Công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội

15:26 18/09/2021

An sinh xã hội (ASXH) là một trong những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội và là chìa khóa để phát triển toàn diện và bền vững. Để những chính sách, pháp luật về ASXH đi vào cuộc sống và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng thì các cơ quan nhà nước phải có trách nghiệm, nghĩa vụ thực hiện công khai, minh bạch và coi việc hỗ trợ thực hiện, thụ hưởng các quyền con người là mục tiêu chính trong thực hiện các chính sách ASXH. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả tập trung làm rõ khái niệm công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH; phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH hiện nay; đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện công khai, minh bạch trong lĩnh vực này.
Ảnh minh họa: Nguồn internet

1. Quan niệm về công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội

Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước góp phần đảm bảo cho người dân tiếp cận thông tin một cách có hiệu quả, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Khoản 4 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định: “Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là việc công bố, cung cấp thông tin, giải trình về tổ chức bộ máy, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

ASXH là một trong những lĩnh vực có đối tượng thụ hưởng rất lớn liên quan đến quyền được đảm bảo ASXH của công dân. ASXH là hệ thống chính sách, các chương trình của Nhà nước và của các tổ chức xã hội nhằm trợ giúp, giúp đỡ toàn xã hội, các cá nhân gặp phải rủi ro hoặc biến cố xã hội để đảm bảo mức sống tối thiểu và nâng cao đời sống của họ. Do vậy, ASXH góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội khi họ không may gặp phải những “rủi ro xã hội” hoặc các “biến cố xã hội” dẫn đến ngừng hoặc giảm thu nhập. Phương thức hoạt động của ASXH là thông qua các biện pháp công cộng tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội hướng tới sự hưng thịnh và hạnh phúc cho mọi người và cho xã hội.

Vấn đề công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH liên quan trực tiếp đến quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm, của cơ quan quản lý nhà nước về ASXH trong việc cung cấp thông tin, giải thích, hướng dẫn, trả lời về pháp luật, chính sách ASXH và việc thực hiện cho đối tượng thụ hưởng trước công luận và toàn xã hội với hình thức, trình tự, thủ tục và thời hạn theo luật định. Hay nói cách khác, công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH là nghĩa vụ của Nhà nước trong việc công bố, cung cấp thông tin chính sách, pháp luật về ASXH và việc thực hiện cho đối tượng thụ hưởng một cách chủ động, đầy đủ và rõ ràng để dân biết được, hiểu được; qua đó, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chính sách pháp luật về ASXH.

Công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH có vai trò rất lớn đối với việc bảo đảm thực hiện các quyền của công dân, giúp người dân nắm bắt được các chính sách ưu đãi, các quy định của pháp luật về ASXH, hiểu rõ các dịch vụ mà Nhà nước đang cung cấp cho người dân; giúp Nhà nước thấy được các nhu cầu thực sự của người dân để có những thay đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng được các nhu cầu đó. Qua đó, tăng cường niềm tin của người dân vào chính quyền.

Ngoài ra, quá trình thực hiện công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH còn giúp Nhà nước quản lý và phân bổ các nguồn lực có hiệu quả. Thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cùng với sự minh bạch trong hoạt động quản lý, Nhà nước có thể sử dụng tối ưu và tăng cường hiệu quả, tránh được thất thoát, lãng phí, những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Đồng thời, đảm bảo cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật đúng mục đích, đúng đối tượng; ngăn chặn những sai phạm và phòng, chống tham nhũng trong việc thực hiện các quy định về ASXH. Từ đó, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực ASXH, đáp ứng được các yêu cầu của công cuộc cải hành chính hiện nay.

2. Pháp luật và thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH

Hệ thống ASXH ở Việt Nam hiện được cấu trúc bởi năm trụ cột, đó là: (i) Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; (ii) Bảo hiểm xã hội; (iii) Trợ giúp xã hội cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; (iv) Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin) và (v) Hệ thống cung cấp dịch vụ công về ASXH thông qua công tác xã hội chuyên nghiệp. Do đó, việc phân tích hệ thống pháp luật quy định về hoạt động công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH sẽ được thực hiện trên năm trụ cột này, cụ thể:

