Thực hiện tốt sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân

13:31 22/12/2023

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 21/12.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TA)

Tại Hội nghị, các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí cũng như đời sống báo chí - truyền thông hiện nay; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, toàn diện cho năm 2024 và trong giai đoạn tới. Hội nghị thống nhất nhận định, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Điều này đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí phát huy hơn nữa những kết quả trong năm 2023; khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, nhìn chung trong năm 2023, báo chí đã làm “tốt hơn năm trước rất nhiều” trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị: nhanh hơn, kịp thời hơn, đặc biệt có nhiều sản phẩm báo chí rất xúc động, sâu sắc và chia sẻ hơn. Khả năng cạnh tranh của báo chí có những tiến bộ rất đáng kể. Công tác quản lý ngày một chuẩn mực, mạnh mẽ và tiến bộ hơn.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị.

Phân tích những khó khăn thách thức như biến đổi khí hậu, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước nhiều khó khăn, thách thức, nhiều điều khó đoán định, các cơ quan báo chí, người làm báo phải đồng hành tốt và kịp thời hơn để chia sẻ khó khăn với số đông mọi người trong xã hội, có trách nhiệm hơn trong định hướng dư luận. Các cơ quan báo chí tiếp tục sắp xếp cơ quan theo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025. Từng đơn vị báo chí sắp xếp lại tổ chức bộ máy mạnh, gọn và chuyên nghiệp để sản phẩm hấp dẫn hơn.

Nêu thực trạng, hiện có 63% đơn vị đạt mức yếu trong chuyển đổi số năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường khả năng cạnh tranh của từng cơ quan báo chí và cạnh tranh với các phương tiện truyền thông khác để hay hơn, hấp dẫn hơn, thu hút quảng cáo, đảm bảo chi phí hoạt động.

Theo Phó Thủ tướng, mỗi nhà báo trước tiên phải là một người tử tế để có các sản phẩm tử tế; luôn học hỏi từ các lớp tập huấn, chương trình công tác… và chính đồng nghiệp của mình, ở trong và ngoài nước; từ đó mỗi nhà báo bản lĩnh, trách nhiệm và tích cực hơn. Các cơ quan chủ quản trách nhiệm, sâu sắc hơn và tăng cường kiểm tra giám sát. Cần cân đối giữa ngân sách nhà nước và nguồn thu của đơn vị tự chủ với nguyên tắc đảm bảo đời sống, tạo điều kiện trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, ưu tiên cho hoạt động đổi mới và sáng tạo. Trong từng cơ quan báo chí, có những cơ chế chính sách để khuyến khích sự cạnh tranh tích cực trong từng nhà báo, từng tòa soạn với nhau.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đến công tác tài chính cho các cơ quan báo chí để thúc đẩy, khuyến khích và đảm bảo báo chí hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích; tháo gỡ cơ chế chính sách về tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, quy định liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương biểu dương và chúc mừng những kết quả quan trọng mà những người làm báo cả nước đã đạt được trong năm 2023.

Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: TA)

“Những kết quả trong năm 2023, trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định rất rõ vai trò, sứ mệnh của báo chí; khẳng định những nỗ lực bền bỉ, quyết tâm cao độ, thể hiện bản lĩnh, sự tâm huyết, trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan hội, cơ quan báo chí và người làm báo cả nước” – Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Tuy nhiênđồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng lưu ý, bên cạnh kết quả đạt được là chủ yếu, công tác báo chí cũng gặp những thách thức, bất cập, hạn chế. Đó là, nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội cả về nội dung, khả năng dẫn dắt, định hướng thông tin đến phương thức tiếp cận công chúng, độc giả, công nghệ và kinh tế báo chí. Một số cơ quan báo chí chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, thiếu nhạy cảm chính trị. Một bộ phận nhỏ người làm báo có biểu hiện mơ hồ về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp, tự cho mình “quyền lực” để dọa dẫm, sách nhiễu tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị cơ quan chức năng bị khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật, lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi có xu hướng tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và niềm tin của công chúng đối với báo chí. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí đã được quan tâm nhưng chưa tương xứng với tính chất, mức độ và thực trạng vi phạm khá nhức nhối trong thời gian qua.

