Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra

16:30 10/08/2021

Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đang là xu hướng tất yếu của nền hành chính hiện đại. Đảng, Nhà nước ta đã và đang nỗ lực thực hiện những cam kết phục vụ nhân dân; mở rộng và kêu gọi sự tham gia tích cực của người dân thực hiện giám sát, phản biện các hoạt động quản lý của Nhà nước. Trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra là nhiệm vụ xuyên suốt để khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý; là điều kiện cần thiết để thành công trong hội nhập quốc tế. Bàn luận ở khía cạnh này, bài viết tập trung làm rõ về thực tiễn công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra thời gian qua đồng thời đưa ra một số định hướng nhằm hoàn thiện quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra

I. Khái quát chung về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra

Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng quan trọng nhất nhằm tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát việc thực thi quyền lực công. Ý nghĩ sâu xa của biện pháp này xuất phát từ nhu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước. Thông qua việc công khai, minh bạch và giải trình về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người dân và xã hội có thể nhận biết và chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình cũng như đòi hỏi cơ quan nhà nước và các cán bộ, công chức nhà nước thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Những người có chức vụ, quyền hạn cũng  phải có ý thức, trách nhiệm cao hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình. Hiện nay, nhất là trước các yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, cộng đồng quốc tế rất quan tâm và đề cao ý nghĩa của công khai, minh bạch trong việc bảo đảm sự giám sát của xã hội đối với việc thực thi quyền lực công. Điều 13 Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng đã khuyến cáo các quốc gia tiến hành các biện pháp thích hợp nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của các cá nhân và tổ chức ngoài khu vực công vào phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng thông qua các biện pháp như: Tăng cường tính minh bạch trong các quy trình ra quyết định, thúc đẩy đóng góp của công chúng vào các quy trình ra quyết định; đảm bảo cho công chúng được tiếp cận thông tin một cách hiệu quả….

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, thuật ngữ "minh bạch" được sử dụng phổ biến. Ở đây có sự phân biệt ý nghĩa của "công khai" và "minh bạch". Trong phạm vi hẹp, "công khai" được coi là một hình thức để bảm đảm hướng đến sự "minh bạch" về tổ chức hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Công khai chỉ là một trong những phương thức để hướng đến sự "minh bạch". Nói cách khác, minh bạch chính là mục tiêu phải hướng đến. Để bảm đảm minh bạch, ngoài việc tăng cường các biện pháp công khai còn đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện trách nhiệm giải trình.

Thanh tra là một chức năng của quản lý nhà nước. Sự hình thành và phát triển của ngành Thanh tra ở Việt nam trải qua nhiều giai đoạn nhưng luôn gắn liền với việc thực thi quyền hành pháp, đó là chức năng kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Với bản chất đó, hoạt động thanh tra phải tuân thủ các yêu cầu chung về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hành chính nhà nước.

Trong thời gian qua, quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra có sự phát triển qua nhiều giai đoạn. Trước đây, khi đề cập đến hoạt động thanh tra, thường chỉ đề cập đến nguyên tắc trong hoạt động thanh tra là "công khai". Điều 5 Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 có quy định mang tính nguyên tắc là: “Hoạt động thanh tra chỉ tuân theo pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời”. Luật Thanh tra năm 2004 không chỉ quy định nguyên tắc trong hoạt động thanh tra là “bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời”[1]. Với nguyên tắc đó, Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 và Luật Thanh tra năm 2004 cũng có nhiều quy định liên nhằm bảo đảm hoạt động thanh tra được tiến hành công khai, ví dụ như các quy định về công bố quyết định thanh tra, việc gửi kết luận thanh tra cho các chủ thể và đối tượng có liên quan…

Về vấn đề “giải trình”, trong Pháp lệnh Thanh tra năm 1990, và Luật Thanh tra năm 2004 thì “giải trình” được ghi nhận như là quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra. Pháp lệnh thanh tra năm 1990 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra …có quyền giải trình, có quyền khiếu nại đối với kết luận, kiến nghị, quyết định về thanh tra[2]. Luật Thanh tra năm 2004 quy định Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra …có quyền giải trình về nội dung thanh tra[3]. Luật Thanh tra năm 2004 còn quy định người tiến hành thanh tra có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra.

