Hội thảo khoa học: “Quản lý đổi mới và sáng tạo trong khu vực công: lý luận và thực tiễn”
08:38 30/10/2024
Đại biểu khách mời dự Hội thảo, có: TS. Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có các Phó Giám đốc: PGS.TS. Lương Thanh Cường (dự trực tuyến); TS. Nguyễn Đăng Quế, TS. Lại Đức Vượng; PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Hành chính học; PGS.TS. Bùi Huy Khiên, nguyên Phó trưởng khoa Khoa Hành chính học cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên khoa Hành chính học dự Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong khu vực công là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. ĐMST trong khu vực công nhằm phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; tạo động lực, nền tảng thúc đẩy phát triển quốc gia hiện đại. Chính vì vậy, việc ĐMST đòi hỏi phải được tiến hành đồng bộ cả về tư duy và hành động với các giải pháp khả thi có trọng tâm, trọng điểm. Với 20 bài tham luận đăng kỷ yếu Hội thảo, cùng đông đảo các nhà khoa học tham dự đã khẳng định sự quan tâm về chủ đề ĐMST ở Việt Nam hiện nay. Phó Giám đốc Học viện rất mong các nhà khoa học sẽ làm rõ cơ sở lý luận cũng như cơ sở thực tiễn cùng các giải pháp liên quan đến quản lý đổi mới và sáng tạo trong khu vực công ở Việt Nam, cũng như học hỏi những kinh nghiệm về quản lý đổi mới và sáng tạo ở một số quốc gia trên thế giới.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải khẳng định, ĐMST đã được triển khai rộng khắp trong khu vực công ở Việt Nam và đạt được những kết quả bước đầu. Theo công bố báo cáo chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) năm 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số GII của Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm 2023, từ vị trí 46 lên vị trí 44 trên 133 quốc gia, nền kinh tế tăng 2 bậc so với năm 2023. Năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số dẫn đầu gồm: nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Lần đầu tiên, chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của nước ta đạt được vị trí số một thế giới.
Tuy nhiên, để thúc đẩy đổi mới và sáng tạo một cách mạnh mẽ, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, đóng góp cơ bản vào tiến trình phát triển theo các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, cần phải có sự nghiên cứu sâu sắc hơn nữa để cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn làm nền tảng cho sự đổi mới và sáng tạo trong khu vực công trong thời gian tới. Do đó, Hội thảo mong nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, làm rõ các nội dung: (1) Những vấn đề chung về đổi mới và sáng tạo, quản lý ĐMST, sự khác biệt giữa quản lý ĐMST trong khu vực công và khu vực tư; (2) Những vấn đề lý luận về quản lý đổi mới và sáng tạo trong khu vực công; (3) Thực tiễn quản lý đổi mới và sáng tạo trong khu vực công ở Việt Nam; (4) Kinh nghiệm quản lý đổi mới và sáng tạo trong khu vực công ở một số quốc gia trên thế giới và giá trị tham khảo cho Việt Nam
Tại Hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh trình bày tham luận “Chính sách đổi mới sáng tạo trong khu vực công ở Việt Nam”. Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, ĐMST trong khu vực công tạo ra những giá trị mới cho xã hội, tăng hiệu suất, hiệu quả, khả năng thích ứng, năng lực cạnh tranh của khu vực công, góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống xã hội. Trên cơ sở phân tích thực trạng chính sách ĐMST ở Việt Nam trên các phương diện, như: chính sách tài chính; chính sách phát triển và nâng cao năng lực ĐMSTquốc gia, ông Đỗ Tiến Thịnh cũng đưa ra một số khuyến nghị hoàn thiện chính sách để bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể ĐMST, gồm: (1) Chính sách tài chính ĐMST; (2) Chính sách phát triển nguồn nhân lực; (3) Chính sách đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ ĐMST.
