Sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một số kiến nghị chính sách

18:56 08/11/2022

Trong bối cảnh Việt Nam chủ động và tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các loại hình hợp tác xã tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời cũng đối mặt với khó khăn, thách thức khi chính sách, pháp luật về hợp tác xã còn có những hạn chế. Do vậy, hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô và tăng cường hiệu quả của kinh tế tập thể, hợp tác xã có ý nghĩa rất quan trọng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khảo sát một số mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp_Ảnh: TTXVN

Việt Nam tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX): Mở rộng, tiếp cận các thị trường rộng lớn, phát triển đối tác; gia tăng xuất khẩu; thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất phát triển, giảm chi phí, nâng cao chất lượng hoạt động; tăng cường hội nhập, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu chuẩn hàng hóa theo hướng tiên tiến, hiện đại, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh những tác động tích cực, việc thực hiện các FTA thế hệ mới cũng đặt ra một số khó khăn, thách thức cho nền kinh tế, trong đó có khu vực KTTT, HTX: Khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do thiếu khả năng đáp ứng yêu cầu của chuỗi, nhất là về chất lượng, quy mô, số lượng sản phẩm; nguy cơ từ các biện pháp phòng vệ thương mại và các rào cản phi thuế quan; áp lực cạnh tranh lớn hơn ngay cả ở thị trường trong nước; thách thức về vấn đề lao động và việc làm.

Sự phát triển của hợp tác xã tại Việt Nam thời gian qua

Một là, HTX tiếp tục phát triển mạnh, củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.

Số lượng HTX, liên hiệp hợp tác xã (LHHTX), tổ hợp tác (THT) tăng về số lượng, đa dạng về loại hình và lĩnh vực hoạt động, ở các địa phương gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, nông thônĐến cuối năm 2021, cả nước có 27.394 HTX (tăng 7,6% so với năm 2020); 108 LHHTX, chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, hơn 50% LHHTX hoạt động hiệu quả và làm tốt vai trò đầu mối kết nối các HTX thành viên với thị trường; 119.710 THT đa dạng về tên gọi và hình thức hoạt động, thành lập để liên kết, tương trợ nhau sản xuất, vay vốn, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm(1).

Các HTX tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là người thu nhập thấp, bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất của các thành viên, góp phần mở rộng phạm vi bao phủ an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khu vực KTTT, HTX tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nhất là cho người yếu thế chưa qua đào tạo. Hợp tác xã, LHHTX, THT tạo hơn 40.000 việc làm mới hằng năm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, tích lũy khoảng 18.600 tỷ đồng lãi để đầu tư, mở rộng sản xuất. Cả nước có hơn 7.000 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất theo mô hình HTX, nhiều HTX phát triển sản phẩm OCOP gắn với bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, có tổ chức đảng và đoàn thể, góp phần ổn định chính trị - xã hội ở địa phương(2).

Tại một số vùng, miền, số thành viên và người lao động tham gia HTX, THT, LHHTX tăng so với năm 2020; HTX ở một số lĩnh vực tăng vốn điều lệVề tổng số thành viên, khu vực KTTT, HTX thu hút hơn 7 triệu thành viên, tăng 23.453 thành viên so với năm 2020; hiện có 2.506.739 triệu lao động. Tính đến 31-12-2021, tổng vốn điều lệ của các HTX đạt gần 50 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi HTX là 1,82 tỷ đồng, tăng 80 triệu đồng/HTX so với năm 2020; tổng tài sản 184 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4 nghìn tỷ đồng (3%) so với năm 2020, bình quân 6,7 tỷ đồng/HTX;... Vốn điều lệ tăng ở các HTX giao thông vận tải, quỹ tín dụng nhân dân, HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, vệ sinh môi trường(3).

Số lượng HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương và sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu tăng; liên kết sản xuất giữa các HTX với nhau, với THT và doanh nghiệp tăng lên. Đến cuối năm 2021, cả nước có 4.667 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chiếm 17% tổng số HTX; nhiều HTX đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong quản trị, xúc tiến thương mại; các quỹ tín dụng nhân dân ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị. Có 2.618 HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian, hạ giá thành, tăng 1,5 lần so với năm 2020.

Hai là, các HTX bước đầu chủ động hội nhập quốc tế, tận dụng tốt các ưu đãi trong các FTA thế hệ mới, đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều HTX đã xuất khẩu trực tiếp.

Các HTX, LHHTX và THT tích cực tham gia xuất khẩu nông sản, sản phẩm OCOP và một số mặt hàng công nghiệp chất lượng cao; nhiều HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm tại thị trường quốc tế, sản lượng hàng hóa của các HTX, LHHTX tăng cao, chất lượng hàng hóa ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu, điều kiện của các thị trường khác nhau, kể cả các thị trường khó tính(4). Nhiều HTX đã tận dụng các ưu đãi trong các FTA thế hệ mới, đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu trực tiếp (191 HTX có thương hiệu sản phẩm và xuất khẩu trực tiếp(5), nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, xuất khẩu sang các thị trường lớn, như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...(6)).

