Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận mục tiêu giáo dục vì sự phát triển bền vững
22:30 28/11/2023
THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIÁO DỤC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THỜI GIAN QUA
Thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học thông qua thực hiện mục tiêu vì sự phát triển bền vững, giai đoạn 2013-2019 giáo dục đại học Việt Nam đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, quản lý, quản trị đại học có chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng cao; số công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh. Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập có bước phát triển khá cả về quy mô và chất lượng. Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường. Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy, lan tỏa trong xã hội. Thị trường khoa học và công nghệ bước đầu phát triển. Hợp tác quốc tế có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khoa học và công nghệ đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đại học chưa cải thiện đáng kể. Năng lực hội nhập quốc tế chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Công tác quản lý giáo dục còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế quản lý tài chính đối với khoa học và công nghệ tuy đã có đổi mới, song còn bất cập, chưa đồng bộ; phân bổ ngân sách chưa hợp lý. Hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa cao.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục đại học theo Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đến nay, giáo dục đại học ở Việt Nam đã tạo nên những thay đổi mạnh mẽ cả về chất lượng và hiệu quả đào tạo ở các trình độ.
Việc ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật số 34/2018/QH14 được đánh giá là một bước tiến lớn về hành lang pháp lý để thúc đẩy giáo dục đại học phát triển, trong đó nội dung cốt lõi là tự chủ đại học. Một trong những điều kiện tiên quyết, sự đổi mới cần thiết về mặt nhận thức và tư duy trong quản trị đại học theo mô hình tiên tiến, để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ đó là phải thành lập, kiện toàn hội đồng trường theo đúng quy định của Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP. Đến nay, cả nước có 170/174 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 97,4%); trong đó, 36/36 đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 58/60 cơ sở giáo dục đại học tư thục.
Khi tự chủ đại học được thúc đẩy, công tác kiểm định chất lượng giáo dục được quan tâm đặc biệt, định hướng theo các tiêu chí chuẩn mực của khu vực, thế giới. Trong những năm gần đây, hoạt động kiểm định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học được tiếp cận với mô hình quản lý hiện đại, tiên tiến. Nhiều cơ sở giáo dục đại học tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, coi công tác đánh giá và kiểm định là các hoạt động thường xuyên nhằm liên tục cải tiến chất lượng, mang lại niềm tin và lợi ích cho người học và cả xã hội.
Tuyển sinh và tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục đại học tăng mạnh về quy mô, chất lượng đào tạo được nâng cao, cơ bản đáp ứng nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và nhu cầu học tập của người dân; góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước từng bước phát triển bền vững.
Quy mô đào tạo đại học tăng trung bình 4,4% giai đoạn 10 năm qua, đã góp phần tăng tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 18 đến 22 tuổi được tiếp cận giáo dục đại học từ 25,2% (năm 2013) lên 35,4% (năm 2021), tỷ lệ sinh viên học đại học tăng 6,1% bình quân trong cả giai đoạn 10 năm (2013-2023).
Chương trình đào tạo giáo dục đại học được chú trọng, xây dựng theo hướng đa dạng, mềm dẻo giúp củng cố kiến thức, phát triển năng lực, phẩm chất cho sinh viên, học viên nhằm đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra theo quy định của Khung trình độ quốc gia và chuẩn chương trình đào tạo. Tính đến tháng 8/2023, có 261 cơ sở đào tạo hoàn thành đánh giá ngoài theo tiểu chuẩn trong nước; 194 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước; 9 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Đội ngũ giảng viên gia tăng về số lượng và chất lượng. Triển khai Đề án 89 về đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học, năm học 2022, có 187 cán bộ, giảng viên được đào tạo trong nước (đạt 24%), 80 cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài (đạt 32%); năm 2023 con số này lần lượt là 118 người được đào tạo trong nước (đạt 37%), 130 người được đào tạo ở nước ngoài (đạt 64%). Theo công bố tại website research.com về kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học theo 24 lĩnh vực, Việt Nam có 10 nhà khoa học có tên trong bảng xếp hạng trong 06 lĩnh vực. Điều này phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam, những lĩnh vực mà Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới.
