Chuyển đổi số cần tập trung vào thể chế, con người và công nghệ

15:49 19/01/2024

Sáng ngày 17/01/2024, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo cấp quốc gia: “Chính phủ số trong quản trị nhà nước hiện đại”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Học viện Hành chính Quốc gia cùng PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại biểu từ các cơ quan bộ ngành trung ương và địa phương: PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; TS. Vũ Xuân Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, ông Nguyễn Mạnh Tuyền, Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Văn Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Văn thư, Văn phòng Trung ương Đảng; ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng, ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng phòng, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng phòng Nền tảng và Dữ liệu số, Cục Chuyển đổi số quốc gia; ôngLưu Kiếm Anh, Trưởng phòng, Sở Nội vụ Hà Nội; ông Trịnh Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Đại biểu là các chuyên gia có: PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước; TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA; ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; trưởng các đơn vị, khoa, ban cùng đông đảo cán bộ, giảng viên Học viện tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến. 

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu đề dẫn Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân bày tỏ sự vui mừng được tiếp đón các đại biểu, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã quan tâm dự và thảo luận các chủ đề của Hội thảo “Chính phủ số trong quản trị nhà nước hiện đại”. Đây là hội thảo đầu tiên được triển khai trong kế hoạch nghiên cứu Đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ hành chính phù hợp với Chiến lược phát triển Chính phủ số đến năm 2030”, mã số KC.01.03/21-30, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính là đơn vị chủ trì theo ủy quyền của Học viện Hành chính Quốc gia. Hội thảo nhằm mục đích trao đổi, thảo luận, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý nhằm làm rõ các vấn đề lý luận về chính phủ số trong quản trị nhà nước hiện đại, cơ sở lý thuyết về xây dựng thể chế, chính sách tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, quy trình nghiệp vụ hành chính trong phát triển chính phủ số và đánh giá mức độ phát triển của chính phủ số tại Việt Nam hiện nay. 

PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Triệu Văn Cường đánh giá cao tính thực tiễn của đề tài, phục vụ trực tiếp cho các nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách, quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Thứ trưởng đề nghị các thành viên nhóm nghiên cứu đề tài tích cực triển khai, tiếp thu các nội dung được các nhà khoa học, chuyên gia đề cập, đặt ra, như: vấn đề về cơ sở lý luận liên quan đến nội dung đề tài; chính phủ số trong nhà nước hiện đại; các tác động của chính phủ số đối với quản lý nhà nước; đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng chính phủ số hiệu quả. Đồng thời, Thứ trưởng cũng kỳ vọng, sau hội thảo sẽ có những nội dung thiết thực liên quan đến chuyển đổi số được làm sáng tỏ nhằm gắn kết các nghiên cứu với thực tiễn, góp phần tham vấn chính sách một cách phù hợp, hiệu quả trong quá trình thực tế áp dụng, triển khai quản lý nền hành chính nhà nước minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.

TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA trình bày tham luận.

Tham luận của TS. Nguyễn Nhật Quang về góc nhìn từ chính quyền điện tử đến chính quyền số. Tham luận tập trung nêu lên bản chất của chuyển đổi số và nhấn mạnh chuyển đổi số quốc gia phải được bắt đầu từ việc xây dựng một hệ thống nhất các cơ sở dữ liệu quốc gia và đi theo nó là các công cụ xác thực thông tin định danh và thông tin giao dịch đối với các đối tượng chủ yếu trong xã hội, như: con người, đất đai, tài sản, doanh nghiệp… TS. Nguyễn Nhật Quang cũng có sự so sánh chính quyền số với chính quyền điện tử, từ quan điểm so sánh này, ông nhận định việc xây dựng chính quyền số đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia lưu trữ thông tin định danh về các đối tượng chủ chốt trong xã hội với các công cụ xác thực tương ứng. Cùng với việc xây dựng các cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, nhất thiết phải tiến hành đồng bộ việc thay đổi nhận thức, đào tạo năng lực số cho toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước và đặc biệt là xây dựng, mở rộng hành lang pháp lý một cách đồng bộ để điều chỉnh các giao dịch trên môi trường số. Theo ông, đây là một công việc rất lớn và khó, đòi hỏi sự tham gia tích cực của rất nhiều bộ, ngành và tất cả các cấp chính quyền. 

