Chính sách văn hóa ở nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
08:21 14/03/2024
1- Trong một thời gian tương đối dài, các hoạt động hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế về văn hóa nói riêng ở nước ta bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và sức ép của các lệnh cấm vận từ nước ngoài. Trong bối cảnh đó, nước ta có nhiều khó khăn, như thiếu nguồn lực, còn bị động trong việc hội nhập quốc tế về/bằng văn hóa. Cụ thể, đa phần nguồn nhân lực của nước ta trong lĩnh vực văn hóa được đào tạo ở khối các nước xã hội chủ nghĩa, với ngôn ngữ chính là tiếng Nga, một phần là tiếng Trung. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, có một sự gián đoạn trong việc đào tạo ở Đông Âu, trong khi nước ta chưa chuẩn bị kịp nguồn lực để đi đào tạo ở các nước phương Tây. Chỉ bắt đầu sau năm 2001, việc đưa cán bộ văn hóa, nghệ thuật đi đào tạo từ khối các nước nói tiếng Anh mới bắt đầu được thực hiện và ngày càng nhiều hơn. Với tài chính và cơ sở vật chất vô cùng khó khăn sau chiến tranh, chúng ta cũng rất khó tổ chức các sự kiện quốc tế có quy mô lớn ở Việt Nam và khó chủ động lựa chọn tham gia các sự kiện lớn trên thế giới. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho việc tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới tại Việt Nam và giới thiệu những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam ra thế giới. Chính vì vậy, quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa của nước ta tương đối chậm trong giai đoạn đầu (từ năm 1975 đến năm 2000), chưa tích cực, chưa chủ động so với yêu cầu trong giai đoạn tiếp theo (từ 2000 đến nay).
Quá trình hội nhập quốc tế đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho sự phát triển đất nước, do vậy cần vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, vừa phải giữ gìn văn hóa dân tộc. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã nhấn mạnh cần thực hiện các giải pháp, như làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới; tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài; phổ biến những kinh nghiệm tốt xây dựng và phát triển văn hóa của các nước; ngăn ngừa sự xâm nhập các sản phẩm phản động, đồi trụy; giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu biết tình hình nước nhà, thu nhận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước ra, nêu cao lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước…
Thực ra, những lo ngại về tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tới văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam, mà là nỗi lo chung của nhiều nước trên thế giới. Bắt đầu từ những năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, nhân loại đã lo lắng về việc quá trình toàn cầu hóa làm biến mất các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Thực tế có tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, “xâm lăng văn hóa” xảy ra trên thế giới. Ví dụ như ngôn ngữ là yếu tố quan trọng của văn hóa, nhưng các nhà ngôn ngữ học ước tính cứ 4 tháng có một ngôn ngữ chết đi và một nửa ngôn ngữ của thế giới có thể biến mất trước năm 2100(1). Khi ngôn ngữ mất đi, một loạt các mã văn hóa, thế giới quan, nhân sinh quan, vũ trụ quan liên quan đến văn hóa ấy cũng mất đi. Đó cũng chính là lý do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ban hành Công ước “Bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa” năm 2005 để bảo vệ chủ quyền văn hóa của các quốc gia trên thế giới. Công ước đã khuyến khích các quốc gia ban hành chính sách, pháp luật về văn hóa để điều tiết tác động trái chiều của quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa.
Như vậy, có thể thấy, nước ta đã sớm ban hành chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa. Mặc dù vậy, khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII ban hành năm 1998, internet mới xuất hiện 1 năm ở Việt Nam (năm 1997), những ảnh hưởng của hội nhập quốc tế vẫn chưa thực sự “dữ dội” như những năm tiếp sau đó với sự nối dài, tiếp thêm sức mạnh của internet và đặc biệt là các phương tiện truyền thông xã hội. Nhận định về giai đoạn này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” chỉ rõ: Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ.
Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 phân tích rõ thêm, từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập với cộng đồng thế giới, mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng so với yêu cầu của công cuộc hội nhập và sự nghiệp phát triển đất nước, các hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy vai trò trách nhiệm các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hiểu biết về văn hóa đối ngoại và tiến hành công tác văn hóa đối ngoại còn nhiều hạn chế. Việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Số lượng các chương trình Việt Nam chủ động tổ chức hằng năm ở nước ngoài còn hạn chế do ngân sách eo hẹp. Việc tổ chức hoạt động ở các địa bàn xa xôi về mặt địa lý rất khó khăn. Nhiều đoàn nghệ thuật, đoàn triển lãm... được cử đi nước ngoài phải hạn chế số người để tiết kiệm kinh phí đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các chương trình. Các chương trình có chất lượng cao, đặc sắc chưa nhiều. Nội dung các hoạt động văn hóa đối ngoại còn thiếu tính sáng tạo, đơn điệu, trùng lặp, chưa khai thác hết tiềm năng kho tàng văn hóa Việt Nam, chưa giới thiệu được sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận một thực tế là Việt Nam chưa có các sản phẩm văn hóa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Như vậy, từ việc xác định tầm quan trọng của hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập quốc tế về văn hóa nói riêng, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương rõ ràng và nhất quán về hội nhập quốc tế, đặc biệt từ Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị “Về hội nhập quốc tế”, Nghị quyết số 31/NQ-CP, ngày 13-5-2014, của Chính phủ về “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế”. Bên cạnh đó, Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cũng đã được ban hành. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” xác định nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện là chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại: Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đối ngoại; hỗ trợ quảng bá nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài.
2- Trong những năm vừa qua, việc thực thi chính sách hội nhập quốc tế về văn hóa ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó có nhiều hoạt động hội nhập quốc tế về văn hóa với quy mô khác nhau đã được tổ chức ở khắp các châu lục. Nhiều ngày/tuần/tháng văn hóa Việt Nam, lễ hội văn hóa - du lịch, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tuần phim, triển lãm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, hội thảo, xúc tiến, quảng bá du lịch... đã được tổ chức ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa của nước ta đã tạo điều kiện thực hiện quyền văn hóa của người dân, theo đó, người dân có thêm nhiều cơ hội thưởng thức, tham gia vào đời sống văn hóa, nghệ thuật nước ngoài. Nhiều bộ phim, bài hát hay các nghệ sĩ nổi tiếng, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đa dạng khác nhau đã nhanh chóng xuất hiện, đáp ứng nhu cầu của khán giả trong nước. Nhờ sự xuất hiện này, không chỉ đời sống văn hóa, nghệ thuật trở nên phong phú hơn mà chất lượng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam cũng dần trở nên tốt hơn, các ngành công nghiệp văn hóa ngày càng phát triển.
Các hoạt động đối ngoại văn hóa góp phần vào thành công chung trong các hoạt động đối ngoại, từng bước nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới; đồng thời, tạo điều kiện để công chúng ở nước ngoài, đặc biệt cộng đồng người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới được tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu từ trong nước, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam trong sinh hoạt gia đình và nếp sống của cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc.
Tuy nhiên, kết quả thực thi chính sách hội nhập quốc tế về văn hóa cũng còn một số hạn chế nhất định, như việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Số lượng các chương trình Việt Nam chủ động tổ chức hằng năm ở nước ngoài còn hạn chế. Các chương trình có chất lượng cao, đặc sắc chưa nhiều. Sự tiếp nhận các sản phẩm văn hóa từ nước ngoài còn thiếu chọn lọc. Nội dung các hoạt động hội nhập quốc tế về văn hóa còn thiếu tính sáng tạo, đơn điệu, trùng lặp, chưa khai thác hết tiềm năng kho tàng văn hóa Việt Nam, chưa giới thiệu được sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Sự liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đối ngoại nhân dân, các tổ chức nghệ thuật, các nghệ sĩ tự do và doanh nghiệp trong công tác hội nhập quốc tế về văn hóa còn hạn chế...
3- Để tranh thủ thời cơ và ứng phó với những thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa, chọn lọc được tinh hoa văn hóa thế giới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, triển khai các quan điểm về quản lý văn hóa, nghệ thuật và xây dựng con người trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bao gồm hệ quan điểm mục tiêu, đối tượng, nội dung, phương thức quản lý thích hợp. Cần có lộ trình cho cơ chế tự chịu trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, Nhà nước sẽ thực hiện khâu hậu kiểm. Hoàn thiện các quan điểm đánh giá và tiêu chí đánh giá các loại hình sản phẩm văn hóa sẽ là cơ sở pháp lý để triển khai vấn đề này trong tương lai.