Phát triển khoa học và công nghệ bắt đầu chú trọng chất lượng, thực chất. Nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học tăng mạnh và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục duy trì và giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế, có 05 đại diện có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS); 9 cơ sở giáo dục đại học vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education (THE), tăng 02 cơ sở giáo dục đại học so với năm trước và đông nhất từ trước đến nay; 6 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng THE WUR 2023, tăng 1 cơ sở so với năm 2022; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong top 500 thế giới (trước năm 2015, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chưa có mặt trong các bảng xếp hạng thế giới, chỉ có ba trường vào top 300 châu Á).
Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học được quy hoạch hoàn thiện, cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Các cơ sở đào tạo cũng được đa dạng hoá, phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
NHỮNG KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục đại học vì sự phát triển bền vững trong thời gian qua còn gặp khó khăn, hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động sự phát
triển của giáo dục đại học. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục đại học với một số văn bản luật khác dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở giáo dục đại học trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo Luật Giáo dục đại học nhưng vẫn phải tuân thủ, thực hiện các Luật liên quan. Cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ lãnh đạo một số cơ sở đào tạo chưa được kiện toàn. Công tác tuyển sinh vẫn cho thấy các phương thức xét tuyển phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý. Quy mô đào tạo sau đại học còn rất thấp và không tăng trong nhiều năm, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nguồn lực dành cho giáo dục đại học còn rất hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu. Đầu tư cho giáo dục đại học từ ngân sách nhà nước còn thấp và có xu hướng tiếp tục bị cắt giảm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đổi mới hoạt động đào tạo, thu hút nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ. Ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ trên dưới 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP (nhưng thực chi chưa đến 12.000 tỷ, chưa đạt 0,78% GDP).
Đặc biệt, việc đánh giá về kết quả đổi mới, sáng tạo, đóng góp của giáo dục đại học với sự phát triển bền vững của địa phương, vùng, đất nước nhìn chung chưa rõ nét nhất là trong bối cảnh mới yêu cầu giáo dục đại học cần có những bứt phá mới, để thực sự đóng vai trò then chốt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới (tháng 9/2015) đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu về phát triển bền vững. Trong đó, xác định khái niệm “Giáo dục vì sự Phát triển bền vững” (ESD - Education for Sustainable Development) là một quá trình học tập suốt đời, trao quyền cho người học ở mọi lứa tuổi để có được kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để nhận thức, giải thích, và giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, lãng phí tài nguyên thiên nhiên và vấn đề bất bình đẳng, phân biệt đối xử.
|
TIẾP CẬN MỤC TIÊU GIÁO DỤC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Giáo dục vì sự phát triển bền vững được coi là một nền tảng cho một xã hội bền vững hơn, khi mà con người có thể đưa ra các quyết định sáng suốt cho bản thân, cộng đồng và cho xã hội. Giáo dục vì sự phát triển bền vững đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới phải hướng tới các kiến thức, kĩ năng, giá trị và năng lực hành động để thực hiện các mục tiêu quốc gia theo các trụ cột của phát triển bền vững. Trước bối cảnh đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay, đổi mới giáo dục đại học không chỉ là mục tiêu mà còn được coi là công cụ và phương tiện chủ chốt, là chìa khóa để đạt được mục tiêu của phát triển bền vững và là vấn đề cấp thiết. Vì vậy, cần thực hiện những giải pháp khẩn trương, kịp thời để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, hòa nhập với sự phát triển của thế giới trong thời gian tới.
Thứ nhất, lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy của tất cả các cấp bậc học, trình độ đào tạo, từ mầm non đến giáo dục đại học. Lồng ghép các nội dung về giáo dục môi trường, phòng chống bạo lực học đường, giáo dục bình đẳng giới, phát triển năng lực tự học, các phong trào học tập suốt đời...Tích hợp các nội dung liên quan đến phát triển bền vững vào các môn học khác nhau, như khoa học, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, nghệ thuật... Đồng thời, cũng cần tạo ra các môn học riêng biệt về phát triển bền vững để người học có thể hiểu sâu hơn về các vấn đề toàn cầu và các giải pháp có thể áp dụng.
Thứ hai, con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Đào tạo về phát triển bền vững cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để nâng cao năng lực của giáo viên, giảng viên và các nhà quản lý giáo dục để họ có thể sử dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, kích hoạt và tương tác nhằm truyền đạt kiến thức và kỹ năng về phát triển bền vững cho người học. Đồng thời, tạo ra các cơ hội cho nhà giáo và các nhà quản lý giáo dục có môi trường trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong việc triển khai phát triển bền vững.
