Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn”: Phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất báo chí, xuất bản
10:35 04/12/2023
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy trong phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn”. Hội thảo do Báo Nhân Dân phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tỉnh ủy Thái Bình được tổ chức sáng nay (30/11) tại Thái Bình.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và Thực tiễn” diễn ra trong bối cảnh cả nước đang ở trong năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Đại hội đã xác định: “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.
Đây là yêu cầu, nhiệm vụ lớn, có tính chiến lược, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó báo chí - xuất bản vừa phải là lực lượng tuyên truyền, lan tỏa quyết tâm và tinh thần chuyển đổi số một cách tích cực nhất trong xã hội, vừa phải là hình mẫu thành công nhất về áp dụng, triển khai thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, hội thảo hôm nay càng có ý nghĩa và tính thiết thực đối với việc tiếp tục triển khai có hiệu quả việc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở nước ta trong thời gian tới.
Đồng chí Phan Xuân Thủy mong muốn các nhà khoa học, các đại biểu, lãnh đạo các tòa soạn cơ quan báo chí Trung ương và địa phương chia sẻ quá trình chuyển số ở đơn vị mình, đồng thời nhấn mạnh những đề xuất, kiến nghị của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học để làm cơ sở tham mưu với Đảng, Nhà nước trong tiếp tục triển khai có hiệu quả chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số báo chí, xuất bản nói riêng, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các kế hoạch, định hướng cụ thể, phù hợp, sát với thực tiễn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, bất cập, những điểm nghẽn để nền báo chí, xuất bản nước nhà tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hội thảo đã nhận được 63 bài tham luận có chất lượng của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia từ các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí, xuất bản, cơ sở đào tạo báo chí – xuất bản trên cả nước. Nội dung xoay quanh các vấn đề như: Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và Thực tiễn; Chuyển đổi số xuất bản trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam; Chuyển đổi số báo chí trên địa bàn tỉnh Thái Bình: Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp; Chuyển đổi số báo chí Hà Nội – Những khó khăn, thách thức và một số giải pháp thực hiện thời gian tới; Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí – Ích lợi và thách thức; một số kinh nghiệm về chuyển đổi số và phát triển truyền thông mạng xã hội tại Báo Hà Tĩnh; kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra đối với chuyển đổi số báo chí ở Báo Tuyên Quang;…
|
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm Giám đốc, Tổng Biên tập NXB. Chính trị quốc gia Sự thật nêu rõ: Thời gian qua các cơ quan báo chí, xuất bản đã có sự thay đổi tư duy, dành thời gian, nguồn lực để chuẩn bị nghiêm túc, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, chủ động nắm bắt, ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động của mình và đã gặt hái nhiều kết quả tích cực. Báo chí trong nước đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới. Trong lĩnh vực xuất bản, các nhà xuất bản, công ty sách cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số. Theo đó, đã xây dựng các kênh phát hành trực tuyến theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện; các loại hình sách mới như ebook, audiobook, video book đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc thông thường mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng đặc biệt khác.
Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí, xuất bản ở Việt Nam hiện nay vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ và toàn diện về lợi ích, tầm quan trọng và cách thức chuyển đổi số của đội ngũ lãnh đạo, quản lý cơ báo chí, xuất bản; nguồn lực cho chuyển đổi số vẫn còn yếu; nhiều cơ quan báo chí, xuất bản chưa đủ vững về tài chính để mua sắm trang thiết bị, thuê đội ngũ kỹ thuật viên và đào tạo nhân lực thích ứng, cũng như đảm bảo nguồn lực tài chính để vận hành…
Phát biểu tham luận tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng: Các cơ quan báo chí cần dự báo được những xu hướng mới trong chuyển đổi số trong báo chí, đặc biệt lưu ý đến hai vấn đề là thể chế pháp lý, bản quyền và việc bảo vệ tài nguyên môi trường số trên không gian mạng.
Đồng chí cũng đề xuất các cơ quan báo chí tham khảo, vận dụng để có thể sử dụng một nền tảng số dùng chung, vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo tiến độ chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Hội thảo đã nghe các tham luận của tổng biên tập báo Hà Tĩnh, tham luận của Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình, nghe góp ý của Học viện Báo chí Tuyên truyền…
Với nhiều góc tiếp cận chủ đề Hội thảo khác nhau, các ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung phân tích, luận giải, làm rõ các nội dung khoa học xoay quanh chủ đề của Hội thảo, làm sáng tỏ thêm những vấn đề cơ bản về cơ sở lý luận của chuyển đổi số báo chí, xuất bản trong tình hình hiện nay; đi sâu phân tích về thành tựu và nguyên nhân về chuyển đổi số báo chí, xuất bản ở Việt Nam hiện nay, cụ thể là các cơ quan báo chí, xuất bản từ Trung ương đến địa phương đã tích cực thay đổi tư duy, chiến lược, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số của đơn vị mình, chủ động đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số trong từng khâu, từng lĩnh vực.
Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, một số ý kiến phát biểu, tham luận tại Hội thảo cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn, bất cập trong chuyển đổi số báo chí, xuất bản hiện nay như: Còn một số ít cán bộ làm công tác báo chí, xuất bản chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng và cách thức chuyển đổi số. Nguồn lực cho chuyển đổi số, nhất là nguồn lực tài chính, công nghệ còn nhiều thiếu thốn. Việc đào tạo nhân lực báo chí, xuất bản chuyển đổi số chưa theo kịp đòi hỏi của tình hình hiện nay, chưa xây dựng được đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đội ngũ xuất bản có kỹ năng nghiệp vụ hiện đại và khả năng áp dụng công nghệ trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viên Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Những ý kiến tham luận, các bài viết của các nhà khoa học sẽ cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề nóng đang đặt ra đối với việc thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thời gian tới. Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra trong Hội thảo hôm nay sẽ là cơ sở để các cơ quan xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số báo chí, xuất bản nói riêng./.
Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn” nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà quản lý ngành báo chí, xuất bản; các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các đơn vị xuất bản cập nhật thêm những nội dung mới trong vấn đề lý luận chung về chuyển đổi số báo chí, xuất bản; phân tích, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với báo chí, xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Việt Nam thời gian tới.
|
Nguồn: https://tuyengiao.vn/