Thứ hai, xây dựng hệ giá trị mới của con người Việt Nam thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hình thành các chuẩn mực và khuôn mẫu văn hóa mới làm cơ sở cho việc xây dựng con người Việt Nam hiện đại với những phẩm chất đáp ứng sự phát triển của nền văn hóa mới. Phát triển các hoạt động giáo dục trong các tổ chức văn hóa, nghệ thuật; nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục văn hóa ngoài nhà trường, nhất là cho thế hệ thiếu niên, thanh niên; tăng cường phối hợp giữa hai hệ thống giáo dục văn hóa trong và ngoài nhà trường.
Thứ ba, phát triển các công cụ chính sách (luật, thuế), chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong xã hội đầu tư cho văn hóa thông qua các quỹ văn hóa, nghệ thuật; thu hút các tài trợ của doanh nghiệp bằng chính sách giảm trừ thuế, tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng một khung thể chế mới nhằm phát huy nguồn lực văn hóa, nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, định vị lại cơ chế và chính sách đầu tư từ ngân sách nhà nước theo cơ chế mới, thay vì cơ chế quản lý hành chính, nặng tính xin - cho. Phát triển các loại quỹ của khu vực tư nhân, các quỹ văn hóa, nghệ thuật nhà nước mang tính độc lập với cơ quan quản lý nhà nước. Các loại quỹ cần thành lập bao gồm các quỹ phát triển và hỗ trợ sáng tạo theo từng lĩnh vực, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp; quỹ có tính lợi nhuận và phi lợi nhuận… Xây dựng luật về quỹ là ưu tiên hàng đầu, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, của các tổ chức và cá nhân vận động quyên góp, các cơ chế giám sát của xã hội khi thực thi vận động và tài trợ trong xã hội.
Thứ năm, có một lộ trình và kế hoạch để quản lý hiệu quả lĩnh vực truyền thông và văn hóa đại chúng. Truyền thông là một bộ phận của nền văn hóa. Sự phát triển của internet, nhất là các phương tiện truyền thông mới, buộc chúng ta phải tìm cách thích ứng với các cách tiếp nhận và phổ biến văn hóa. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh của văn hóa đại chúng, các sự kiện văn hóa nước ngoài ở nước ta hiện nay cũng là một xu hướng khách quan. Do đó, cần hoàn thiện chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hai vấn đề này.
Thứ sáu, phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và truyền thông phù hợp với từng địa bàn; cụ thể là các tuần, ngày văn hóa Việt Nam, các lễ hội văn hóa - du lịch, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa - du lịch tại nước ngoài, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế lớn, như EXPO, Biennale, các liên hoan phim nổi tiếng quốc tế… Thành lập một số trung tâm văn hóa ở một số khu vực trọng điểm trên thế giới và xây dựng trung tâm dịch thuật, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Thiết lập đội ngũ tham tán văn hóa, tùy viên văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và hệ thống trung tâm văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ bảy, tiếp tục thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển, xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia. Tiến hành xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, xây dựng thị phần cho công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Xây dựng và phát triển một số liên hoan nghệ thuật quốc tế, sự kiện văn hóa quốc tế có thương hiệu tại Việt Nam, tạo điều kiện cho công chúng Việt Nam được tiếp cận với các nền văn hóa, nghệ thuật đa dạng của thế giới, khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế, uy tín đất nước.
Văn hóa là lĩnh vực rộng, có ảnh hưởng qua lại với các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, vì vậy, hội nhập quốc tế về văn hóa có thể gây tác động nhiều mặt đến xã hội nói chung, nên cần được tiến hành một cách chủ động, tích cực để đem lại lợi thế cho sự phát triển đất nước. Chúng ta không chỉ hội nhập quốc tế về văn hóa mà còn cần suy nghĩ nhiều hơn về hội nhập quốc tế bằng văn hóa. Từ đó, “sức mạnh mềm” văn hóa của đất nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để làm được điều đó, bên cạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hình thành thể chế và môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế khác, nhất là kinh tế tư nhân tham gia ngày càng tích cực hơn vào quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa./.