Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, phát triển con người và những gợi ý tham chiếu cho Việt Nam

16:18 25/10/2023

Con người là nhân tố quyết định thành công trong chiến lược phát triển của mọi quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, xây dựng, phát triển con người là mối quan tâm thường trực của cả nhân loại. Tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng, phát triển con người của các quốc gia có giá trị tham chiếu trong hoạch định các chính sách xây dựng, phát triển con người ở Việt Nam hiện nay.

Quan điểm của Liên hợp quốc về phát triển con người

Kể từ khi thành lập đến nay, Liên hợp quốc đặc biệt quan tâm và đã có nhiều đóng góp trong việc đưa ra những quyết sách chung đối với vấn đề phát triển bền vững, phát triển con người. Trong Báo cáo Phát triển con người toàn cầu (gọi tắt là Báo cáo) được ra đời đầu tiên năm 1990, Liên hợp quốc đã định nghĩa lại khái niệm “phát triển con người”, khẳng định và làm rõ vai trò chủ thể của con người trong phát triển bền vững. Báo cáo năm 1990 nhấn mạnh vào việc hình thành các khả năng của con người trên cơ sở cải thiện sức khỏe và các kỹ năng cũng như cách thức sử dụng các kỹ năng này để tạo dựng cuộc sống, mở rộng sự tiếp cận và lựa chọn các nguồn lực thiết yếu để phát triển con người(1). Sau đó, Báo cáo năm 2015 nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực con người và tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện, đặt phát triển con người trong mối quan hệ với các lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội, môi trường(2). Báo cáo năm 2019 tiếp tục nhấn mạnh đến năng lực con người, trong đó bao gồm cả năng lực cơ bản và năng lực nâng cao(3). Báo cáo năm 2020 đặt trọng tâm vào mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và kỳ vọng sẽ mở ra cuộc đối thoại ở cấp độ toàn cầu và ở mỗi quốc gia về việc thiết kế lại con đường phát triển, thể hiện sự tôn trọng mối quan hệ tương sinh giữa con người và trái đất(4).

Cùng với các Báo cáo Phát triển con người, bộ công cụ về Chỉ số Phát triển con người (HDI) tiếp tục được Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) điều chỉnh, bổ sung để làm rõ hơn các khía cạnh xã hội của phát triển con người nhằm cùng với các quốc gia nỗ lực thực hiện các mục tiêu cải thiện chất lượng sống của người dân. Đến năm 2020, ngoài các chỉ số đo lường về y tế, giáo dục và mức sống của các quốc gia đã được tiến hành trong suốt 30 năm qua, Liên hợp quốc bổ sung thêm đo lường chỉ số lượng phát thải CO2 và mức tiêu thụ nguyên vật liệu trên đầu người của mỗi quốc gia.

Xây dựng, phát triển con người là mối quan tâm thường trực của cả nhân loại_Nguồn: istockphoto.com

Quan điểm của Liên minh châu Âu về phát triển con người

Liên minh châu Âu (EU) khẳng định thước đo sự phát triển của các quốc gia phải là sự phát triển con người sống tại các quốc gia đó thay vì đo lường tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, Chỉ số Phát triển con người của Liên hợp quốc chỉ đo lường sự phát triển con người ở cấp quốc gia tổng thể mà không thể hiện sự chênh lệch giữa các vùng trong cùng một quốc gia và chỉ số này có thể lớn hơn sự chênh lệch giữa các quốc gia nói chung. Do đó, Liên minh châu Âu đã phát triển một chỉ số tổng hợp về phát triển con người ở khu vực này phù hợp với bối cảnh châu Âu, lấy khu vực thay vì quốc gia làm đơn vị phân tích cơ bản và cho phép so sánh các khu vực theo mặt cắt cũng như theo thời gian. Liên minh châu Âu đã đề xuất chỉ số phát triển con người theo khu vực (EU-RHDI). Bộ chỉ số này gồm 3 khía cạnh cấu thành: Sức khỏe, tri thức và việc làm. Đối với khía cạnh sức khỏe, EU đã xem xét 7 chỉ số là: Tuổi thọ trung bình; tuổi thọ khỏe mạnh; tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh; tỷ lệ tiếp cận chăm sóc sức khỏe; tỷ lệ tử vong ở tuổi 70; tỷ lệ tử vong dưới 70 tuổi; tỷ lệ tử vong dưới 65 tuổi. Đối với khía cạnh tri thức, EU đã xem xét 9 chỉ số: Tỷ lệ người nghỉ học sớm; tỷ lệ không có việc làm, giáo dục hoặc đào tạo; tỷ lệ học tập suốt đời; tỷ lệ tri thức; tỷ lệ % người 30 tuổi - 34 tuổi có trình độ đại học; nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; tỷ lệ nhân sự hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở; tỷ lệ giáo dục đại học phổ thông. Đối với khía cạnh việc làm, EU xem xét 6 chỉ số: Thất nghiệp dài hạn; có việc làm; tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); thu nhập bình quân đầu người; thu nhập ròng khả dụng của hộ gia đình được điều chỉnh; tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế.