Đề cập tới những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của đội ngũ người làm báo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, công tác báo chí đang đứng trước những yêu cầu, đòi hỏi mới. Thông tin, tuyên truyền cần khơi dậy khát vọng, củng cố niềm tin, tạo sự hứng khởi, khí thế quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Để công tác báo chí chất lượng, hiệu quả, cùng với những nhiệm vụ mà Hội nghị đã xác định cho năm 2024, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, quán triệt, nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí, của đội ngũ làm báo; cần thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”… Do vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ giai đoạn nào, những người làm báo cả nước cần luôn nỗ lực, quyết tâm, phải là người đi tiên phong trong công tác thông tin, tuyên truyền, thực hiện tốt sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thứ hai, năm 2024 là năm có nhiều sự kiện kỷ niệm quan trọng của đất nước, như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân; 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô… Ngoài những nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền thường xuyên, đối với các sự kiện này, đề nghị các cơ quan báo chí bám sát hướng dẫn của cơ quan chức năng, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, kịch bản tuyên truyền ngay từ đầu năm, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa cao. Đặc biệt, chúng ta đang triển khai tiến hành Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Báo chí, với thế mạnh về tư liệu và khả năng phát hiện, phản ánh, giám sát, phản biện, đề xuất, kiến nghị, cần góp phần đáng kể, tích cực vào việc triển khai nội dung đặc biệt quan trọng này.

Thứ ba, năm 2024 cần nỗ lực phát huy kết quả, thành tựu; thực sự quyết tâm trong việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, giải quyết, xử lý tốt những thách thức trong hoạt động báo chí để đạt được yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Cần tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật về báo chí, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 bám sát với quan điểm quản lý phải theo kịp sự phát triển của báo chí, truyền thông, phải tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, trong chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; phát huy hiệu quả và hoạt động thực chất hơn của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo để tạo sức răn đe, xử lý nghiêm minh đối với các hội viên vi phạm.

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: TA)

Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí. Quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác quy hoạch, quản lý, tạo điều kiện hỗ trợ hệ thống cơ sở đào tạo báo chí và đào tạo nguồn nhân lực làm công tác báo chí, truyền thông.

Tập trung xây dựng một khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ báo chí trong tình hình mới. Cần đào tạo cho được đội ngũ cán bộ báo chí có tư duy nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn sâu, khả năng thích ứng, nắm bắt và làm chủ công nghệ; có phẩm chất đạo đức trong sáng, biết trọng danh dự, tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân lên trước hết và trên hết.

Thứ tư, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan chủ quản báo chí cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Có cơ chế tạo điều kiện và hiệu quả thực chất về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, cơ chế đặt hàng thông tin, tuyên truyền để cơ quan báo chí hoạt động ổn định và phát triển. Ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan hành chính cần làm tốt công tác truyền thông chính sách theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cần thay đổi tư duy, xác định trách nhiệm chính trong truyền thông chính sách là của cơ quan mình, ngành mình, địa phương mình, cơ quan báo chí là phương tiện, là đối tác để triển khai thực hiện. Do vậy, rất cần bố trí nguồn lực hợp lý cho nội dung quan trọng này.

Thứ năm, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, hơn bao giờ hết, báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực là chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội; góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam; chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những mô hình mới. Tăng cường các tuyến bài, chương trình góp phần cung cấp cho độc giả, khán giả những tri thức quý báu của nhân loại; kể những câu chuyện về lòng nhân ái, bao dung, đức tính vị tha; không ngừng bồi đắp, củng cố và phát huy những giá trị tốt đẹp, đạo đức và văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thứ sáu, tiến tới dấu mốc kỷ niệm100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, ngay từ bây giờ, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cấp hội nhà báo, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và mỗi người làm báo cả nước phải nghiêm túc nghiên cứu, tìm tòi, xác định được diện mạo, hướng đi của báo chí cách mạng sau cột mốc 100 năm.

* Nhân dịp này, Ban Tổ chức Hội nghị đã trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 33 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2023./.


Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí trong năm 2023. (Ảnh: TA)

Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc trong thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023.
Nguồn: https://tuyengiao.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Tỉ giá ngoại tệ

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/