Nâng cao hiệu quả thu hút các nguồn lực đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội tại vùng ven biển miền Trung theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị

11:32 30/06/2023

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” mở đường cho việc khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội tại vùng ven biển miền Trung. Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, hướng tới mục tiêu phát triển năng động, nhanh và bền vững.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ “Liên kết - đột phá từ kinh tế biển - phát triển nhanh và bền vững” _Ảnh: TTXVN

Tổng quan về vùng ven biển miền Trung

Vùng ven biển miền Trung trải dài trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận(1), có đường bờ biển dài gần 2.000km, chiếm khoảng 60% chiều dài bờ biển cả nước (3.260km). Đây là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh; đóng vai trò chiến lược trong thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế; là điểm trung chuyển hàng hóa về các tỉnh Tây Nguyên, các nước Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma, cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối với tuyến đường hàng hải quốc tế.

Hiện nay, vùng ven biển miền Trung có 11/18 khu kinh tế ven biển của cả nước (chiếm tỷ lệ 61%), gắn với nhiều cảng biển lớn; 9 cảng hàng không, trong đó có 5 cảng quốc tế; có hệ thống giao thông với đầy đủ loại hình (đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, đường hàng không). Tài nguyên thiên nhiên và văn hóa độc đáo, hấp dẫn cho phát triển nhiều loại hình du lịch trong vùng, như phố cổ Hội An, cố đô Huế, đền tháp Mỹ Sơn; hang động Phong Nha - Kẻ Bàng; các bãi biển Sơn Trà, Mỹ Khê, Non Nước, Cửa Đại, Nha Trang, biển Mũi Né; các đảo Hòn Mun, Hòn Tre, Lý Sơn, Phú Quý...; có hệ sinh thái đa dạng, phong phú,...

Trong vùng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng; có 5 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Thành Nhà Hồ, Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) và 6 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh(2); 35 di tích quốc gia đặc biệt; 49 bảo vật quốc gia; 691 di tích quốc gia; 175 di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố trong vùng có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng và một số hệ sinh thái đa dạng, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải và nhiều tiềm năng trong việc phát triển các hải cảng lớn.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội và thu hút nguồn lực đầu tư

Tổng kết 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16-8-2004, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010” và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2-8-2012, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW đến năm 2020”, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng được đánh giá là đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết lĩnh vực, nhiều điểm nghẽn của vùng đối với phát triển đã được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng từng bước được phát huy.

Tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong khu vực (GRDP) tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005 - 2020, cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004 (chiếm 14,5% GDP cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt mức đạt 56,9 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ (năm 2020 lần lượt là 31,82% và 40,81%); du lịch dần trở thành ngành mũi nhọn (giai đoạn 2005 - 2019 tăng 16%); đồng thời, hình thành, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng, như hóa dầu (2 nhà máy hóa dầu), thép, ô tô, cơ khí,... góp phần thúc đẩy tăng trưởng vùng. Thu ngân sách tăng khá, một số địa phương đã cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Văn hóa, xã hội có bước phát triển; chất lượng giáo dục - đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện; an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (từ 12,9% năm 2016 xuống 2,93% năm 2021). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được nâng lên rõ rệt.

Các địa phương trong vùng đã phát huy được lợi thế từ biển, đảo, tập trung phát triển mạnh một số ngành, lĩnh vực, như đô thị biển và ven biển, phát triển các cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch,...

Đạt được kết quả đó nhờ các tỉnh, thành phố trong vùng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là về xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thu hút tối đa các nguồn lực tài chính từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là huy động nguồn vốn từ người dân, doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu thống kê, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã huy động trong giai đoạn 2005 - 2020 của vùng bình quân đạt 278,95 nghìn tỷ đồng/năm (chiếm 18,1% cả nước), góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Giai đoạn 2011 - 2020, vốn đầu tư thực hiện bình quân trên địa bàn khu vực ngoài nhà nước cao nhất đạt 209,1 nghìn tỷ đồng/năm (chiếm tỷ lệ 55,4% tổng vốn đầu tư).

Một số khu kinh tế ven biển(3) được tập trung đầu tư đã phát huy hiệu quả, thu hút được một số dự án lớn quan trọng đã đi vào hoạt động(4) góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các địa phương có sự tăng trưởng với tỷ lệ giá trị các ngành kinh tế biển đóng góp ngày càng cao(5) trong tổng GRDP.