Bên cạnh việc mở rộng nội hàm khái niệm xây dựng, phát triển con người, EU còn có cách tiếp cận về xây dựng, phát triển con người trên khía cạnh quyền con người. Cách tiếp cận dựa trên quyền con người nhằm thúc đẩy sự đáp ứng các quyền và tự do của con người trong quá trình phát triển, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của các chính phủ trong việc trao các quyền cho công dân.

Chính sách xây dựng, phát triển con người của các nước Bắc Âu

Bắc Âu đã xây dựng một hệ thống nhà nước phúc lợi hiệu quả với mô hình nhà nước phúc lợi dân chủ xã hội. Các chính sách xã hội, như ưu đãi tài chính, y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em miễn phí, bảo đảm sinh kế xã hội, giáo dục miễn phí ở một vài cấp độ là những chính sách quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của con người. Việc phát triển con người ở khu vực Bắc Âu được coi là một trong những trọng tâm chính sách của khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của các quốc gia tại đây. Sự ưu tiên đó được thể hiện thông qua các chính sách cụ thể với nhiều nhóm đối tượng khác nhau, trong đó, đặc biệt quan tâm đến trẻ em và giới trẻ.

Hiện nay, 4/5 nước Bắc Âu được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đánh giá xếp hạng ở nhóm các nước hàng đầu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có chế độ chăm sóc tốt nhất cho trẻ em và trên bình diện chung có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc hỗ trợ trẻ em. Một loạt các cuộc cải cách giáo dục để phát triển con người tại Bắc Âu từ sau thế kỷ XX đến nay đã từng bước góp phần tạo ra một mô hình giáo dục Bắc Âu coi trọng con người. Trong đó, một trong những chính sách cơ bản về giáo dục của Bắc Âu là hầu hết trẻ em bắt buộc học ở khu vực trường công và miễn phí.

Khu vực Bắc Âu được coi là nơi có ngân sách đầu tư cho giáo dục thuộc hàng cao của thế giới. Năm 2016, kinh phí cho giáo dục của Na Uy chiếm 6,6% GDP trong khi con số trung bình của các nước thuộc OECD là 5%(5). Chính sách giáo dục hướng đến là “có kỹ năng để làm việc” sau khi ra trường, tức là hướng người học đến những kỹ năng và chất lượng kiến thức ngoài chương trình, coi đó là một nguồn tìm kiếm tiềm năng cho thị trường lao động(6). Mục tiêu của các chính sách đối với giới trẻ Bắc Âu là hỗ trợ trẻ em, thanh niên tham gia chủ động vào các hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội để thúc đẩy khả năng trên nhiều phương diện khác nhau, từ đó gia tăng chất lượng nguồn nhân lực, nâng vị thế quốc gia trên trường quốc tế(7). Giáo dục Bắc Âu nhấn mạnh đến việc xây dựng người công dân trong tương lai có ý thức tham gia tích cực và có trách nhiệm với xã hội, vì lợi ích cộng đồng, có sự tôn trọng nhân quyền, tôn trọng sự bình đẳng, công bằng của các nhóm xã hội. Các quốc gia Bắc Âu đều thống nhất nhìn nhận con người là nguồn lực quan trọng nhất của quốc gia và đặt trọng tâm chính sách phát triển vào con người thông qua bảo đảm người dân được hưởng nền giáo dục chất lượng tốt nhất có thể.

Chính sách xây dựng, phát triển con người ở Hoa Kỳ

Các chương trình, kế hoạch hay chiến lược phát triển con người ở cấp quốc gia của Hoa Kỳ đều có tính phi tập trung cao, ngay cả các chương trình do chính phủ thực hiện, diễn ra ở nhiều cấp độ (liên bang, tiểu bang, khu vực và địa phương). Quyền lực của các bang đóng vai trò quan trọng và chủ yếu trong phát triển con người. Ví dụ ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vai trò của chính phủ liên bang bị giới hạn, các cơ quan liên bang thường chỉ có vai trò trong việc cung cấp kinh phí để hỗ trợ các sáng kiến phát triển con người ở các bang.

