Hội thảo khoa học: Pháp luật hành chính với quản trị quốc gia

16:24 03/10/2023

Sáng ngày 26/9/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học thảo luận sâu về 2 chủ đề: Pháp luật hành chính trong quản trị quốc gia và tọa đàm mở ngành đào tạo trình độ tiến sỹ ngành Luật Hiến pháp – Luật Hành chính. Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Quang cảnh Hội thảo.

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện và PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo, có các nhà khoa học: GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lê Thiên Hương, nguyên Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật; GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Minh Đoan, nguyên Trưởng khoa Khoa Pháp luật hành chính nhà nước, Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra; lãnh đạo các khoa, ban đơn vị của Học viện cùng đông đảo giảng viên, sinh viên Khoa Nhà nước và Pháp luật.

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh khẳng định, cùng với sự thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng của Nhà nước trong xu thế chuyển đổi số, hội nhập và hợp tác quốc tế kéo theo những đòi hỏi về xác định vai trò và những yêu cầu đối với pháp luật nói chung, pháp luật hành chính nói riêng trong mối quan hệ với nhà nước và xã hội. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định mục tiêu “Xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nâng cao chất lượng hiệu quả quản trị quốc gia”. Nhận thức được tầm quan trọng của pháp luật, đặc biệt là pháp luật hành chính trong công cuộc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; xác định đúng sứ mệnh của Học viện Hành chính Quốc gia là trung tâm quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng, phát triển năng lực về hành chính, lãnh đạo, quản lý cho nền công vụ Việt Nam với giá trị cốt lõi “Trí tuệ – Chất lượng – Hiện đại”.

Hội thảo được cấu trúc hai phần: Phần 1 – Pháp luật hành chính trong quản trị quốc gia; Phần 2 – Mở ngành đào tạo trình độ tiến sỹ ngành Luật Hiến pháp – Luật Hành chính tại Học viện Hành chính Quốc gia. PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh đề nghị các nhà khoa học trao đổi tập trung vào các chủ đề: (1) Nhận diện những vấn đề lý luận của quản trị quốc gia hiện đại; (2) Sự phát triển của khoa học Luật Hành chính Việt Nam và vị trí của Luật Hành chính trong quản trị quốc gia hiện đại; (3) Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, hoàn thiện mô hình quản trị quốc gia hiện đại và những gợi mở hoàn thiện chính sách pháp luật ở Việt Nam; (4) Nhận diện về quản trị quốc gia hiện đại trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; (5) Nghiên cứu một số khía cạnh về quản trị quốc gia và các vấn đề cần hoàn thiện của pháp luật hành chính; (6) Về nhu cầu, tầm quan trọng của đào tạo tiến sỹ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính trên cơ sở nghiên cứu sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia.

Pháp luật hành chính trong quản trị quốc gia
GS.TS. Võ Khánh Vinh phát biểu tại Hội thảo.

Theo quan điểm của GS.TS. Võ Khánh Vinh, Luật Hành chính giữ vai trò, vị trí rất quan trọng trong quản trị quốc gia, trong hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xác định 2 trọng tâm liên quan đến khoa học Luật Hành chính và Luật Hành chính, cùng với đó là 1 nhóm nhiệm vụ, 7 nhóm giải pháp cụ thể liên quan trực tiếp đến khoa học Luật Hành chính và Luật Hành chính. GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng có 12 nhiệm vụ đặt ra đối với khoa học Luật Hành chính, hoạt động xây dựng, thực thi, phổ biến và giáo dục, nghiên cứu so sánh, đào tạo pháp luật hành chính ở nước ta hiện nay.

GS.TS. Phạm Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo.

Nội dung “Sự phát triển của khoa học luật hành chính Việt Nam” đã được GS.TS. Phạm Hồng Thái khái quát hóa về sự phát triển của khoa học Luật Hành chính Việt Nam giai đoạn từ phong kiến, thời kỳ Pháp thuộc và từ 1945 đến nay với những tiền đề hình thành, nghiên cứu của các nhà khoa học chuyên ngành Luật Hành chính. GS.TS. Phạm Hồng Thái cũng cho rằng, để nghiên cứu, phát triển khoa học hành chính, rất cần nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về bộ máy hành chính nhà nước, phương thức, cách thức, hình thức, phương pháp làm việc, hoạt động bộ máy hành chính nhà nước với sự tham gia phối hợp của các thiết chế trong hệ thống chính trị.

TS. Nguyễn Thị Kim Thoa phát biểu tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Thị Kim Thoa nêu thực tiễn quyết định hành chính và một số bất cập về ra quyết định hành chính trong thời gian qua. Theo đó, còn thiếu các quy định có tính nguyên tắc cơ bản để điều chỉnh, nhất là thiếu các nguyên tắc về bảo đảm công khai, minh bạch, thiếu quy trình cơ bản tạo khuôn khổ pháp luật để ràng buộc các cơ quan nhà nước phải tuân theo khi ban hành quyết định hành chính. Từ đó, đề ra một số nội dung cần quy định trong Luật Ban hành quyết định hành chính, như: phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc và quy trình, bảo đảm tính minh bạch trong quy trình ban hành quyết định hành chính trên cơ sở các quy định pháp luật; bảo đảm thẩm quyền ban hành, thực hiện cơ chế ủy quyền; nâng cao hiệu lực của quyết định hành chính; vấn đề gia hạn, thu hồi, hủy bỏ quyết định hành chính hoặc là các trường hợp quyết định hành chính bị vô hiệu, trái pháp luật;…

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng nên tìm hiểu, tiếp thu kiến thức tiên tiến để xây dựng hệ thống Luật Hành chính của Việt Nam. Cần xem xét Luật Hành chính trong mối quan hệ bình đẳng giữa cơ quan nhà nước với người dân; cần kiểm soát các đơn vị ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quántriệt quan điểm phòng, chống tham nhũng đối với thủ tục hành chính.

