Phát triển nguồn lực khoa học công nghệ đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

18:00 11/09/2023

“Phát triển nguồn lực khoa học công nghệ đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” là chủ đề Hội thảo khoa học do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Hội đồng Khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức sáng 8/9 tại Hà Nội.
Các đồng chí chủ trì điều hành Hội thảo.

TS. Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và PGS. TS. Vũ Văn Hà, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo. 

Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí trong Ban Thư ký khoa học và Văn phòng 2 Hội đồng cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LUÔN GIỮ VAI TRÒ THEN CHỐT TRONG CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Nguyễn Tiến Hoàng nhấn mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) là chủ trương tất yếu trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở mỗi thời kỳ, công nghiệp hóa có nội dung và bước đi cụ thể phù hợp. Cho đến cuối thế kỷ XX quá trình công nghiệp hóa được gắn liền với hiện đại hóa. Trong CNH-HĐH, khoa học và công nghệ luôn giữ vai trò then chốt.

TS. Nguyễn Tiến Hoàng phát biểu Đề dẫn Hội thảo.

TS. Nguyễn Tiến Hoàng nêu rõ, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011), Đảng ta đã khẳng định: “Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại... Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”.

Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) cũng đã xác định rõ mục tiêu khát vọng phát triển quốc gia: “Đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển thu nhập cao”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là đường hướng phù hợp với bối cảnh mới và được coi là chìa khóa để Việt Nam nắm bắt các cơ hội hóa giải và vượt qua các cách thức mang tính thời đại, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có sự bứt phá vượt lên trong một số ngành và lĩnh vực”.

Để cụ thể hóa chủ trương nêu trên, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, trong đó xác định rõ: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”; “Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; “Nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021- 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra bút phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, các lĩnh vực và của cả nền kinh tế”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Hội thảo khoa học “Phát triển nguồn lực khoa học công nghệ đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” là cơ hội hết sức giá trị để các nhà khoa học cùng trao đổi và chia sẻ những vấn đề học thuật và thực tiễn cùng các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các trường đại học về những nội dung liên quan đến chủ đề nghiên cứu.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội thảo đều khẳng định, sự phát triển của khoa học và công nghệ đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế hết sức gay gắt, quyết liệt, yêu cầu đẩy mạnh CNH-HĐH nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thì tiến bộ khoa học công nghệ càng đóng vai trò quan trọng.

Phát triển khoa học công nghệ đã tạo ra động lực để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần mở rộng khả năng phát huy và khai thác có hiệu quả các nguồn lực đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước.

PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu.

Phát triển khoa học công nghệ là điều kiện tạo ra nhiều công nghệ hiện đại có hàm lượng trí tuệ cao có đặc tính ưu việt hơn thay thế những công nghệ cũ. Các công nghệ mới ra đời giúp cho quá trình CNH-HĐH diễn ra thuận lợi hơn, ít tiêu tốn nguyên vật liệu năng lượng, ít gây ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhờ vậy mà thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội diễn ra nhanh chóng mạnh mẽ và bền vững.

Phát triển khoa học công nghệ là yếu tố không thể thiếu để CNH-HĐH đạt được sự bứt phá trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; là nền tảng, bệ đỡ của tiến trình CNH-HĐH, đồng thời là cơ sở để triển khai áp dụng thành công các ý tưởng mới và độc đáo.

Phát triển khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy CNH-HĐH chính là phát huy hơn nữa vai trò khoa học công nghệ trong nghiên cứu khởi nghiệp ứng dụng và chuyển giao công nghệ gắn với nguồn nhân lực chất lượng cao, là nhiệm vụ trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hội để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã chủ nghĩa.

Đây cũng là điều kiện tiên quyết giúp đưa sản phẩm thương hiệu Việt Nam lên tầm cao mới, đồng thời sáng tạo phát minh ra những công nghệ mới, sản phẩm mới hỗ trợ cho quá trình CNH-HĐH.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, cùng với nêu lên những kết quả, thành tựu đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nguồn lực khoa học công nghệ  nhằm đẩy mạnh tiến trình CNH-HĐH đất nước; đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đưa chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống...

PGS. TS. Vũ Văn Hà phát biểu kết luận, bế mạc Hội thảo.

Phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo, PGS. TS. Vũ Văn Hà, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, cùng với các ý kiến trao đổi tâm huyết, trách nhiệm, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý của các cấp, các ngành trong và ngoài đơn vị.

Các tham luận là những công trình khoa học nghiên cứu công phu, khá toàn diện cả về lý luận và thực tiễn về phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ nhằm đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước ở các quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Nội dung các tham luận cũng đã đánh giá khách quan thực trạng phát triển nguồn lực khoa học công nghệ ở Việt Nam thời gian qua. Qua đó, trình bày các quan điểm định hướng và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nguồn lực khoa học công nghệ cho CNH-HĐH ở Việt Nam thời gian tới.

Quang cảnh Hội thảo.

Theo đồng chí Vũ Văn Hà, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học tham dự Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp cận, trao đổi những vấn đề lý luận trong quá trình phát triển khoa học công nghệ nhằm thực hiện CNH-HĐH và kinh nghiệm phát triển khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy CNH-HĐH ở một số quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra những bài học cho Việt Nam.

Thứ hai, từng bước chỉ rõ thực trạng phát triển nguồn lực khoa học công nghệ ở Việt Nam thời gian qua cũng như mức độ đáp ứng yêu cầu của CNH-HĐH đất nước, làm rõ những thành công, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế.

Thứ ba, nêu lên những điểm nghẽn cần lưu ý trong quá trình phát triển nguồn lực khoa học công nghệ đẩy mạnh tiến trình CNH-HĐH đất nước hiện nay; làm rõ các nét đặc thù những khó khăn thách thức riêng có của Việt Nam.

Thứ tư, cơ bản làm rõ các quan điểm định hướng và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nguồn lực khoa học công nghệ đẩy mạnh tiến trình CNH-HĐH ở Việt Nam thời gian tới.../.

Nguồn: https://www.tuyengiao.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Tỉ giá ngoại tệ

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/