50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

21:37 04/08/2024

Ngày 23-7-2024, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Hội thảo đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2025).
PGS, TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo_Ảnh: Hà Phương

Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đại diện lãnh đạo một số ban, ngành của thành phố Hà Nội, các nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện nhiều cơ quan khoa học...

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. 50 năm qua, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã có những thành công cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người đã có những bước đổi mới, phát triển quan trọng phù hợp với từng chặng đường của cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân; được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đồng chí Phạm Văn Linh cho biết, đến nay, văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả cao.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính của những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa là “việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”. Đồng thời, yêu cầu phải “phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới”. Đồng chí Phạm Văn Linh mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học với tinh thần dân chủ, cởi mở phát biểu về các nội dung trên, góp phần xây dựng cơ sở phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, góp phần công tác hoạch định đường lối của Đảng trong Đại hội lần thứ XIV tới đây. Đồng thời hướng tới tiếp tục hoàn thiện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng.

TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội thảo_Ảnh: Hà Phương

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, với chiều dài lịch sử, bề dày văn hiến nghìn năm, Hà Nội luôn luôn nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài; văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội; quan điểm bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Vì thế, hội thảo là dịp để Hà Nội có cơ hội giao lưu, trao đổi, thảo luận giới thiệu với các đại biểu về mảnh đất, con người Thủ đô với truyền thống trong lịch sử và hiện tại. Đồng chí Nguyễn Văn Phong mong muốn hội thảo sẽ cung cấp thêm các luận cứ quan trọng để Đảng bộ Thành phố Hà Nội nghiên cứu, xây dựng văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố Hà Nội trong thời gian tới một cách bài bản, chất lượng.

Toàn cảnh Hội thảo_Ảnh: Hà Phương 

Hội thảo nhận được 46 báo cáo tham luận, 9 ý kiến phát biểu trực tiếp tập trung vào các nội dung trọng tâm, đó là: (i) Những thành tựu, hạn chế và những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc qua 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; (ii) Đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc 50 năm qua; (iii) Những vấn đề đặt ra hiện nay và định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới.

Hội thảo là một bước thảo luận nhằm nhận thức, đánh giá đúng và đầy đủ hơn những thành tựu và những vấn đề đặt ra 50 năm qua trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng cơ sở phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, góp phần vào công tác hoạch định đường lối của Đảng trong Đại hội XIV và hướng tới tiếp tục hoàn thiện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng./.

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/