Hội thảo: "Cơ sở lý luận về quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp"
11:06 26/11/2019
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – Chủ trì Hội thảo; TS Nguyễn Văn Thuận – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật cả Quốc hội khóa XII; GS.TS. Phan Trung Lý – Nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII; Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược - Bộ Công an; PGS.TS Nguyễn Đức Bách – Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Xã hội; với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý… đến từ các Cơ quan trung ương, Bộ ban ngành, các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu ...
Thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài và Đơn vị chủ trì, ông Nguyễn Trung Thành thư ký khoa học của đề tài đã gửi lời cảm ơn trân trọng đến các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, học giả đã quan tâm chia sẻ và tham gia viết báo cáo tham luận tại Hội thảo. Đây là một trong những vấn đề rất cấp thiết đang được đặt ra trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, do đó Ban tổ chức Hội thảo đã chủ động đặt bài và nhận được 80 bài viết tham luận, nội dung chủ yếu tập trung vào các khía cạnh của quản lý, an sinh xã hội, sinh kế, lao động, việc làm, bình đẳng giới, dân tộc, tôn giáo, tiếp cận thông tin, môi trường …. Để Hội thảo đi vào đúng trọng tâm, bám sát nội dung Thuyết minh Đề tài đã được Hội đồng xét duyệt, ông Nguyễn Trung Thành đề nghị Ban Tổ chức Hội thảo tập trung thảo luận 7 nội dung lớn như: Thu nhập, việc làm; Hôn nhân; nhập cư, xuất cư; hoạt động văn hóa-giải trí; tôn giáo-dân tộc và xung đột lợi ích; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, nước sạch, vệ sinh môi trường và nhà ở).
Trên cơ sở đề nghị của Ban Chủ nhiệm đề tài, Đơn vị chủ trì, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết thay mặt Ban tổ chức Hội thảo một lần nữa khẳng định công nghiệp hóa là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển kinh tế-xã hội, sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp là tất nhiên. Tuy nhiên, sau một hơn 30 năm đổi mới và hội nhập về kinh tế, kêu gọi và thu hút đầu tư, bộ ngành và các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã đưa ra rất nhiều cơ chế, chính sách mang tính giải thảm để kêu gọi vốn, công nghệ thúc đẩy công nghiệp hóa, nhưng đến nay mặt trái của quá trình giải thảm đang bộc lộ rõ các điểm yếu, hệ lụy không nhỏ về cơ chế chính sách, về môi trường và xã hội. Mặt khác, quá trình hội nhập sâu và rộng của Việt Nam trong các Hiệp định song phương, đa phương như CPTPP, AFTA, EAEU, JVEPA … dẫn đến cần phải quản lý tốt các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Từ những vấn đề nêu trên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định việc làm rõ cơ sở lý luận trong Hội thảo này có ý nghĩa quan trọng tạo cơ sở, tiền đề để Ban Chủ nhiệm đề tài, Đơn vị chủ trì lắm rõ cơ sở lý luận về quan điểm, khái niệm và phương pháp luận nhằm nhận diện, phân tích, đánh giá đúng bản chất các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay; qua đó đề nghị các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học có mặt tại Hội thảo bàn luận, chia sẻ và đóng góp ý kiến, phân tích, phản biện sâu sắc vào nội dung đặt ra để Ban chủ nhiệm đề tài xác định rõ luận điểm, nhận diện, phát hiện đánh giá đúng thực trạng quản lý các vấn đề xã hội; từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý những quan điểm, giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Hội thảo cũng được nghe rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học xoay quanh các vấn đề này. Các đại biểu tham dự Hội thảo đều khẳng định vai trò quan trọng của việc quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã tập trung phân tích những quan điểm, khái niệm cũng như vị trí, vai trò, nội hàm của những vấn đề thu nhập, việc làm; Hôn nhân; nhập cư, xuất cư; hoạt động văn hóa-giải trí; tôn giáo-dân tộc và xung đột lợi ích; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, nước sạch, vệ sinh môi trường và nhà ở) và nội dung quản lý Nhà nước về những vấn đề này. Đây là những nội dung hết sức quan trọng tạo tiền đề, cơ sở lý luận bước đầu để Ban chủ nhiệm đề tài, đơn vị chủ trì có cơ sở khoa học triển khai nội dung tiếp theo của đề tài.
Một số ý kiến đóng góp của các chuyên gia:
Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, học giả, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau nhìn nhận xoay quanh vấn đề về cơ sở lý luận của Đề tài, một số ý kiến đã bước đầu nhận diện và đánh giá được thực trạng các vấn đề xã hội nảy sinh tại các khu công nghiệp và đề cập đến phương hướng giải quyết. Đây là những ý kiến rất quan trọng và thiết thực, là cơ sở lý luận để Ban chủ nhiệm Đề tài tham khảo, tiếp thu và hoàn thiện nội dung nghiên cứu.
Kết luận tại Hội thảo, trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra một số vấn đề Ban chủ nhiệm đề tài cần quan tâm:
Thứ nhất, Ban chủ nhiệm đề tài cần xác định và làm rõ một số khái niệm cơ bản liên quan đến đề tài như: Khái niệm về khu công nghiệp; Khái niệm về các vấn đề xã hội; Khái niệm quản lý; Khái niệm Quản lý các vấn đề xã hội;
Thứ hai, giới hạn phạm vi nghiên cứu ở đây Ban chủ nhiệm đề tài cần xác định các vấn đề xã hội ở đây bao gồm cả các vấn đề bên trong và bên ngoài hàng rào khu công nghiệp;
Thứ ba, phải xác định rõ mục tiêu của việc quản lý các vấn đề xã hội là gì, trong đó phải xem xét thứ tự ưu tiên trong việc đảm bảo quyền con người, bảo đảm quyền của người lao động, đảm bảo hoạt động sản xuất đồng thời cũng phải đảm bảo mục tiêu phát triển cân bằng của xã hội;
Thứ tư, xác định rõ chủ thể của hoạt động quản lý Nhà nước, mục tiêu của quản lý và nội dung các vấn đề xã hội cần phải được nhận diện và làm rõ;
Thứ năm, chú ý đến khung lý thuyết, phải nêu được khung lý thuyết thực sự thuyết phục và đảm bảo tính logic. Phương pháp nghiên cứu không chỉ đơn thuần về lý thuyết mà phải dựa trên thực tế trong đó chú trọng đến hoạt động điều tra quốc tế và điều tra trong nước để có sự so sánh. Cách tiếp cận phải được đặt trong bối cảnh nhu cầu của đất nước, nhu cầu của xã hội, nhu cầu của người lao động, phải đảm bảo đặt người lao động trong mối quan hệ với doanh nghiệp, với Nhà nước, với tổ chức xã hội và người dân xung quanh…
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Bách thay mặt Đơn vị chủ trì, Ban chủ nhiệm Đề tài cảm ơn ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý và mong sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp tiếp theo của các đại biểu trong các Hội thảo diễn ra sắp tới.