- Việc làm, thu nhập và giảm nghèo

Đây là trụ cột có tính chất phòng ngừa rủi ro, bảo đảm cuộc sống cho người dân thông qua các chính sách, pháp luật về đảm bảo quyền việc làm với tiền lương và thu nhập trên cơ sở thỏa thuận cho người lao động và gia đình, đảm bảo được sự hài hòa về mặt lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động; đào tạo nâng cao tay nghề để người lao động bước vào thị trường lao động; hỗ trợ giảm nghèo cho các hộ gia đình có thu nhập dưới chuẩn nghèo để phát triển sản xuất tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo quy định của pháp luật, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trực tiếp quản lý nhà nước về việc làm, tiền lương, giảm nghèo có trách nhiệm thường xuyên thực hiện công khai, minh bạch một cách rõ ràng, cụ thể, đầy đủ về các nội dung thông tin về việc làm (Cục Việc làm), về tiền lương và thu nhập (Cục Quan hệ lao động và Tiền lương), về phát triển kỹ năng nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) và hỗ trợ giảm nghèo bền vững tiếp cận phát triển đa chiều (Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo và các chủ thể khác có liên quan) và phân cấp theo quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng, giúp những đối tượng thụ hưởng hiểu rõ những quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Để công khai, minh bạch các chính sách, pháp luật về việc làm, thu nhập và giảm nghèo, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đã sử dụng đa dạng các hình thức như gửi văn bản; thiết lập Trang thông tin điện tử về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, giảm nghèo trên cổng thông tin điện tử của Bộ, các cơ quan, đơn vị thành viên trong Bộ (ví dụ: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm;…); niêm yết công khai tại cơ quan, nơi công cộng; công bố tại cuộc họp, hội nghị; thông báo đến đối tượng… và xác định thời điểm công khai phù hợp, đại chúng, người dân dễ tiếp cận. Đối với thu nhập của người lao động, thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện (Khoản 3 Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019). Việc thu, chi tài chính của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp phải được theo dõi, lưu trữ và định kỳ hằng năm công khai cho thành viên của tổ chức (Khoản 1 Điều 174 Bộ luật Lao Động năm 2019)…Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai tại trụ sở, các nơi sinh hoạt cộng đồng và thông báo trên các phương tiện truyền thông của cấp xã về các nội dung thông báo (Điều 4 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm).

- Bảo hiểm xã hộibảo hiểm y tế

Đây là trụ cột được quan tâm nhất, nên yêu cầu các cơ quan phải thực hiện công khai, minh bạch kịp thời những nội dung có liên quan về chính sách, pháp luật về BHXH theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Nội dung công khai, minh bạch gồm: chính sách, chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; BHXH một lần, chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (TNLĐ&BNN) khi bị TNLĐ&BNN… Hiện nay, các cơ quan quản lý trực tiếp trong lĩnh vực này là Vụ Bảo hiểm xã hội, Cục Việc làm, Cục An toàn vệ sinh lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đối với lĩnh vực bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, cụ thể là Vụ Bảo hiểm y tế. Các chủ thể có thẩm quyền tập trung làm rõ, công khai một cách kịp thời, rõ ràng, cụ thể các nội dung, thông tin về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo các yêu cầu của tổ chức, cá nhân; trong đó có các quy định về điều kiện hưởng, thời gian hưởng, mức hưởng và các quy trình, thủ tục để được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, bảo hiểm xã hội một lần (Khoản 7 Điều 18, Điều 23 theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014); các thông tin liên quan đến mức đóng, mức hưởng, điều kiện hưởng và các quy trình, thủ tục để được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp (Khoản 2 Điều 62, Điều 84 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015), các vấn đề về chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ những người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm (Điều 29, Điều 36 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP); các quy định về đối tượng hưởng, mức đóng, mức hưởng và các chế độ khác của Bảo hiểm y tế (theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014).

- Trợ giúp xã hội

Đây là lĩnh vực có đông đối tượng thụ hưởng như: người già, người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người bị nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bom mìn,… Các chủ thể theo luật định thực hiện công khai, minh bạch về các quy định trong chính sách, pháp luật, các chế độ và quy trình, thủ tục xác định đối tượng hưởng trợ cấp xã hội bằng tiền mặt hàng tháng tại cộng đồng, chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập, chính sách trợ giúp xã hội đột xuất khi gặp sự cố bất ngờ (Điều 3 Nghị định  số 136/2013/NĐ-CP; Điểm b khoản 4 Điều III Quyết định số 488/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” ). Ngoài ra, đối với từng đối tượng cụ thể, các cơ quan nhà nước thực hiện công khai, minh bạch các nội dung ASXH khác như:

Đối với người cao tuổi: Nhà nước cung cấp thông tin, tài liệu, người hướng dẫn để người cao tuổi học tập, nghiên cứu (Điểm a Khoản 2 Điều 14 Luật Người cao tuổi năm 2009); thực hiện các biện pháp thông tin đại chúng để công khai những thông tin về nội dung chăm sóc sức khỏe (Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 35/2011/TT-BYT); các trung tâm y tế phối hợp với người cao tuổi cung cấp các thông tin liên quan đến người cao tuổi (Điều 4 Thông tư số 96/2018/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ; ưu đãi tín dụng và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi).

