Hoàn thiện thể chế, chính sách về chăm sóc sức khỏe, bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân
09:36 11/07/2023
Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là ưu tiên hàng đầu của Nhà nước ta. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” (gọi tắt là Nghị quyết số 20-NQ/TW) đã khẳng định mục tiêu không ngừng phấn đấu nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; bảo đảm mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc; được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia, hưởng thụ bảo hiểm y tế và các dịch vụ có liên quan. Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và nòng cốt là ngành y tế, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nước ta đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Thành tựu của ngành y tế Việt Nam
Những năm qua, hệ thống y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cụ thể:
Một là, hệ thống y tế các tuyến từ Trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố và phát triển. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng, công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm được đẩy mạnh; phát hiện, khống chế và xử lý kịp thời, nâng cao hiệu quả ứng phó với các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiên tai, thảm họa, nhiều dịch bệnh đã được kiểm soát, trong đó có dịch bệnh COVID-19... Mọi người dân đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng.
Hai là, mạng lưới bệnh viện cả nước ngày càng được củng cố thông qua đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ, huy động nguồn xã hội hóa và các dự án viện trợ nước ngoài, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện và ở các tỉnh khó khăn. Nhờ đó, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao; nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao đã được triển khai rộng khắp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Ba là, trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đổi mới cơ chế tài chính y tế, trong đó có việc Quốc hội thông Nghị quyết số 18/2008/QH12, ngày 3-6-2008, “Về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân”, tăng chi ngân sách nhà nước cho y tế; từng bước nâng tỷ lệ chi tiêu công cho y tế. Tỷ trọng nguồn chi tài chính công trong tổng chi y tế tăng từ 35% năm 1998 lên 49% năm 2017 và 47,1% năm 2020. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng lên qua các năm, đến nay 92% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế. Giá dịch vụ y tế được đổi mới theo hướng từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí; đồng thời, triển khai tốt các giải pháp hỗ trợ cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, như mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi; hỗ trợ người cận nghèo 70% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, hỗ trợ đồng chi trả bảo hiểm y tế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, người nghèo ở Việt Nam có khả năng tiếp cận tốt đến các dịch vụ y tế, kể cả các dịch vụ kỹ thuật cao; góp phần bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ba là, ngành y tế triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế; trong đó có việc triển khai cơ chế tự chủ về tài chính, nhân lực và tự chủ sắp xếp tổ chức bộ máy để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Chính sách xã hội hóa góp phần huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho các cơ sở y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bốn là, số lượng và chất lượng nhân lực y tế ngày càng được cải thiện. Nhiều giải pháp phát triển nhân lực y tế bền vững cho các vùng khó khăn đã được triển khai, như đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, thực hiện nhiều giải pháp để thu hút cán bộ y tế về làm việc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa... Đến năm 2020, tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân của cả nước là 9,4 bác sĩ và hơn 80% trạm y tế xã trên toàn quốc đã có bác sĩ làm việc. Các cơ sở đào tạo cán bộ y tế được đầu tư, nâng cấp để nâng cao chất lượng đào tạo. Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 9-1-2023, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 sẽ tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề, đồng thời quy định giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.
Với những thành tựu trên, hầu hết chỉ số cơ bản về sức khỏe của Việt Nam đều đạt so với mục tiêu quốc gia và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cũng như Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 và tốt hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, như tuổi thọ trung bình đã tăng lên và đạt 73,7 tuổi; các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ngày càng được cải thiện; tỷ số chết mẹ (MMR) năm 1990 là 233/100.000 trẻ đẻ sống, đã giảm còn 43/100.000 trẻ đẻ sống năm 2017; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi đã giảm từ 36.9 trẻ/1.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 16.9 trẻ/1.000 trẻ đẻ sống năm 2017(1). Năm 1990, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 1/20 em (51 em/1.000 trẻ sinh sống), mức giảm hằng năm (1990 - 2016) là 3,3% tính trên cả nước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cũng giảm tương ứng từ 33,9% năm 2007 xuống còn 18,1% năm 2020(2). Chương trình tiêm chủng mở rộng là một thành công của mạng lưới y tế cơ sở. Trạm y tế xã được triển khai từ năm 1985, đến năm 1995 cả nước không còn xã trắng về tiêm chủng. Việt Nam đã thanh toán hoàn toàn bệnh bại liệt vào năm 2000 và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong tình hình mới
Thứ nhất, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, sự thay đổi về mô hình bệnh tật với gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, tai nạn, thương tích. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại, như tả, sốt rét, sốt xuất huyết... Bên cạnh đó, một số dịch bệnh mới, bệnh lạ xuất hiện và phức tạp, khó lường, như SARS, SARS-CoV-2. Các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe liên quan đến môi trường, lối sống, biến đổi khí hậu,... chưa được kiểm soát tốt.