Để tăng cường sự minh bạch trong hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra năm 2010 ngoài việc tiếp tục kế thừa và phát triển các quy định về nguyên tắc công khai, quyền và nghĩa vụ giải trình của đối tượng thanh tra còn rành riêng một điều luật quy định về công khai kết luận thanh tra[4] và được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra với các hình thức cụ thể là:

- Công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo;

- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

- Đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp;

- Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra;

- Cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về trách nhiệm giải trình, cho đến thời điểm hiện nay, các văn pháp quy phạm pháp luật về thanh tra không có quy định riêng về trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền tiến hành thanh tra. Tuy nhiên, do các cơ quan thanh tra nằm trong hệ thống hành chính và hoạt động thanh tra là  hoạt động  thực thi quyền lực nhà nước, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nên các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định chung là giải thích và làm rõ các nội dung của quyết định, hành vi thực thi công vụ trong một số trường hợp cụ thể. Về mục đích, “trách nhiệm giải trình” trong hoạt động thanh tra trong trường hợp này chính là phương tiện để hướng tới sự “minh bạch”, đó là “nhằm  bảo đảm việc cung cấp đủ bằng chứng, căn cứ mang tính khách quan để giải thích hay làm rõ về các nội dung hoặc vấn đề cần minh  bạch”[5]. Nếu như công khai trong hoạt động thanh tra vừa là trách nhiệm, vừa là các hình thức hoạt động cụ thể, trong đó các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải thông tin để các đối tượng liên quan biết được hoạt động thanh tra thì minh bạch được xem như trạng thái mà người dân biết rõ, hiểu  đúng bản chất nội dung liên quan đến hoạt động thanh tra đã được công khai. Ở đây, trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra là một phương thức để bảo đảm cho hoạt động thanh tra được minh bạch.

Trước đây, trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại Điều 32a Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung năm 2012) và Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 8/8/2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Theo những quy định chung đó, khi có yêu cầu, cơ quan thanh tra nhà nước cũng phải thực hiện trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của minh trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó.

 Hiện nay, trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018[6] và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng với những nội dung giải trình gồm:

- Cơ sở pháp lý của việc ban hành quyết định, thực hiện hành vi.

- Thẩm quyền ban hành quyết định, thực hiện hành vi.

- Trình tự, thủ tục ban hành quyết định, thực hiện hành vi.

- Nội dung của quyết định, hành vi[7].

II. Thực tiễn công khai, minh bạch và trác nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra thời gian qua

Ở Việt Nam, hệ thống các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn, từ Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 đến Luật Thanh tra năm 2004 và Luật Thanh tra năm 2010. Hiện nay, có 5 cơ quan thanh tra nhà nước (Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, thanh tra huyện) và hệ thống các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Luật Thanh tra năm 2010 cũng quy định 2 loại hình hoạt động thanh tra là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó[8].

Để thực hiện hoạt động thanh tra theo hai loại hình hoạt động thanh tra trên đây, Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều có những quy định khá cụ thể nhằm bảo đảm hoạt động thanh tra dù tiến hành theo loại hình nào thì cũng phải bảo đảm công khai, minh bạch, từ việc xây dựng kế hoạch thanh tra cho đến quá trình tiến hành các cuộc thanh tra, ban hành, thực hiện kết luận thanh tra…với thẩm quyền và trách nhiệm cụ thể của các chủ thế

