một mặt, các nhà khoa học tham dự hội thảo sẽ đi từ những quan điểm của C.Mác về dân chủ và công bằng xã hội để soi rọi vào những vấn đề hiện hữu của xã hội đương đại, như vấn đề bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo, vấn đề bóc lột v.v...; mặt khác, các nhà khoa học cũng sẽ dựa trên những quan điểm đó để mở ra những triển vọng phát triển của xã hội trong tương lai, chẳng hạn, đi từ quan niệm của C.Mác về công ty cổ phần đến một triển vọng cho nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Á, hay đi từ tư tưởng của C.Mác về công bằng và dân chủ đến những khuyến nghị về phát triển xã hội hóa quản lý thuế... Đây đều là những vấn đề có tính thực tiễn sâu sắc, sẽ được trình bày và đưa ra thảo luận tại Hội thảo lần này.
Ba là, chia sẻ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thực hành dân chủ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa công bằng xã hội và dân chủ. Hội thảo sẽ đặt ra và thảo luận về kinh nghiệm thực hiện công bằng xã hội và thực hành dân chủ không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước trên thế giới, như Nga, Đức, Hàn Quốc, các nước Bắc Âu, Đông Âu... Thông qua việc trao đổi về những thành tựu mà các nước trên thế giới đã đạt được cũng như những thách thức mà họ đang phải đối mặt trong lĩnh vực này, hội thảo kỳ vọng có thể đưa ra nhiều gợi mở cho tiến trình dân chủ hóa và đảm bảo công bằng xã hội ở Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Hội thảo khoa học quốc tế lần này nhằm góp phần luận giải tư tưởng khoa học và nhân văn của C.Mác về công bằng xã hội và dân chủ, là dịp để chúng ta cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc dựng xây một xã hội ngày càng công bằng và dân chủ hơn. Đó thực sự là một hoạt động hữu ích, thiết thực nhân Kỷ niệm 200 năm ngày sinh C.Mác (1818 – 2018).