Ba là, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong tăng cường năng lực cạnh tranh của các HTX.

Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ở Trung ương và 63 Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh đóng vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các HTX, tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư cho các HTX với các đối tác quốc tế. Cụ thể: 1- Chủ trì vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới, tổ chức lại, chuyển đổi hoạt động đối với hầu hết các HTX phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012, huy động các nguồn lực xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; 2- Thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, tư vấn pháp lý cho HTX thành viên, phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết kiến nghị, vướng mắc, khiếu nại; chủ trì kiểm tra, giám sát hoạt động của HTX, phối hợp chặt chẽ và thực hiện tốt vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 3- Tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ công và huy động nguồn lực hỗ trợ KTTT, HTX mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; bồi dưỡng và đào tạo nghề; cho vay; tư vấn vay vốn từ các tổ chức tín dụng; 4- Mở rộng quan hệ hợp tác với 150 tổ chức quốc tế; chủ trì, đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế lớn tại Việt Nam; ký kết chương trình hợp tác, huy động các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX và hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam(7).

Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tăng cường và mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư vào khu vực HTX và nông nghiệp: Chủ động tìm kiếm đối tác và thị trường, tích cực tham dự các hoạt động hợp tác trong trao đổi thông tin thị trường, xúc tiến hợp tác thương mại, đầu tư cho khu vực HTX Việt Nam với các Liên đoàn Hợp tác xã các nước(8); tổ chức hội chợ tại các nước châu Âu, Trung Quốc và hội chợ quốc gia; kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa cho HTX; chuyển giao ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị; tổ chức các đoàn HTX Việt Nam tham dự hội chợ triển lãm tại Trung Quốc nhằm xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hóa hai bên(9); tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại hợp tác xã (10).

Một số hạn chế, vướng mắc trong chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Mặc dù có nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng sự phát triển của KTTT, HTX vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, do không có cơ chế giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động. Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định HTX, LHHTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp được hưởng chính sách “Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai”, tuy nhiên Luật Đất đai năm 2013 không quy định giao đất cho tổ chức kinh tế (bao gồm HTX, LHHTX) sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, chỉ quy định cho HTX, LHHTX thuê đất(11).

Hợp tác xã chưa thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng thụ hưởng của một số chính sách. Ví dụ, một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chỉ có doanh nghiệp được phép tham gia mà HTX lại không được tham gia (điều kiện kinh doanh quy định: “là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật”), chưa bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp, chưa khuyến khích HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh khi tham gia thị trường; đồng thời, làm mất đi tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX. Hiện nay, nhiều HTX ở Việt Nam và trên thế giới có xu hướng mở rộng hoạt động tìm kiếm lợi nhuận giống như các tổ chức kinh tế khác, sau khi đã đáp ứng nhu cầu chung của thành viên. Nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu chính đáng để HTX tồn tại, phát triển và mang lại lợi ích cho thành viên HTX.

Chưa quy định đầy đủ các loại hình tổ chức KTTT trong thực tiễn và mối liên hệ, liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT với nhau còn yếu, dẫn đến suy giảm năng lực cạnh tranh, không tận dụng được “lợi thế theo quy mô” trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu. Tổ hợp tác có cùng bản chất hợp tác, tương trợ và đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về kinh tế, văn hóa, xã hội, giống như các HTX. Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, ngày 10-10-2019, của Chính phủ, về tổ hợp tác hiện nay còn một số bất cập như: 1- Không quy định về đăng ký THT nên nhiều THT có số thành viên lên đến hàng trăm người, có góp vốn, có hoạt động kinh doanh ổn định, nhưng không đăng ký, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong quan hệ kinh tế trong nội bộ thành viên và với các tổ chức khác và THT không trực tiếp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước; 2- Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực KTTT hiện nay bao gồm THT, HTX, LHHTX, nhưng Nhà nước không quản lý đăng ký THT, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện; 3- Thiếu các quy định, chính sách mang tính định hướng cho THT phát triển, trở thành HTX, tạo ra mối liên kết giữa các tổ chức KTTT, từ thấp đến cao, hình thành một hệ sinh thái các tổ chức KTTT.

Hợp tác xã thường chia hết lợi nhuận, không tích lũy, dẫn đến thiếu nguồn lực, khó tăng trưởng. Tài sản không chia là một đặc trưng của HTX so với các loại hình kinh tế khác. Theo nguyên tắc số 4 của Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) thì quỹ chung không chia (hay tài sản chung không chia) cần được trích lập hằng năm nhằm phát triển tài sản chung của HTX, thu hút các thành viên tham gia, gắn bó với HTX, để phát triển phong trào HTX, đồng thời cũng hạn chế việc HTX giải thể, chuyển đổi. Tuy nhiên, Điều 48 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định HTX tự quyết định việc trích một phần quỹ đầu tư phát triển để đưa vào “tài sản không chia” dẫn đến thực tế rất ít HTX trích lập tài sản không chia, tài sản không chia của HTX không phát triển, không thu hút được thành viên tham gia vào HTX.

