Bảo vệ môi trường và những vấn đề pháp lý đặt ra theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

09:07 04/04/2022

Các quan điểm, đường lối của Đảng về bảo vệ môi trường là cơ sở quan trọng để Nhà nước hoàn thiện pháp luật về môi trường. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nhiều nội dung mới về bảo vệ môi trường, từ đó đặt ra yêu cầu phải sớm thể chế các quan điểm này để triển khai vào thực tiễn trong thời gian tới.

Quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường  

Do nhiều thập kỷ, việc phát triển kinh tế có phần thiên về chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong khi lại thiếu quy hoạch bài bản, dẫn đến nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở nhiều nơi,… đã ảnh hưởng xấu đến đời sống của con người và sự phát triển bền vững của đất nước. Thực tiễn này đặt ra nhu cầu phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Đảng ta có nhiều chủ trương về bảo vệ môi trường thể hiện trong các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến Đại hội XIII; trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, sửa đổi, bổ sung năm 2011; trong các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991 - 2000, 2001 - 2010, 2011 - 2020, 2021 - 2030; Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 25-6-1998, của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 15-11-2004, “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”... Quan điểm xuyên suốt của Đảng từ năm 1991 đến nay là thúc đẩy thực hiện phát triển bền vững; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Trong đó, Đảng nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong bảo vệ môi trường (từ hệ thống chính trị đến toàn xã hội, mọi công dân). Chú trọng kiểm soát ô nhiễm môi trường; khai thác sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu… Về cơ bản, các quan điểm này có sự phát triển qua từng giai đoạn và được thể chế vào các quy định của pháp luật.

Các cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình trên đường tuần tra bảo vệ rừng_Ảnh: TTXVN

Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001 chỉ ghi nhận chung về bảo vệ môi trường tại Điều 29, thì đến Hiến pháp 2013 thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ khi lần đầu tiên ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43); thực hiện phát triển bền vững (Điều 50); bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (Điều 63).

Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và nay là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng thể hiện sự chuyển hóa rõ rệt quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường, từ việc quy định chung ban đầu về bảo vệ môi trường qua các lần sửa đổi, thay thế, Nhà nước đã thể chế các quan điểm của Đảng về chủ động kiểm soát ô nhiễm môi trường; tăng cường vai trò của Nhà nước, cộng đồng trong bảo vệ môi trường; bổ sung nguyên tắc bảo đảm phát triển bền vững, nguyên tắc bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc coi trọng bảo vệ tài nguyên nước được thể hiện qua sự chuyển biến trong quy định từ Luật Tài nguyên nước năm 1998 đến Luật Tài nguyên nước năm 2012, theo hướng ngày càng coi trọng bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước; coi nước là một loại hàng hóa; khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, đặc biệt là nước sinh hoạt. Quy định gây ô nhiễm phải trả tiền, phải bồi thường thiệt hại cũng được hoàn thiện qua các Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 và nay là Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài bồi thường thiệt hại khi gây ô nhiễm môi trường, pháp luật còn quy định trách nhiệm hình sự với các chủ thể có hành vi gây ô nhiễm môi trường, kể cả với các cá nhân và pháp nhân, thể hiện qua sự chuyển biến trong quy định về vấn đề này từ Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009, đến Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bên cạnh đó, quan điểm của Đảng về vấn đề khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên sinh vật và vi sinh vật, bảo vệ môi trường biển và hải đảo… cũng đã được thể chế trong Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015. Đồng thời, quan điểm về khai thác thủy sản theo hướng bền vững, phù hợp với các điều ước quốc tế; xã hội hóa dịch vụ công, phân cấp quản lý được thể hiện rõ hơn khi Nhà nước ban hành Luật Thủy sản 2017 thay thế Luật Thủy sản 2003.

Về vấn đề bảo vệ, phát triển rừng cũng có sự phát triển cùng với việc ngày càng coi trọng kinh tế lâm nghiệp; thừa nhận rừng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư; giao rừng cho người dân; quy định chặt chẽ chuyển mục đích rừng tự nhiên, dịch vụ môi trường rừng, chế biến thương mại lâm sản góp phần phát triển kinh tế đất nước đã được thể chế hóa và ngày càng hoàn thiện từ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đến Luật Lâm nghiệp năm 2017. Quan điểm về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học được thể chế trong Luật Đa dạng sinh học năm 2008,…

Các quan điểm của Đảng được thể chế vào các văn bản pháp luật đã cơ bản góp phần quan trọng thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học… Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được, thực tiễn thực hiện bảo vệ môi trường ở nước ta còn những hạn chế, bất cập:

Một là, môi trường ở nhiều nơi còn ô nhiễm nặng nề; tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học ngày càng bị suy thoái; quyền được sống của người dân trong môi trường trong lành chưa thực sự được bảo đảm; Hai là, vai trò, trách nhiệm các cấp, các ngành, cộng đồng và doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường chưa được phát huy đầy đủ. Ý thức chấp hành pháp luật liên quan đến môi trường còn thấp; Ba là, các chế tài để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe và thiếu hiệu quả; Bốn là, quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên một số mặt còn lỏng lẻo; Năm là, chất lượng công tác quy hoạch, đánh giá, định giá tài nguyên còn hạn chế; Sáu là, chậm chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Trên thế giới, các mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Các thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới,… ngày càng nghiêm trọng. Ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn… ngày càng nhanh, với cường độ mạnh, khó lường. Những thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên, đất đai và xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa… sẽ tác động nặng nề đến phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Bối cảnh trên thế giới và trong nước đặt ra yêu cầu ngày càng cấp thiết đối với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện quan điểm ngày càng coi trọng công tác bảo vệ môi trường, đặt ra mục tiêu cụ thể về môi trường đến năm 2030: “1- Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; 2- Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; 3- Giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính; 4- 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; 5- Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia”(1). “Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 98%, trong đó riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 65%”(2).

Đây là những mục tiêu rất quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, thúc đẩy bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân. Để đạt được những mục tiêu đó, bên cạnh việc tiếp tục kế thừa các quan điểm được ghi nhận trong các văn kiện Đại hội trước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quan điểm về bảo vệ môi trường:

Thứ nhất, coi trọng bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành. Theo đó “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái”(3). Nâng cao chất lượng môi trường không khí, có biện pháp hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, xử lý rác thải ở các đô thị, khu vực đông dân cư.

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, nhấn mạnh “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường”(4)

Thứ ba, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước trong quản lý tài nguyên và môi trường (kiểm soát ô nhiễm môi trường; khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu). Theo đó, Nhà nước phải quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất, nước, rừng, biển, khoáng sản và đa dạng sinh học. Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường. Tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên, các ngành, doanh nghiệp dựa nhiều vào tài nguyên, các nguồn gây ô nhiễm, nguồn phát thải khí nhà kính. Chấn chỉnh công tác bảo vệ, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm, xâm hại môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học. Thực hiện nguyên tắc đối tượng gây ô nhiễm môi trường phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; đối tượng được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường. Thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường.

Thứ tư, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, bằng việc xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát biến đổi khí hậu; dự báo, cảnh báo thiên tai đến bảo vệ, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, cácbon thấp, giảm nguồn phát thải khí nhà kính(5).

Thứ năm, các vấn đề sinh thái, môi trường, nguồn nước, lương thực, y tế là những vấn đề mang tầm an ninh quốc gia. Trong đó, nhấn mạnh cần xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia. Thúc đẩy hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là cơ chế tài chính về khai thác, sử dụng tài nguyên nước bảo đảm công bằng, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc của kinh tế thị trường và quản lý tổng hợp nguồn nước, bảo đảm nghiêm ngặt an ninh nguồn nước, nhất là nước sạch cho sinh hoạt. Bảo đảm an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; tăng cường tích nước, điều tiết, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Kông và sông Hồng.

Thứ sáu, gắn vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường biển với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, điều tra tài nguyên, môi trường biển; xây dựng cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, nâng cao năng lực giám sát môi trường biển, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu vùng biển, ven biển.

Thứ bảy, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và sản xuất thu hồi năng lượng từ chất thải gắn với hình thành chuỗi sản xuất tiếp nối, liên tục. Đây là lần đầu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cho thấy quyết tâm phát triển một nền kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên.

Những quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường là cở sở quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có pháp luật môi trường trong thời gian tới.

Những vấn đề đặt ra trong thể chế hóa về bảo vệ môi trường theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa quan điểm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành trong cơ chế hiến pháp và cơ chế pháp lý thông thường(6). Đối với cơ chế hiến pháp cần cụ thể hóa khoản 2, Điều 119 Hiến pháp năm 2013 để hoàn thiện thiết chế bảo đảm quyền con người; với các cơ chế pháp lý thông thường cần phải bảo đảm pháp chế trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện các chủ thể có hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cũng như tổ chức, cá nhân và truyền thông đối với quá trình này. Nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Không khí sạch ở Việt Nam để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí đang ô nhiễm trầm trọng hiện nay(7).