Thời gian qua, các ban, bộ, ngành đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy, thu hút các nguồn lực đầu tư, trong đó có các tỉnh, thành phố miền Trung. Một số cơ chế, chính sách đã được thực hiện nổi bật, như chính sách ưu đãi đặc biệt thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài(6); chính sách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng miền Trung(7); chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng khu kinh tế (KKT) ven biển, KKT cửa khẩu(8); cơ chế phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây; chính sách đặc thù cho phát triển công nghiệp(9); quy hoạch và hỗ trợ thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp(10); chính sách phát triển các sản phẩm công nghiệp ưu tiên, chủ lực(11); cơ chế, chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội(12); cơ chế, chính sách nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; cơ chế, chính sách cho chăm sóc sức khoẻ và phát triển y tế(13); chương trình chuyển đổi số quốc gia(14); cơ chế, chính sách nhằm phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; các chương trình mục tiêu quốc gia, như xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững,...

Đồng thời, một số cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư liên kết vùng, giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và ngoài vùng kinh tế trọng điểm, hợp tác liên kết với các vùng khác được quan tâm xây dựng, triển khai. Thông qua việc quy hoạch và tập trung đầu tư hạ tầng các KKT, hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển trong vùng từng bước hình thành một số KKT quan trọng, như KKT Nghi Sơn, Thanh Hóa; khu Nam Thanh - Bắc Nghệ; Vinh - Bắc Hà Tĩnh; Bắc Quảng Bình - Nam Hà Tĩnh; Đông Hà - Quảng Trị; Chu Lai, Dung Quất; khu kinh tế Nhơn Hội; Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hoà; thành phố Nha Trang,...

Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) được xây dựng, phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia _Ảnh: TTXVN

Các tỉnh, thành phố trong vùng đã huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngân sách nhà nước đã tập trung đầu tư các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng, nhưng khó thu hút nhà đầu tư bên ngoài. Đồng thời, tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để đầu tư phát triển các công trình trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 đạt bình quân 104,2 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 27,6% tổng số vốn.

Công tác đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài được các địa phương đặc biệt quan tâm, tập trung thu hút vào các ngành, lĩnh vực mà vùng, địa phương có lợi thế. Giai đoạn 2011 - 2020, tổng vốn đầu tư từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 64,2 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 17%; đến hết năm 2020, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép tại vùng là 2.104 dự án chiếm tỷ trọng 6,4% tổng số dự án FDI và 15,5% tổng số vốn đăng ký FDI toàn quốc.

Các địa phương trong vùng đã quan tâm, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thu hút nguồn lực phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh trạnh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của vùng tăng từ 59,5 điểm năm 2016 lên 64,24 điểm năm 2020; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của vùng tăng từ 36,63 điểm năm 2016 lên 42,58 điểm năm 2020; tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng tăng nhanh, đến năm 2020 toàn vùng có 89.245 doanh nghiệp (chiếm 13,04% cả nước), tăng 5,56 lần so với năm 2005(15), tăng 39,8% so với năm 2016, thu hút 1.674,4 nghìn lao động, tăng gần 2,1%(16)

Cơ chế, chính sách quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội vùng đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt và tính thực tiễn trong chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; là cơ sở quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành ban hành cơ chế, chính sách nhằm bổ sung, thu hút các nguồn lực cho phát triển vùng và các địa phương trong vùng xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng.

Một số hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế, xã hội của vùng vẫn còn một số hạn chế, cụ thể:

Một là, việc huy động nguồn lực đầu tư cho vùng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, tính kết nối chưa cao, tỷ lệ đường cao tốc thấp.

Hai là, chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế của các công trình hạ tầng quan trọng, như sân bay, cảng biển; việc gắn kết trong đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm với vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư và định hướng phát triển của tỉnh, của vùng còn hạn chế.

Ba là, phát triển các khu kinh tế ven biển, cảng biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thể hiện được đột phá trong thu hút các dự án động lực, dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, KKT cửa khẩu, cụm công nghiệp chưa cao, tỷ lệ lấp đầy còn thấp, tính liên kết, bổ trợ giữa các khu còn chưa chặt chẽ.

Bốn là, liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, bị động, trong nhiều trường hợp mới chỉ mang tính hình thức. Việc liên kết liên ngành, liên tỉnh trong đầu tư phát triển; liên kết doanh nghiệp để hình thành mạng lưới sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở khai thác điều kiện lợi thế, nguồn tài nguyên ở từng khu vực địa bàn, địa phương chưa nhiều, còn thiếu chặt chẽ; lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.