ThS. Nguyễn Mạnh Tuyền, Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

“Vai trò của chính phủ số trong quản trị nhà nước hiện đại” là nội dung tham luận của ThS. Nguyễn Mạnh Tuyền. Tham luận đã nêu ra những kết quả đã đạt được của quá trình xây dựng, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số của Việt Nam trong những năm qua thông qua các báo cáo của Chính phủ, của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên hiệp quốc… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số vẫn còn những hạn chế, như: hạ tầng kỹ thuật chưa được tối ưu hóa và vận hành chuyên nghiệp, chưa linh hoạt để đáp ứng yêu cầu mới phát sinh; vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến thấp… 

Từ những hạn chế đã nêu, ông Tuyền đưa ra một số giải pháp: (1) Cần hoàn thiện môi trường pháp lý, tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số với hệ thống quy mô quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia; (2) Chính phủ cần tăng cường đầu tư về nguồn lực tài chính, nhân lực và công nghệ để triển khai chính phủ số; (3) Nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng công nghệ của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước, cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng những yêu cầu nêu trên; (4) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong triển khai chính phủ số; (5) Nâng cao tính minh bạch của hoạt động quản trị nhà nước…

GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận tại Hội thảo

Trong tham luận: “Thay đổi thể chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước – thách thức cần được quan tâm trong tiến trình chuyển đổi chính phủ số”, GS.TS. Phạm Hồng Thái đã nêu ra những biến chuyển tích cực trong tư duy, nhận thức của cán bộ, công chức và người dân cũng như mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, đồng thời, số lượng dịch vụ hành chính công đã giảm đi, số lượng dịch vụ công mới mang tính sáng tạo phục vụ xã hội tăng lên nhờ công nghệ số và dữ liệu. Theo nhận định của GS.TS. Phạm Hồng Thái, chuyển đổi số chính là cuộc cách mạng về thể chế. Hoàn thiện thể chế, chính sách, do đó, GS.TS đã nêu ra các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số quốc gia cùng với việc tập trung vào: (1) Hoàn thiện hành lang pháp luật về giao dịch điện tử; (2) Hoàn thiện hành lang pháp luật về nền tảng số; (3) Hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế số, xã hội số thì một nội dung quan trọng cần quan tâm – đó là Hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước.

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Với nội dung tham luận “Tư duy dựa trên dữ liệu và nhận thức về chuyển đổi số”, PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh phân tích, so sánh và xác định rõ những dữ liệu về kết quả đạt được không chỉ đơn thuần là làm nổi bật những thành tựu mà phải thấy rõ được những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ quản trị quốc gia và địa phương để có giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số. Theo PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và tăng cường tư duy dựa trên dữ liệu và hướng tới nhận thức được “thực chất, khách quan và công bằng” đối với kết quả thực hiện chuyển đổi số để góp phần tương xứng vào nghiên cứu và vận động đổi mới chính sách ngày càng hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng phòng Nền tảng và dữ liệu số, Cục Chuyển đổi số quốc gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

“Tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ hành chính trên cơ sở dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước” là nội dung chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Khánh tại Hội thảo. Ông đã nêu ra các hướng thay đổi chính của việc tái cấu trúc quy trình để đơn giản hóa thủ tục hành chính: đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoạt động hành chính; cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết; tạo ra các dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu mới của người dân. Từ các hướng trên, ông đã đưa ra 4 giải pháp là: (1) Cần điều chỉnh, thay đổi các quy định pháp luật đã cũ, không còn phù hợp với yêu cầu hiện tại; (2) Nâng cao nhận thức về khai thác dữ liệu số trong tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; (3) Cần xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung để làm cơ sở tái cấu trúc quy trình nghiệp vu. Khi xây dựng dữ liệu, các đối tượng quản lý được số hóa phải được đánh mã duy nhất để quản lý; (4) Việc tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ phải theo hướng mở để có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau trong cơ quan nhà nước và cả ngoài xã hội tham gia.

Ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối nội chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Ông Vũ Tuấn Anh đã chia sẻ ý kiến về chuyển đổi số cần tập trung vào con người, thể chế, công nghệ. Con người là trọng tâm của mọi vấn đề, do đó cần tập trung vào đào tạo kỹ năng số để thu hẹp khoảng cách số từ trong nhà trường cho đến cán bộ chuyên trách về công nghệ số. Hơn nữa, người làm quản lý cần thay đổi về nhận thức trong thời đại số, khi tư duy, nhận thức của người làm quản lý thay đổi sẽ dẫn đến thay đổi bộ máy tổ chức gọn nhẹ hơn trong yêu cầu của chuyển đổi số. Về thể chế, với nhiệm vụ của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia mà người đứng đầu Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ nên hoạt động xây dựng, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số cần liền mạch và mạnh mẽ. Theo đó, rất nhiều thể chế đã được ban hành, trong đó có Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông; công nghệ tiên tiến được Việt Nam cập nhật liên tục và kịp thời. Cả 3 yếu tố con người, thể chế và công nghệ rất cần được thống nhất với những cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời để công cuộc chuyển đổi số quốc gia thành công.

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.

TS. Lại Đức Vượng nêu một số vấn đề cần làm rõ, như: (1) Khái niệm chính phủ số ở các văn bản luật còn có những điểm chưa thống nhất. Từ đó đặt ra những trăn trở về tính pháp lý trong tiếp cận khái niệm, áp dụng từ lý luận đến thực tiễn quản lý; (2) Những khó khăn trong quá trình phát triển chính phủ số nhìn từ thực tế hoạt động thời gian qua; (3) Những nội dung liên quan đến chính phủ số cần được nghiên cứu sâu và đưa ra các định nghĩa từ thực tiễn của Việt Nam chứ không phải dùng các định nghĩa từ nước ngoài (thiếu tính thống nhất), từ đó có được định hướng cụ thể, mang tính quyết định lâu dài cho chuyển đổi số tại Việt Nam.

PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Hội thảo.

Chia sẻ về nội dung “Yêu cầu và định hướng xây dựng dữ liệu mở của cơ quan nhà nước”, PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh đã nêu ra những phân tích về sự chuyển đổi từ dữ liệu số sang dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, như: yếu tố cốt lõi của xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; tìm hiểu về vai trò, yêu cầu, định hướng và giải pháp trong xây dựng và phát triển dữ liệu mở của cơ quan nhà nước ở Việt Nam nhằm giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và hiệu quả quản lý chỉ đạo, điều hành các cấp, tạo tiền đề thúc đẩy cho quá trình chuyển đổi số quốc gia được nhanh chóng, hiệu quả.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số tham luận tại Hội thảo.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang tham luận tại Hội thảo nội dung liên quan đến mạng hóa hệ thống thông tin văn thư – lưu trữ, đặt nền tảng cho việc xây dựng chính phủ số. Ông nêu, chính phủ số đòi hỏi một cách tiếp cận mới trong bối cảnh có quá nhiều thay đổi trong thời đại số, trong đó có vấn đề mới đó là mạng lưới kiên kết văn thư, lưu trữ. Mạng lưới này như một hệ thống, cấu trúc theo mạng lưới, hình thành nên một nền tảng (platform) trong cấu trúc Chính phủ và hệ thống hành chính như một kiến trúc nền tảng. Nhờ kiến trúc mạng lưới, các bộ phận văn thư – lưu trữ đều được bố trí theo cách đặc biệt để hệ thống thực thi được mục đích của nó nhờ sự đồng tâm và đồng bộ mà nền tảng tạo ra.