Trong tham luận: “Đổi mới sáng tạo trong khu vực công ở Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Trúc đặc biệt nhấn mạnh, ĐMST trong khu vực công cần phải thực hiện theo quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về quản lý ĐMST trong khu vực công. Các chính sách cụ thể, gắn với thực tiễn về ĐMST sẽ giúp quá trình này được diễn ra nhanh hơn, phục vụ hiệu quả cho công vụ của cơ quan nhà nước, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Đồng thời, ông Trúc cũng đưa ra các yêu cầu để thực hiện ĐMST trong khu vực công, như:
(1) Cần thay đổi tư duy từ quản lý hành chính sang quản lý dựa trên kết quả, từ tư duy bảo thủ sang tư duy đổi mới;
(2) Cần nâng cao năng lực cán bộ thông qua đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có kiến thức, kỹ năng về ĐMST;
(3) Cần xây dựng hệ thống thông tin, ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào hoạt động quản lý, nâng cao hiệu quả ĐMST;
(4) Cần rút gọn, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp;
(5) Cần xây dựng văn hóa đổi mới, tạo ra môi trường làm việc khuyến khích ĐMST, tôn trọng các ý kiến khác biệt, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức phát huy tối đa năng lực của mình, từ đó đánh giá được hiệu quả của các hoạt động đổi mới thông qua hoạt động thực thi công vụ;
(6) Cần tăng cường hợp tác công – tư giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để cùng nhau thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ gắn với thực tiễn và đạt hiệu quả cao.
Tham luận tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết, yếu tố giúp Việt Nam ĐMST kịp thời và liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng ĐMST là nhờ những chính sách kịp thời: Đề án Thương mại hóa các sản phẩm công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (năm 2012); Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2024 của Chính phủ về thu hút cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học – công nghệ tại Việt Nam; Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025. Bà Dung cũng nêu rõ các yếu tố hạn chế sự phát triển của hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam, như: các tổ chức trung gian về ĐMST còn non trẻ, các tổ chức tài chính chưa theo kịp xu thế của đổi mới sáng tạo, Nhà nước mới bắt đầu xây dựng chính sách ĐMST, doanh nghiệp truyền thống không có tích lũy công nghệ và tài chính. Từ đó, bà Dung đã đưa ra một số khuyến nghị: (1) Thiết kế các chính sách đổi mới mang tính chuyển đổi nhằm tác động đến quá trình chuyển đổi từ hệ thống đổi mới sang hệ sinh thái đổi mới; (2) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ĐMST; cần có nguồn vốn đầu tư thậm chí có quỹ đầu tư mạo hiểm…; (3) Cần có chính sách sandbox (quy chế pháp lý cho phép những cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá thí điểm các ý tưởng, các giải pháp và cách làm mới tách khỏi môi trường thể chế hiện tại), kêu gọi start up (khởinghiệp) toàn cầu đến Việt Nam.
Hội thảo cũng được lắng nghe ý kiến chia sẻ của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về chủ đề quản lý đổi mới và sáng tạo trong khu vực công. Các ý kiến tập trung vào một số nội dung, như: (1) Yêu cầu tất cả các ngành đều phải ĐMST; (2) Đổi mới sáng tạo không chỉ đơn giản là áp dụng khoa học – công nghệ, mà cần phải hiểu theo nghĩa rộng hơn: ĐMST là đổi mới tư duy, có cách làm mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu cung ứng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp; (3) Không nên phân biệt quá rạch ròi giữa khu vực tư và khu vực công trong ĐMST; (4) ĐMST cần phải đặt trong chuỗi vấn đề chính: năng lực ĐMST; môi trường cho ĐMST; thể chế khuyến khích ĐMST; (5) ĐMST là phải dám nghĩ, dám làm, dám nói.
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải cảm ơn các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã có tham luận và bài viết tham gia Hội thảo. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu này sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm góp phần phục vụ tốt hơn trong hoạt động đổi mới và sáng tạo, tạo động lực hơn nữa cho đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên của khoa Hành chính học nói riêng, Học viện nói chung dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới tư duy trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đồng thời góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của Học viện trong thời gian tới.
Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/