GS.TS. Nguyễn Minh Đoan biểu tại Hội thảo.

GS.TS. Nguyễn Minh Đoan cho rằng, cần thay đổi cách xây dựng pháp luật hành chính từ cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép thành không được làm những gì pháp luật cấm nhằm phục vụ tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Xây dựng pháp luật phải đầy đủ, chặt chẽ, lường trước sự phát triển, thay đổi của tình hình thực tế phát triển xã hội.

Mở ngành đào tạo trình độ tiến sỹ ngành Luật Hiến pháp – Luật Hành chính

Quan tâm đến nhu cầu, tầm quan trọng của đào tạo tiến sỹ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính trên cơ sở nghiên cứu sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia. PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị các nhà khoa học cho ý kiến làm rõ các nội dung:

(1) Cơ sở pháp lý cho việc Học viện xây dựng hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền mở đào tạo trình độ tiến sỹ ngành Luật Hiến pháp – Luật Hành chính;

(2) Cơ sở thực tiễn về nhu cầu xã hội đối với nhân lực lĩnh vực pháp luật nói chung và ở bậc đào tạo tiến sỹ nói riêng, thực tiễn đội ngũ nhân lực cơ hữu, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của Học viện phục vụ đào tạo, thực tiễn về chương trình, giáo trình, học liệu, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo tiến sỹ ngành;

(3) Định hướng về chuẩn đầu ra, khung chương trình đào tạo đáp ứng tính khoa học, hiện đại, nhu cầu xã hội, đồng thời, giữ bản sắc riêng có, tính đặc thù của Học viện trong đào tạo tiến sỹ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính.

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh đã trình bày tham luận “Đào tạo tiến sỹ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia”. Để đáp ứng mục tiêu quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả; đồng thời, đứng trước sự thay đổi của tình hình chính trị – xã hội của đất nước cũng như trên thế giới, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, quá trình chuyển đổi số nhanh, mạnh, quyết liệt, đặt ra trọng tâm cần xây dựng chiến lược phát triển Học viện mới cho phù hợp. Đặc biệt, để thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Học viện Hành chính Quốc gia, nghiên cứu xây dựng và mở mã ngành đào tạo tiến sỹ Luật Hiến pháp – Luật Hành chính là một nhu cầu tất yếu, nằm trong lộ trình phát triển của Học viện. Việc mở mã ngành đào tạo tiến sỹ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính thể hiện đặc thù về đối tượng đào tạo của Học viện và việc cần thiết phải xây dựng hệ thống cơ sở khoa học, nghiên cứu có trình độ cao về lý thuyết, ứng dụng, năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo phát triển và giải quyết những vấn đề mới trong khoa học hành chính, khoa học luật, khoa học xã hội mang tính chất đa ngành, liên ngành, tham mưu trong xây dựng, hoạch định chính sách pháp luật để giải quyết những vấn đề phát sinh trong xã hội…

GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, cần xác định rõ về triết lý để mở mã ngành đào tạo trình độ tiến sỹ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính tại Học viện. Triết lý đó cần phải thể hiện bản sắc, thế mạnh, tính đặc thù của Học viện, Học viện là cơ sở đào tạo đa ngành, liên ngành, gắn liền cơ bản với việc đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực hành pháp và nền hành chính quốc gia. Trong đó có các ngành đào tạo, như: Hành chính học, Luật học, Chính sách công… Triết lý đó thể hiện ở ba đặc điểm cơ bản mang tính bản sắc sau đây: (1) Tiếp cận đa ngành, liên ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính với Hành chính học, Chính sách công; (2) Bảo đảm cao nhất chất lượng; (3) Phù hợp với xu hướng đào tạo trên thế giới trong đào tạo trình độ tiến sỹ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Việc mở mã ngành đào tạo trình độ tiến sỹ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính là mang tính tất yếu, rất cần thiết, cấp bách, đã chín muồi, hội đủ các điều kiện, đúng thời điểm, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đặc biệt phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho phát triển đất nước, đánh dấu một bước phát triển về chất của Học viện Hành chính Quốc gia.

GS.TS. Nguyễn Minh Đoan cho rằng, Học viện là cơ sở đào tạo lớn và được xã hội công nhận, qua thực tế có thể thấy, xã hội đang có nhu cầu về đào tạo bậc tiến sỹ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, nhiều cơ sở đã tiến hành đào tạo ở bậc tiến sỹ chuyên ngành này. GS.TS. Nguyễn Minh Đoan đề xuất: kế thừa có chọn lọc các chương trình của các cơ sở đào tạo đi trước và có sự điều chỉnh để chương trình thật sự khoa học, hiệu quả, thể hiện đặc trưng của Học viện; xây dựng chuẩn đầu ra chất lượng, phù hợp với yêu cầu của khu vực công và nhu cầu xã hội…

Tham gia ý kiến tại tọa đàm, các nhà khoa học cũng đề xuất: cần bảo đảm chuẩn đầu ra theo các quy định của nhà nước, nghiên cứu nhu cầu thực tế nhằm mở rộng đối tượng tham gia học chuyên ngành tiến sỹ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính. Xây dựng chương trình, quy trình để có thể liên kết đào tạo với các cơ sở nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng kiến thức, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Mời các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ tham gia đào tạo, trong đó có các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài…

PGS.TS. Lương Thanh Cường phát biểu kết luận Hội thảo.

Kết luận hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, đây là các nội dung quan trọng góp phần hoàn thiện đề án đào tạo tiến sỹ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và trong chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia.

Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/