Thứ hai, mặc dù các chỉ số sức khỏe chung là khá tốt, nhưng sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền và giữa các nhóm dân cư ngày càng gia tăng. Tình trạng sức khỏe nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn kém, đặc biệt là các chỉ số về tỷ lệ tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng...
Thứ ba, hệ thống y tế và công tác chăm sóc sức khỏe đang tập trung nhiều tới điều trị cho người bị bệnh tại các cơ sở y tế, trong khi phân tích về nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho thấy chỉ khoảng 20% người dân bị bệnh cần phải nhập viện, còn lại là 80% người dân bị mắc bệnh nhẹ hoặc chưa có bệnh chỉ cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu lại chưa được thực hiện tốt. Năng lực cung ứng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã còn hạn chế do thiếu nhân lực, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế hạn chế, trang thiết bị y tế nghèo nàn, thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Năng lực cung ứng dịch vụ điều trị của các cơ sở y tế tuyến huyện(3)/trạm y tế xã hạn chế dẫn đến quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Việc triển khai chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm chưa đáp ứng được nhu cầu, chủ yếu mới chỉ chú trọng tới điều trị, chưa tập trung vào kiểm soát các yếu tố nguy cơ để dự phòng bệnh cũng như theo dõi, quản lý bệnh tăng huyết áp tại trạm y tế xã còn chưa tốt.
Thứ tư, tài chính y tế còn nhiều bất cập khi nguồn lực đầu tư cho y tế vốn chưa nhiều lại bị cắt giảm do ngân sách hạn hẹp. Cụ thể:
Một là, nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cho hoạt động y tế dự phòng, y tế cơ sở ở nhiều địa phương không bảo đảm, đặc biệt là trong việc bảo đảm kinh phí cho hoạt động chuyên môn của trạm y tế xã. Việc sử dụng nguồn kinh phí từ bảo hiểm y tế chưa hiệu quả.
Hai là, phương thức chi trả dịch vụ y tế như hiện tại chưa tạo động cơ để tăng chất lượng dịch vụ cũng như chưa khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phương thức chi trả chậm đổi mới, chủ yếu dựa vào “phí theo dịch vụ”. Bảo hiểm y tế mới chỉ chi trả cho các dịch vụ khám, chữa bệnh, trong khi đó các dịch vụ dự phòng, như tư vấn, quản lý sức khỏe, sàng lọc bệnh,... chưa có nguồn để chi trả. Giá dịch vụ y tế qua 17 năm mới được điều chỉnh, nhưng mới chỉ tính có 2 yếu tố gồm tiền lương và chi phí trực tiếp, vẫn chưa thực hiện tính đúng và thu đủ chi phí.
Ba là, khả năng bảo vệ rủi ro về tài chính do chi phí y tế cho người dân chưa cao. Chi tiêu từ tiền túi của người bệnh còn cao là một thách thức đối với việc bảo đảm tính bền vững về tài chính y tế và bao phủ y tế toàn dân. Một số cơ chế, chính sách tài chính y tế, như tự chủ tài chính, chính sách xã hội hóa,... cần sớm được điều chỉnh để tránh những tác động không mong muốn của các chính sách này, đặc biệt là vấn đề lạm dụng dịch vụ y tế.