Năm là, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các đô thị trung tâm vùng chưa phát huy được vai trò đầu tàu, động lực trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển vùng. Thiếu dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực. Doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, tỷ suất lợi nhuận thấp.

Các hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó tập trung vào 6 nhóm nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh và phù hợp để tạo đột phá cho vùng và một số địa phương trọng điểm phát huy lợi thế sẵn có, tạo nguồn lực và động lực để dẫn dắt sự phát triển của cả vùng.

Hai là, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương còn thiếu tính liên kết, giữa các quy hoạch còn chưa đồng bộ, chưa xác định rõ về mục tiêu, nhiệm vụ đột phá, trọng tâm phát triển gắn với khả năng cân đối, huy động các nguồn lực. Các giải pháp thực hiện thiếu đồng bộ, phân bổ nguồn lực dàn trải, hiệu quả chưa cao.  

Ba là, sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ và thiếu cơ chế tài chính để huy động, chia sẻ nguồn lực giữa các địa phương trong vùng. Nhận thức của các cấp, các ngành về cơ chế điều phối, kết nối vùng, tiểu vùng còn chưa thống nhất.

Bốn là, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thuận lợi để có thể thu hút được nguồn lực từ khu vực tư nhân. Hoạt động xúc tiến đầu tư chưa đạt hiệu quả, các chính sách, thông tin mời gọi, quảng bá chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Năm là, vị trí địa lý vùng trải dài từ bắc vào nam, địa hình chia cắt, thường xuyên phải hứng chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, thiên tai và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến việc huy động, phân bổ và thu hút các nguồn vốn đầu tư.

Sáu là, năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, có mặt còn hạn chế, tính năng động chưa cao.

Giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội

Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước(17), để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần lưu ý các giải pháp chủ yếu sau:    

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thu hút các nguồn vốn đầu tư, trong đó thí điểm thực hiện các cơ chế phù hợp để huy động các nguồn lực tạo đột phá cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đường bộ, đường sắt. Rà soát, sửa đổi pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định liên quan theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng và Quy chế hoạt động làm cơ sở pháp lý để thu hút, tập trung nguồn vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm.

Hai là, tập trung xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bám sát quy hoạch tổng thể quốc gia đã được phê duyệt, từ đó xác định danh mục các công trình hạ tầng cơ bản phù hợp với quy hoạch và tính toán nhu cầu huy động vốn đầu tư theo từng giai đoạn, quyết định phương án huy động, cân đối các nguồn lực đầu tư, phân kỳ đầu tư phù hợp với quy định pháp luật để hoàn thành các dự án hạ tầng thiết yếu.

Ba là, hoàn thiện các tiêu chí để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút FDI từ các đối tác thuộc các nước phát triển.

Bốn là, đầu tư và định hướng thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, nhất là các ngành du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo (nhất là năng lượng gió ven bờ và năng lượng gió ngoài khơi), các ngành kinh tế biển mới,...

Ngành năng lượng tái tạo (điện mặt trời) phát triển mạnh, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, giúp Ninh Thuận sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước _Ảnh: TTXVN

Năm là, đổi mới phương thức vận động, thu hút đầu tư, xác định các ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách, quan trọng kết nối nội vùng, liên vùng, các dự án có quy mô và sức lan tỏa trong vùng. Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng. Thành lập Hội đồng điều phối vùng, tiểu vùng: Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và Quy chế hoạt động để điều phối và kết nối phát triển vùng. Hội đồng Điều phối vùng căn cứ quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương tổ chức các hoạt động điều phối, vận động, thu hút đầu tư, đặc biệt là bảo đảm nguồn vốn thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách, quan trọng.

Sáu là, cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thông qua các hoạt động đầu tư và thu hút đầu tư. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, các đường quốc lộ kết nối Tây Nguyên với vùng. Rà soát, điều chỉnh, phân chia chức năng các KKT ven biển, khu công nghiệp, KKT cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không trong vùng để tăng cường liên kết, hạn chế cạnh tranh trong phân bổ, thu hút các nguồn lực. Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn (đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi). Cơ cấu lại và đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp vùng theo hướng sinh thái, đặc hữu gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch... Cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế rừng và kinh tế dưới tán rừng. Phát triển vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước với các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các trung tâm logistics gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu.