Tham luận của TS. Nguyễn Đình Lợi trình bày về Mô hình “Một cửa số quốc gia”. Mô hình hiện nay là phần lớn các dịch vụ công được cung cấp rời rạc, đơn lẻ bởi các cơ quan khác nhau. Với mô hình “Một cửa số quốc gia”, các dịch vụ công theo mô hình “Một cửa” được tái cấu trúc lại, thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia và hướng tới “Không cửa”, tức là các dịch vụ được sắp xếp, tích hợp trong thực hiện các hoạt động có mối liên kết với nhau hay các sự kiện mà người dân trải qua trong vòng đời của mình. Công dân không cần thiết phải biết hoặc không quan tâm tới cơ quan nào giải quyết hồ sơ dịch vụ công. Do vậy, chính phủ các nước đã xây dựng Cổng Dịch vụ công tập trung để tổ chức, cá nhân có thể truy cập, thực hiện. Việc cung cấp dịch vụ dựa trên sự kiện đời sống lấy người dùng làm trung tâm. Thay vì buộc các cá nhân phải tìm kiếm các cơ quan chính phủ khác nhau để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan với một sự kiện trong đời, các cơ quan này hợp tác để chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân. Điều này có nghĩa là chính quyền cần phân tích, dự đoán nhu cầu của công dân, thay mặt công dân chia sẻ thông tin và hướng dẫn họ thực hiện các bước tiếp theo.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ tại Hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đưa ra các ý kiến về: lãnh đạo, quản lý cũng như cán bộ, công chức cần thay đổi tư duy nhận thức về chuyển đổi số; thay đổi quy trình hoạt động trên môi trường số để cải cách hành chính được đồng bộ, chuẩn hóa và đạt hiệu quả cao; cần đầu tư thời gian vào nâng cao năng lực và đổi mới công nghệ cho đội ngũ cán bộ cũng như máy móc sử dụng trong chuyển đổi số; dữ liệu cần được quản lý linh hoạt và đồng bộ (tránh lọt, lộ thông tin trong quá trình đồng bộ); nguồn nhân lực về chuyển đổi số cần được đầu tư lâu dài và bền vững để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia; nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số cần được đầu tư và sử dụng đúng mục đích.

TS. Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ chia sẻ tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Vũ Đăng Minh cho rằng, trong tiến trình cải cách hành chính và chuyển đổi số quốc gia thì vấn đề con người và tài chính là 2 yếu tố chính tạo nên sự thành công của chuyển đổi số. Cần xác định mục tiêu hành động và giải quyết vấn đề một cách chính xác và cụ thể để tránh dàn trải và lãng phí tài chính quốc gia chỉ vì thành tích. Do đó, chúng ta cần đầu tư nguồn nhân lực không được dàn trải, không chỉ là mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng được bao nhiêu người mà phải xác định đào tạo, bồi dưỡng được bao nhiêu kỹ sư có trình độ công nghệ số, áp dụng tương ứng cho từng vùng miền (đồng bằng, vùng sâu vùng xa, biển đảo, đô thị, nông thôn). Cần đánh giá tác động từ thực tiễn một cách chính xác, cụ thể về năng lực, trình độ của con người và công nghệ. 

Ông Trịnh Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo

Ông Trịnh Tất Thắng nêu ra 5 vấn đề cốt lõi của quy trình thủ tục hành chính mà người dân quan tâm khi đi làm giấy tờ: thẩm quyền (người dân cần gặp ai để làm thủ tục hành chính); thời gian (từ khi làm giấy tờ đến lúc nhận kết quả mất bao nhiêu thời gian); phí và lệ phí (toàn bộ quá trình làm giấy tờ hết bao nhiêu tiền); thành phần hồ sơ (làm đúng theo quy định, không “đẻ” thêm hồ sơ để người dân phải bổ sung); kết quả giải quyết thủ tục hành chính (người dân được trả kết quả trực tiếp và qua bưu chính).

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân gửi lời cảm ơn tới các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, cán bộ, giảng viên đã dành thời gian đến dự và trình bày tham luận, đưa ra ý kiến chia sẻ về nội dung Hội thảo. Hội thảo đã nhận được gần 30 tham luận có chất lượng bên cạnh các ý kiến được trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Bên cạnh đó, kết quả của Hội thảo cũng góp phần vào nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên Học viện phục vụ hiệu quả nền công vụ trong thời đại số. Đồng thời, giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài và hoàn thành kế hoạch thực hiện Đề tài khoa học cấp quốc gia trong thời gian tới.

Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/