Đối với người khuyết tật: Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch những thông tin liên quan đến quyền, nghĩa vụ, các chủ trương, chính sách và quy trình, thủ tục để được hưởng những trợ cấp do bị khuyết tật (Điều 13, Điều 18, Điều 50 Luật Người khuyết tật năm 2010; Điều 21 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP; Điều 6 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH).

Đối với những người bị HIV/AIDS: Các chủ thể theo luật định được công khai những quyền, nghĩa vụ và các chế độ của người bị nhiễm HIV/AIDS (Điều 9, Điều 10 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS 2006).

Các chủ thể có thẩm quyền đã áp dụng các hình thức công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật một cách đa dạng, linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng trợ giúp xã hội. Các quy trình, thủ tục, hồ sơ để được xác định đối tượng hưởng trợ cấp được dán niêm yết tại các bảng tin đảm bảo cho người dân đều tiếp cận được. Cục Bảo trợ xã hội còn lựa chọn một cách có chọn lọc những văn bản chính sách, pháp luật có ý nghĩa thực tiễn đang được áp dụng trong công tác trợ giúp xã hội ở địa phương để xuất bản thành ấn phẩm (sách) giúp các đối tượng trợ giúp xã hội nhận thức được quyền và lợi ích hợp pháp của mình được hưởng[1]. Đơn vị quản lý trợ giúp xã hội còn áp dụng phổ biến hình thức tư vấn, thông tin, biện hộ, kết nối đối tượng với chính sách thông qua hoạt động dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp về ASXH. Ngoài sử dụng cổng thông tin điện tử, Cục Trẻ em còn thiết lập Tổng đài 111 để hỗ trợ trẻ em. Tổng đài này còn được sử dụng hỗ trợ thông tin cho người gặp khó khăn do dịch COVID19 để nhanh chóng giải đáp thông tin cho người dân về gói 62.000 tỷ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ rất hữu ích cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Bảo đảm mức tối thiểu một số dịch vụ xã hội cơ bản

Đây là trụ cột rất quan trọng liên quan đến phúc lợi xã hội mà người dân được hưởng, nhất là các đối tượng như: người nghèo, nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã tích cực thực hiện công khai, minh bạch các chính sách về nhà ở xã hội, các điều kiện, tiêu chuẩn và đối tượng để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, giúp cho các đối tượng được hỗ trợ nhà ở như những người có thu nhập nhấp, hộ nghèo, người có công với cách mạng biết được những thông tin đó, góp phâng nâng cao, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần (Điều 20, khoản 3 Điều 30 Nghị định số100/2015/ NĐ-CP). Mặt khác, các chủ thể theo luật định có thẩm quyền công khai, minh bạch xác định đối tượng hưởng chính sách, hỗ trợ cung cấp nước sạch (Khoản 1 Điều 2, Khoản 1, 2 Điều 4 Quyết định số 2085/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020). Trong lĩnh vực giáo dục: các cơ sở giáo dục thực hiện công khai mức học phí hỗ trợ giảm học phí, miễn học phí cho các đối tượng khi đủ điền kiện (Khoản 4 Điều 3, Khoản 4 Điều 4, Điều 11 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; Khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH).

Về y tế, các chủ thể có thẩm quyền thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý tại các đơn vị y tế từ trung ương đến địa phương; ngoài ra còn công khai, minh bạch về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, phương pháp điều trị, tình trạng sức khỏe cũng như các dịch vụ khám, chữ bệnh (Điều 7, Điều 10, Điều 11, Điều 35 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009).

- Cung cấp dịch vụ công về ASXH thông qua công tác xã hội chuyên nghiệp

Hoạt động công khai, minh bạch về công tác xã hội được thực hiện bởi các cơ quan, đơn vị quản lý của ngành lao động, thương binh và xã hội một cách thường xuyên, liên tục và nghiêm túc (bảo trợ xã hội, trẻ em, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, giảm nghèo,…). Các cơ quan, đơn vị quản lý tập trung giải thích, làm rõ, cung cấp những thông tin liên quan về chính sách, pháp luật về công tác xã hội, nhất là việc cấp giấy phép hoạt động của các cơ sở công tác xã hội, giấy phép hành nghề công tác xã hội của nhân viên công tác xã hội, giá dịch vụ công tác xã hội, hay như việc miễn, giảm thuế đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội,… theo yêu cầu, đề nghị của các tổ chức, cá nhân (Điều 30, Điều 41 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP; Khoản 5 Điều 3, Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 01/2017/TT-BLĐTBXH).