Bảy là, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước thông qua việc tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao. Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 168/NQ-CP, ngày 29-12-2022, của Chính phủ, “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”: đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, đặc biệt là các đoạn tuyến cao tốc bắc - nam phía đông để kết nối toàn bộ địa phương trong vùng. Xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; kêu gọi và thúc đẩy đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn qua Nghệ An), đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; đường cao tốc Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y. Hoàn thành tuyến đường bộ ven biển; nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc trục ngang; nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không hiện có; xây dựng mới cảng hàng không Phan Thiết, cảng hàng không Quảng Trị. Tập trung nguồn lực phát triển các cảng biển; nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam qua vùng; nghiên cứu kêu gọi đầu tư các tuyến đường sắt kết nối vùng với vùng Tây Nguyên và các cửa khẩu quốc tế trong khu vực.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; sớm xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu, trao đổi thông tin kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong vùng; đầu tư một số trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng giáo dục, đào tạo, trung tâm khoa học - công nghệ, chăm sóc sức khỏe... theo quy hoạch. Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế, các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa cấp thành phố và quận, huyện.

Tám là, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các ngành kinh tế biển. Từng bước hình thành các cụm liên kết ngành ở phạm vi liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế theo hướng tăng cường phân cấp, nâng cao vai trò, phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương trong quản lý, phát triển kinh tế.

Chín là, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, vận động và thu hút các nguồn vốn đầu tư, vốn ODA, vốn FDI, các nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân và các đối tác phát triển của hợp tác tiểu vùng sông Mê Công cho phát triển vùng, nhất là phát triển kinh tế biển và ứng phó với biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các nước trên thế giới, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mê Công, ASEAN; chủ động triển khai các hoạt động giao lưu nhân dân với các nước bạn. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông - Tây. Chủ động khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các khung khổ hội nhập để cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của vùng theo hướng xanh, bền vững. Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Mười là, xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật trong các lĩnh vực thuộc kinh tế biển, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; có cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế, có chuyên môn sâu theo định hướng phát triển, thu hút đầu tư các lĩnh vực mà vùng có thế mạnh để vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đạt được tốc độ phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước./.

TS TRẦN DUY ĐÔNG
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
------------------------
(1) Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận
(2) Nhã nhạc - âm nhạc Cung đình Huế, hát Ca trù, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ
(3) Như: Khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa); Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (tỉnh Nghệ An); Khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh); Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam); Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi); Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định); Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa)
(4) Như: Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (KKT Nghi Sơn), Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Nhà máy TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (KKT Dung Quất); Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải (KKT mở Chu Lai); các nhà máy xi măng, nhiệt điện tại KKT Nghi Sơn...
(5) Tỉnh Khánh Hòa đạt khoảng 80%, tỉnh Quảng Ngãi đạt khoảng 86 %, tỉnh Nghệ An đạt khoảng 50%, tỉnh Thanh Hóa đạt khoảng 46%, tỉnh Ninh Thuận đạt khoảng 39,5%, tỉnh Hà Tĩnh đạt khoảng trên 30%
(6) Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg, ngày 6-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt”
(7) Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 19-11-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng miền Trung”
(8) Thông báo số 79-TB/TW, ngày 27-9-2002, Quyết định số 1353/QĐ-TTg, ngày 23-09-2008, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”
(9) Quyết định số 598/QĐ-TTg, ngày 25-5-2018, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025”
(10) Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, ngày 25-5-2017, của Chính phủ, “Về quản lý, phát triển cụm công nghiệp”
(11) Quyết định số 2441/QĐ-TTg, ngày 31-12-2010, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”; Quyết định số 439/QĐ-TTg, ngày 16-4-2012, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”
(12) Nghị quyết số 76/2014/QH13, ngày 24-6-2014, của Quốc hội, “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020”; Quyết định số 2324/QĐ-TTg, ngày 19-12-2014, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020”; Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 02-09-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020”; Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 18-01-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”
(13) Quyết định số 4667/QĐ-BYT, ngày 7-11-2014, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020”; Nghị định số 64/2009/NĐ-CP, ngày 30-7-2009, của Chính phủ, “Về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”; Quyết định số 2348/QĐ-TTg, ngày 5-12-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới”
(14) Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030””; Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15-06-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”...
(15) Năm 2005 là 16.223 doanh nghiệp
(16) Năm 2019 số lao động trong các doanh nghiệp là 1.772,8 nghìn lao động, tăng 8,04% so với năm 2016
(17) Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 81/2023/QH15, ngày 9-1-2023, của Quốc hội, “Về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Tỉ giá ngoại tệ

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/