Hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống biến đổi khí hậu
10:41 07/07/2024
1. Nguyên nhân và hệ quả của biến đổi khí hậu
Trong quá trình phát triển, nền kinh tế thế giới đã trải qua một số quá trình chuyển đổi năng lượng: chuyển từ than củi sang than đá, rồi sau đó dầu chiếm ưu thế và hiện nay mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên đang bùng nổ. Kể từ khi than trở thành nguồn năng lượng chính, hàm lượng Carbon dioxide (CO2) trong khí quyển có sự gia tăng đáng kể. Biến đổi khí hậu toàn cầu có liên quan đến sự gia tăng nồng độ CO2 trong khí quyển. Khí thải CO2 chủ yếu bắt nguồn từ các hoạt động của con người đang đặt ra thách thức toàn cầu về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. CO2 là loại khí gây hiệu ứng nhà kính được thải ra khi con người đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí tự nhiên; cháy rừng… Đốt nhiên liệu hóa thạch cung cấp năng lượng quan trọng cho các ngành công nghiệp nhưng việc đốt các nhiên liệu này làm tăng đáng kể lượng khí thải CO2.
Khi thải vào khí quyển, CO2 có xu hướng tích tụ trong một thời gian rất dài. Chỉ một nửa được hấp thụ bởi thực vật và đại dương, nửa còn lại có thể tồn tại hàng trăm năm trong bầu khí quyển, gây hiệu ứng nhà kính. Trái đất hấp thụ năng lượng mặt trời và phát ra bức xạ hồng ngoại truyền ngược ra ngoài không gian. Tuy nhiên, CO2 tích tụ trong bầu khí quyển khiến một phần bức xạ bị mắc kẹt, làm trái đất nóng lên. Mật độ CO2 trong khí quyển hiện nay đạt khoảng 414 ppm, cao gần gấp rưỡi so với mức 280 ppm vào thời kỳ tiền công nghiệp1.
Trái đất nóng lên ảnh hưởng đến lượng mưa, sông băng, các đợt nắng nóng gia tăng, kéo dài, tác động xấu đến hệ sinh thái, nông nghiệp, đời sống con người. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu chủ yếu do sự phát triển công nghiệp ở những nước lớn, vì vậy, họ phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chính các nước nghèo bị thiệt hại nặng nề nhất, họ phải gánh chịu lũ lụt, hạn hán, bão lớn và các hiện tượng khó lường khác, không có đủ kinh phí để phục hồi sau thiên tai.
2. Cam kết và hành động của các nước nhằm chống biến đổi khí hậu
Trước cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, cả thế giới đang hướng tới một tương lai ít carbon. Việc khử carbon hoàn toàn trong các hệ thống năng lượng là giải pháp duy nhất để ổn định khí hậu. Cộng đồng thế giới đang thúc đẩy ý tưởng khử carbon – tái cơ cấu nền kinh tế và hệ thống năng lượng nhằm giảm mạnh lượng khí thải carbon. Nhóm nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) – chiếm tới khoảng 80% lượng khí thải toàn cầu – cần đi đầu trong việc cắt giảm2.
Trình độ công nghệ hiện nay không cho phép nhiều quốc gia từ bỏ ngay lập tức việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống: than, dầu, khí đốt tự nhiên. Việc từ bỏ nhiên liệu hoá thạch cần thực hiện theo lộ trình. Bên cạnh đó, có thể tăng hiệu quả sử dụng chúng để giảm lượng khí thải.
Từ năm 2017, ở các nước châu Âu, phong trào từ bỏ sản xuất điện đốt than bắt đầu tăng tốc. Các quyết định đã được đưa ra nhằm ngừng sản xuất năng lượng từ các nhà máy nhiệt điện đốt than, theo đó Pháp đã từ bỏ vào năm 2022, Anh vào năm 2024, Ý cam kết sẽ từ bỏ vào năm 2025. Nước Đức phụ thuộc tương đối cao vào sản xuất than, cũng cam kết sẽ loại bỏ hoàn toàn nguồn năng lượng này vào năm 2038. Canada hứa sẽ thực hiện điều này vào năm 2030 và Hoa Kỳ vào năm 20353.