Ở cấp độ liên bang, chính phủ thường sẽ có các chương trình phát triển con người dành riêng cho các đối tượng yếu thế. Các thành phố tự trị địa phương, quận, tiểu bang và các tổ chức chính quyền khu vực sẽ tập trung tài trợ và cung cấp các chương trình phát triển lực lượng lao động cho các đối tượng khác.

Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế lớn, chính phủ, các nhóm cộng đồng, tổ chức phi chính phủ, tổ chức nghề nghiệp và giáo dục đều có tác động đáng kể đến việc xây dựng và phát triển con người. Các tập đoàn lớn tập trung vào phát triển nhân viên thông qua các chương trình của các bộ phận, phòng ban đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Ở một số tập đoàn, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đã được chuyên nghiệp hóa thành các trường đại học doanh nghiệp. Hiện nay, ở Hoa Kỳ đã có hơn 4.000 trường đại học doanh nghiệp.

Chính sách xây dựng, phát triển con người ở các nước Đông Nam Á

Hội nghị cấp cao lần thứ 36 ASEAN (năm 2020) đã ra Tuyên bố về Phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục khẳng định cam kết Tầm nhìn ASEAN 2025 về xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng đến con người và lấy con người làm trung tâm, người dân có được chất lượng cuộc sống cao hơn và hưởng các lợi ích của việc xây dựng cộng đồng. Các quốc gia thành viên ASEAN đã xây dựng và thực thi nhiều chính sách phát triển con người, trong đó tập trung vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề nhằm phát triển nguồn nhân lực.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore được coi là hình mẫu về phát triển nguồn nhân lực. Thực tế đã minh chứng, Singapore rất thành công trong việc xây dựng một đất nước có trình độ dân trí cao và hệ thống giáo dục phát triển hàng đầu châu Á. Năm 2013, Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng Singapore đứng thứ ba toàn cầu và đứng thứ nhất ở châu Á về cách khai thác nguồn tài nguyên con người(8). Chỉ số phát triển con người HDI của nước này là 0,939, đứng đầu Đông Nam Á và thứ 12 trên thế giới vào năm 2021(9).

Singapore ưu tiên chính sách đầu tư hạ tầng cho phát triển giáo dục tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế; đổi mới, học hỏi từ các mô hình học tập nước ngoài để tìm ra mô hình học tập tốt nhất. Chính sách của Chính phủ hướng tới việc khuyến khích cả người dạy và người học. Singapore đề cao việc lựa chọn kỹ lưỡng và phát triển giáo viên nhằm bảo đảm tạo ra đội ngũ giảng dạy tốt nhất. Các sinh viên nếu thi đậu vào ngành sư phạm sẽ được Bộ Giáo dục Singapore (MOE) bảo đảm có việc làm. Bộ Giáo dục cũng có trách nhiệm cung cấp cho trẻ em một nền giáo dục cân bằng và toàn diện, phát triển hết khả năng và nuôi dưỡng trẻ em trở thành những công dân tốt, có ý thức trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và đất nước. Hệ thống đào tạo kỹ thuật và dạy nghề cung cấp các chương trình và lộ trình đa dạng để đáp ứng các nhu cầu, sở thích và nguyện vọng học tập khác nhau. Singapore luôn chú trọng đặc biệt vào giáo dục đại học. Các cơ quan chính phủ khác nhau, như Bộ Giáo dục, Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ Nhân lực cùng hợp tác để cải thiện khả năng có việc làm của sinh viên và cung cấp cho các ngành nguồn nhân lực có trình độ để thúc đẩy kinh tế phát triển. Từ những thập niên cuối thế kỷ XX, Singapore triển khai chương trình “Nhà trường tư duy, quốc gia học tập” (Thinking schools, learning nation), tiếp theo là chương trình “Dạy ít, học nhiều” (Teach less, learn more). Những yếu tố có thể trở thành “biển chỉ dẫn” cho nền giáo dục Singapore là: Xây dựng kiến thức (không chỉ truyền đạt kiến thức); hiểu (không chỉ ghi nhớ); chú trọng phương pháp sư phạm (không chỉ tiến hành hoạt động); tạo dựng xu hướng xã hội (không chỉ học tập cá thể); học với định hướng của bản thân (không chỉ với định hướng từ giáo viên); đưa ra những đánh giá và tự đánh giá mang tính định hình (không chỉ tổng hợp điểm); học về cách học (không chỉ học về chủ điểm)(10).