Thứ ba, xây dựng nguồn tài nguyên cho phát triển bền vững với tài liệu và tài nguyên học tập chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của người học ở các cấp giáo dục khác nhau. Các tài liệu và tài nguyên học tập phát triển bền vững có thể là: sách giáo khoa, sách tham khảo, bài giảng, giáo án điện tử, video bài giảng, trò chơi, ứng dụng trên các thiết bị di động,... Các tài liệu và tài nguyên học tập này cần được thiết kế theo nguyên lý “học bằng cách làm”, lấy người học làm trung tâm và tham gia tích cực vào quá trình học tập và áp dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề thưc tế trong cuộc sống.
Thứ tư, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững trong môi trường học tập mở khác nhau, như trung tâm học tập cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước,... để tiếp cận và tham gia vào các hoạt động học tập liên quan đến phát triển bền vững. Các hoạt động học tập này có thể bao gồm các buổi huấn luyện, tập huấn, thảo luận, trải nghiệm sáng tạo, dự án, chiến dịch,...Các hoạt động học tập này cần được thiết kế theo nguyên lý khuyến khích người học tham gia tích cực vào quá trình học tập và áp dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn.
Thứ năm, tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học theo hướng “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Đổi mới giáo dục đại học dựa trên việc xác định phát triển bền vững sẽ trở thành xu thế bao trùm trên thế giới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, phát huy hiệu quả môi trường, điều kiện của sự phát triển bền vững và của khoa học, công nghệ đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Giáo dục đại học vì sự phát triển bền vững cần đẩy mạnh trao quyền cho người học tự học tập kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ, đưa ra các quyết định sáng suốt, thực hiện các hành động có trách nhiệm vì sự toàn vẹn của môi trường, kinh tế và công bằng xã hội. Xây dựng và triển khai các biện pháp đổi mới, điều chỉnh chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Thứ sáu, tích cực sử dụng các công nghệ mới trong quá trình giảng dạy cho người học. Theo yêu cầu của bối cảnh công nghệ số hiện nay, giáo dục và đào tạo cần được điều chỉnh phù hợp với các môi trường học tập mới và sáng tạo, bao gồm tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Trong những năm đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy rõ rằng các hệ thống giáo dục linh hoạt có khả năng thích ứng tốt hơn. Vì vậy, việc sử dụng công nghệ trong giáo dục trở nên cần thiết, không chỉ để ứng phó với đại dịch, mà còn để bảo đảm rằng giáo dục vẫn tiếp tục duy trì hoạt động trong các thời điểm xung đột và khủng hoảng. Bên cạnh đó, việc tận dụng tối đa khả năng của công nghệ giúp thúc đẩy cá nhân hóa trong giáo dục và đào tạo cũng được coi là nguồn lực cần thiết để tập trung đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân người học.
Trên cơ sở những định hướng Tuyên bố Bonn được thông qua tại Hội nghị Thế giới về giáo dục phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam với nhiệm vụ bao trùm là đẩy mạnh các sáng kiến và chương trình giáo dục phát triển bền vững, huy động thêm nguồn lực để biến nhận thức thành hành động, tạo ra sự thay đổi trong lối sống và cùng chung tay xây dựng một tương lai bền vững.
Nhận thức, quan điểm về phát triển bền vững của Việt Nam vừa có sự kế thừa nhận thức và xu hướng phát triển chung của thế giới vừa có sự vận dụng, bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, việc đổi mới giáo dục đại học Việt Nam theo tiếp cận mục tiêu giáo dục vì sự phát triển bền vững, vì một tương lai bền vững thông qua các chiến lược: Liên kết và hợp tác; Xây dựng năng lực và đào tạo; Nghiên cứu và đổi mới; Công nghệ thông tin và truyền thông và thường xuyên theo dõi và đánh giá để đảm bảo kế hoạch hành động đạt được các thành quả tích cực và có hiệu quả lâu dài; Các chính sách và chương trình hành động quốc gia về kinh tế, xã hội, môi trường với các chủ đề như bình đẳng giới, quyền trẻ em, HIV/AIDS, giáo dục môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý và giảm nhẹ thiên tai, phòng chống tham nhũng… cần tiếp tục đưa vào chương trình giáo dục chính qui và phi chính qui; chương trình giảng dạy chính khoá hoặc ngoại khóa ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo và các đối tượng trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam nhằm khuyến khích thay đổi hành vi và thái độ, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững, công bằng và văn minh.
|
TS. Trần Đình Minh
Ban Tuyên giáo Trung ương