Thứ năm, nhân lực y tế còn nhiều bất cập về số lượng, chất lượng và phân bố chưa hợp lý giữa các tuyến, các vùng, miền cũng như lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt là tình trạng thiếu bác sĩ, dược sĩ ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; mật độ bác sĩ, điều dưỡng trên 10.000 dân thấp. Năm 2021, chỉ số bác sĩ/1 vạn dân đạt 9,4 (mục tiêu đến năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW là 11 bác sĩ/1 vạn dân nhưng mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch tổng thể quốc gia là 19 bác sĩ/1 vạn dân); chỉ số điều dưỡng/1 vạn dân rất thấp, chỉ đạt 14,3 (mục tiêu đến năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW là 33 dược sĩ/1 vạn dân). Bên cạnh đó, tình trạng thu nhập thấp, chế độ phụ cấp đãi ngộ chưa thỏa đáng, điều kiện làm việc không tốt do thiếu trang thiết bị, môi trường làm việc không bảo đảm an toàn, ít có cơ hội được đào tạo dẫn đến khó thu hút và duy trì nhân lực y tế, đặc biệt là ở các tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, càng đặc biệt khó khăn đối với các ngành, nghề chuyên môn đặc thù, như lao, phong, tâm thần, pháp y...
Thứ sáu, sau đại dịch, ngành y tế phải đối diện với nhiều vấn đề phát sinh hậu COVID-19, như tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, tại các cơ sở y tế khu vực công lập do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp....; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc; chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra; cơ cấu bệnh tật thay đổi, quy mô dân số gia tăng, tác động của dịch COVID-19,... đã và đang tạo sức ép rất lớn đối với công tác y tế.
Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về chăm sóc sức khỏe, bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân
Mục tiêu ưu tiên của hệ thống y tế Việt Nam hướng tới là bảo đảm để mọi người dân được khỏe mạnh, từng cá nhân được quản lý sức khỏe theo hộ gia đình, khi bị ốm đều có thể sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện và bảo đảm không làm cho người dân gặp phải gánh nặng về tài chính do chi phí y tế. Để tăng cường việc cung ứng dịch vụ, hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và chất lượng; đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe, bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân và lấy người dân làm trung tâm thì việc hoàn thiện thể chế, chính sách y tế trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau đây:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, bảo đảm hành lang pháp lý cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tập trung xây dựng và trình Chính phủ để trình Quốc hội nhiều văn bản mang tính “bản lề” trong hoạt động của ngành, như Luật Dược (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Dân số, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh...
Hai là, đổi mới tổ chức hệ thống y tế và cơ chế hoạt động theo hướng phát triển và củng cố y tế cơ sở trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo 3 cấp chuyên môn kỹ thuật (cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu) tương ứng với chức năng, nhiệm vụ phù hợp theo yêu cầu về cấp độ chuyên môn (không phân theo tuyến hành chính như hiện nay); trong đó, nhiệm vụ chăm sóc ban đầu do trạm y tế xã đảm nhận và đóng vai trò là người gác cổng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi cung ứng dịch vụ của đơn vị y tế ở từng tuyến, trong đó phải chỉ rõ được mối liên quan giữa các cơ sở y tế với nhau trong cung ứng dịch vụ y tế. Cần quy định rõ vai trò và trách nhiệm của bệnh viện trong hỗ trợ tuyến chăm sóc ban đầu để thực hiện tốt chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Ba là, đổi mới cơ chế tài chính y tế nhằm tạo động lực làm việc cho nhân viên y tế để thực hiện cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng, chăm sóc toàn diện và liên tục cũng như tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và bảo vệ rủi ro về tài chính do chi phí y tế cho người dân.
Bốn là, xây dựng các chính sách về phát triển nguồn nhân lực y tế, như xây dựng Đề án Phát triển nhân lực y tế; rà soát chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ y tế; quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Năm là, hoàn thiện các chính sách nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh. Hoàn thiện các quy trình hướng dẫn chuyên môn để giám sát chất lượng dịch vụ y tế./.
(2) Theo Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia 2019 - 2020 do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) triển khai phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế: Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), IGN, CDC (Mỹ), Institute of Reseach for Development (Pháp), FHI 360/FHỊ Solutions (Intake, Alive & Thrive), Dự án INDDEX - Đại học Tufts (Mỹ) tổ chức
(3) Công suất sử dụng giường bệnh của một số bệnh viện tuyến huyện dưới 60%