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ 01/7/2011 đến 30/6/2019, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 61.860 cuộc thanh tra hành chính và 1.668.899 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 312.829 tỷ đồng và 357.455 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 279.998 tỷ đồng, 30.842 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 12.651 tập thể, 33.315 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 32.340 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 669 vụ, 886 đối tượng. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và kiến nghị khắc phục, hoàn thiện; đã tích cực, chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thực tiễn thực hiện các cuộc thanh tra trong thời gian qua cho thấy, về cơ bản, các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra thời gian qua được thực hiện khá nghiêm túc, nhất là việc thực hiện công khai kết luận thanh tra đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thanh tra. Việc công bố Kết luận thanh tra được tiến hành bằng hình thức công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời việc công khai kết luận thanh tra cũng được thực hiện thông qua hình thức đưa lên Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, thông cáo báo chí; niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Qua đó, những thông tin liên quan đến kết quả hoạt động thanh tra đã được chuyển tải kịp thời đến công luận và nhận được sự quan tâm của xã hội.

Quy định của pháp luật về nguyên tắc công khai trong hoạt động thanh tra và việc thực hiện nguyên tắc này trên thực tế đã góp phần bảo đảm tính minh bạch cho hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động thanh tra trong thời gian qua vẫn cho thấy một số vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đang đặt ra đối với hoạt động thanh tra, nhất là trong xây dựng kế hoạch thanh tra và trong tiến hành các cuộc thanh tra cụ thể.

Thứ nhất, trong xây dựng kế hoạch thanh tra

Để đảm bảo hoạt động thanh tra trong phạm vi cả nước có tính thống nhất và bám sát định hướng chương trình thanh tra của Chính phủ, Luật Thanh tra, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra và Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ đã có quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hàng năm của cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cũng như điều chỉnh, xử lý chồng chéo, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra. Thanh tra chính phủ và Kiểm toán nhà nước cũng đã ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan, Theo nội dung Quy chế, chậm nhất vào ngày 15/11 hàng năm, trước khi ban hành Kế hoạch kiểm toán và Kế hoạch thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ gửi dự thảo Kế hoạch kiểm toán và Kế hoạch thanh tra của năm tiếp theo cho nhau để trao đổi ý kiến. Trường hợp Kế hoạch kiểm toán, Kế hoạch thanh tra có sự trùng lắp về đơn vị được kiểm toán, đối tượng thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ phối hợp để thống nhất xử lý phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan. Bên cạnh đó, trường hợp cần thiết, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ có thể trao đổi, sử dụng kết quả kiểm toán, thanh tra thể hiện trong Báo cáo kiểm toán, Kết luận thanh tra để làm căn cứ xem xét, đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật của đơn vị được kiểm toán, đối tượng thanh tra. Cơ quan sử dụng kết quả đã được kết luận chính thức qua hoạt động kiểm toán, thanh tra phải tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng kết quả kiểm toán, thanh tra.

Trên thực tế, vẫn còn tình trạng chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước, điều này đã được đề cập đến trong nhiều văn bản của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng doanh nghiệp và xã hội nói cung cũng rất quan tâm đến việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Ngày 17/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp cũng đã đề cập đến vấn đề này và có những yêu cầu cụ thể để hạn chế chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Từ thực tế cũng cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tính trạng chồng chéo, chưa thuyết phục trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nói chung là do còn những hạn chế trong việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình khi xây dựng xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra. Kinh nghiệm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ở một số địa phương thời gian qua cho thấy việc tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với nhau có ý nghĩa rất quan trọng để tránh sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, bảo đảm các kế hoạch thanh tra xác định được đúng đối tượng, có trọng tâm, trong điểm, đáp ứng được yêu cầu của quản lý nhà nước.

Thứ hai, trong quá trình tiến hành các cuộc thanh tra

Quá trình tiến hành thanh tra được thực hiện theo ba giai đoạn là: (i) chuẩn bị thanh tra; (ii) tiến hành thanh tra: (iii) kết thúc cuộc thanh tra. Mỗi giai đoạn tiến hành đều có những yêu cầu riêng về công khai, minh bạch với những nội dung cụ thể. Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm, quy trình nghiệp vụ, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra vẫn còn một số bất cập, việc thực hiện trên thực tế chưa đầy đủ, nghiêm minh, có biểu hiện thiếu khách quan, minh bạch, một số cuộc thanh tra đã có việc tượng lợi dụng những kẽ hở trong quy định đó để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý. Có thể khái quát một số bất cập sau:

- Trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra:

Trước khi ban hành quyết định thanh tra, trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gọi chung là người giao nhiệm vụ nắm tình hình) chỉ đạo việc thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để phục vụ cho việc ban hành quyết định thanh tra. Đây là quy định chung nhưng chưa có quy định cụ thể để bảo đảm minh bạch và giải trình về việc xác định đối tượng cần thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình và từ đó xác định cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến được thanh tra và các đối tượng có liên quan. Chủ thể có thẩm quyền tiền hành thanh tra có thể lợi dụng quy định này tiến hành khảo sát, làm việc với rất nhiều đối tượng liên quan và có thể phát sinh những tiêu cực ngay trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra

- Trong tiến hành hành tra:

Hiện nay, quy trình tiến hành một cuộc thanh tra được áp dụng chung cho cả hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong một số hoạt động thanh tra chuyên ngành, quy định về việc gửi quyết định thanh tra đến đối tượng thanh tra trước khi tiến hành thanh tra tại Khoản 5, Điều 36 Luật Thanh tra, điều này có thể khiến đối tượng thanh tra xóa dấu vết vi phạm, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra. Quy định này cũng không phù hợp với đặc điểm của ngành, địa phương trong trường hợp kế hoạch thanh tra chỉ xác định được đối tượng thanh tra theo diện rộng, theo địa bàn, nhóm đối tượng thanh tra mà không thể xác định được đích danh đối tượng thanh tra trong kế hoạch thanh tra (như thanh tra vệ sinh thực phẩm, dược phẩm, cơ sở y tế...). Quy định về việc công bố quyết định thanh tra trước khi thanh tra đột xuất cũng gây nên những trở ngại tương tự, nhất là trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế, được phẩm, môi trường ngành nghề kinh doanh nhạy cảm...

Luật Thanh tra cũng quy định trong thời hạn 15 ngày quyết định thanh tra phải được công bố cho đối tượng thanh tra và phải được lập biên bản, nhưng qua thực tế khi thực hiện gặp nhiều khó khăn, như một cuộc thanh tra có nhiều đối tượng thanh tra và nằm ở các địa bàn rộng, các đơn vị hành chính lại xa trung tâm, đặc biệt đối với miền núi, biên giới đi lại khó khăn, không thể triệu tập tất cả các đối tượng thanh tra để công bố quyết định thanh tra gây khó khăn, phiền hà, tốn kém về kinh phí, phương tiện đi lại của đối tượng thanh tra.

Bên cạnh đó, mặc dù pháp Luật Thanh tra và Nghị định Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra có quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tiến hành thanh tra nhưng còn thiếu quy định về trách nhiệm giải trình của các chủ thế này khi thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra chưa rõ (thiếu quy định theo hướng giải thích, làm rõ tại sao sử dụng/không sử dụng quyền này hoặc quyền khác khi tiến hành thanh tra). Bên cạnh đó, pháp luật về thanh tra cũng còn thiếu quy định về trách nhiệm giải trình của thành viên đoàn thanh tra với trưởng đoàn thanh tra, trách nhiệm giải trình của trưởng đoàn thanh tra với người ra kết luận thanh tra về những nội dung thanh tra cũng như giải trình về những tình huống phát sinh như việc chưa tuân thủ đúng quy định về thời gian báo cáo kết quả thanh tra, ban hành kết luận thanh tra...

- Trong ban hành, công khai kết luận thanh tra

Hiện nay, quy định công khai kết luận thanh tra chưa phù hợp với đoàn thanh tra chuyên ngành. Nếu áp dụng một cách cứng nhắc, thiếu linh hoạt thì không phù hợp với một số ngành (ví dụ như ngành ngân hàng), bởi lẽ, việc thông tin cụ thể về kết luận thanh tra có thể gây ra các rủi ro về thị trường tín dụng, ảnh hưởng đến xã hội.