Hình thức công khai, minh bạch chủ yếu là thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động công tác xã hội,… Thời điểm công khai, minh bạch cũng bảo đảm phù hợp, không gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với các đối tượng, nhất là trong thủ tục hành chính cấp giấy phép hoạt động cho tổ chức và cá nhân.

Tóm lại, việc công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH của các chủ thể có thẩm quyền thực hiện có trách nhiệm đã được quy định khá rõ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó, người dân được tiếp cận và hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp tốt hơn từ các chính sách, pháp luật về ASXH có tính nhân văn sâu sắc, tạo điều kiện và cơ hội cho người dân nâng cao khả năng phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro bởi những tác động tiêu cực, biến cố trong cuộc sống, vươn lên hoà nhập với cộng đồng chung, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững đất nước.

3. Những vấn đề đặt ra trong thực hiện công khai, minh bạch về ASXH

Có thể nhận thấy, việc công khai, minh bạch thông tin và tiếp cận thông tin về ASXH của người dân đã được quy định khá đầy đủ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định về công khai, minh bạch về ASXH  cũng như việc tổ chức thực hiện vẫn còn có những hạn chế, bất cập sau:

Thứ nhất: quy định của pháp luật về ASXH vẫn chưa hoàn thiện và theo kịp nhu cầu đảm bảo ASXH của người dân nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung. Trong khi đó, trong hệ thống pháp luật ASXH có rất nhiều văn bản pháp quy phạm pháp luật với các quy trình, thủ tục, quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được thụ hưởng đã làm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch nhiều khi bị quá tải, dẫn đến việc thực hiện chỉ mang tính hình thức, đối phó. Không những vậy, quy định về việc phải công khai, minh bạch chưa đầy đủ và rõ ràng làm cho các cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.

Thứ hai: sự phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng chính sách, pháp luật và trong thực hiện chính sách, pháp luật về công khai, minh bạch về ASXH còn chưa đồng bộ, nhịp nhàng.

Thứ ba: năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức thực hiện quản lý nhà nước về ASXH chưa đáp ứng được yêu cầu về tính chuyên nghiệp, về kỹ năng, nghiệp vụ.

Thứ tư: nhận thức của người dân về quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực ASXH còn hạn chế.

Thứ năm: nguồn lực tài chính đầu tư phục vụ cho hoạt động công khai, minh bạch chưa bảo đảm. Ở nhiều cơ quan chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã chưa có đầy đủ các cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để phục vụ cho hoạt động công khai, minh bạch. Ở cấp xã, Trang thông tin điện tử hầu như chưa được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, nên việc tiếp cận thông tin của người dân là rất khó khăn. Việc không đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật dẫn đến làm giảm hiệu quả hoạt động công khai, minh bạch của các cơ quan nhà nước.

Thứ sáu: công tác thanh tra, kiểm tra giám sát về thực hiện công khai, minh bạch về ASXH chưa được chú trọng.

4. Một số kiến nghị nhằm thúc đẩy việc thực hiện công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH

Một là, tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về ASXH tiếp cận dựa trên quyền con người, quyền công dân, lấy người dân làm trung tâm. Xác định những nội dung, thông tin ASXH một cách rõ ràng, cụ thể cần phải thực hiện công khai, minh bạch, tránh quy định một cách chung chung, mơ hồ. Mặt khác, cũng phải quy định những thông tin, nội dung ASXH nào thuộc về bí mật nhà nước, tránh dẫn đến tình trạng tùy tiện đóng dấu mật những nội dung cần phải được công khai, minh bạch. Cụ thể:

+ Trụ cột việc làm, thu nhập và giảm nghèo, việc công khai, minh bạch tập trung vào: Chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất tự tạo việc làm trong nông nghiệp, nông thôn và khu vực phi chính thức ở thành thị; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cho người nghèo, hộ nghèo; chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; chính sách việc làm công hỗ trợ cho lao động thất nghiệp; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách hỗ trợ đào tạo lại nghề và cung cấp dịch vụ giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp sớm trở lại thị trường lao động thông qua Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động cho lao động thanh niên thuộc hộ nghèo trong các huyên nghèo, xã đặc biệt khó khăn (vùng miền núi, dân tộc thiểu số (DTTS); chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật; Chính sách hỗ trợ người lao động tìm việc làm thông qua hệ thống dịch vụ việc làm công.

+ Trụ cột bảo hiểm xã hội, việc công khai, minh bạch cần tập trung vào: Chính sách, chế độ ốm, đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và hưu trí khi đủ tuổi về hưu; chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần; chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực nông thôn; chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội.

