Tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn mới

10:01 04/12/2023

Thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên _Nguồn: thainguyen.gov.vn

Một số kết quả nổi bật trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện và nâng cao đời sống nông dân

Việt Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Thực hiện và thể chế hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án và cơ chế, chính sách, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tích hợp đa giá trị, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện... Qua đó, đóng góp to lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an sinh, an dân và phát triển đất nước. Cụ thể:

Nông nghiệp tăng trưởng nhanh, ổn định trong một thời gian dài, đa dạng hóa và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, hiện đại, chuyển mạnh theo hướng phát huy lợi thế, sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; an toàn thực phẩm được coi trọng, bảo đảm. Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều sản phẩm nông nghiệp được nâng cao, có khả năng cạnh tranh và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 2011 - 2020 đạt 2,93%/năm; trong đó, năm 2021 đạt 3,27% và năm 2022 đạt 3,36%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,07%. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2020 đạt 341,7 tỷ USD, bình quân đạt 34,17 tỷ USD/năm, tăng trưởng 5,38%/năm. Riêng năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt kết quả cao kỷ lục 53,53 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2021, có 12 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh xuyên biên giới (như dịch bệnh COVID-19) hay mâu thuẫn địa - chính trị, xung đột quân sự giữa các nước, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới đã đáp ứng nguyện vọng người dân nông thôn, trở thành phong trào mạnh mẽ, lan rộng cả nước, ngày càng thu hút được sự tham gia của cộng đồng xã hội; thành tựu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá là to lớn, toàn diện và lịch sử, đạt được bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Lũy kế đến hết tháng 8-2023, cả nước có 6.031/8.167 xã (chiếm 73,85%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 1.521 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 225 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 264 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 41% số huyện cả nước). Cả nước có 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; công nhận 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 5.361 chủ thể tham gia.

Nông dân phát huy tốt hơn vai trò chủ thể theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ người nghèo, địa phương nghèo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2022 đạt 47,2 triệu đồng, tăng 1,12 lần so với năm 2020 và 5,13 lần so với năm 2008. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần (năm 2008) còn dưới 1,8 lần (năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm 1 - 1,5%/năm, đã về đích trước 10 năm thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao; phúc lợi xã hội và đời sống người nông dân được cải thiện. 

Để có được thành tựu trên là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất cụ thể, quyết liệt của Đảng và Nhà nước; sự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị trong việc lựa chọn giải pháp đột phá, như mở cửa thị trường, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của xã hội, doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn xã hội; thường xuyên quan tâm đến đời sống người dân, quán triệt tinh thần “phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau”,...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm vườn vải thiều của người dân thôn Chão, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang _Nguồn: bacgiang.gov.vn

Để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới

Trước bối cảnh và yêu cầu của thời kỳ mới, Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 “Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”(1), “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(2), “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(3). Trong đó, Đại hội XIII yêu cầu tiếp tục chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh(4).

Cụ thể hóa Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra mục tiêu chính là tiếp tục phát triển bền vững theo 3 trụ cột “kinh tế, xã hội và môi trường”, hướng tới thực hiện mục tiêu tổng quát: Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc với môi trường sống tốt đẹp, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và dịch vụ tiệm cận với đô thị; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: 1- Tăng trưởng GDP toàn ngành 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp 5,5 - 6%/năm; 2- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%, trong đó 35% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3- Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020; 4- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%. Hằng năm, bình quân đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và đào tạo nghề nghiệp khác đạt khoảng 1,8 triệu lao động nông thôn, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%; 5- Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; giảm phát thải nhà kính trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái.

Mục tiêu chủ yếu đến 2025: 1- Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,5 - 3%/năm; 2- Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48 - 50 tỷ USD; 3- Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; có 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 15 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 4- Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; 5- Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%.

Để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các luật, nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về “Cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh” trong toàn ngành và đến các cấp, ngành, địa phương, người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại.

Hai là, tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn; thúc đẩy mạnh hơn vai trò chủ thể của nông dân. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân theo hướng nông dân giàu có, văn minh và bảo đảm môi trường sinh thái.

Ba là, phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống, vật tư nông nghiệp và cũng đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp(5). Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Bốn là, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp. Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề phù hợp với quy hoạch và điều kiện cụ thể tại địa phương. Bảo tồn, phát triển các ngành, nghề, làng nghề, dịch vụ, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại đa dạng, đồng bộ.

Năm là, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực biên giới, biển, đảo, vùng khó khăn,... Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là các khu vực ven đô thị lớn, thị trấn, thị tứ, từng bước tiệm cận về điều kiện kết cấu hạ tầng, dịch vụ của đô thị; hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục, y tế; cung cấp nước sạch theo quy chuẩn. Khẩn trương, quyết liệt xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

 Sáu là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hoàn thiện, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa. Có cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác; hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, trồng rừng. Phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô; hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, phát triển trang trại, kinh tế hộ, kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã.

Bảy là, tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường; đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu lớn; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ công lập, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư, thực hiện khoán, đặt hàng sản phẩm khoa học - công nghệ, tạo đột phá về giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ thành lập vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; đẩy mạnh thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; đổi mới toàn diện hình thức tổ chức và nội dung đào tạo nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Tám là, ngành nông nghiệp cần chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ. Chú trọng phát triển thị trường nông sản trong nước, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn tài trợ; mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản, công nghệ giống, công nghệ môi trường, sử dụng lại phụ phẩm; tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.

LÊ MINH HOAN
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
------------------------------------------------
(1), (2), (3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 112, 166, 35, 44
(5) Cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính,... Phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát triển giống địa phương có giá trị cao; có cơ chế phù hợp để thúc đẩy viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu, chọn, tạo giống; nâng cao năng lực tự chủ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị, vật tư nông nghiệp. Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật, quản lý an toàn thực phẩm,...
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Tỉ giá ngoại tệ

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/