Một số gợi ý tham chiếu cho Việt Nam trong xây dựng, phát triển con người

Thông qua việc tìm hiểu quan điểm của Liên hợp quốc, của Liên minh châu Âu về phát triển con người cũng như kinh nghiệm của Hoa Kỳ, các nước Bắc Âu và một số nước Đông Nam Á trong xây dựng, thực hiện chính sách phát triển con người, có thể rút ra một số gợi ý tham chiếu cho Việt Nam trong việc hoạch định, thực thi chính sách xây dựng, phát triển con người hiện nay.

Thứ nhất, cần có sự chủ động, sáng tạo trong tiếp nhận các quan điểm phát triển con người.

Quan điểm phát triển con người của Liên hợp quốc thể hiện qua các báo cáo về phát triển con người và chỉ số phát triển con người là một thước đo sự phát triển được các quốc gia tán đồng. Tuy nhiên, ngay cả thước đo này cũng cần phải có những tính toán cụ thể hơn nữa để phù hợp với bối cảnh từng quốc gia. Thực tế cho thấy, Liên minh châu Âu đã dựa trên cơ sở chỉ số phát triển con người do Liên hợp quốc đưa ra để xây dựng chỉ số phát triển con người ở khu vực EU với mục đích có một thước đo phù hợp hơn với khoảng cách giữa các vùng trong từng quốc gia, lấy khu vực thay vì quốc gia làm đơn vị phân tích cơ bản chỉ số phát triển con người. Như vậy, các bộ chỉ số đo lường mang tính quốc tế tuy rất công phu nhưng chỉ có ý nghĩa so sánh giữa các quốc gia chứ chưa hoàn toàn phản ánh thực chất việc phát triển con người trong quốc gia đó. Do đó, cần có sự linh hoạt, sáng tạo trong tiếp nhận các quan điểm, các bộ chỉ số đo lường về phát triển con người, cũng như cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn để hướng tới mục tiêu đo lường thực chất sự phát triển của quốc gia.

Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo, phát triển toàn diện thế hệ trẻ_Nguồn: Tư liệu

Thứ hai, xây dựng, phát triển con người phải dựa trên quan điểm toàn diện.

Chính sách xây dựng, phát triển con người là một chính sách lớn, có vị trí trung tâm trong tổng thể chính sách quốc gia và phải được đặt trong mối quan hệ với các chính sách phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường. Các chính sách phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội cần đặt con người vào vị trí trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển. Cần có quy định mang tính pháp lý về đánh giá tác động của các chính sách này đối với sự phát triển con người. Tính toàn diện còn thể hiện ở mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện: cả tri thức, kỹ năng, phẩm chất đạo đức, cảm xúc và thể lực. Tính toàn diện còn thể hiện ở cách thức tiếp cận phát triển con người. Đó là phát triển con người vừa được tiếp cận trên cơ sở phát huy các năng lực (cơ bản và nâng cao), vừa được tiếp cận dựa trên các quyền con người.

Thứ ba, việc xây dựng, phát triển con người cần có trọng tâm và trọng điểm.

Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới trong hoạch định và thực thi chính sách phát triển con người trước hết đều tập trung vào lĩnh vực giáo dục. Với các quốc gia phát triển như các nước Bắc Âu, chính phủ đóng vai trò quyết định trong việc điều tiết nguồn lực xã hội dồi dào để phát triển hệ thống giáo dục công lập, miễn phí ở một số cấp học, xác định mục tiêu giáo dục, với quan điểm giáo dục nhằm xây dựng người công dân trong tương lai có trách nhiệm với xã hội, tôn trọng pháp luật. Ở Hoa Kỳ có sự tham gia của nhiều chủ thể trong phát triển hệ thống giáo dục, từ chính quyền các bang đến cộng đồng, các tổ chức nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Chính phủ can thiệp bằng công cụ pháp luật. Với một số nước khu vực Đông Nam Á (tiêu biểu là Singapore), chính phủ đóng vai trò xác định mục tiêu giáo dục, ưu tiên hỗ trợ đổi mới giáo dục, chú ý cả kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, đổi mới nội dung chương trình, có chế độ đãi ngộ, khuyến khích người dạy và thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, quốc gia học tập. Việc chú trọng phát triển giáo dục trước hết nhằm tạo dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Tùy theo tầm nhìn, mục tiêu, sứ mệnh giáo dục mà các quốc gia sẽ có những thứ tự ưu tiên khác nhau. Nếu các nước Bắc Âu tập trung vào chương trình giáo dục trẻ em và giới trẻ, thì các nước Đông Nam Á ưu tiên cho giáo dục đại học. Các quốc gia cũng rất chú trọng đến đào tạo dạy nghề để hình thành đội ngũ lao động lành nghề. Trong kỷ nguyên số, giáo dục gắn liền với quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện cả trong nội dung, phương pháp giáo dục, cách thức vận hành nền giáo dục và những ngành học mới xuất hiện dựa trên các nền tảng số. Đây là những kinh nghiệm quý cho Việt Nam trong việc xác định trọng tâm, trọng điểm từng giai đoạn, thời kỳ trong quá trình phát triển đất nước, con người.