+ Trụ cột trợ giúp xã hội cần tập trung vào các chính sách hỗ trợ sau: Chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng tại công đồng cho 6 nhóm đối tượng hiện nay và mở rộng đến một số nhóm khác; chính sách hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) tại các cơ sở BTXH công lập (người già không có nơi nương tựa, trẻ em môi côi, người khuyết tật nặng…); chính sách hỗ trợ cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội (TGXH) thông qua công tác xã hội (CTXH) chuyên nghiệp cho đối tượng BTXH; chính sách hỗ trợ đột xuất cho người dân khi bị rủi ro bất ngờ (thiên tai, bão lụt, mất mùa…).

+ Trụ cột bảo đảm mức tối thiểu một số dịch vụ xã hội cơ bản cần tập trung vào công khai, minh bạch đối với các chính sách sau: Chính sách hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) chưa biết chữ, xoá mù chữ, trẻ em tiếp cận giáo dục tối thiểu (giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học, tiến tới hoàn thành phổ cập THCS); chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ ban đầu và phòng, chống dịch bệnh, nhất là tiêm chủng mở rộng cho trẻ em; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ người dân vùng nghèo, DTTS về điện thắp sáng; chính sách hỗ trợ người dân nông thôn tiếp cận nước sạch sinh hoạt; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

+ Trụ cột dịch vụ CTXH tập trung vào: Chính sách hỗ trợ về đất đai để xây dựng mặt bằng, mua sắm các trang thiết bị của các cơ sở CTXH (công lập và ngoài công lập) về ASXH; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề nghiệp CTXH cho nhân viên, cán sự CTXH chuyên nghiệp; chính sách tiền lương, tôn vinh nghề CTXH để nâng cao trách nhiệm xã hội của nhân viên CTXH; chính sách về khung giá dịch vụ CTXH sát với thị trường để các cơ sở CTXH cung cấp dịch vụ ASXH có thể tự chủ và phát triển; chính sách về uỷ thác của Nhà nước hoặc thông qua ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ công về ASXH có nguồn từ NSNN thông qua hoạt động CTXH chuyên nghiệp.

Hai là, các cơ quan, đơn vị cần phải có sự thống nhất, phối hợp thực hiện công khai, minh bạch tránh gây những phiền hà, nhũng nhiễu, tốn kém cho người dân. Ngoài ra, cũng cần phải có những biện pháp chế tài để xử lý nghiêm minh, răn đe những hành vi thực hiện trái pháp luật về công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH.

Ba là, nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn của những người thực hiện công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH, đặt biệt chú ý đến kỹ năng xây dựng kế hoạch thực hiện về công khai, minh bạch nội dung, thông tin ASXH, kỹ năng công khai qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là việc sử dụng công nghệ thông tin số hóa. Đồng thời, cũng nâng cao nhận thức của người dân để người dân thấy được vị trí, tầm quan trọng của các chính sách, pháp luật ASXH trong cuộc sống.

Bốn là, bố trí nguồn lực tài chính đầy đủ và được phân bổ một cách hợp lý để duy trì vận hành thực hiện các công việc công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH.

Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và người dân để họ năm rõ và biết được quyền, lợi ích và trách nhiệm của bản thân khi công khai, minh bạch các nội dung, thông tin, tài liệu ASXH.

Sáu là, đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động công khai, minh bạch ASXH của những chủ thể có trách nhiệm thực hiện được giao, nhằm nhanh chóng phát hiện để kịp thời xử lý và điều chỉnh đúng theo các quy định của pháp luật, giúp cho các chủ thể có trách nhiệm thực hiện hơn, không qua loa, đại khái.

Bảy là, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH, từng bước số hoá quản lý nhà nước lĩnh vực ASXH là công cụ bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch lĩnh vực này.

ThS. Hoàng Thị Hường, Bùi Thị Hơn
Viện Khoa học Môi trường và Xã hội

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Chí Bảo (2008), Cơ sở khoa học của việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta giai đoạn 2006-2015, Kỷ yếu Hội thảo khoa học thuộc Đề tài KX02.02/06-10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

2. Mai Ngọc Cường (2013), Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Trường Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình Luật An sinh xã hội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.

4. Viện Khoa học Lao động và Xã hội (2013), Phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020, Hà Nội.


Bài viết là sản phẩm của đề tài cấp Quốc gia “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” mã số KX 01.41/16-20, thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia KX.01/16-20.

[1] Cục Bảo trợ xã hội xuất bản cuốn sách “Hệ thống các chính sách Trợ giúp xã hội”, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2018.

(Nguồn: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (417), tháng 9/2020)

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/