Để khử carbon hoàn toàn, đòi hỏi phải chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Liên minh châu Âu (EU) sớm bắt đầu hỗ trợ việc áp dụng các công nghệ mới, thực hiện các biện pháp như cung cấp khung pháp lý để đánh giá giá trị về môi trường của các khoản đầu tư. Đồng thời, kế hoạch đầu tư “Thỏa thuận xanh” đã được công bố vào tháng 1/2020, đặt mục tiêu đầu tư khoảng 130 nghìn tỷ Yên trong 10 năm tiếp theo, hỗ trợ phát triển công nghệ khử carbon, tạo ra điện từ sinh khối và chuyển đổi sang sử dụng điện trong ngành vận tải4.
Điện ngày càng trở thành năng lượng được lựa chọn ở các quốc gia phát triển công nghệ, dịch vụ và công nghệ kỹ thuật số. Hoa Kỳ đang nghiên cứu vấn đề hỗ trợ phát triển xe điện và tạo lưới điện cao thế. Trung Quốc hơn mười năm trước đã xác định các công nghệ tiết kiệm năng lượng, năng lượng không hóa thạch, xe điện và một số lĩnh vực khác là “các ngành công nghiệp mới chiến lược”. Cùng với đó, Trung Quốc còn phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm của các ngành công nghiệp mới này ở nước ngoài. Kết quả này đã được thể hiện rõ qua thị phần toàn cầu của Trung Quốc đối với các tấm pin mặt trời cũng như tua-bin để tạo ra điện bằng năng lượng gió.
Ở Nhật Bản, Luật Thúc đẩy các biện pháp chống lại sự nóng lên toàn cầu được thông qua năm 1998. Đạo luật thiết lập một số trách nhiệm nhất định của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân về vấn đề này. Năm 2011, Nhật Bản thông qua Luật Mua bán điện tái tạo, bắt buộc các công ty phát điện phải mua điện được tạo ra từ các nguồn tái tạo (mặt trời, gió, thủy điện, địa nhiệt và sinh khối) trên cơ sở hợp đồng có thời hạn và giá cố định. Nhật Bản đã thành lập quỹ trị giá 2 nghìn tỷ yên để giúp giảm chi phí cho mạng lưới cung cấp gió, năng lượng mặt trời và hydro ngoài khơi5.
Tháng 11/2023, tại Hội nghị bàn về biến đổi khí hậu COP26 tại Anh, 190 quốc gia và tổ chức cam kết từ bỏ than đá theo lộ trình. Các nền kinh tế lớn sẽ loại bỏ điện than vào thập niên 2030, trong khi phần còn lại của thế giới sẽ thực hiện mục tiêu này vào thập niên 2040. “Việt Nam tham gia liên minh 190 quốc gia cam kết loại bỏ sản xuất điện từ than đá và ngừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than, tại hội nghị COP26”6.
3. Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Hiến pháp năm 2013 chứa đựng một số nội dung thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong chống biến đổi khí hậu. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” (Điều 43 Hiến pháp năm 2013); “Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường… chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo” (Điều 63 Hiến pháp năm 2013).
Một số đạo luật chứa đựng các chính sách của Nhà nước về chống biến đổi khí hậu, trong đó phải kể đến Luật Đầu tư năm 2020 đã quy định: sản xuất năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản phẩm tiết kiệm năng lượng thuộc nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, trồng và bảo vệ rừng cũng thuộc nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư (điểm b, e khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư năm 2020).
Tại Hội nghị bàn về biến đổi khí hậu COP26 diễn ra ở Anh (tháng 11/2023), Việt Nam cam kết từ bỏ sản xuất điện từ than đá và ngừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than.