Thứ ba, trong thực hiện kết luận thanh tra

Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 03 năm 2015 đã có quy định khá cụ thể về việc thực hiện kết luận thanh tra. Thực tiễn cho thấy việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ở nhiều nơi chưa nghiêm túc, nhất là trong việc thu hồi các khoản tiền sai phạm nộp ngân sách nhà nước, còn thiếu các quy định về các biện pháp hữu hiệu, các chế tài cụ thể để buộc các đối tượng phải thực hiện. Tuy nhiên, hiện cũng còn thiếu quy định về minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra.

III. Một số định hướng hoàn thiện quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra

Tổ chức và hoạt động thanh tra hiện đang đứng trước yêu cầu đổi mới. Điều này được thể hiện trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng và chính sách của nhà nước, ví dụ như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết số 48/2005/NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Nghị quyết số 21/2009/NQ-CP ngày 12/5/2009 ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;  Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 08/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ)… Nhìn chung các yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đặt ra là cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, bảo đảm mọi hoạt động đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của Chính phủ; tăng cường tính độc lập và chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra; đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra theo hướng cơ quan theo cấp hành chính chuyển mạnh sang thực hiện chức năng giám sát, đánh giá hành chính và tăng cường thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ công vụ, thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, cơ quan theo ngành, lĩnh vực tập trung vào thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tăng cường hiệu lực thi hành các kết luận của các cơ quan thanh tra...

Trước những yêu cầu chung của về kiện toàn hệ thống chính trị và hoàn thiện chức năng của bộ máy nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cấp trong hoạt động thanh tra, tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra cũng cần có sự thay đổi mạnh mẽ và phải bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của mình. Trong xu thế chung đó, Thanh tra Chính phủ đã tổng kết thực tiễn, rà soát, hệ thống hóa các quy định của pháp luật và có những đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về thanh tra. Việc hoàn thiện quy định của pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra hiện đang được đề cập đến trong quá trình sửa đổi hai văn bản sau:

Thứ nhất, sửa đổi Luật Thanh tra

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010. Một trong những quan điểm đề xuất sửa đổi là tổ chức lại các cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hoạt động thực sự hiệu quả, hiệu lực trở thành một thiết chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước và việc thực hiện công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần chấn chỉnh và hoàn thiện cơ chế quản lý, xây dựng một nền công vụ liêm chính và phục vụ, phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động hiện nay. Cùng với sự bóc tách rõ ràng giữa thanh tra hành chính với thanh tra, kiểm tra chuyên ngành là những quy định cụ thể về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong từng loại hình hoạt động thanh tra cho phù hợp.

Thứ hai, Thanh tra Chính phủ hiện cũng đã hoàn thiện Dự thảo quy định về tổ chức và hoạt động củaĐoàn thanh tra (để thay thế Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 6/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh travà trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Thông tư số 08/2015/TT-TTCP ngày 15/12/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về sổ nhật ký đoàn thanh tra; Quyết định số 2316/QĐ-TTCP ngày 10/10/2013 của Thanh tra Chính phủ ban hành Quy trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra). Dự thảo thông tư cũng có nhiều quy định bảo đảm quy trình tiến hành hoạt động thanh tra được chặt chẽ, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể trong từng giai đoạn tiến hành một cuộc thanh tra./.

[1] Điều 5 Luật Thanh tra năm 2004
[2] Điều 7 Pháp lệnh Thanh tra năm 1990
[3] Khoản 1 Điều 8 và Khoản 1 Điều 53 Luật Thanh tra năm 2004
[4] Điều 39 Luật Thanh tra năm 2010
[5] VCCI: Liêm chính và minh bạch trong kinh doanh vì sự phát triển bền vững, tr.18.
[6] Điều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018
[7] Điều 3 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng
[8] Khoản 2,3 Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010
*** Bài viết được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo "Trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn" trong khuôn khổ đề tài KH cấp Quốc gia: Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Mã số: KX.01.41/16-20
TS. Nguyễn Văn Thanh
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Tỉ giá ngoại tệ

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/