Thứ hai, cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm phát triển bền vững vào pháp luật môi trường và các văn bản pháp lý liên quan theo hướng không chỉ hoàn thiện riêng một lĩnh vực pháp luật nào mà cần tiếp cận hoàn thiện đồng bộ pháp luật về phát triển bền vững theo nội hàm mở rộng đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, với các trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nghiên cứu tổng thể khung chính sách, pháp luật về phát triển bền vững,  hệ thống hóa, xây dựng thống nhất, đồng bộ các quy định về vấn đề này trong Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Biển Việt Nam..., trong đó quy định về ưu tiên đầu tư ngành nghề công nghệ cao, thân thiện môi trường; loại bỏ dự án gây ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, tiếp tục thể chế cụ thể, rõ ràng hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường(8). Cần đổi mới xây dựng hoàn thiện mô hình quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường theo hướng đề cao trách nhiệm của cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, cần thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, cơ quan ngang bộ khác; các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan với ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giữa ủy ban nhân dân cấp tỉnh với ủy ban nhân dân cấp huyện và ủy ban nhân dân cấp xã. Việc quy định về phân cấp, phân quyền rõ ràng sẽ giúp xác định được trách nhiệm pháp lý đối với từng chủ thể nếu không thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ pháp luật quy định.

Tuy nhiên, để tránh các cơ quan được trao quyền có thể lạm dụng quyền lực trong quản lý nhà nước về môi trường, thì việc hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định pháp luật thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật môi trường. Áp dụng nguyên tắc chi phí và lợi ích trong quy định về xác định mức xử phạt vi phạm về môi trường để bảo đảm các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật môi trường lựa chọn tuân thủ pháp luật.

Thứ tư, cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Bên cạnh trách nhiệm của Nhà nước, cần gắn với nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, các nhà khoa học, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân trong hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường, đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đẩy mạnh sử dụng các công cụ kinh tế, cũng như các yếu tố thị trường, xã hội trong bảo vệ môi trường. Cần dựa trên nguyên tắc tiếp cận theo quyền để xây dựng các quy định cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư chủ động tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường. Ví dụ: công dân có quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được tham vấn, quyền được giám sát, quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện…, pháp luật phải bảo đảm các quyền này của công dân một cách thực chất khi tham gia vào quan hệ pháp luật môi trường.

Phát động trồng cây rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu tại đầm Thủy Triều, huyện Cam Lâm, tỉnh  Khánh Hòa _ Nguồn:  nguoiduatin.vn

Thứ năm, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cần nghiên cứu ban hành Luật Về ứng phó với biến đổi khí hậu để thể chế đầy đủ hơn các quan điểm của Đảng, các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế về lĩnh vực này.

Thứ sáu, xây dựng hoàn thiện thể chế pháp lý về an ninh môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có quy định bước đầu về an ninh môi trường, tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lại bỏ thuật ngữ “an ninh môi trường”, do đó, cần sớm bổ sung vấn đề này vào hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường.  

Thứ bảy, về an ninh nguồn nước, cần thể chế hóa quan điểm về an ninh nguồn nước trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vào các quy định pháp luật. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chưa có quy định về an ninh nguồn nước. Do vậy, vấn đề này cần được bổ sung quy định trong Luật Tài nguyên nước năm 2012 sửa đổi tới đây, theo hướng bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả tài nguyên nước. Quá trình sử dụng tài nguyên nước phải bảo đảm công bằng, hiệu quả, bền vững và dựa trên cơ sở thị trường và quản lý tổng hợp nguồn nước, bảo đảm nghiêm ngặt an ninh nguồn nước, nhất là nước sạch cho sinh hoạt. Bên cạnh đó, cần thể chế hóa quan điểm bảo vệ tài nguyên môi trường biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia, cần sớm được cụ thể hóa trong Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo và các văn bản pháp lý liên quan.

Thứ tám, hoàn thiện thể chế về mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có quy định về vấn đề này như: sản phẩm dịch vụ thân thiện môi trường (Điều 145), mua sắm xanh (Điều 146), tín dụng xanh (Điều 149), trái phiếu xanh (Điều 50)… Phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển tất yếu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do vậy, cần xây dựng thể chế pháp lý về mô hình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn, tổ hợp phát triển kinh tế tuần hoàn. Vấn đề này bước đầu được ghi nhận trong khoản 11 Điều 5, Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Do vậy, Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể thực hiện điều luật này cũng như xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường./.

TS. BÙI ĐỨC HIỂN
Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
-------------------------------
(1), (2), (3), (4). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I,  tr 219 - 220, 276, 117, 114
(5) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 154
(6) Xem: Bùi Đức Hiển: “Mấy góp ý về quyền được sống trong môi trường trong lành trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Số 6 (302), 2013, tr.12-18.
(7) Xem: Bùi Đức Hiển: Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.
(8) Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 dành Chương XV quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tại Chương này đã có các quy định xác định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan, cũng như ủy ban nhân dân các cấp.
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/825044/bao-ve-moi-truong-va-nhung-van-de-phap-ly-dat-ra-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx 

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/