Đứng trước những hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra, Nhà nước cần thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, đồng thời có những giải pháp chống biến đổi khí hậu. Cụ thể là:
(1) Thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sản xuất năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản phẩm tiết kiệm năng lượng nhằm thay thế năng lượng hoá thạch. Để làm được điều này cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể, như: ưu đãi cao, cho vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…
(2) Nhà nước cần thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (Carbon Capture and Storage – CCS) – công nghệ tiềm năng giúp giảm phát thải CO2. Tại Việt Nam, công nghệ CCS đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà hoạch định chính sách trong những năm gần đây. Đặc biệt sau khi Việt Nam tham gia “Tuyên bố chuyển đổi từ than sang điện sạch toàn cầu” tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021. Nhà nước xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật hỗ trợ triển khai các dự án CCS; liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon.
(3) Cần nhận thấy việc khử carbon đang tạo ra trên thế giới một thị trường mới thông qua việc phát triển công nghệ lưu trữ hydro và năng lượng, công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon dioxide; phát triển sản phẩm năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Ước tính quy mô của thị trường này riêng tại Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đạt tới 8.500 nghìn tỷ yên7. Khử cacbon không chỉ giúp chống biến đổi khí hậu mà còn có thể thúc đẩy kinh tế phát triển ở trình độ cao hơn thông qua phát triển các sản phẩm năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Đây cũng là điều mà Nhà nước cần quan tâm để xây dựng chính sách phát triển kinh tế.
(4) Rừng đóng vai trò quan trọng trong hấp thụ carbon. Theo các nhà khoa học, thực vật và các đại dương có khả năng hấp thụ một nửa khí CO2. Quan tâm đến việc trồng rừng, bảo vệ rừng không bao giờ là lỗi thời và phù hợp với điều kiện kinh tế còn khó khăn của nước ta hiện nay. Đây chính là giải pháp ít tốn kém nhất, đồng thời, đem lại nhiều lợi ích khác bên cạnh tác dụng khử CO2: rừng tăng thu nhập cho người dân, rừng chống sạt lở đất… Nhà nước nên có cơ chế, giải pháp hiệu lực, hiệu quả hơn trong lĩnh vực bảo vệ rừng và trồng rừng. Đối với các hành vi gây tổn hại rừng cần kịp thời ngăn chặn, phát hiện và nghiêm khắc xử lý.
Học viện Hành chính Quốc gia
1. Đoàn Dương. Biến đổi khí hậu dưới góc nhìn khoa học. https://vnexpress.net/bien-doi-khi-hau-duoi-goc-nhin-khoa-hoc-4381040. html.
2. Đặng Ánh. Nhiệt độ Trái Đất có nguy cơ tăng thêm 2,9 độ C trong thế kỷ này. https://baotainguyenmoitruong.vn/nhiet-do-trai-dat-co-nguy-co-tang-them-2-9-do-c-trong-the-ky-nay-366040. html.
3, 4, 5, 7. Ямада Такахиро. Выбор Японии после заключения Климатического пакта Глазго: путь к декарбонизации. https://www.nippon.com/ru/in-depth/a08001/.
6. Phùng Quốc Huy. Dự án thu giữ, lưu trữ CO2 Tomakomai (Nhật Bản) và tiềm năng áp dụng tại Việt Nam. https://www.erav.vn/tin-tuc/t2842/du-an-thu-giu-luu-tru-co2-tomakomai-nhat-ban-va-tiem-nang-ap-dung-tai-viet-nam. html.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
2. Quốc hội (2020). Luật Đầu tư năm 2020.
3. Huyền Lê. Việt Nam tham gia cam kết từ bỏ điện than. https://vnexpress.net/viet-nam-tham-gia-cam-ket-tu-bo-dien-than.
4. Lộc Xuân. Nhiên liệu hoá thạch có bắt nguồn từ hoá thạch không?. https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nhien-lieu-hoa-thach-co-bat-nguon-tu-hoa-thach-khong.