Hợp tác xã khó tăng vốn, không tách biệt rạch ròi về vốn của HTX với vốn của các thành viên. Hợp tác xã là một pháp nhân, có tài sản độc lập và chịu trách nhiệm bằng tài sản độc lập đó, phân biệt với tài sản, trách nhiệm của các pháp nhân - thành viên của HTX. Tuy nhiên, Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa có quy định khi góp vốn thì các thành viên phải chuyển quyền sở hữu tài sản được dùng để góp vốn của mình sang HTX nên xuất hiện các tình huống không tách bạch rõ ràng vốn của HTX và vốn của các thành viên. Ngoài ra, Khoản 1 Điều 42 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định tài sản khác góp vốn của thành viên được quy đổi ra tiền Việt Nam, nhưng chưa liệt kê đầy đủ các loại tài sản dùng để góp vốn vào HTX, như vàng, công nghệ, các tài sản khác có thể định giá được bằng tiền.

Công tác quản lý nhà nước đối với khu vực KTTT, HTX tại các cấp địa phương chưa được quy định cụ thể trong Luật Hợp tác xã năm 2012; bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể nhân dân chưa có sự thống nhất, cụ thể hóa thành quy định; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong khu vực KTTT, HTX chưa cao, việc theo dõi, giám sát tình hình phát triển KTTT, HTX chưa thường xuyên.

Thu hoạch hồng để sản xuất hồng sấy bằng công nghệ Nhật Bản ở  thôn Đất Làng (xã Xuân Trường, vùng ven của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)_Ảnh: TTXVN

Một số kiến nghị chính sách đối với sự phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Một là, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo khung khổ pháp luật thuận lợi để KTTT, HTX phát triển. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển HTX ở nước ta, lấy HTX là trung tâm để xây dựng khung pháp lý chung; kế thừa tối đa các quy định còn phù hợp và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Hai là, khắc phục những bất cập hiện hành, tạo khuôn khổ pháp luật cụ thể cho tất cả các loại hình KTTT hoạt động trong các lĩnh vực, ngành, nghề; tạo điều kiện thuận lợi để KTTT phát triển nhanh, bền vững và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, gắn với hội nhập quốc tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng bao trùm; sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.

Ba là, đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các loại hình KTTT theo cơ chế thị trường, bảo đảm tôn trọng bản chất, mục tiêu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX; từng bước sáp nhập các HTX để tăng quy mô, thành lập các LHHTX, tập đoàn kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, kinh doanh quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia và địa phương.

Bốn là, xác định rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (bao gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) là tổ chức đại diện, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển KTTT, HTX, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần KTTT; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nguồn lực thực hiện phát triển KTTT, HTX cho hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam./.

PGS, TS. PHẠM THỊ HỒNG YẾN - CÁC CỘNG SỰ*
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
---------------------------
* TS. Chu Tiến Đạt, Phó Trưởng Ban Quan hệ quốc tế, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Lê Thị Hương Thủy, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Võ Sơn Hải, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
(1), (2), (3) Xem: Theo Báo cáo thường niên Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 2021
(4) Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thành lập hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp
(5) 155 HTX nông nghiệp, 36 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
(6) Điển hình như: HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu với mặt hàng trứng Artemia, xuất khẩu chủ yếu sang Thái Lan, Nhật Bản, một số nước châu Âu; HTX Mỹ Tịnh An tại tỉnh Tiền Giang sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP do tổ chức Biocert cấp với tổng diện tích hơn 100ha, sản xuất dừa theo tiêu chuẩn Global GAP do tổ chức Agro Managament của Đan Mạch cấp với tổng diện tích hơn 10ha, xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ năm 2019 hơn 1.000 tấn, doanh thu gần 20 tỷ đồng. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp có các HTX: HTX Quang Minh, HTX Bình Minh, HTX Nhất Trí với doanh thu xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ năm 2019 đạt gần 4,1 triệu USD, trong đó cao nhất là HTX Quang Minh đạt 3,8 triệu USD, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng thảm cói, chiếu cói, chiếu lục bình, khung sắt đan lục bình, khung sắt đan dây nhựa...
(7) Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ ngày 17-3-2022
(8) Như Liên đoàn NACF của Hàn Quốc, Tổ chức Hợp tác xã quốc gia Ma-lai-xi-a (ANGKASA), Trung Quốc...
(9) Hội chợ tại Côn Minh (Trung Quốc), tháng 6-2019; Hội chợ tại Quảng Châu (Trung Quốc), tháng 8-2019; Hội chợ hằng năm tại Nam Ninh (Trung Quốc), tháng 9-2019...
(10) Tiêu biểu là Hội chợ Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô 350 gian hàng với 40 doanh nghiệp, HTX trong và ngoài nước tham gia, tháng 9-2019
(11) Xem: Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Tỉ giá ngoại tệ

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/