Thứ tư, cần nghiên cứu thể chế hóa quan điểm xây dựng, phát triển con người thành các luật để tạo sự đồng bộ, nhất quán trong triển khai.

Kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho thấy, mặc dù chính phủ không can dự sâu vào bộ máy, chính sách phát triển con người, phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, nhưng thực chất họ đã điều chỉnh chính sách này thông qua hệ thống luật pháp. Trong quá trình xây dựng hệ thống luật pháp liên quan đến phát triển con người cần có sự thống nhất, bổ trợ cho nhau giữa các luật, tránh tình trạng chồng chéo.

Mỗi quốc gia có thể chế chính trị, lịch sử, văn hóa và các điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Chính vì vậy, một mô hình nhất định có thể thành công ở quốc gia này nhưng lại không thành công ở quốc gia kia, do đó, không nên sao chép hay áp đặt máy móc bất cứ một mô hình phát triển con người nào trên thế giới vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, phát triển con người là cần thiết để tìm ra những gợi mở hữu ích cho việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam với tư cách là chủ thể của quá trình phát triển đất nước hiện nay. Trên cơ sở những gợi ý đó, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể cũng như những mục tiêu phát triển của đất nước, có thể tham khảo hoạch định những chính sách xây dựng, phát triển con người Việt Nam phù hợp, thiết thực trong bối cảnh mới./.

PGS, TS VŨ THỊ PHƯƠNG HẬU
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
---------------------------------
* Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài “Xây dựng, phát triển con người Việt Nam - chủ thể của quá trình phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới”, mã số: KX.04.23/21-25 do PGS, TS Vũ Thị Phương Hậu làm Chủ nhiệm, thuộc Chương trình “Nghiên cứu khoa học lý luận giai đoạn 2021 - 2025”, mã số: KX.04/21-25
(1) UNDP: Human Development Report 1990,  https://hdr.undp.org/system/files/documents/hdr1990encompletenostatspdf.pdf
(2)                   UNDP: Human Development Report 2015https://hdr.undp.org/system/files/documents/hdr15standaloneoverviewenpdf.pdf
(3) UNDP: Human Development Report 2019, https://hdr.undp.org/system/files/documents/hdr2019pdf.pdf  
(4) UNDP: Human Development Report 2020https://www.undp.org/turkiye/publications/2020-human-development-report; Fore word
(5) OECD: Education Policy Outlook - Norway, June 2020, p. 25
(6) L. Harvey: “Defining and Measuring Employability”, Quality in Higher Education, 7/2, 2001, pp. 98-109
(7) H. Helve: “Youth policies in the Nordic countries”, pp. 151-164, p. 153
(8) Trần Phương: “Singapore đứng thứ ba thế giới về phát triển nhân lực”, đăng trên Báo Tuổi trẻ online, ngày 2-10-2013, https://tuoitre.vn/singapore-dung-thu-ba-the-gioi-ve-phat-trien-nhan-luc-572193.htm
(9) Cao Thị Hà: “Cải thiện chỉ số phát triển con người của Việt Nam - hướng tới thuộc nhóm nước có chỉ số cao ở Đông Nam Á”, đăng trên Tạp chí Con số và sự kiện điện tử, ngày 17-6-2023, https://consosukien.vn/cai-thien-chi-so-phat-trien-con-nguoi-cua-viet-nam-huong-toi-thuoc-nhom-nuoc-co-chi-so-cao-o-dong-na.htm
(10) Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: “Singapore cải cách giáo dục theo hướng dạy ít, học nhiều (P.2)”, đăng trên Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngày 10-12-2009, https://vusta.vn/singapore-cai-cach-giao-duc-theo-huong-day-it-hoc-nhieu-p2-p64820.html
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Tỉ giá ngoại tệ

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/