Mục tiêu đến năm 2025 không còn dân di cư tự do

12:56 18/12/2018

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, tình hình di dân tự do đã giảm mạnh trong những năm gần đây, đời sống người dân bước đầu được ổn định.

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày tại Hội nghị Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây nguyên. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo số liệu được công bố, tổng số hộ dân di cư tự do đến địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ từ năm 2005 đến nay là 66.738 hộ, trong đó: Tây Bắc: 5.811 hộ; Tây Nguyên: 58.846 hộ; Tây Nam Bộ: 2.081 hộ.

Tình trạng dân di cư tự do, không có sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở đã kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, phá vỡ quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch đất, quy hoạch vùng sản xuất. Việc xử lý các vấn đề liên quan về dân tộc, công tác xóa đói giảm nghèo, quản lý sử dụng đất trở nên rất khó khăn, phức tạp cho các địa phương. Một số địa bàn đã phát sinh một số điểm nóng về an ninh trật tự, tranh chấp đất đai, phá rừng, xáo trộn đời sống của người dân địa phương, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn… 

Thời gian qua, vấn đề dân di cư tự do, công tác dân tộc, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế xã hội cho khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và nhà nước rất quan tâm, được Chính phủ tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Giai đoạn 2013-2017, cả nước phê duyệt và tổ chức thực hiện 65 dự án bố trí ổn định dân di cư tự do; đã bố trí, sắp xếp ổn định được 17.510 hộ, trong đó có 11 dự án hoàn thành với 3.117 hộ; 39 dự án đang dở dang đã bố trí được 14.393 hộ. Số hộ cần tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tới là 23.895 hộ.

Đến nay, hầu hết các hộ dân di cư tự do bố trí, sắp xếp vào vùng dự án được đăng ký tạm trú, tạm vắng và nhập hộ khẩu đạt 42,2%, điển hình như tỉnh Gia Lai đã nhập hộ khẩu cho 927 hộ, tỉnh Đắk Lắk là 587 hộ.

Về bố trí đất ở, đất sản xuất, các hộ dân di cư tự do bố trí vào các điểm dân cư theo quy hoạch cơ bản được bố trí đủ đất ở, đất sản xuất theo quy định. Tuy nhiên, một số dự  án còn thiếu đất sản xuất hoặc bố trí đất sản xuất xa nơi ở, vì vậy gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt và đang được các địa phương có các giải pháp để khắc phục.

Tại các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của các hộ dân như giao thông nội vùng, thủy lợi nhỏ, cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện sinh hoạt, trường lớp học, nhà văn hóa, trạm y tế, ... Tuy nhiên, các dự  án dở dang vẫn còn các hạng mục công trình chưa được đầu tư hoàn thiện và một số hạng mục đã xuống cấp, cần được tiếp tục đầu tư hoàn thiện và nâng cấp để ổn định đời sống dân cư.

Tại các điểm bố trí ổn định dân di cư tự do, các hộ dân được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế như trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo chuyển đổi nghề. Đã trồng mới gần 55 nghìn ha cây trồng các loại; trồng, khoanh nuôi bảo vệ trên 63 nghìn ha rừng; phát triển chăn nuôi hơn 1 triệu con gia súc, gia cầm; tổ chức đào tạo nghề cho trên 461 nghìn lượt người lao động nông thôn.

Về vốn thực hiện, tổng nhu cầu vốn thực hiện 65 dự án là 3.951 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2017, vốn đã bố trí là 1.808 tỷ đồng (đạt 45,8% tổng mức đầu tư được duyệt), trong đó ngân sách Trung ương  1.736 tỷ đồng, ngân sách địa phương và vốn lồng ghép khác 72 tỷ đồng.

Theo thống kê, tình hình dân di cư tự do trong những năm gần đây đã giảm mạnh. Số hộ di dân tự do năm 2005 là 2.690 hộ, năm 2016 là 582 hộ và năm 2017 là 318 hộ, số hộ đã ổn định cuộc sống khoảng hơn 42 nghìn hộ. Đến nay vẫn còn 24 nghìn hộ dân di cư tự do (tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên - hơn 22 nghìn hộ) chưa được bố trí, sắp xếp ổn định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 giảm tình trạng dân di cư tự do và ưu tiên thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định cho 24.250 hộ dân thực sự khó khăn, cấp bách. Đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do trái pháp luật và hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp toàn bộ số hộ dân di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch. Đến năm 2030 đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chú trọng tuyên truyền, vận động

Trong các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đặt lên hàng đầu. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bố trí dân cư bằng nhiều hình thức tuyên truyền. Sử dụng lực lượng tuyên truyền là những cán bộ thông thạo tiếng dân tộc, các tổ chức quần chúng tại cơ sở, đặc biệt là già làng trưởng bản, người có uy tín tại thôn, bản để vận động, thuyết phục đồng bào tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống bền vững lâu dài.

Cùng với đó, sẽ thực hiện các Chương trình, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trong vùng như phát triển sản xuất hàng hóa theo thế mạnh của từng địa phương, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Tổ chức lại sản xuất, phát triển trang trại, tổ hợp tác và hợp tác xã tại các tỉnh có dân di cư tự do đến; khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân để sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển hạ tầng khu vực này.

Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, tại các điểm bố trí dân cư, xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề cho 5.000 lao động nông thôn thuộc các hộ dân di cư tự do và thiên tai; nâng cao trình độ sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng nguyên liệu; ưu tiên đào tạo nghề với nhu cầu sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Vận dụng các cơ chế, chính sách hiện có, đặc biệt là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách bảo hiểm nông nghiệp; chính sách bảo vệ và phát triển rừng; chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách tín dụng,... để thực hiện hỗ trợ vùng bố trí ổn định dân di cư tự do, thiên tai góp phần phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho các hộ dân, ổn định cuộc sống lâu dài.

Tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng sử dụng đất và điều chỉnh diện tích đất sử dụng không hiệu quả để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do. Xử lý nghiêm phần đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên đang bị lấn chiếm. Đồng thời xây dựng phương án quản lý, sử dụng và bố trí đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do thiếu đất theo quy định của pháp luật. Trước mắt, đến năm 2020 bố trí đất sản xuất đã được rà soát cho các hộ dân di cư tự do và dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên.

Nguồn: http://chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

TS Nguyễn Trung Thành

ThS. Bùi Quang Đông

Tỉ giá hối đoái

Tỉ giá ngoại tệ

Hội nghị quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050

https://essi.org.vn/